Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách tư liệu tổng hợp
Giới thiệu bộ sách “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội”

Đối với giới sử học, địa bạ là nguồn tài liệu có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện. Với các thông tin phong phú về đất đai, địa bạ là bức tranh khá toàn diện về đời sống xã hội Việt Nam ở cả nông thôn và đô thị trong nửa đầu thế kỷ XIX với những nội dung về cảnh quan, quy hoạch không gian, quan hệ ruộng đất, tình hình sản xuất, canh tác của từng đơn vị hành chính cơ sở… Tuy nhiên, việc tổ chức dịch thuật, biên soạn địa bạ không hề đơn giản bởi khối lượng văn bản hết sức đồ sộ. Thêm vào đó, do đặc thù loại hình tư liệu, sách địa bạ không thể tuyển chọn như các loại sách tư liệu khác (hương ước, văn khắc, thần tích…) mà bắt buộc phải xuất bản toàn văn theo từng đơn vị hành chính mới có giá trị về nghiên cứu và đảm bảo tính khoa học.

Tác giả: Vũ Văn Quân
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2019
Tổng số trang: 10 đầu sách (gồm 17 tập)
Kích thước: 16x24
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00)
Giới thiệu về sách:

 Hạng mục Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long, một nội dung trọng tâm của Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, đạt thành quả là hàng trăm ngàn trang tư liệu quý thuộc các thể loại địa chí, hương ước, văn khắc, thần tích, địa bạ… đã góp phần làm phong phú thêm kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long. Từ nguồn tư liệu này, ở giai đoạn I của Dự án Tủ sách, nhiều đầu sách tư liệu có giá trị được biên soạn và xuất bản như Tuyển tập Địa chí (3 tập), Tuyển tập Hương ước tục lệ, Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm, Tuyển tập Thần tích… Riêng bộ sách Địa bạ cổ Hà Nội - Huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận (2 tập) xuất bản ở giai đoạn I mới chỉ bao gồm địa bạ khu vực trung tâm thành phố, chủ yếu ở các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng trong phạm vi 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thời phong kiến.

Ở giai đoạn II này, với việc thành phố Hà Nội mở rộng, công tác biên dịch và xuất bản bộ sách tư liệu địa bạ được triển khai trên quy mô rộng hơn. Mặc dù vẫn chưa thực sự triệt để nhưng chủ biên công trình - PGS.TS. Vũ Văn Quân cùng hàng chục nhà khoa học có uy tín, có chuyên môn cao đã tổ chức biên soạn, dịch thuật và cho ra mắt bộ sách Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội. Tư liệu địa bạ được thành lập từ đầu thời Nguyễn, cách đây trên dưới 200 năm. Kể từ đó đến nay, diên cách của các đơn vị hành chính đã qua rất nhiều lần biến đổi. Với khối tư liệu khổng lồ, phức tạp, việc quy đổi địa giới từ thời đó theo địa giới hành chính hiện nay là điều không khả thi. Vì thế, bộ địa bạ được dịch và biên soạn theo các đơn vị hành chính cũ thời Nguyễn Gia Long và Minh Mạng (là thời điểm lập địa bạ). Bộ sách được xuất bản lần này gồm 10 đầu sách, mỗi đầu sách tương đương với một huyện ở thời điểm lập địa bạ (1805), đó là:

1. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Chương Đức

2. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Đan Phượng, 2 tập

3. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Gia Lâm, 2 tập

4. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Hoài An

5. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Phú Xuyên, 2 tập

6. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Phúc Thọ

7. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Sơn Minh, 2 tập

8. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Oai, 2 tập

9. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thanh Trì, 2 tập

10. Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội: Địa bạ huyện Thượng Phúc, 2 tập

Nguồn tài liệu địa bạ được sử dụng để biên dịch ở đây chủ yếu khai thác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (duy nhất trường hợp huyện Phúc Lộc (Phúc Thọ) không có địa bạ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nhưng lại có địa bạ (không đầy đủ) ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Kho địa bạ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phần lớn là các bản chính và gần như đầy đủ, còn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đa phần đều là các bản sao. Việc biên dịch từ chữ Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ và công bố toàn văn gần như trung thành tuyệt đối với nguyên bản sẽ làm thỏa mãn nhiều đối tượng bạn đọc.

Về kết cấu, mỗi đầu sách ngoài Lời Nhà xuất bản, Lời nói đầu, Phàm lệ, Từ vựng Hán - Việt trong địa bạ, nội dung sách gồm 2 phần chính:

1. Bài nghiên cứu tổng quan về nguồn tư liệu địa bạ và tư liệu địa bạ của từng huyện.

2. Bản dịch tư liệu địa bạ của từng huyện.

Phần này chiếm dung lượng phần lớn của mỗi đầu sách, cung cấp tư liệu địa bạ phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu.

Cuối mỗi tập sách đều có phần Sách dẫn để tra cứu. Ở đây cũng cần nói thêm, do việc lập địa bạ tại các địa phương là rất thủ công ở trình độ xã hội cách đây trên dưới 2 thế kỷ nên ngay từ địa bạ gốc không tránh khỏi những nhầm lẫn, những người biên dịch giữ quan điểm hoàn toàn trung thành với tư liệu gốc. Đây là chưa kể tình trạng không còn nguyên vẹn ở một số tư liệu gốc do điều kiện bảo quản kém, cũng gây nhiều khó khăn cho việc biên dịch.

Với 10 đầu sách gồm 17 tập, dung lượng trên 15.000 trang in được xuất bản lần này mà nội dung gần như toàn văn địa bạ của từng huyện, chúng tôi tin tưởng bộ sách sẽ là tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học từ sử học, kinh tế học đến văn hóa học, ngôn ngữ học, địa danh học, văn tự học… Chúng tôi hy vọng bộ sách cũng hữu ích cho giới chức lãnh đạo trong việc hoạch định các chính sách về quản lý và sử dụng đất đai, một trong những lĩnh vực hết sức nóng bỏng, được cả xã hội quan tâm trong tình hình hiện nay.

Với những khó khăn, phức tạp của công việc như đã nói trên, chắc chắn bộ sách không tránh khỏi sai sót. Nhà xuất bản Hà Nội mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn đọc để tiếp tục hoàn thiện bộ sách trong những lần xuất bản sau.

Quốc Tuấn

Sách cùng chuyên mục

Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu Văn học - Nghệ thuật

Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu viết về văn học, nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội được đăng tải, công bố... Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu này được đăng tải ở nhiều nơi và ở nhiều thời điểm khác nhau, vì vậy, việc xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài viết tiêu biểu về văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội của các tác giả khác nhau sẽ giúp người đọc, người nghiên cứu dễ dàng tiếp cận những vấn đề văn học nghệ thuật của mảnh đất ngàn năm lịch sử.
Nhiều tác giả - Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu: PGS.TS. Trần Nho Thìn
NXB Hà Nội
2010
1492 trang

Giới thiệu sách “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954”

 Nội dung chính của cuốn sách “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954” là một bộ sưu tập gồm 85 văn bản về xây dựng và quản lý đô thị ở Hà Nội từ 1885 đến 1954, chủ yếu được sưu tầm, tuyển chọn từ các phông lưu trữ (fonds d’archives) của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đặc biệt có 2 văn bản được sưu tầm từ Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp (Archives d’Outre - Mer ANOM) được dịch toàn văn và được công bố lần đầu tiên dưới dạng một cuốn sách. 

Đào Thị Diến
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
652
16x24

Bộ “Tuyển tập dòng văn Phan Huy (nhánh Sài Sơn)”

Thành tựu của Dòng văn Phan Huy từ trước đến nay đã được giới thiệu đặc biệt là những tác giả và tác phẩm lớn như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, bản dịch Chinh phụ ngâm, bản dịch Tỳ bà hành. Tuy nhiên ở bộ này, Tuyển tập dòng văn Phan Huy đã giúp độc giả có được cái nhìn tổng quát và sâu sắc về thành tựu trước tác của một dòng họ trong tư thế một dòng phái văn học mà nhóm biên soạn định danh là “Dòng văn Phan Huy - nhánh Sài Sơn”. Bộ tuyển tập này do nhóm các nhà nghiên cứu văn học và Hán Nôm học thực hiện, PGS. TS Trần Thị Băng Thanh và TS. Phạm Ngọc Lan làm đồng chủ biên. Công trình ưu tiên giới thiệu những tác phẩm chưa được công bố nhưng cũng tuyển chọn lại hàu hết những tác phẩm quan trọng để bảo đảm tính hệ thống và đặc điểm thành tựu của Dòng văn.

Trần Thị Băng Thanh - Phạm Ngọc Lan
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
Tập 1 - Số trang: 944; Tập 2 - Số trang: 768
16x24

Giới thiệu sách “Khâm định An Nam Kỷ lược”

Cuốn sách “Khâm định An Nam Kỷ lược” bao gồm 2 quyển nhan đề Thiên Chương [Nhất, Nhị] là văn thơ ngự chế và tập hợp chính văn 30 quyển, tổng cộng 378 văn kiện, phần lớn là chiếu biểu, tấu thư, hịch văn... qua lại từ triều đình nhà Thanh với địa phương Trung Quốc và giao thiệp với nước ta trong khoảng từ tháng Năm năm Càn Long 53 (Mậu Thân 1788) đến tháng Ba năm Càn Long 56 (Tân Hợi 1791).

Nguyễn Duy Chính
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
1080
16x24

Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Văn kiện Lịch sử

Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ trì tuyển chọn)
Nhà Xuất bản Hà Nội
980 trang
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)