Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 21/09/2013 09:43
Xây dựng nhân cách học đường: Gia đình chung tay với nhà trường
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, mỗi trẻ sinh ra tâm hồn, nhân cách như tờ giấy trắng. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng giai đoạn từ 1-10 tuổi là thời kỳ vàng để giáo dục toàn diện cho trẻ từ nhân cách đến trí tuệ, kỹ năng ứng xử.

Bác Hồ đã từng nói, giáo dục phải xuất phát từ Gia đình-Nhà Trường-Xã hội. Vì vậy trong giáo dục trẻ phải xuất phát từ gia đình, và vai trò của gia đình là cực kỳ quan trọng.

Người thầy đầu tiên và suốt đời

Theo GS.TS. Phạm Thành Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, hiện tồn tại 4 cách dạy con: Áp đặt, chiều chuộng, thờ ơ buông lỏng và quyền lực mềm.

Các bậc phụ huynh hiện đại cũng đã tự trang bị cho mình nhiều kiến thức về phương pháp giáo dục con, và mỗi người tùy theo nhận thức, quan điểm riêng của mình sẽ áp dụng những biện pháp giáo dục mà họ thấy đúng nhất, phù hợp nhất, hiệu quả với con mình.

Ảnh minh họa

Chị Kim Chung (Ngọc Lâm, Hà  Nội) cho biết quan điểm giáo dục con của gia đình chị là  không ép buộc nhưng cũng không chiều chuộng. Khi con gái chị (6 tuổi) đòi bố mẹ mua đồ chơi, chị đã cho con 2 lựa chọn: Mua đồ chơi thì thôi mua sách. Sau khi phân tích cho con thấy giữa sách và đồ chơi cái gì cần thiết hơn chị để cho con tự lựa chọn chứ không ép buộc cũng không quyết định thay con. Theo chị Chung, đó là cách để con rèn tính tự lập, tự quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình từ chuyện nhỏ ngay từ khi còn bé.

Có một kiểu dạy nữa đó là không dạy dỗ gì cả, để con tự lớn lên một cách hoang dã, vô tổ chức. Chị Lại Thúy Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) đã để cho con trai (4 tuổi) phát triển tự do theo bản năng từ bé. Bé được tự do ăn, ngủ tùy thời điểm theo cách mình thích, chị không yêu cầu bé ăn ngủ đúng giờ giấc. Ngay cả khi 2 mẹ con đi du lịch biển, chị cũng để con tự do nô giỡn với sóng biển một mình mà không kè kè bên cạnh như nhiều bậc phụ huynh khác. “Có lần bé suýt chết đuối ở Cô Tô do hụt chân xuống hố, nhưng ngay lập tức bé đã tự bám vào đá trồi lên mà không khóc cũng không tỏ ra sợ hãi”, chị Hà kể.

Có lẽ do được lớn lên tự do như cây cỏ nên con chị rất bạo dạn, mạnh mẽ và dễ dàng thích nghi với nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.

Với cách dạy áp đặt dễ khiến trẻ trở nên ngỗ  ngược, bướng bỉnh, có những phản ứng ghê gớm, đối đầu. Cách dạy kiểu chiều chuộng, con muốn gì được nấy, sẽ biến trẻ thành "ông vua bà hoàng con" trong nhà, trẻ sẽ không chịu nghe lời bố  mẹ, ông bà và thầy cô giáo, chỉ thích làm theo ý mình.

Với kinh nghiệm dạy trẻ lớp 1 của mình, cô Vũ Thị Lệ (trường tiểu học Nguyễn Du, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết: Ở lớp, cô đã uốn nắn rất cẩn thận, chỉ cho con phải thưa gửi, chào hỏi lễ  phép, phải biết tự dọn sách vở, đồ chơi của  mình. Nhưng cứ về đến nhà là “đâu lại hoàn đấy” vì bố mẹ ở nhà luôn chạy theo “hầu” con đến tận răng. Khách đến nhà con không chào hỏi cũng không nhắc nhở gì.

GS. Phạm Thành Nghị  đánh giá, vai trò của gia đình  trong giáo dục nhân cách cho trẻ chiếm tới 60% trong tương quan với các yếu tố khác như nhà trường-xã hội. Tỷ lệ này thậm chí còn có thể lên tới 70% nếu trẻ tiếp xúc ít hoặc quá muộn với môi trường xã hội bên ngoài.

Trong thời đại công nghiệp, sức ép công việc lớn khiến bậc cha mẹ nào cũng bận rộn, thời gian dành cho công việc, quan hệ xã hội của một số phụ huynh còn nhiều hơn dành cho con nên không ít bố mẹ đã phó mặc mọi sự giáo dục con cho nhà trường.

Sau khi vợ chồng ly hôn, mỗi người lại đi bước nữa nên con gái chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) ở với ông bà. Bận rộn với công việc và gia đình mới nên chị chỉ tranh thủ gặp con vào ngày cuối tuần. Toàn bộ việc dạy con hầu như chị phó thác cho thầy cô giáo. Con gái chị thiếu thốn tình cảm cùng với sự uốn nắn của bố mẹ trở nên rất bướng bỉnh và nổi loạn. “Mỗi khi đi họp phụ huynh nghe cô giáo nói về con mà tôi chỉ biết khóc”, chị Hương tâm sự.

Cô Lệ kể lại, nhiều bố mẹ mải kiếm tiền quá, con đi học về chỉ ôm ti vi và  la cà chơi với hàng xóm, việc học hành ở nhà không có ai đốc thúc nên con học ngày một kém đi và trở nên bướng bỉnh lầm lì vì chơi nhiều với bạn xấu. Thế nhưng nhiều phụ huynh lại không nhận ra trách nhiệm của mình mà lại đến chất vấn cô giáo: Sao tôi đã chi nhiều tiền thế mà con tôi vẫn học kém, vẫn hư?

GS. Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, nhận xét “không phải cứ đóng đầy đủ tiền học phí rồi giao con cho nhà trường, đi từ sớm tới tối về yên tâm là con mình sẽ thành người với đầy đủ tri thức và nhân cách, kỹ năng sống. Đó là tư duy thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm”.

Ảnh minh họa

Tìm phương thức phối hợp nhà trường-gia đình

Tuy nhiên, GS.TS. Phạm Thành Nghị cũng cho rằng, mặc dù khi các em đến trường thì nền tảng trí tuệ, nhân cách đã được hình thành nhưng nhà trường với phương pháp giáo dục khoa học vẫn có thể kịp thời chỉnh sửa, uốn nắn nếu chú trọng đúng mức vai trò của việc “dạy người” bên cạnh nhiệm vụ “dạy chữ”.

“Hướng các em vào những đam mê lành mạnh sẽ dễ dàng định hướng các em theo những con đường tích cực thay vì lao vào những trò chơi điện tử vô bổ, bạo lực, những loại hình giải trí dễ dãi, trụy lạc, gây lệch lạc về nhân cách. Chẳng hạn như tạo điều kiện cho những em thích văn nghệ được tham gia câu lạc bộ âm nhạc, phim ảnh, lập nhóm hát, sáng tác văn thơ, những em thích thể thao thì tham gia các câu lạc bộ bóng đá, cầu lông…”, GS.TS. Nghị phân tích.

Chức năng, nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục học sinh và phối hợp với phụ huynh để dạy trẻ. Do vậy, bản thân nhà trường cần tăng cường phối hợp quan hệ thông tin 2 chiều với các bậc phụ huynh.

“Tuy nhiên, cách thức liên lạc như vậy cũng chỉ mới dừng ở mức độ thông báo khô khan, chưa có sự tương tác với phụ huynh, chúng tôi mong nhận được nhiều sự tương hỗ từ nhà trường hơn nữa trong phương pháp dạy con. Vì rõ ràng, không phải bậc cha mẹ nào cũng là một chuyên gia giáo dục”, chị Quyên (Ngọc Hà, Ba Đình) chia sẻ.

Do đó, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn  được nhà trường tư vấn hướng dẫn cho cha mẹ đúng cách thức, phương pháp giáo dục con một cách khoa học. Qua đó cùng phối hợp để kịp thời điều chỉnh những hành vi “lệch chuẩn” của trẻ. “Vì cô có cách của cô, bố mẹ có cách của bố mẹ, cả 2 bên cùng vào cuộc, cùng đồng hành với trẻ thì mới giúp trẻ nên người”, chị Quyên bày tỏ.

Cô Mai, giáo viên môn tiếng Anh trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhờ thường xuyên lắng nghe, chia sẻ với các em học sinh nên các em rất thích được ngồi tâm sự với cô. Nắm được tâm lý các em nên cô đã có cách ứng xử “tâm lý” nhất với những ẩm ương của tuổi dậy thì. Cũng đã có nhiều phụ huynh đến xin gặp riêng, nhờ cô tư vấn để có cách ứng xử khi con ương bướng vì “cô còn hiểu con hơn cả bố mẹ”.

Đã có 4 năm kinh nghiệm dạy học sinh tiểu học, Quyên Anh, giáo viên mầm non của trường Dịch Vọng đã đôi lần phát hiện và kịp thời hỗ trợ bố mẹ điều chỉnh các con chớm bị tự kỷ trước khi quá muộn.

Có thể nói, gia đình-nhà trường luôn sát cánh bên con từ khi còn trong bụng mẹ tới khi con bước vào đời, đó mới là cách tối ưu nhất để giáo dục, định hình, bồi đắp và định hướng cho con đi đúng trên con đường trưởng thành để làm người.


(Theo chinhphu.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)