Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 24/02/2014 04:01
Khó có thể nghĩ Hà Nội thiếu hồ Gươm và cầu Long Biên!
Xung quanh việc Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội đưa ra các phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên, sáng 24/2, trao đổi với với VnMedia, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII cho rằng, khó có thể nghĩ đến một Hà Nội thiếu hồ Gươm và cầu Long Biên.

- Thời gian vừa qua, dư luận xã hội bàn tán nhiều về việc Bộ Giao thông đưa ra kế hoạch xây mới và bảo tồn cầu Long Biên. Quan điểm của GS về việc này thế nào?
 
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Đã xây mới thì còn gì là bảo tồn nữa. Chúng ta đã xây mới cầu Hiền Lương, làm đường mới không qua cầu Hàm Rồng... Chừng ấy chưa đủ rút kinh nghiệm hay sao?.
 
Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến yêu cầu phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân. Cầu Long Biên cũng như Hồ Gươm gắn liền với tâm tưởng của mọi người về Hà Nội. Khó có thể nghĩ đến một Hà Nội thiếu Hồ Gươm và cầu Long Biên. Qua Pra-ha (Séc) đi trên tầu điện mà nhớ tiếc đến tiếng leng keng của tầu điện giữa lòng Hà Nội xưa.
 
Cây cầu hơn 110 năm tuổi này gắn liền với biết bao kỷ niệm. Từ cuộc rút ra khỏi Hà Nội để bắt đầu cuộc kháng chiến 9 năm, rồi đến những ụ súng dựng ngay trên cầu để bắn thẳng vào phi cơ Mỹ, và hàng chục triệu người đi lại xuôi ngược thường xuyên qua cầu trong trên một thế kỷ. Thế không phải là một di sản quan trọng hay không?.
 
Đụng chạm đến di sản, lại là một di sản thiêng liêng như vậy nhẽ nào không quan tâm đến Luật Di sản?

  Ảnh minh họa

 Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Vậy Giáo sư đánh giá sao về 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên do Bộ Giao thông đưa ra?
 
Bộ GTVT vừa đưa ra 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên. Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn. Với phương án này, cầu Long Biên cũ sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng. Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới có hình dáng tương tự cầu cũ nhưng công năng thay đổi, được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ô tô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà). Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
 
Cả ba phương án đều không thể chấp nhận được. Tôi thấy là nên bỏ đi việc đưa đường sắt qua sông để vào nội thành Hà Nội. Các chuyến tàu đi Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn khó khăn gì đâu mà không bắt đầu từ một ga mới bên kia sông? Tiền quá nhiều dành cho những phương án nói trên nên dùng một phần để dựng lại các thành cầu Long Biên bị giặc Mỹ đánh phá và để có lại hình ảnh đẹp đẽ của cầu Long Biên xưa.
 
Phần đường tàu hỏa sửa lại để dành cho giao thông xe máy. Người đi xe đạp và đi bộ tiếp tục đi hai cạnh bên như trước đây.
 
- Hiện nay, nhiều di tích lịch sử sau khi được tu bổ thì không còn giá trị ban đầu. Chính vì lý do này mà trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến quan ngại việc này sẽ lặp lại nếu bảo tồn cầu Long Biên. Quan điểm của Gs về điều này thế nào?
 
Ai cũng biết đây là một cây cầu lịch sử, tôi không rõ vì sao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lại nói: "Chưa có một chứng nhận nào chứng minh đó là di tích lịch sử, văn hóa, nên nó cũng rất khó cho chúng tôi khi vận hành tuyến dưới".
 
ĐBQH Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Lịch sử Việt Nam cho biết: "Mặc dù vẫn chưa có một bằng sắc nào công nhận di tích, nhưng tự thân đối với người Hà Nội đều coi nó là một di tích tiêu biểu nhất của Thủ đô, không những về tuổi thọ, công dụng mà còn về những kỷ niệm của nó. Ở đây, chúng ta không chỉ thấy cầu Long Biên là một công trình đặc biệt, khá kỳ vĩ về mặt kiến trúc ở đầu thế kỷ 20 về công nghệ xây dựng cầu mà còn là một nhân tố tác động trực tiếp để cho Hà Nội phát triển. Và một điều nữa, cũng hết sức quan trọng, cây cầu cũng là chứng tích lịch sử của quân dân Thủ đô trong thời kỳ chiến tranh phá hoại. Cây cầu cũng chứng kiến đoàn quân của chúng ta tiến về giải phóng thủ đô, chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Vì vậy, chúng ta không thể coi cầu Long Biên chỉ là một hạ tầng cơ sở bình thường, để mà tùy ý cải tạo được".

  Ảnh minh họa

 Cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Internet

 
- Hiện Hà Nội hiện còn rất ít những công trình ghi dấu ấn lịch sử. Nếu bây giờ thành phố cứ cải tạo, xây mới các công trình này, sau này chúng ta sẽ lấy gì để giáo dục thế hệ trẻ?
 
Thế mới đáng tiếc. Chúng ta đã để một Thủ đô có kiến trúc "tự do nhất thế giới" mặc dầu vốn dĩ là một thành phố tuyệt vời với những đường phố rợp bóng cây xanh và những ngôi biệt thự đẹp nổi tiếng. Ai chịu trách nhiệm về một Thủ đô xây dựng bất chấp mọi nguyên tắc kiến trúc đô thị?
 
Vì sao tước bỏ đi chức trách của vị Kiến trúc sư trưởng? Hội Kiến trúc sư VN được đứng ở vị trí nào trong trách nhiệm với việc xây dựng tôn tạo Thủ đô? Đó là những câu hỏi tôi không thể tự trả lời.
 
Người ta kêu gọi du lịch Hà Nội nhưng các nhà khoa học là khách của chúng tôi không biết đi xem cái gì thích hợp, ngoài Bảo tàng Dân tộc học (!).
 
Các đồng chí phụ trách chiến lược du lịch Hà Nội có biết đến điều ấy không. Tại sao không có những quy cách nghiêm ngặt trong xây dựng, sửa chữa, tôn tạo như Thủ đô các nước khác? Tại sao không nghĩ đến việc vào mùa khô bãi giữa sông Hồng có thể xây dựng thành một Khu du lịch tuyệt vời hơn cả đảo du lịch ở Simgapore?
 
- Theo Giáo sư, Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải nên giải quyết thế nào với tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi khi không xây dựng cầu vượt đường sắt trùng với tim cầu Long Biên?
 
Tôi đã nêu ý kiến là không tán thành việc đường sắt qua sông Hồng vào nội đô. Còn bất kỳ phương án thay thế nào khhasc đều rất đáng quan tâm.
 
- Xin cảm ơn Gs về cuộc trao đổi.


(Theo vnmedia.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)