Qua một con ngõ sâu và hẹp, mới vào được đến căn nhà nhỏ
của nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân. Ngôi nhà là một không gian tĩnh
lặng, cho một con người lặng lẽ.
Nhà nghiên cứu Giang Quân quê
đất Cẩm Giàng, Hải Dương. Khi được hỏi xứ Ðông quê ông cũng là một vùng
văn hóa bề thế, nhưng sao ông lại dành cả cuộc đời nghiên cứu về Hà Nội?
Ông cười bảo:
- Ðúng là văn hiến xứ Ðông có bề dày, nhưng tôi đến với Hà Nội như một cái duyên.
Nhà
nghiên cứu Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái. Chàng thanh niên
Nguyễn Hữu Thái tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Sau một lần bị
giặc Pháp bắt, rồi được thả, ông quyết định chuyển gia đình lên Hà Nội.
Ðó là năm 1950. Vốn làm thơ, viết kịch và có nhiều tác phẩm đăng báo
khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Hữu Thái có cái nhạy cảm riêng.
Ông thấy ở Hà Nội nhiều điều đặc biệt. Những nhà tư sản giàu có danh
tiếng, nhưng ra đường cũng chỉ trang sức một cách hết sức nhẹ nhàng, vừa
đủ để làm duyên. Khi đến những con phố sầm uất như Hàng Ðào, ông cũng
thấy những điều đặc biệt. Người ta không tranh bán, tranh mua. Khách
hàng có làm phiền thế nào, người chủ vẫn một mực nhẹ nhàng. Không chỉ có
người giàu, người nghèo Hà Nội cũng cư xử rất khác. Chỉ cần nhìn dáng
một người con gái là biết có phải người Hà Nội hay không. Người Hà Nội
luôn ý thức tìm những ngôn từ hay để diễn tả đời sống hằng ngày, ngay cả
những việc không hay, qua cách nói của người Hà Nội cũng nhẹ đi rất
nhiều. Và tình yêu bắt đầu từ những điều giản dị như thế...
Sau
này, nhà nghiên cứu Giang Quân công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.
Công việc giúp ông có điều kiện đi, gặp gỡ những con người Hà Nội. Vừa
thực hiện công việc của một cán bộ văn hóa - thông tin, đi bất cứ nơi
đâu, ông cũng tìm hiểu, ghi chép tỷ mỷ về lịch sử, văn hóa, phong tục
tập quán, danh nhân, nghề truyền thống, ngạn ngữ, ca dao... của từng địa
phương của Hà Nội. Ðó là nền tảng cho những tác phẩm nghiên cứu của ông
sau này. Năm 1984, kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, ông đã
cho xuất bản cuốn Thủ đô Hà Nội. Ðây là cuốn sách tâm huyết đầu tiên của
ông về Hà Nội, đồng thời, cũng có thể coi đó là cuốn sách đầu tiên,
mang tính chất của một cuốn "cẩm nang" về Hà Nội. Ở đây, người ta vừa
thấy yếu tố địa chí như: Sông suối, đường thủy, đường bộ, chợ... cho đến
yếu tố văn hóa như: nghề truyền thống, những đặc sản... của Thủ đô.
Cuốn sách đặc biệt hữu ích với những người muốn tìm hiểu về Hà Nội một
cách khái quát và nhanh nhất. Sau này, năm 2000, cuốn sách được tái bản,
bổ sung, chỉnh lý để thành phố dùng làm quà tặng bè bạn vào dịp kỷ niệm
990 năm Thăng Long - Hà Nội. Một cuốn sách khác cũng giống như một "từ
điển" về Hà Nội là Ký sự địa chí Hà Nội (NXB Quân đội). Ông viết cuốn
sách khi Hà Nội chưa mở rộng, mỗi quận, huyện của Hà Nội (cũ) là một
chương, bao gồm tình hình địa chí thay đổi qua các thời kỳ, những vốn cổ
dân gian, ca dao, di tích, nhân vật nổi tiếng... Ðọc sách, người ta
thấy đó là sự dày công nghiên cứu của người viết. Càng đáng khâm phục
hơn về tinh thần làm việc của nhà nghiên cứu khi biết rằng, viết về
những vùng đất, con người, ngay cả khi có sẵn tài liệu, ông vẫn đến tận
nơi khảo sát một cách tỷ mỷ. Cũng với tinh thần ấy, không khó để hình
dung ra nhà nghiên cứu cao tuổi đã mất nhiều công sức thế nào khi ông
viết cuốn "Từ điển đường phố Hà Nội" - một cuốn sách được tái bản rất
nhiều lần và được công chúng ưa thích.
Sau mấy chục năm nghiên
cứu, nhà nghiên cứu Giang Quân là một trong những người có nhiều nghiên
cứu nhất về Hà Nội. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Khâm
Thiên gương mặt cuộc đời, Trò chơi trò diễn dân gian vùng Hà Nội, Hà Nội
phố phường, Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ, Văn hóa gia đình người Hà
Nội, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm truyền thống và thanh lịch... Năm
2011, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Hà
Nội hôm nay đã khác xa hơn 60 năm trước, khi ông đặt chân đến. Cái khác
lớn nhất là văn hóa người Hà Nội. Có người thường trách văn hóa Hà Nội
đi xuống vì những người dân nơi khác đến. Nhà nghiên cứu Giang Quân nghĩ
khác. Người tứ xứ cũng đem đến cho Hà Nội những cái đẹp của vùng quê
họ. Chỉ có điều, họ chưa kịp bắt nhịp với lối sống đô thị, còn rơi rớt
lối sống tự do, tùy tiện. Ông tâm niệm, rồi cùng với thời gian, người ta
cũng sẽ phải "nhập gia tùy tục". Có một điều đi theo ông suốt cuộc đời
nghiên cứu, ông vẫn thường nhắc lại đến hôm nay, đó là: Khi nói về tuyên
truyền thi đua người tốt, việc tốt, Bác Hồ nói rằng, phải có những con
người cụ thể, những việc làm cụ thể. Bởi thế, ông luôn gạn đục, khơi
trong, tìm những nhân tố tích cực để tuyên truyền đến mọi người thông
qua trang viết. Dẫu cuộc sống ngoài xã hội hôm nay, lời ăn tiếng nói
không thanh, không đẹp như xưa; thậm chí, nhiều giá trị của văn hóa ứng
xử bị đảo lộn, nhưng ông vẫn giữ niềm tin rằng, những nét đẹp văn hóa Hà
Nội, có thể bị phôi pha, nhưng không bao giờ mất.
(Theo nhandan.org.vn)