Nghiệm thu đề cương đề tài “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội”
Dân cư là một vấn đề nghiên cứu khá phức tạp, là vấn đề luôn có tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt trong quản lý xã hội hiện nay. Thực hiện thành công công trình sẽ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, là tài liệu tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách.
Thay mặt nhóm biên soạn, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức đã trình bày về đề cương công trình. Nội dung công trình 3 phần, 10 chương, dự kiến khoảng 250 trang. Phần 1: Về dân cư Thăng Long - Hà Nội gồm 5 chương. Phần 2: Quần cư: bao gồm 2 chương Quần cư nông thôn và Quần cư thành thị. Phần 3: Di cư: gồm 3 chương. Khái quát về các quá trình di cư theo các thời điểm.
Sau khi nghe chủ biên trình bày đề cương, hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến giúp chủ biên hoàn thiện công trình.
GS.TS Nguyễn Cao Huần đánh giá dân cư là vấn đề thời sự, có ý nghĩa đặc biệt trong quản lý xã hội hiện nay nên việc xuất bản chuyên khảo là cần thiết. Đề cương có các phần và chương mục khá logic, chặt chẽ và khá đầy đủ, gắn kết quá trình di cư với quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội và các lãnh thổ lân cận, đồng thời phản ánh được tính địa lý của công trình. GS.TS Nguyễn Cao Huần đã đề nghị chủ biên trong đề cương nên làm rõ hơn về nội dung quần cư đô thị cho tương xứng với quần cư nông thôn. Cần làm rõ nội dung về đánh giá vai trò của dân số, phân bố quần cư và di dân đối với phát triển, gìn giữ và bảo vệ thành phố Hà Nội, có nội dung dự báo dân số, xu hướng phân bố quần cư và di cư đến 2030, 2050. Về cơ bản đề cương được soạn thảo công phu, đáp ứng các yêu cầu nội dung về tính đầy đủ, chính xác, cập nhật, tính mới và tính địa lý của công trình khoa học.
PGS.TS Lại Vĩnh Cẩm cũng đánh giá đây là công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề cương dự kiến có 3 phần, 10 chương, khoảng 250 trang là khá đầy đủ, phản ánh khoa học vấn đề dân cư và địa lý dân cư. Cấu trúc chương mục, khoa học, hợp lý. Tác giả hiện nay là chuyên gia đầu ngành về địa lý kinh tế, địa lý dân cư ở nước ta. Với kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm, số liệu tích lũy rất lớn sẽ là những điều kiện cần thiết đảm bảo cho cuốn sách có chất lượng, đúng hạn. Công trình có tính khả thi cao. Tuy nhiên nội dung công trình cần làm rõ những dự báo về các vấn đề dân cư đặc biệt sau khi mở rộng Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận xét đề cương cuốn sách được soạn thảo công phu, phản ảnh khá đầy đủ những nội dung cần thiết của chủ đề “Dân cư và di dân Thăng Long - Hà Nội”, kết cấu tương đối hợp lý. GS.TS Nguyễn Đình Cử đi sâu đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện đề cương: Tiêu đề của cuốn sách: nên để ngắn gọn là “Dân cư Thăng Long - Hà Nội”. Chủ biên cần xác định rõ đối tượng “đích” của cuốn sách để lựa chọn nội dung và văn phong phù hợp. Kết cấu của đề cương cũng cần có một số điều chỉnh để nâng cao chất lượng cuốn sách. Về nội dung cuốn sách cần giảm bớt nội dung dân số học ở chương 2 và chương 3, bổ sung một số cơ cấu phản ảnh đặc trưng trình độ phát triển của Hà Nội trong chương 3, nên có dự báo những xu hướng phân bố dân cư tương lai ở chương 5, đề cập sâu hơn nội dung đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng như các dòng di cư. GS.TS Nguyễn Đình Cử khẳng định đây là đề cương công phu đảm bảo yêu cầu về nội dung, tuy nhiên để công trình đảm bảo chất lượng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề cương này.
Là một thành viên hội đồng TS. Lê Văn Hương đánh giá đây là đề tài mang tính cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đặc biệt với Hà Nội là thủ đô, là nơi thu hút rất đông đảo dân cư đến đây sinh sống. Đề cương gồm 3 phần, 10 chương với dự kiến 220 trang là đầy đủ và chi tiết, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Nội dung các chương mục cụ thể bám sát yêu cầu của một cuốn sách chuyên khảo về dân cư Hà Nội. TS. Lê Văn Hương cũng đề nghị chủ biên trong phần phân bố dân cư, dân tộc: Giới thiệu thêm về một số dân tộc thiểu số sống lâu đời ở ngoại thành Hà Nội: Mường, Dao, đồng thời đổi thứ tự chương 4, chương 5 sẽ hợp lý hơn. TS. Lê Văn Hương cũng đánh giá đây là một công trình khoa học công phu, nội dung chuyên sâu về địa lý dân cư của Hà Nội đề nghị hội đồng nghiệm thu thông qua.
Thay mặt ban Tư vấn chuyên môn mảng sách địa lý, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đánh giá đây là đề cương khoa học, công phu được xây dựng bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín về vấn đề dân cư, quần cư, di cư. Đề cương có tính khả thi cao. Tuy nhiên tên cuốn sách: nên chọn ngắn gọn hơn Dân cư Thăng Long - Hà Nội. Về sự hình thành các cộng đồng dân cư: cần đảm bảo tính liên tục: thời tiền sử, thời dựng nước, thời Bắc thuộc, thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc và hiện đại. Xem lại một số khái niệm dân cư, dân tộc, đô thị hóa, di cư… Đề cương cần thể hiện rõ nét hơn đặc điểm của dân cư Hà Nội, quyết định đến các mặt khác văn hóa... Nên có những dự báo về biến đổi dân cư, di cư, gia đình Hà Nội. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định mảng sách địa lý Hà Nội trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến hiện vẫn ít và không có nhiều công trình chuyên sâu. Chính vì vậy đây sẽ là công trình có giá trị phục vụ bạn đọc và người nghiên cứu.
GS.TS Trương Quang Hải cũng đánh giá về đề cương trên tư cách là một thành viên hội đồng. Đề cương công trình đã xác định rõ đối tượng sử dụng sách. Các phần, chương, mục đầy đủ bao quát các nội dung cơ bản về Nhân khẩu và Địa lý dân cư Hà Nội. Chủ biên và tác giả là những nhà địa lý có trình độ cao, có kinh nghiệm nghiên cứu về dân cư Hà Nội và viết sách về địa lý đảm bảo sự thành công của đề tài. GS.TS Trương Quang Hải góp ý: Tên sách nên để: Dân cư Thăng Long - Hà Nội bên cạnh đó khai thác thêm nội dung về dân cư Thăng Long đảm bảo tính cân đối. Về cơ cấu dân số nên phân chi tiết theo mốc thời gian, điều chỉnh bổ sung một số chương mục cho hợp lý hơn. Đặc biệt nếu có thể nên đưa các bản đồ, biểu đồ sẽ mang tính minh họa cao hơn. GS.TS Trương Quang Hải đánh giá đề cương cuốn sách được chuẩn bị công phu đề nghị hội đồng nghiệm thu thông qua.
Là một thành viên hội đồng, đồng thời đại diện cho chủ đầu tư Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án đánh giá: Đây là đề tài khó, nhưng chủ biên đặt vấn đề hết sức trách nhiệm với dân cư Hà Nội 1000 năm. Về tên sách nên điều chỉnh đảm bảo tính bao quát, đầy đủ lại không chẻ nhỏ vấn đề, dễ thực hiện hơn. Dân cư là vấn đề lớn, có thời gian lịch sử dài, đề nghị chủ biên cần khái quát vấn đề đáp ứng yêu cầu, khuôn khổ của cuốn sách. Đối tượng: đây là công trình là tư liệu để các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản nhất. Với dân cư nên lưu ý các vấn đề mang tính chất hiện đại trước và sau khi mở rộng Hà Nội. Nội dung các vấn đề nên trình bày vấn đề theo quá trình lịch sử. Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định đề tài nếu thực hiện thành công sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội hiện tại của Hà Nội, góp phần hoạch định chính sách cho các nhà quản lý trong việc xây dựng thành phố Hà Nội.
Là một thành viên hội đồng ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án Nhà xuất bản Hà Nội đã tán thành các ý kiến chuyên sâu của hội đồng và cung cấp thêm một số thông tin. Về tên sách: mới mang tính chất dự kiến. Trong quá trình biên soạn và hoàn thiện mới lựa chọn được tên sách cuối cùng. Chủ biên nên lựa chọn tên sách ngắn gọn mang tính chất bao hàm và dễ thực hiện trong quá trình triển khai biên soạn. Ông Phạm Quốc Tuấn đề nghị trong đề cương về vấn đề gia đình, nên có đề cập ở mức độ khái quát vừa phải. Trong Tủ sách dự kiến có một cuốn sách về Gia đình truyền thống Hà Nội sẽ là chuyên khảo nghiên cứu sâu về vấn đề này. Tán thành nội dung dự báo về các vấn đề dân số. Trên cơ sở các dự báo, từ kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm của chủ biên có thể gợi ý các giải pháp để nâng cao giá trị cuốn sách. Nếu có thể: phần phụ lục có thể đưa thêm các chuyên khảo về vấn đề dân số.
Sau khi nghe các ý kiến của hội đồng GS.TS Nguyễn Viết Thịnh đồng chủ biên đã phát biểu tiếp thu ý kiến. Về tên sách nhóm biên soạn sẽ tiếp tục suy nghĩ lựa chọn trong quá trình biên soan bản thảo. GS.TS Nguyễn Viết Thịnh cũng khẳng định dân cư Hà Nội là một vấn đề khó. Rất khó đảm bảo tính toàn vẹn vừa phục vụ bạn đọc rộng rãi lẫn người nghiên cứu tuy nhiên nhóm biên soạn sẽ cố gắng dung hòa các yêu cầu để có một cuốn sách tốt nhất. Nhóm biên soạn sẽ tiếp thu các ý kiến của hội đồng hoàn thiện, chỉnh sửa, bổ sung đề cương trước khi biên soạn. GS.TS Đỗ Thị Minh Đức cũng phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của hội đồng. Tên sách sẽ nghiêng về: Dân cư Hà Nội. Đối tượng: bạn đọc đông đảo tuy nhiên sẽ có nhiều nội dung chuyên sâu, mang tính phục vụ cao hơn. Các chương mục sẽ điều chỉnh, bổ sung theo các đóng góp của hội đồng. Tuy nhiên nội dung sách sẽ tập trung vào hiện tại, các nội dung mang tính lịch sử sẽ mang tính chất điểm qua. GS.TS Đỗ Thị Minh Đức khẳng định đây là cuốn sách rất khó thực hiện, động chạm rất nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa, xã hội học, địa lý, mang tính đa diện, đa dạng tuy nhiên nhóm biên soạn sẽ cố gắng thực hiện công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Hội đồng sau thời gian làm việc nghiêm túc, khách quan, khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho chủ biên hoàn thiện đề cương. Thay mặt hội đồng, GS.TS Trương Quang Hải - Chủ tịch hội đồng đã kết luận: Đây là đề cương biên soạn công phu, các chương mục được bố cục hợp lý, phán ánh những đặc điểm cơ bản về nhân khẩu, dân cư và di cư ở Thăng Long - Hà Nội. Tập thể tác giả có trình độ cao và kinh nghiệm nghiên cứu dân cư đô thị. Nguồn tài liệu liên quan tương đối thuận lợi nên có tính khả thi cao. Hội đồng đề nghị tên sách nên để: Dân cư Hà Nội. Về nội dung nên bổ sung: xu hướng biến đổi dân cư, đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới (chương 6), làm rõ hơn về quần cư đô thị (chương 7), các dòng di cư quốc tế (chương 9), dự báo xu thế thay đổi dân cư Hà Nội, phân ra một số giai đoạn về nghiên cứu dân số và di cư. Nên phân biệt và quan tâm hơn về gia đình Hà Nội, nhấn mạnh và cụ thể hơn quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư (lịch sử tụ cư). Nên bổ sung một số bản đồ cơ bản về đia lý dân cư. Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề cương.
Lâm Hoàng
Nhà xuất bản Hà Nội