Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Dòng văn Phan Huy: Tuyển tập tác phẩm. Với những đóng góp quan trọng cho nền văn hóa, văn học Hà Nội
Thứ tư, 21/05/2014 02:44

 

Trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh đã thành công trong việc biên soạn và giới thiệu “Tuyển tập Ngô gia văn phái” tới bạn đọc. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh là người có rất nhiều năm kinh nghiệm trong hướng nghiên cứu này. Tiếp nối thành công, khi xây dựng cơ cấu đề tài Tủ sách giai đoạn II, Ban Tư vấn chuyên môn Văn học nghệ thuật, Hội đồng Tư vấn Khoa học và Nhà xuất bản đều tin tưởng lựa chọn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh chủ biên công trình “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm”.

 

Văn học trung đại thế kỷ XVII – XVIII với một đặc trưng rõ nét là vai trò và sự đóng góp về thành tựu trước tác của các dòng họ văn hóa rất lớn. Mỗi dòng văn đều tạo được những nét đặc thù mang tính cách dòng họ vào trong văn chương của mình, chúng ta có thể kể đến Ngô gia văn phái, dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Với dòng họ Phan Huy cũng không nằm ngoài những đóng góp to lớn cho văn học thời trung đại. Vậy nên từ xây dựng đề tài đến đề cương chi tiết, nhóm thực hiện công trình đã nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ cũng như những góp ý quý giá. Sau đây chúng tôi giới thiệu những ý kiến nhận xét, đánh giá của các nhà khoa học cho bản đề cương chi tiết “Dòng văn Phan Huy: Tuyển tập tác phẩm”:
Là người có nhiều năm nghiên cứu văn học PGS.TS VũThanh nhận định: Nếu được hoàn thành thì Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm sẽ là một công trình lớn, tầm cỡ về trước tác văn học của một trong những dòng họ có nhiều công lao đóng góp quan trọng cho nền văn hóa, văn học Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Công trình do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh làm Chủ nhiệm đề tài. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh là một nhà khoa học có uy tín và là một trong số ít nhà nghiên cứu từ lâu đã để tâm sâu sắc đến vấn đề dòng văn trong văn chương trung đại Việt Nam. PGS cũng đã tham gia chủ trì một vài công trình trong lĩnh vực này, như các công trình về dòng họ Nguyễn Trường Lưu, về các nhà văn dòng họ Ngô Thì Tả Thanh Oai... Vì vậy về chất lượng công trình chắc chắn là điều mà cơ quan chủ trì có thể yên tâm.
Công trình được chia thành 2 quyển với số lượng mỗi quyển xấp xỉ 700 trang là rất dày dặn, bề thế.
Quyển I, với Phần Mở đầu, trong đó có 2 bài khái quát: một về Dòng văn Phan Huy với những đóng góp cho lịch sử văn hóa và văn học dân tộc; một về Tình hình văn bản của Dòng văn. Đây đều là những bài viết cần thiết, mang tính khoa học, không thể thiếu trong một công trình khoa học tầm cỡ như thế này.
Quyển I và II đã giới thiệu một cách đầy đủ các tác giả của dòng họ Phan Huy. Đây đều là những tác giả quan trọng của nền văn học Việt Nam trung đại.
Tư liệu được cung cấp từ công trình này, từ các nguồn tài liệu đã được công bố và được các tác giả công trình dịch thuật thêm chắc chắn sẽ rất hữu ích cho việc nghiên cứu về dòng họ văn hóa lớn này. Đây không chỉ là một công trình tập hợp, chúng ta hy vọng các tác giả sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những tư liệu mới và những thông tin mới về dòng họ Phan Huy.
Công trình còn có các bảng tra cứu hữu ích hết sức cần thiết, danh mục các sách, tài liệu tham khảo và ảnh thể hiện sự công phu của các tác giả tham gia công trình.
Đây là Đề cương chi tiết của một công trình hoàn toàn có cơ sở khoa học và khả năng thực thi. Tôi đánh giá cao công sức và đóng góp của tập thể các nhà khoa học tham gia trong công trình này.
* PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn:
Về đề tài và giá trị khoa học:Đề tài “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm”thuộc hệ đề tài lịch sử văn học, bao gồm phần tổng luận, nghiên cứu và dịch thuật, trong đó phần khảo sát văn bản Hán Nôm và dịch thuật chiếm vị trí quan trọng. Trên thực tế, phần lớn các sáng tác của Phan Huy Ích đã được dịch (Thơ văn Phan Huy Ích, ba tập. Nxb. KHXH, 1978) nhưng đến nay cần soát xét lại và nâng cấp công bố tổng thể sáng tác của dòng văn Phan Huy (từ Phan Huy Ích đến Phan Huy Uông, Phan Huy Chú, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Dũng, cộng chung 6 tác giả)… Việc biên dịch văn bản và nghiên cứu tổng thể dòng văn Phan Huy góp phần minh định gia tộc văn chương Nguyễn Huy của Thăng Long - Hà Nội bên cạnh các dòng văn nhà Trần, nhà Lê, Ngô gia, Trịnh tộc, Cao tộc, v.v…
Về qui mô, phạm vi, cấu trúc:Đề tài hướng đến xây dựng bộ sách "chất lượng cao", vừa cập nhật tình hình tư liệu liên quan đến văn chương gia tộc Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII còn lại đến ngày nay vừa góp phần bảo tồn, phát huy, giới thiệu rộng rãi các giá trị văn chương dòng Phan Huy. Diện khảo sát văn bản phong phú, chỉ tính riêng Phan Huy Ích cũng đã “chọn và dịch mới khoảng 300 bài” dẫn đến dung lượng cả hai tập đạt tới 1350 trang.
Sự đổi mới, khác biệt rõ nét trong kết cấu ở công trình này là sự phối hợp nghiên cứu và dịch thuật căn cứ theo tiến trình thời gian, thế thứ xuất hiện tác giả trong nội bộ dòng văn Phan Huy (theo thời gian tuyến tính, lịch đại), đồng thời có phần mở đầu với ý nghĩa giới thiệu, nghiên cứu, khái quát các vấn đề văn bản, nội dung, nghệ thuật tác phẩm và phàm lệ, qui cách trình bày chung cho cả hai tập sách. Hướng tiếp cận và cách thức tổ chức kết cấu kiểu này có ưu điểm nổi bật là tập trung làm rõ “tính vấn đề” của phần mở đầu cũng như chân dung, diện mạo từng tác giả cụ thể.
Về khả năng thực hiện: Qua bốn mươi năm chuyên tâm với công việc nghiên cứu văn học trung đại và dịch thuật Hán Nôm, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh đã công bố nhiều công trình dịch thuật và có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu bao quát theo hướng dòng văn, văn phái và tác gia văn học trung đại Việt Nam.
Từ nội dung đề cương chi tiết đề tài cũng như thực tiễn hoạt động nghiên cứu, dịch thuật Hán Nôm, tôi tin tưởng Chủ biên và các cộng sự sẽ hoàn thành tốt công trình nghiên cứu, dịch thuật “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm”, góp phần bổ sung, hoàn chỉnh tư liệu, mở rộng con đường tiếp cận văn học trung đại, nâng cấp một hướng nghiên cứu chuyên sâu và phục vụ thiết thực nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn học truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Sau những đánh giá trên các phương diện PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn có một vài góp ý: thứ nhất là Phần mở đầu chú ý nhấn mạnh nét riêng và tính khu biệt tương đối của dòng văn Phan Huy so với các dòng văn khác. Thứ hai, nhấn mạnh thêm những đóng góp mới qua các nguồn thư tịch Hán Nôm mới bổ sung, kể cả những bản dịch mới.Cuối cùng ông kết luận rằng công trình này đảm bảo nội dung học thuật, cấu trúc chặt chẽ, mới mẻ, có tính khả thi cao.
* PGS.TS Hoàng Thị Ngọ:
Ở nước ta vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX có một số dòng họ lớn như họ Nguyễn ở Tiên Điền, họ Nguyễn ở Trường Lưu, họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, họ Phan Huy ở Sài Sơn, họ Trần ở Vân Canh... Những dòng họ này đều có truyền thống về khoa cử, quan nghiệp và nổi tiếng về văn chương. Trong vài thập kỷ trở lại đây đã có một số công trình, luận văn, luận án, nghiên cứu, khai thác, dịch thuật giới thiệu về thơ văn của các tác gia trong các dòng họ này nhưng chưa nhiều và chưa có những tổng tập hoặc tuyển tập có tầm bao quát, hệ thống về văn chương của cả một dòng họ. Dòng văn Phan Huy cũng nằm trong tình trạng chung đó. Có thể thấy từ năm 1983 Hội nghị khoa học về nhà bác học Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy tại Hà Sơn Bình (nay thuộc Hà Nội) là có điểm qua đôi nét về tác giả tác phẩm của dòng văn này. Sau đó có một số luận văn thạc sĩ, một số công trình tuyển chọn, khảo dịch phiên chú về thơ văn của Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh... một vài cuốn phả về dòng họ này cũng đã được phiên dịch, giới thiệu. Như vậy, đã đến lúc cần phải có một bộ sách tổng tập hoặc tuyển tập thơ văn của dòng họ Phan Huy Sài Sơn. Đề cương đề tài Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm của chủ biên Trần Thị Băng Thanh thực sự đáp ứng sự mong đợi của giới nghiên cứu và độc giả về dòng văn này.
Kết quả của đề tài sẽ có những đóng góp đáng kể về khoa học và thực tiễn, làm rõ những đặc điểm, diện mạo, giá trị, vị thế của dòng văn Phan Huy trong nền văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Thực hiện đề tài này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, tiêu chí của đề tài trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ đã nêu tính khả thi của đề tài. Bà cho rằng Đề tài Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm hoàn toàn khả thi vì:
Mặc dù một số tác phẩm thơ văn Hán Nôm bị mất mát, thất lạc nhưng số còn lại nằm trong các thư viện, trong các dòng họ cũng đủ cơ sở tư liệu để biên soạn tuyển tập.
Các tài liệu tiếng Việt nghiên cứu, phiên dịch, giới thiệu về các tác gia, tác phẩm của dòng văn Phan Huy gần đây tương đối phong phú, thuận lợi cho việc tham khảo khi biên soạn bộ tuyển tập.
Chủ biên của đề tài là người có trình độ hiểu biết sâu, rộng về văn học Việt Nam thời trung đại; có khả năng, nhiều kinh nghiệm tổ chức biên soạn thực hiện các đề tài về văn học qua nghiên cứu phiên dịch từ chữ Hán và chữ Nôm.
Về phần nội dung đề cương chi tiết
Mục đích của đề tài là biên soạn một bộ sách tuyển tập tác phẩm của dòng văn Phan Huy nên đây thực chất là một bản trình bày đề cương chi tiết biên soạn một bộ sách gồm 2 quyển với trình tự kết cấu của một bộ sách gồm: Phần mở đầu, Phần tác phẩm, Phần các bảng tra cứu.
Qua các phần trình bày đề cương có thể thấy: Cách tiếp cận của đề tài đối với các văn bản tác phẩm Hán Nôm là hợp lý, khoa học để có cơ sở khoa học làm rõ những vấn đề về văn bản, tác gia, tác phẩm, giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của dòng văn Phan Huy.
Kết cấu của đề tài như vậy là hợp lý, khoa học, phù hợp với yêu cầu biên soạn một bộ sách tuyển tập về dòng văn Phan Huy cho tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Phần giới thiệu tác phẩm: mỗi tác giả có phần trình bày rõ về tiểu sử, hành trạng, trước khi tuyển dịch đều có khảo sát văn bản, làm rõ tình hình văn bản, lựa chọn bản nền là rất cần thiết, khoa học, đúng yêu cầu biên soạn sách nghiên cứu dịch thuật từ nguồn tư liệu Hán Nôm.
Nhìn chung đây là một đề tài hay, rất cần được thực hiện để có mặt trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Một số điểm trao đổi của PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ với nhóm biên soạn đó là:
Giá như đề cương thêm các mục: lý do chọn đề tài, cách tiếp cận của đề tài, các phương pháp nghiên cứu, phiên dịch... thời gian biên soạn, đóng góp của đề tài... thì đề cương sẽ làm người đọc rõ hơn.
Đây là đề cương chi tiết về kết cấu của bộ sách, dù sao thì cũng mới chỉ bước đầu rà soát nắm tình hình tư liệu. Khi thực hiện tiếp xúc với các văn bản Hán Nôm chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ, ví dụ xác định rõ tên người, tên tác phẩm (Ôn hay Uông; tác phẩm Liệt truyện đăng khoa lục là của Huy Ôn hay Huy Sảng; ...)
Các tác phẩm Hán Nôm thường có một vài dị bản, nên chăng có thêm phần khảo dị để tạo thêm độ tin cậy cho bộ sách.
 Với những nhận định, đánh giá, góp ý kiến PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ kết luận: Đề tài mới, phù hợp với yêu cầu, tiêu chí của đề tài trong Tủ sách, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu, tiêu chí của đề tài trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến .

 

 

Đàm Ly (tổng hợp)

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá