Thực tiễn hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội suốt một nghìn năm qua đã định hình một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp ngoại giao vừa mang tính khoa học sâu sắc, vừa mang tính nghệ thuật tinh tế, đặc biệt đã hình thành nên văn hóa đối ngoại Thăng Long – Hà Nội, vừa mang bản sắc văn hóa chính trị Việt Nam, vừa in đậm dấu ấn đặc trưng thanh lịch, hào hoa, song không kém phần quyết liệt của người Thăng Long – Hà Nội. Sự còn - mất thủ đô quyết định sự thắng – thua trong chiến tranh. Là kinh đô – thủ đô, Thăng Long – Hà Nội là nơi diễn ra các sự kiện ngoại giao tiêu biểu của đất nước, Thăng Long – Hà Nội đã từng là mục tiêu tấn công trước hết của các thế lực xâm lược ngoại bang, tất cả mọi cuộc tấn công xâm của kẻ thù bao giờ cũng lấy kinh đô – thủ đô là mục tiêu số một và tất cả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bao giờ cũng lấy bảo vệ kinh đô – thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu, vì được – mất, thắng – thua trong các cuộc chiến tranh tùy thuộc vào sự mất, còn của kinh đô – thủ đô. Vì thế, dù ngoại giao trong thời kỳ hòa bình hay ngoại giao giải quyết xung đột, ngoại giao kết thúc chiến tranh thì cơ bản đều diễn ra hay được hoạch định ở kinh đô – thủ đô.
Đề tài “Bài học kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại của Thăng Long – Hà Nội” thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” – công trình tổng kết lịch sử mang tính chất nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nhằm xã hội hóa kết quả nghiên cứu, trên cơ sở kết quả đề tài, tập thể tác giả đã biên soạn cuốn sách “Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội”. Trong cuốn sách sẽ giới thiệu những hoạt động đối ngoại tiêu biểu diễn ra trên đất Thăng Long – Hà Nội trong 1000 năm qua từ đó tổng kết, khái quát thành một số bài học kinh nghiệm hữu dụng đối với hoạt động đối ngoại thủ đô và đất nước trong thời mở cửa và hội nhập. Thăng Long – Hà Nội là kinh đô xưa, Thủ đô ngày nay, do đó những quan hệ quốc tế của quốc gia diễn ra trên mảnh đất này đều có sự tham gia của nhân dân thủ đô hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp.
Cuốn “Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội”.
Tập thể tác giả cho biết, trong suốt thời phong kiến (trước 1945), đề tài chưa phát hiện được tư liệu phản ánh kinh đô Thăng Long có những hoạt động chủ động với tư cách chủ thể hoạt động đối ngoại của một cấp địa phương. Do vậy, những hoạt động mà cuốn sách đề cập đều là của chính quyền phong kiến, thuộc địa trung ương. Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có rất nhiều hoạt động với tư cách là chủ thể hoạt động đối ngoại. Trong giai đoạn sau 1945 cuốn sách tập trung đề cập một số hoạt động đối ngoại tiêu biểu của riêng Hà Nội, không đề cập đến các hoạt động của cấp Trung ương. Nội dung chủ yếu mà cuốn sách muốn thể hiện là những nhận định, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm cho Hà Nội hôm nay cùng đất nước hội nhập thông qua việc phân tích, đánh giá các sự kiện, các nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ để làm sáng tỏ những đặc trưng, những giá trị tinh hoa, những bài học lịch sử sáng giá phản ánh bản chất và sự vận động có tính quy luật xuyên suốt 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Nội dung cuốn sách gồm 8 chương:
Chương 1. Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Lý (1009-1225): Chương này giới thiệu đôi nét về Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long và Thăng Long trong buổi đầu độc lập tự chủ, tập trung giới thiệu hoạt động đối ngoại với nhà Tống, hoạt động đối ngoại với Chămpa và các nước khác, 3 nhà ngoại giao tiêu biểu thời Lý là Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt và Lê Văn Thịnh.
Chương 2. Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Trần (1226-1400): Chương này tập trung vào trình bày hoạt động đối ngoại của Thăng Long với đế quốc Mông – Nguyên trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1258), thời kỳ đấu tranh ngoại giao (1258-1284), cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), cuộc kháng chiến lần thứ 3 (1288), từ sau cuộc kháng chiến lần thứ ba đến khi nhà Nguyên sụp đổ (1289-1368); hoạt động đối ngoại với Chămpa và các nước khác; giới thiệu 7 nhà ngoại giao tiêu biểu: Trần Thái Tông, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh.
Chương 3. Đông Đô – Đông Quan trong hoạt động đối ngoại thời kỳ kháng chiến chống Minh và thời Lê sơ (1426-1527): Chương này tập trung vào phân tích đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Minh thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn vây hãm Đông Quan và diệt viện (từ tháng 11/1426 đến tháng 11/1427) và thời kỳ từ tháng 11/1427 đến Hội thề Đông Quan và cuộc rút quân của Vương Thông; Đông Kinh trong hoạt động đối ngoại của Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527) trong đối ngoại với nhà Minh, với Chămpa và các nước khác; giới thiệu 8 nhà ngoại giao tiêu biểu: Nguyễn Trãi, Đào Công Soạn, Nguyễn Biểu, Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Quách Hữu Nghiêm.
Chương 4. Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Mạc và Lê – Trịnh (1527-1789): Chương này đề cập các nội dung Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Mạc, trong hoạt động đối ngoại của Đàng Ngoài với khu vực Đông Á và Đông Nam Á thế kỷ XVII-XVIII và Thăng Long – Hà Nội trong quan hệ với người phương Tây các thế kỷ XVII- XVIII; giới thiệu 10 nhà ngoại giao tiêu biểu: Giáp Hải, Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Công Thái, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Huy Oánh, Lê Quý Đôn.
Chương 5. Thăng Long – Hà Nội trong hoạt động đối ngoại thời Tây Sơn và thời Nguyễn (1789-1945): Chương này giới thiệu những nội dung: Vị thế của Thăng Long trong hoạt động đối ngoại thời Tây Sơn (1789-1802), 2 nhà ngoại giao tiêu biểu: Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm; Thăng Long trong hoạt động đối ngoại thời Nguyễn (giai đoạn 1802-1873), 4 nhà ngoại giao tiêu biểu: Nguyễn Du, Ngô Thì Vị, Lý Văn Phức, Nguyễn Văn Siêu; Hoạt động ngoại giao của triều Nguyễn với Pháp trong hai lần Pháp đánh chiếm Bắc kỳ (1873-1883); Vị thế đối ngoại của Hà Nội thời Pháp thuộc.
Chương 6. Các hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Hà Nội giai đoạn 1945-2006: Hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Hà Nội trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc (1945-1954), trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1986), thời kỳ đổi mới (1986-2006); giới thiệu 11 nhà ngoại giao tiêu biểu: Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Ung Văn Khiêm, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan.
Chương 7. Một số nhận xét về hoạt động đối ngoại qua ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long – Hà Nội: Thăng Long là nơi hình thành và xác lập các nguyên tắc ứng xử ngoại giao phong kiến với Trung Hoa và các nước khác; vai trò đấu tranh ngoại giao góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống phong kiến xâm lược; hoạt động ngoại giao trong thời bình, thời thuộc địa; Thăng Long – Hà Nội – nơi thể hiện hình ảnh của văn hóa và con người Việt Nam với bên ngoài; ngoại giao hiện đại Việt Nam hay nền ngoại giao Hồ Chí Minh; hoạt động đối ngoại của Hà Nội với vị thế là thủ đô.
Chương 8. Bài học lịch sử và một số vấn đề đặt ra.
Phần Phụ lục:
Phụ lục 1- Bảng thống kê các sứ đoàn phong kiến Việt Nam
Phụ lục 2- Bảng thống kê các sứ đoàn Trung Quốc đến Thăng Long
Có thể thấy, những vấn đề được trình bày trong cuốn sách là những yếu tố cơ bản góp phần củng cố và phát triển thực lực một nền tảng chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh cho hoạt động đối ngoại. Với những nội dung được trình bày chi tiết, bố cục sắp xếp logic, thông tin chính xác, khoa học, có độ tin cậy cao, cuốn sách là kết quả của đề tài “Bài học kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại của Thăng Long – Hà Nội” thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX09, tập thể tác giả đã tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, sức lực của mình để sưu tầm, nghiên cứu tư liệu, tài liệu biên soạn tập sách này và cùng với 10 tập khác trong bộ sách 11 tập thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tổng kết một thiên niên kỷ xây dựng và bảo vệ Thăng Long – Hà Nội.
Trần Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội