Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Góp phần tăng thêm những từ khóa cho các nhà nghiên cứu về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội qua tài liệu lưu trữ
Thứ hai, 04/08/2014 03:13

Khi tiếp cận với bản đề cương chi tiết về đề tài “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam từ 1873 đến 1954” do TS. Đào Thị Diến chủ biên, PGS.TS. Tạ Thị Thúy đã có nhận định: “Năm 2010, 2 tập "Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954" do TS. Đào Thị Diến chủ biên đã được nghiệm thu, công bố và đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo rất hữu ích đối với những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu về Hà Nội nói riêng, về lịch sử cận đại Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, khuôn khổ của hai tập sách đó không thể bao hàm hết được khối lượng tài liệu đồ sộ liên quan đến gần một thế kỷ tồn tại của thành phố này”. Vì thế, việc TS. Đào Thị Diến tiếp tục thực hiện đề tài trên có thể nói là đã tiến thêm bước trong việc công bố bản dịch những tư liệu quý về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội qua tài liệu lưu trữ.


Đề tài với cái tên ban đầu “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam từ 1873 đến 1954” đã mang lại nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Để có cái tên mang đích danh, trong cuộc họp nghiệm thu đề cương chi tiết ngày 8/7/2014, hội đồng đã đi đến quyết định với tên chính thức “Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội (1873 – 1954)”. Được đánh giá là một đề tài hay, mang nhiều ý nghĩa, vậy nên đề tài nhận được nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá của các nhà khoa học.

Điểm chung của các nhận xét đều thể hiện sự tin tưởng vào đội ngũ tác giả thực hiện đề tài bởi họ là những chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ tài liệu. Ngoài ra, còn điểm chung khác như việc phải thay đổi tên đề tài và điều này đã đi đến thống nhất với tên đề tài như trên. Sau đây là tổng hợp, giới thiệu những nhận xét đánh giá của các nhà khoa học.
* Theo PGS.TS. Tạ Thị Thúy:

Về nội dung đề tài:Tác giả nên nói rõ một chút về sự khác nhau giữa nội dung, hình thức công bố các tài liệu và tư liệu lưu trữ ở 2 tập trước với nội dung và hình thức công bố của các tài liệu ở tập sách này bởi không phải ai cũng biết tới hai tập đã công bố. Vả lại vì các vấn đề được đề cập ở tập sách này không có gì khác so với ở hai tập trước nên rất dễ có sự trùng lặp đối với những văn bản đã công bố và gây ra sự hiểu lầm rằng đó chỉ là sự công bố lại.

Nhà nghiên cứu sử Tạ Thị Thúy đồng ý với những vấn đề hay là những nội dung được đề cập trong cuốn sách (8 vấn đề). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu thì không nhất thiết phải gộp theo kiểu cặp đôi như trong hai tập trước mà hoàn toàn có thể tách riêng ra từng vấn đề để trình bày, như vậy vừa dễ cho tác giả, vừa dễ cho người sử dụng. Hơn nữa, khi sắp xếp các vấn đề thì nên theo một logic nhất định bởi các tài liệu sẽ được công bố cũng chỉ xung quanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và Pháp hóa của Hà Nội trên hai phương diện thực thể và phi thực thể của Hà Nội.

Theo PGS.TS. Tạ Thị Thúy nên xếp các vấn đề theo trật tự sau:

- Những quy định về mở rộng diên cách, phân chia khu vực trong thành phố

- Những quy định về việc xây dựng trong thành phố

- Những quy định về giao thông trong thành phố

- Những quy định về quản lý vệ sinh, môi trường và các công trình công cộng (đình, chùa, miếu mạo)...trong thành phố

- Những quy định về tổ chức bộ máy chính quyền thành phố, bao gồm không phải chỉ có bộ máy hành chính mà còn có bộ máy tư pháp (các loại hội đồng thành phố) và bộ máy đàn áp trong thành phố (Hệ thống tòa án, nhà tù; các lực lượng cảnh sát, quân đội)

- Những quy định về tổ chức và quản lý dân cư (phân biệt giữa người Âu và người bản xứ) (sinh tử, hôn thú, hộ tịch...)

- Những quy định về văn hóa - xã hội, bao gồm những quy định về các hoạt động: văn hóa, giáo dục, y tế...

Trước khi trình bày những vấn đề này, theo tôi nên có một chapeau giới thiệu khái quát về nội dung của những văn bản sẽ biên dịch. Làm như vậy, tập sách sẽ trở thành một công trình mang tính chất "á nghiên cứu", bộc lộ được trình độ của những người thực hiện hơn chỉ là một công trình giới thiệu văn bản học thuần túy.

Với những tham vọng này thì với chỉ 100 văn bản tôi nghĩ chưa thể hết, chưa thể đủ và nếu tính ra số trang thì 120 văn bản được liệt kê ở phần nội dung liệu có thể dịch ra thành 800 trang cho cuốn sách?

Về việc sắp xếp các văn bản, tôi tán thành ý định của tác giả, trình bày các văn bản theo vấn đề và theo thời gian xuất hiện của chúng. Đây là nguyên tắc nên tuân thủ tuyệt đối để tạo thuận lợi cho việc theo dõi.

Về việc lựa chọn các văn bản, tôi chắc trong danh mục được liệt kê chưa hết và chưa đủ những văn bản quy định về việc xây dựng và quản lý đối với thành phố Hà Nội trong gần một thế kỷ tồn tại dưới chế độ thực dân. Có lẽ nên tuyển sâu thêm các văn bản liên quan đến từng nội dung ở trên. Trong trường hợp 1 tập không chứa hết, theo tôi nên tổ chức thành 2 tập. 

* Cũng là một nhà nghiên cứu sử học, PGS.TS. Vũ Huy Phúc đưa ra quan điểm của mình:   
                                                                                   
Rất hoan nghênh đề tài này vì nó rất hữu ích cho khoa học lịch sử cũng như cho mục đích xây dựng thành phố Hà Nội hiện nay, tức là đề tài này có tính khoa học và thời sự sâu sắc. Các tài liệu mà Tiến sĩ chủ biên Đào Thị Diến đưa ra đều là tài liệu lưu trữ đáng tin cậy. Ông đưa ra những lưu ý với ban biên soạn và dịch thuật mấy điều sau đây:

1. Trong việc dịch từ Pháp sang Việt, phải dùng các từ tiếng Việt từng thông dụng trên văn đàn thời cận đại thì người Việt mới hiểu được. Ví dụ:

Cours Moyen / Deuxième année cần dịch là: Lớp Nhì.

Cours Moyen / Première année cần dịch là: Lớp Nhất.

École de Hau Bo cần dịch là: Trường Hậu Bổ.

Ecole d’apprentis Mandarins cần dịch là: Trường Hậu Bổ.

Garde indigène cần dịch là: Lính khố xanh.

Tirailleurs cần dịch là: Lính khố đỏ.

Commune cần dịch là: Thành phố cấp 3.

Commiosion municipale cần dịch là: Ủy ban thành phố.

v.v…

Nên tham khảo tự điển Đào Duy Anh xuất bản thời Pháp thuộc và cuốn sử biên niên của tác giả Dương Kinh Quốc, phần Glossaire.

2. Cần chia nhỏ nữa các lĩnh vực đề cập để người đọc tiện theo dõi từng đối tượng cụ thể. Ví dụ trong phần giao thông có thể đặt các tiểu mục nhỏ hơn như xe tay (tất cả các quy định về xe tay theo thời gian), xe xích lô, xe ô tô, tầu hỏa, v.v… Ở các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác cũng nên chia nhỏ chi tiết như vậy để người đọc tiện tra cứu.

3. Nếu có thể nên công bố các bản đồ thành phố Hà Nội ở từng giai đoạn lịch sử. Cần có danh mục các tên phố, các quy định về đặt tên phố, đánh số nhà… Hiện nay rất cần có một bảng kê tên phố hiện tại, nhưng ghi rõ các tên cũ của phố đó từng thời kỳ khác nhau.

4. Về vấn đề xin phép xây dựng hay đặt các cơ sở kinh doanh, nên tìm ra các quy định về “tiện và bất tiện”.

5. Tán thành lấy mốc thời gian lựa chọn các quy định của chính quyền từ năm 1888 (lập thành phố Hà Nội) đến năm 1952. Nhưng tại sao không kéo dài đến năm 1954 hoặc dài hơn nữa đến tận bây giờ? Chắc để dành cho công trình khoa học sau này.

6. Đề tài rất hữu ích, nhưng nội dung mới chỉ dừng lại ở việc công bố các quy định chính thức của chính quyền đã dịch sang tiếng Việt, cho nên đầu đề của đề tài hơi lớn quá so với nội dung. Lẽ ra chỉ nên ghi là: Các văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam về việc xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội 1888 đến 1954. Còn việc xây dựng quản lý thành phố Hà Nội là cả một quá trình lịch sử phải được nghiên cứu một cách công phu và tổng hợp của nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực đô thị hóa khác nhau. Trước hết phải có sự tham gia của các nhà sử học, các nhà Hà Nội học.

* Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – PGS.TS. Vũ Văn Quân có nhận xét:

Trong cơ cấu “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, mảng sách “Tư liệu tổng hợp” có một vị trí hết sức quan trọng. Ở Giai đoạn I của Dự án, nhiều loại hình tài liệu đã được tuyển chọn, dịch và công bố (các tuyển tập Văn bia, Hương ước, Địa bạ, Thần tích, Địa chí, Tuyển tập tư liệu chữ phương Tây). Đối với nguồn tư liệu được viết bằng chữ phương Tây đã có hai bộ thư mục, một giới thiệu về các nguồn tư liệu của hai công ty Đông Ấn của Anh và của Hà Lan, một giới thiệu về nguồn tư liệu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I (cũng bao gồm cả các tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ, nhưng chủ yếu là bằng chữ Pháp) - cuốn “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954” do Tiến sĩ Đào Thị Diến tổ chức bản thảo (2 tập). Lần này, đề tài “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam từ 1873 đến 1954” là sự tiếp nối cần thiết và thực sự có ý nghĩa, cả về phương diễn học thuật lẫn phương diện thực tiễn.

Cấu trúc dự kiến của cuốn sách hợp lý (Lời Nhà xuất bản, Lời giới thiệu, Lời nhóm biên soạn, rồi đến nội dung với khoảng 100 văn bản gốc, được dịch toàn văn, có chú thích nguồn và những chỉ dẫn cần thiết).

Với tư cách một người làm sử và gần đây có làm sử và văn hoá Hà Nội nên PGS. TS, Vũ Văn Quân nhận thức rõ giá trị của nguồn tài liệu này. Sách được hoàn thành tiếp tục sẽ là một điểm nhấn ấn tượng nữa của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, tiếp tục là cuốn sách “cẩm nang” cho các nhà nghiên cứu Hà Nội cận đại, là cuốn sách tra cứu cần thiết cho các nhà quy hoạch phát triển và quản lý Hà Nội hiện đại.

* Với cách nhìn nhận, đánh giá một cách cặn kẽ vấn đề, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đánh giá:

 Mở rộng và đào sâu việc nghiên cứu về giai đoạn lịch sử cận đại Việt Nam nói chung, cũng như lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc nói riêng, đang là một xu thế phát triển tốt và được ưa chuộng trong giới học thuật Việt Nam, cũng như cần thiết, bổ ích cho những nhà hoạch định chính sách và quản lý đô thị. Trong đó, khai thác và xử lý những tài liệu lưu trữ gốc là một phương hướng có độ tin cậy cao, và do đó, cũng được đánh giá cao.

Sự gặp gỡ và cộng tác giữa Tiến sĩ Đào Thị Diến - một chuyên gia Lưu trữ có thẩm quyền quen biết - và Nhà xuất bản Hà Nội - cơ quan chủ quản giàu kinh nghiệm của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn I & II - trong việc biên soạn cuốn sách nói trên đã là một bảo đảm vững chắc cho sự thành công của đề tài.

Góp phần hoàn thiện hơn cho bản đề cương chi tiết, PGS, TS, Nguyễn Thừa Hỷ có một vài ý kiến đóng góp:

1. TS. Đào Thị Diến từng là chủ biên của nhiều cuốn sách đã xuất bản, trong đó công bố những tài liệu và tư liệu lưu trữ về Hà Nội. Hy vọng và tin tưởng rằng quyển sách mới sắp được biên soạn sẽ mang lại những đặc điểm mới, chất lượng mới và giá trị độc đáo mới.

Nhìn chung, đây là một bản đề cương chi tiết phong phú (17 trang), được xây dựng rất công phu, cụ thể, bảo đảm tính nghiêm túc khoa học (dẫn nguồn đầy đủ). Nó cho phép chúng ta từ đó, có thể hình dung được về đại thể bộ mặt hình hài và những đặc điểm của cuốn sách.

Có lẽ ưu điểm nổi bật nhất của cuốn sách so với những cuốn sách trước đó, như trong Đề cương chi tiết ghi nhận, là những văn bản sẽ “được dịch toàn văn, có chú thích nguồn và những chỉ dẫn khoa học cần thiết”, mà không chỉ là những danh mục đề dẫn, tổng thuật, tóm lược nội dung văn bản.

Như người viết nhận xét này đã nhiều lần đề nghị, nếu chúng ta chỉ tóm tắt những nội dung chính của văn bản, có thể chúng ta sẽ bỏ qua đi những “chi tiết phụ” tưởng chừng không quan trọng nhưng thực ra lại có thể là những thông tin đặc hữu rất quý giá, giúp chúng ta nắm vững và đánh giá đúng đắn được toàn diện sự kiện. Cuốn sách mới do TS. Diến chủ biên sẽ sửa chữa được những khiếm khuyết trước đây.

Theo đề cương, cuốn sách sẽ đề cập đến khoảng 100 văn bản pháp quy gốc, trong 8 lĩnh vực [thực ra đề cương chỉ ghi có 4 phần, mỗi phần lại gộp 2 lĩnh vực], thể hiện tính toàn diện của quản lý đô thị. Trong số đó, phần I (Địa giới - Tổ chức hành chính) và phần II (Quy hoạch - Xây dựng) tỏ ra phong phú nhất, có phần kỹ lưỡng hơn 2 phần sau. Nếu có thể, nên thêm một số văn bản về lĩnh vực quản lý kinh tế (chính sách đất đai đô thị, chính sách đối với một số nhà máy và các hãng buôn lớn…) chăng?

Về thời gian, những văn bản lưu trữ trải dài suốt từ 1888 đến 1852 (trong khung thời kỳ lịch sử 1873-1954) điều đó cũng thể hiện tính toàn diện của tiến trình. Những văn bản thuộc hai giai đoạn 1888-1918 và 1919-1930 có vẻ sung túc hơn giai đoạn 1930-1945.

Một văn bản pháp quy có thể gồm nhiều phiên bản khác nhau qua thời gian, thể hiện sự bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay thế. Về vấn đề phân chia nội thành Hà Nội làm 8 khu phố (hộ), việc đề cương dẫn đến 6 văn bản khác nhau (những tài liệu số 10, 23, 24, 25, 29, 30), có thể giúp chúng ta nghiên cứu được về qua trình biến đổi về phân chia hành chính Hà Nội qua dòng thời gian. Nhưng nên chăng có thể gộp những văn bản đó lại thành một tiểu mục (thí dụ: Phân chia hành chính), để dễ theo rõi như sẽ nói kỹ hơn ở bên dưới.

2. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật rất cơ bản của đề cương, người nhận xét cũng góp thêm một số ý kiến để Chủ biên và nhóm biên soạn tham khảo và có thể thảo luận, tìm ra cách biên soạn tối ưu cho cuốn sách.

- Về cấu trúc cuốn sách: Hoàn toàn tán thành về phân chia thành 4 lĩnh vực chính. Nhưng ở cấu trúc thứ cấp, hình như chưa rõ rệt lắm, có khi còn khó nắm bắt các hình thức xen kẽ giữa các cách phân loại theo thời gian, theo nguồn xuất xứ và theo chủ đề. Ở Lưu trữ, phân loại theo nguồn và nơi xuất xứ là một tiêu chí quan trọng. Nhưng ở một cuốn sách công cụ chuyên khảo, nên chăng cần chọn một cách phân loại đơn giản, sao cho người đọc dễ theo rõi nhất. Có thể tham khảo một đẳng cấp phân loại tôn ty như sau:

 Lĩnh vực (chủ đề lớn) -> Vấn đề (chủ đề nhỏ) -> Trình tự thời gian (sắp xếp theo năm, tháng).

Tất nhiên các văn bản đều cần ghi rõ nguồn xuất xứ, nhưng không nên coi đó là một cấp bậc phân loại

- Về nội dung văn bản: Hoàn toàn tán thành phương thức dịch toàn văn. Nhưng có vấn đề đặt ra là: Trong thực tế, một văn bản pháp quy thường được trình bày khá dài dòng. Phần dẫn nhập (Chiểu theo.., Căn cứ..,) nhiều khi dài hơn chính văn rất nhiều và lặp đi lặp lại trong nhiều văn bản, lãng phí không cần thiết và dễ gây nhàm chán. Trong văn bản, cũng có nhiều đoạn trùng lặp (thí dụ những ý kiến giống nhau của Đốc lý, của các Ủy ban, rồi ý kiến của Hội đồng Thành phố). Nên chăng, trong một loạt những văn bản cùng loại, chỉ cần nêu mẫu một, hai phần dẫn nhập ấy, số còn lại có thể lược bớt bằng ký hiệu […]. Những doạn trùng lặp trong văn bản tùy hoàn cảnh mà xử lý, khi dẫn toàn văn, khi tóm lược. Có thể bỏ đi những đoạn nhắc lại ý, trên cơ sở vẫn bảo đảm giữ lại toàn bộ thông tin đặc hữu của từng văn bản.

- Vấn đề tránh văn bản trùng lặp: Trong nghiên cứu, khó tránh hoàn toàn, nhưng cố gắng tối đa tránh sự trùng lặp. Một văn bản trước đây trong những cuốn sách do Ts Diến chủ biên chỉ mới tóm lược, tổng thuật, nay được dịch toàn văn, không thể coi là sự trùng lặp. Tuy nhiên, cũng nên rà soát lại để không xảy ra trường hợp nào có 2 văn bản hoàn toàn trùng lặp, xuất hiện trong 2 cuốn sách khác nhau cùng của nhà xuất bản Hà Nội, cùng do tác giả Đào Thị Diến dịch hoặc chủ biên.

- Vấn đề chuyển ngữ: Ngoài một số rất ít văn bản được kèm theo bản dịch chữ quốc ngữ và một số thuật ngữ, khái niệm quen thuộc, hầu hết các từ ngữ trong văn bản pháp quy đều ở dạng nguyên văn tiếng Pháp, không có bản dịch. Ngay dưới thời Pháp thuộc, trên tạp chí Tri Tân, tác giả Nguyễn Nhân đã bàn về việc khó dịch và tình trạng dịch không thống nhất các thuật ngữ tiêng Pháp sang tiếng Việt (như trong lĩnh vực giáo dục). Ngày nay, một thuật ngữ chuyên môn tiếng Pháp cũng có thể dịch theo nhiều cách khác nhau (Thí dụ: Aménagement=Chỉnh trang, tu tạo, quy hoạch…). Vậy nên chăng, để tránh hiểu lầm, những thuật ngữ, khái niệm quan trọng trong bản dịch nên có chú thêm khái niệm tiếng Pháp nguyên gốc.

- Những văn bản quý hiếm: Tư liệu số 2 của Đề cương là Đạo Dụ ngày 03-10-1888 của nhà vua Đồng Khánh chuyển Thành phố Hà Nội thành Nhượng địa của Pháp. Đạo Dụ có kèm theo một phụ lục bản đồ địa giới, từ đó có thể suy ra những hành động thôn tính của Pháp khi mở rộng địa giới nội thành sau này. Bản đồ đó trước đây “hình như” bị thất lạc, trong công trình này đã tìm thấy để đưa vào sách chưa?

Cũng vậy, chúng ta có khá nhiều tài liệu về phân chia hành chính Hà Nội ở giai đoạn đầu, khi chia Thành phố làm 8 khu (hộ). Nhưng sau đó (khoảng sau Thế chiến I), Thành phố chuyển sang phân chia hành chính mới, với các khu phố có tên gọi cụ thể (như Quartier du Marché, Quartier de Sinh-Tu, Quartier de l’Hôpital Militaire, Quartier de Hoa-Ma, Quartier de Bay-Mau…). Nếu có thể, nên đưa vào công trình những nghị định về phân chia hành chính mới đó, kèm theo những phụ lục bản đồ, đó sẽ là những tư liệu quý. Cũng vậy đối với nghị định và bản đồ về các Khu địa chính, từ Section A đến Section U.

- Về không gian mở rộng: Việc này mất công sức, vì phải lục lọi các fonds của Công sứ Hà Đông, Công sứ Sơn Tây. Tuy nhiên, theo tinh thần phục vụ cho “Hà Nội mở rộng” trong giai đoạn II, nếu có được một ít tư liệu lưu trữ về những chủ đề này thì cũng tốt. Trước mắt, có thể bổ sung một số tài liệu văn bản pháp quy về huyện (sau là Đại lý đặc biệt) Hoàn Long.

Về Tổng luận: Sau những lời giới thiệu, Chủ biên vẫn nên có một bài nghiên cứu tổng luận (độ 30 trang - 50 trang) để tổng kết. Người đọc có thể tìm thấy ở đó một bức tranh toàn cảnh về tình hình tài liệu, những nội dung cơ bản được tổng hợp hóa, trước hoặc sau khi đi vào nghiên cứu chi tiết từng văn bản.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, đề tài này sẽ là một cuốn sách quý hiếm, có chất lượng cao cho tất cả những ai muốn đi sâu nghiên cứu tìm hiểu Hà Nội thời cận đại và những quan chức quản lý đô thị, từ cấp trung ương đến cấp địa phương, nhất là nếu muốn tiếp cận tới một lịch sử toàn diện, thực chứng, trung thực khách quan của Thủ đô, để có được những chính sách, biện pháp phù hợp, đúng đắn. Dựa theo đề cương chi tiết, đề tài hoàn toàn xứng đáng được triển khai và mọi người hy vọng sớm được đọc thêm một cuốn sách có giá trị về Thủ đô ngàn năm văn hiến.

* Dưới góc độ cá nhân là một nhà nghiên cứu khoa học, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đã đưa ra ý kiến nhận xét của mình:

Với dung lượng khoảng 100 tài liệu bản chụp từ nguyên bản là những văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thực dân Pháp phản ánh hoạt động xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua 8 lĩnh vực: Địa giới - Tổ chức bộ máy hành chính; quy hoạch - xây dựng; giao thông - công chính và văn hóa - giáo dục, là cấp thiết trong việc hình thành sách tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Về phương pháp, nguyên tắc biên soạn

- Nghiên cứu khối tài liệu văn bản vi phạm pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố thời kỳ thuộc địa để giới thiệu và dịch thuật ra tiếng Việt. Thời gian tài liệu bắt đầu từ năm 1888 đến năm 1952.

- Số tài liệu này được dịch toàn văn vớikhoảng 100 văn bản gốc từ tiếng Pháp. Nguyên tắc dịch thuật là trung thành với nguyên bản, có chú thích nguồn và những chỉ dẫn khoa học cần thiết. Những văn bản này được sắp xếp theo 8 lĩnh vực đã nêu trên. Thay vì không làm index, tác giả sắp xếp tài liệu trên theo niên đại hình thành văn bản.

Kết cấu cuốn sách gồm 4 phần: Lời Nhà xuất bản;Lời giới thiệu; Lời Ban biên soạn; Bản dịch toàn văn

Phần Lời giới thiệu (mà theo tác giả sẽ do một giáo sư viết) nên tập trung giới thiệu giá trị lịch sử của các thông tin trong văn bản đối với nghiên cứu lịch sử quản lý nhà nước về qui hoạch, xây dựng và các lĩnh vực liên quan trên địa bàn Hà Nội thời Pháp thuộc.

Nên chăng Lời giới thiệu của tác giả và Lời Ban biên soạn có thể là nhập lại. Trong phần này, có lẽ tác giả nên tập trung khái quát quá trình hình thành văn bản, chức năng, quyền hạn của cơ quan ban hành văn bản vànơi lưu trữ hiện tại.

Về giá trị thông tin lịch sử

Nội dung cuốn sách là nguồn tư liệu quan trọng nghiên cứu về lịch sử Hà Nội nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung thời cận đại. Đồng thời, cuốn sách cũng cung cấp những thông tin về hoạch định chính sách quy hoạch, xây dựng, quản lý thành phố Hà Nội trước đây và tham khảo phục vụ những hoạt động đó hiện nay.

Tóm lại, Tác giả là người trực tiếp sưu tầm các tư liệu nói trên từ các Lưu trữ tại Pháp và nay tiếp tục nghiên cứu, dịch thuật, theo tinh thần Đề cương trên, để công bố trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, theo tôi, là một thuận lợi cho tác giả và Dự án.

Bên cạnh đó, tác giả cũng là người tham gia những đề tài tương tự ở giai đoạn I của Dự án và là người có kinh nghiệm và trình độ dịch thuật tài liệu quản lý nhà nước từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Đó cũng là những yếu tố bảo đảm cho chất lượng cuốn sách.

Từ những nhận xét, đánh giá, góp ý trên và hơn hết đề tài được thực hiện bởi những chuyên gia đầu ngành về công tác lưu trữ, chắc chắn sẽ hứa hẹn một bản thảo tốt, một cuốn sách hay mang nhiều ý nghĩa với độc giả.

 

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá