Đàn Xã Tắc Thăng Long – Di tích khảo cổ học chứa nhiều tầng văn hóa
Sau khi phát hiện di tích khảo cổ Đàn Xã Tắc tháng 11 năm 2006, PGS.TS. NGND. Hoàng Văn Khoán đã ra thăm công trường khai quật 3 lần, ông thấy cuộc khai quật được tiến hành khá thận trọng và rất công phu. Ông cho rằng xếp di tích Đàn Xã Tắc có 3 lớp văn hoá là hoàn toàn hợp lý, rõ ràng. Các lớp văn hoá có các di vật rất điển hình và đặc trưng: Lớp văn hoá Phùng Nguyên ở dưới cùng, các mộ thời Hán nằm lên trên, rồi trên cùng là lớp Lý - Trần - Lê. Lớp Lý - Trần - Lê cũng được phân biệt, rõ nhất là lớp Lý và Lê, lớp Trần hơi mờ nhạt. Điều này được minh chứng qua các di chỉ để lại và chính chủ biên Tống Trung Tín cũng cho biết: “Ở hố khai quật thứ nhất, các nhà khảo cổ tìm thấy lớp phù sa sông màu xám đen có lẫn nhiều mảnh ngói, sành vỡ vụn. Hiện vật trong lớp này chủ yếu có niên đại thời Lê. Lớp thứ hai là lớp đất phù sa sét màu nâu đỏ dày. Trong đó chứa nhiều hiện vật như đồ sành, bát hoa lam mang đặc trưng của thời Lê, thế kỷ XV - XVI. Lớp tiếp theo là đất phù sa cát màu nâu xám hơi đỏ, có nhiều hiện vật đặc trưng thời Trần, có một số thời Lý”. Còn ở tại hố số ba, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hiện vật thời Trần, thời Lê. Đặc biệt, có một nền đất đầm chặt có thể là mặt bằng sân đình Đông. Cũng có phần khá vuông vức như một cấp bậc có thể là lối đi lên đình Đông. Tuy nhiên, diện tích xuất lộ quá nhỏ nên các nhà khảo cổ chỉ có thể nêu giả thuyết.
Ngoài những ngợi khen, đánh giá xác đáng PGS.TS.NGND. Hoàng Văn Khoán cũng có những góp ý để bản thảo hoàn thiện hơn trước khi đến tay bạn đọc.
Ở trang 182 có nói đến cấu trúc tổng thể của kinh đô Thăng Long, nên bổ sung vào cung Đại Minh. Bởi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” quyển 5, tr.23 có nói “Năm 1257 khi vua thân hành thống lĩnh 6 quân đi đánh giặc, quan giữ ấn vội vàng dấu ấn báu lên Thượng lương của điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo, giữa đường ấn ấy lại mất, giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng ấn bị mất. Ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ”.
Nhà chuyên ngành khảo cổ học Hoàng Văn Khoán phán đoán cung hay điện Đại Minh nằm ở Vườn Hồng, nơi có cột mỏng đầm 56 lớp thời Lý, ở đó cũng phát hiện dấu sắc mệnh chi báu bằng gỗ và các mũ sắt của quân cấm thành.
Còn về Thái Thanh cung: Thái Thanh là một trong ba vị tam thanh của Đại giáo. Hiện thân của Thái Thanh thường là Lão tử. Phải chăng nên nói đôi điều về cung này, vì sao một trong ba tam thanh lại chỉ có thờ Thái Thanh - Thái Thanh là nói về cõi âm.
Như vậy sơ đồ kinh đô Thăng Long khá giống thời Đường, nhưng được Việt Nam hoá. Theo sơ đồ thời Đường ở Tràng An thì giữa là Hoàng Thành, bên phải là Thái Miếu, bên trái là Đại Xã - tức Xã Tắc. Xã Tắc Thăng Long ở phía Nam. Thời Đường cũng có cung Đại Minh ở phía Bắc, và cung Thái Thanh ở Đông Bắc giống Việt Nam.
Về phần dịch nghĩa “Xã Tắc” theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Đàn Xã Tắc là một trong các loại đàn tế cổ, được các vị vua cho lập để tế Xã thần (Thần Đất, 社) và Tắc thần (tức Thần Nông, 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Còn trong quyển Từ điển Hán Việt, theo tác giả Đào Duy Anh, "Xã tắc" có nghĩa là "Thuở xưa dựng nước (....). Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia". Còn với PGS.TS. Hoàng Văn Khoán Xã Tắc: xã là thổ địa. Thần Thổ địa theo truyền thống Việt Nam là hết sức quan trọng, các tác giả dịch Thần Đất là hợp lý, là đúng. Nhưng Tắc mà viết là thần Ngũ cốc là không chính xác. Bản thân chữ Tắc một bên là bộ Hoà là lúa, một bên bộ điền là ruộng - Tắc là một loại lúa rất quý so với hàng trăm loại lúa khác. Xã Tắc là thần đất và thần lúa.
Qua những kết quả nghiên cứu khảo cổ ở địa điểm đàn Xã Tắc - thành tựu của cuộc khai quật khảo cổ học do Ban Quản lý Di tích & Danh thắng Hà Nội cùng Viện Khảo cổ học tiến hành từ cuối năm 2006 thêm một minh chứng rõ nét về Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Đàm Ly (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội