Một tác phẩm sử học với chiều sâu tri thức và bút pháp tinh tế
Đóng góp cho công trình này có cả một Hội đồng khoa học với những chuyên gia, những nhà sử học nổi tiếng như: GS.TSKH. Vũ Minh Giang, PGS.TS. Đào Tố Uyên, PGS.TS. Trần Thị Vinh, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật… Một trong những thành viên tham gia Hội đồng bản thảo, đưa nhiều ý kiến đóng góp cho công trình là PGS.TS. Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã dành thời gian và tâm lực để đọc tập bản thảo dầy dặn này và đưa ra bản nhận xét khá ngắn gọn và súc tích.
Trước hết, PGS.TS. Vũ Văn Quân không chỉ đánh giá cao chất lượng và tiến độ công trình mà còn đánh giá cao năng lực của người thực hiện bản thảo. PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - tác giả tập bản thảo - là chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII, đặc biệt là về lịch sử và văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ. Ông đã giành thời gian nghiên cứu về địa phương này này từ nhiều chục năm nay và đã có nhiều công trình nghiên cứu về cùng chủ đề được công bố, rất có giá trị, được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao (một trong số đó đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ vào năm 2012).
Đi sâu vào phần nội dung, PGS.TS. Vũ Văn Quân đã đề cập đến cấu trúc sách. Cấu trúc thể hiện trong bản thảo được tuân thủ theo đề cương đã được điều chỉnh và thông qua. Đó là một cấu trúc hoàn toàn hợp lý. Qua đó, cuốn sách đã tái hiện một cách sinh động, toàn diện bức tranh đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ trong gần ba thế kỷ, từ chính trị, diện mạo kinh thành đến kinh tế, xã hội, văn hoá. Bên cạnh đó, sự uyên bác về kiến thức lịch sử và văn hóa của Việt Nam và thế giới, của Thăng Long - Kẻ Chợ, Đàng Ngoài và cả nước, khả năng ngoại ngữ rất tốt (cả tiếng Anh và tiếng Pháp) để tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, và không thể không nhắc đến một bút pháp viết sử hài hòa giữa tính hàn lâm về tri thức với văn phong không hề cứng nhắc… đã làm nên một tác phẩm sử học hấp dẫn, rất đáng đọc.
Ngoài ra, phần Phụ lục với các tư liệu trong nước và quốc tế viết bằng chữ Hán Nôm và chữ phương Tây đem đến cho người đọc nhiều thông tin, những hiểu biết thú vị về mọi mặt của đời sống đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ dưới thời Mạc và Lê Trung hưng. Bức tranh sinh hoạt đô thị đóng vai trò kinh đô được ghi chép với nhiều chi tiết rất cụ thể, sinh động với đủ các tầng lớp xã hội từ vua chúa tới dân thường là một phần rất hấp dẫn của công trình này.
Kết luận cuối cùng của bản nhận xét là một sự khẳng định chắc chắn về chất lượng của công trình. Bản thảo đã đáp ứng mọi yêu cầu về nội dung và hình thức mà chủ đầu tư đã đặt ra. Nó không chỉ là một công trình khoa học thuần túy đóng góp cho việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội mà còn là một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi đề tài theo dòng lịch sử của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Với chất lượng bản thảo cùng tên tuổi người chấp bút, PGS.TS. Vũ Văn Quân cũng như nhiều độc giả rất mong muốn cuốn sách sớm được biên tập, xuất bản và đến tay bạn đọc xa gần.
Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của PGS.TS. Vũ Văn Quân - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo)