Khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội : vén màn bí ẩn nhiều nét văn hoá độc đáo của Thủ đô ngàn năm văn hiến
Bản thảo có 5 chương, mỗi chương trình bày một số nội dung cụ thể. Các di tích khảo cổ lần lượt được giới thiệu theo trật tự thời gian từ sớm đến muộn, từ sơ sử đến lịch sử.
Chương I: Vị trí địa lý và lịch sử khảo cổ học thủ đô Hà Nội trước tháng 8 năm 2008. Ở chương này, các tác giả đã trình bày rõ ràng, ngắn gọn và đầy đủ về vị trí địa lý cảnh quan môi trường sinh thái của vùng đất Hà Nội, nhất là những điều kiện thuận lợi cho cuộc làm ăn sinh sống của cư dân Hà Nội. Vấn đề quan trọng thứ hai của chương này là lịch sử nghiên cứu di tích khảo cổ học Hà Nội. Tác giả sách đã cố gắng tổng hợp, hệ thống tình hình phát hiện và nghiên cứu di tích khảo cổ học Hà Nội, trong đó nhấn mạnh vị trí chủ yếu của các nhà khảo cổ học Việt Nam.
Chương II: Khảo cổ học Hà Nội thời đại Đồng thau – Sắt sớm. Nội dung của chương đã tập trung giới thiệu cụ thể về các di tích khảo cổ Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở Hà Nội.
Mỗi di tích khảo cổ học được giới thiệu tóm tắt, cụ thể về vị trí, quá trình phát hiện và nghiên cứu, địa tầng, di tích, di vật, tính chất và niên đại, giá trị lịch sử - văn hóa. Các di tích khảo cổ ở Hà Nội được sắp xếp vào từng giai đoạn của các văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun và Đông Sơn. Đỉnh cao của sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Hà Nội là sự ra đời của thành Cổ Loa với nhà nước Âu Lạc.
Chương III: Khảo cổ học lịch sử Hà Nội được chia ra làm 2 thời kỳ lớn: thời kỳ từ thế kỷ 1 - 10 với các loại hình di tích cư trú, di tích kiến trúc và mộ táng; thời kỳ 2 từ thế kỷ 11 - 19 với nhiều di tích kiến trúc và cư trú (31 địa điểm) và di tích mộ táng, trong đó có mộ quách gỗ và mộ hợp chất.
Di tích cư trú hiếm gặp ở thế kỷ 1 - 10, chỉ mới thấy ở địa điểm Đàn Xã Tắc. Nhờ kết quả khai quật lớn tại Hoàng Diệu mà chúng ta biết được dấu tích kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê. Đó là các dấu tích móng trụ, bó nền, nền nhà, cống nước, giếng nước. Điều này chứng tỏ Hà Nội lúc đó là trụ sở của An Nam đô hộ phủ. Các dấu tích kiến trúc Đinh - Tiền Lê nằm cùng hoặc chồng lên trên các dấu tích kiến trúc Đại La. Các di tích mộ táng thế kỷ 1 - 2 đến thế kỷ 9 - 10 phân bố tập trung ở khu vực Cổ Loa và khu vực xung quanh trung tâm nội thành Hà Nội, gồm các loại mộ thuyền, mộ đất và mộ gạch.
Các dấu tích kiến trúc và di vật gốm sứ thuộc thời Trần, Lê cũng tìm thấy ở hầu khắp các di tích khảo cổ đã được thám sát và khai quật.
Chương IV: Giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích khảo cổ học Hà Nội
Về giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích khảo cổ Tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Các tác giả đãnghiên cứu vị trí, quy mô rộng lớn và sự phong phú đa dạng của nhiều loại di tích di vật khảo cổ cho phép khẳng định cư dân Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun bắt đầu lập nghiệp trên đất Hà Nội từ sơ kỳ đến hậu kỳ đồ đồng thau. Qua di tích di vật, nhất là các loại đồ trang sức, hoa văn trên đồ gốm và tượng nghệ thuật cho phép hình dung về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân thời sơ sử ở Hà Nội vô cùng phong phú và đa dạng.
Bước sang sơ kỳ thời đại đồ sắt, cơ sở kinh tế, kỹ thuật và kinh nghiệm của thời đại đồ đồng tiếp tục phát triển và tạo ra sự phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa, xã hội của văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, sự ra đời của nhà nước Âu Lạc với tòa thành Cổ Loa với 3 vòng thành to lớn chứng tỏ Cổ Loa (Hà Nội) là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của cả nước.
Về giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích khảo cổ học Hà Nội từ thế kỷ 1-19. Từ di tích làng Việt ở Đàn Xã Tắc phần nào có thể hình dung về một truyền thống Việt tồn tại song hành bên văn hóa Hán bất chấp âm mưu đồng hóa mãnh liệt của người Hán.Qua tài liệu khảo cổ phát hiện ở Thăng Long cho thấy văn hóa Việt Nam thời Đinh - Tiền Lê bắt đầu định hình và phát triển với đặc trưng giao thoa Việt - Hán - Đông Nam Á.
Từ thế kỷ 11 - 19: Đây là thời kỳ trị vì của các triều đại phong kiến Lý - Trần - Lê - Nguyễn.
Theo kết quả khai quật tại 18 Hoàng Diệu, bước đầu xác định dược một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng kiến trúc cung điện, lầu gác; 7 móng tường bao, 6 giếng nước, 13 đường cống tiêu thoát nước. Các di tích kiến trúc và di vật kiến trúc rất đa dạng và phong phú chứng tỏ trình độ kỹ thuật cao và khả năng tổ chức cao của vương triều Lý.
Dưới triều Trần, vị trí, quy mô, cấu trúc các vòng thành Thăng Long gần như không có gì thay đổi nhiều so với thời Lý. Năm 1230, nhà Trần quy hoạch lại khu trung tâm Hoàng cung trên cơ sở Thăng Long thời Lý.
Nhìn chung, dấu tích văn hóa Nguyễn còn lại rất ít ngoài Cột Cờ, Bắc Môn, tường và cổng Nội điện, dấu tích thành Hà Nội mới tìm thấy một ít ở khu vực lăng Bác Hồ và ở 62 - 64 Trần Phú.
Chương IV: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản khảo cổ học Hà Nội.
Trước tốc độ của đô thị hóa, hiện đại hóa cũng như sự ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu nước ta đã xâm hại đến các di chỉ khảo cổ học. Trong chương 5 của bản thảo các tác giả đã nêu thực trạng của công tác bảo tồn các di sản khảo cổ học Hà Nội. Bên cạnh đó với nhiều năm nghiên cứu một cách có hệ thống di tích khảo cổ học Hà Nội, thấy rõ giá trị cực kỳ quý giá của các di tích khảo cổ học Hà Nội, PGS.TS Tống Trung Tín chính thức kiến nghị một số giải pháp bảo toàn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học Hà Nội.
Khảo cổ học giúp vén màn bí ẩn nhiều nét văn hoá độc đáo của dân tộc. Đây là ngành học nền tảng và cần thiết cho bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực lịch sử và văn hoá… Với sự ra mắt công trình Khảo cố học Thăng Long – Hà Nội (1898 – 2008) thực sự là tài liệu rất cần thiết trong việc nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá về các di sản di tích khảo cổ học Hà Nội.
Lê Đàm
Nhà xuất bản Hà Nội