Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một công trình nghiên cứu tổng hợp có tính thời sự
Thứ bảy, 16/05/2015 12:29

Khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS. Tống Trung Tín làm chủ biên là công trình nghiên cứu tổng hợp có tính thời sự và khoa học của các nhà sử học, khảo cổ học Việt Nam đối với Khảo cổ học Hà Nội. Nhận định của PGS.TS. Trình Năng Chung như vậy là bởi công trình đã hệ thống hoá được khối tư liệu đồ sộ nghiên cứu về các di tích khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội từ năm 1898 đến năm 2008.

 
Trong hơn thập kỷ qua (2002 - 2014) là giai đoạn khảo cổ học Hà Nội thu được nhiều thành tựu cực kỳ to lớn. Với hơn 30 địa điểm khảo cổ học có niên đại từ sơ kỳ kim khí đến thế kỷ XIX được thám sát và khai quật, trong đó có những di tích cực kỳ quan trọng lần đầu tiên được khai quật như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu, Đàn Xã Tắc, chùa Báo Ân v.v...
 
Bằng phương pháp trình bày các di tích theo trục thời gian sớm - muộn, công trình đã tái hiện đầy đủ quá trình phát triển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua cách nhìn của khảo cổ học. Để những di chỉ khảo cổ “biết nói”, để người đọc dễ tiếp cận, các tác giả dùng lối viết ngắn gọn, ngôn từ dễ hiểu giúp cho người đọc nắm bắt và thấu hiểu những đặc trưng cơ bản nhất của từng di tích, từ những di tích thuộc văn hóa Tiền Đông Sơn, qua các di tích Đông Sơn, đến các di tích thuộc các thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Đối với các di tích tiêu biểu, nội dung bản thảo đã cung cấp đủ các dữ kiện về tầng văn hóa, từng di tích di vật. Điều đáng quý là sau mỗi một di tích tiêu biểu, các tác giả đều có đánh giá giá trị lịch sử và văn hóa của chính bản thân di tích đó, giúp người đọc nhận chân được giá trị của từng di tích trong xã hội đương thời cũng như hiện nay, tăng lòng trân trọng của nhân dân đối với các di tích lịch sử văn hóa ở Thăng Long - Hà Nội.
 
Theo PGS.TS. Trình Năng Chung thì công trình Khảo cổ học Thăng Long – Hà Nội (1898 - 8/2008) sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, đối với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội có thể khai thác ở đây rất nhiều tư liệu khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình; đối với các tầng lớp bạn đọc khác, đây là cách tiếp cận nhanh nhất đối với lịch sử của Thăng Long - Thủ đô.
 
Công trình có tính thời sự còn ở giới hạn nghiên cứu, từ năm 1898 đến tháng 8 năm 2008 trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới như hiện nay. Mặc dù rất nhiều di tích quan trọng thời tiền sử, như các di tích đá cũ ở Ba Vì chưa có dịp được đề cập đến, nhưng với 79 di tích tiêu biểu của các thời kỳ, từ giai đoạn sơ kỳ thời đại kim khí Phùng Nguyên tới các di tích khảo cổ học thời kỳ lịch sử thế kỷ XIX được trình bày trong cuốn sách, các tác giả đã cho người đọc hiểu được tính phát triển liên tục của lịch sử Hà Nội từ thời sơ sử đến thế kỷ XIX. 
 
Việc lựa chọn các hình ảnh minh họa cũng góp phần rất tốt cho phần chính văn. Các tác giả đã giúp người đọc nắm được các “thần thái” của từng di tích qua loạt ảnh, bản vẽ minh họa kèm theo.
 
Qua các di chỉ khảo cổ học chúng ta thời nay biết phần nào về đời sống, xã hội của cha ông ta từ thuở xa xưa, các tác giả còn giúp người đọc nhận thức được những giá trị lịch sử văn hóa tổng thể của các di tích trên đất Thủ đô ngàn năm văn vật. Có nhận thức rõ được các giá trị đó, người Hà Nội, người yêu Hà Nội càng thêm tự hào về truyền thống quê hương và chúng ta sẽ có thái độ ứng xử đúng mức với các di tích lịch sử văn hóa của cả nước nói chung và của Thăng Long - Thủ đô nói riêng.
 
Giá trị của bản thảo còn ở chỗ các tác giả đã đề ra những biện pháp, phương pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy được các giá trị của các di tích khảo cổ trên mảnh đất ngàn năm văn vật. Điều này rất quý và giúp các nhà quản lý có cái nhìn vĩ mô trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc.
 
Ngoài sự phân tích, đánh giá về những giá trị từ bản thảo mang lại cho các nhà nghiên cứu nói chung và với ngành khảo cổ học nói riêng về tính thời sự, khoa học thì PGS.TS. Trình Năng Chung cũng có góp ý, sách có nhiều hình minh họa rất đáng quý, nhưng được in ra với kích cỡ quá nhỏ, cần tăng cường kích cỡ các ảnh. Trong phần Phụ lục, rất nhiều trang in từ 6 đến 8 ảnh, có ảnh chỉ to hơn vỏ bao diêm chút xíu không nhìn rõ được. Khi nói đến khảo cổ học là nói đến di tích, di vật. Nếu kích thước ảnh quá nhỏ, sẽ không thể hiện rõ những đặc trưng của di tích di vật, gây phản cảm cho người xem. Phó giáo sư đề nghị, tăng kích cỡ các ảnh minh họa hoặc có thể chọn những di tích di vật tiêu biểu nhất (tức giảm số lượng ảnh).
 
Trước tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa như hiện nay, các di sản khảo cổ học ngày càng bị phá huỷ và mất mát nghiêm trọng thì sự ra đời, công bố công trình Khảo cổ học Thăng Long – Hà Nội (1898 – 2008) sẽ mang lại một ý nghĩa lớn cho việc duy trì và phát huy những giá trị văn hóa đang nằm sâu trong lòng đất. Công trình nghiên cứu tổng hợp có tính thời sự và khoa học này được công bố sẽ giúp đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, những người luôn yêu mến Hà Nội thêm  trân trọng các di sản lịch sử văn hóa của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Khánh Chi
 
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét bản thảo của PGS.TS. Trình Năng Chung)
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá