Là một người đặc biệt ủng hộ việc tổ chức biên soạn công trình “Tuyển tập Tản Đà” do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II, cũng là một trong những “độc giả” đầu tiên của bản sơ thảo công trình, Nhà thơ (NT) Bằng Việt - Trưởng ban Tư vấn chuyên môn sách Văn học - Nghệ thuật đồng thời là thành viên của Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đã có những ý kiến, đánh giá và góp ý thiết thực để hoàn thành bản thảo.
Một cách tổng quát, NT Bằng Việt cho rằng đây là một công trình công phu, thể hiện được sự am hiểu thấu đáo của người biên soạn đối với các văn phẩm và di cảo của Tản Đà cũng như tấm lòng trân trọng và sự lãnh hội chín chắn trong nhận thức khi nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp văn học của Tản Đà, có đối chiếu với thời đại ông sống và tiến trình phát triển của cả nền văn học Việt Nam qua giai đoạn giao thời từ thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX và sự giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây thời kỳ đó. Điều này cũng không quá khó để lý giải bởi GS.TS. Trần Ngọc Vương là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học trung đại và đã có 40 năm để tâm trăn trở và nghiên cứu về tác giả Tản Đà kể cả văn nghiệp lẫn những mối quan hệ xung quanh nhà nho tài tử này.
Phần Tuyển chọn tác phẩm được NT Bằng Việt đánh giá là kỹ lưỡng và hợp lý, có dung lượng cần và đủ để độc giả hình dung ra tầm vóc và quy mô sáng tạo của Tản Đà với tư cách là người đại diện lỗi lạc của một thời kỳ văn học phức tạp, mang tính quá độ từ trung - cận đại đến hiện đại, từ Nho học sang Tây học, từ khuôn thước “mũ cao áo dài” của chủ nghĩa cổ điển tiếp cận đến cái “tôi” bung phá của chủ nghĩa lãng mạn. Ông rất đồng ý với danh mục các phần Thơ, Văn xuôi, Dịch thuật, Suy tưởng và Bình luận văn học được chọn trong tập này cũng như hoàn toàn tán thành việc rút đi các tập “Thần Tiền” (tiểu thuyết), cũng như tập sách “Quốc sử huấn mông”. Đối với phần chọn lọc một số ý kiến có tính chất hồi ức và kỷ niệm của nhiều danh sĩ nghĩ và viết về Tản Đà, NT Bằng Việt cho rằng đây là những đánh giá chân thật và quý giá để người đọc hiểu sâu thêm về Tản Đà qua lăng kính của những người hoạt động văn học nghệ thuật nhiều giai đoạn nói về Tản Đà.
NT Bằng Việt đặc biệt đánh giá cao chất lượng của bài Tổng luận do GS.TS. Trần Ngọc Vương chắp bút. Ông nhận định đây là một bài viết tâm huyết, có nhiều ý kiến khám phá về Tản Đà, đặt được vị trí và mối tương quan của Tản Đà với thời đại văn học của mình và bối cảnh chính trị - xã hội phức tạp mang tính giao thời mà Tản Đà phải gánh chịu, hơn thế nữa, ông (Tản Đà) còn chủ động tìm ra được lối thoát thích hợp cho sức sáng tạo và cống hiến của riêng mình, để trở thành một gương mặt độc đáo, không trùng lặp với ai trong lịch sử.
Với tư cách là một thành viên của Hội đồng thẩm định, nghiệm thu, NT Bằng Việt cũng đã có những ý kiến vừa là để góp ý, vừa là sự trao đổi khoa học nhằm hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản.
Theo ông, bài Tổng luận nên phân tích sâu hơn nữa về “cái Tôi” riêng tư đã manh nha trong sáng tác của Tản Đà, mang hơi hướng cái Tôi cá nhân trong văn học, có ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn tư sản và tiểu tư sản, nó báo trước và cũng là dấu nối giữa hai nền văn học cũ và mới, cũng như làm tiền đề cho sự ra đời của Thơ Mới sau này.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng tác giả Tổng luận cần làm rõ thêm về các biểu hiện của phong cách nhà Nho tài tử khi so sánh với nhà Nho chính thống, kể cả hai loại hành đạo và ẩn dật. Ở phương diện này, NT Bằng Việt đã đặt vấn đề trao đổi thêm với chủ biên về quan niệm phân loại các loại hình nhà Nho trong văn học Việt Nam.
Theo quan điểm của NT Bằng Việt thì dấu hiệu nhận biết rành rẽ của loại nhà Nho tài tử là đề cao tài và tình để phân biệt với nhà Nho chính thống là đức và tính như bài Tổng luận đã nêu chỉ có ý nghĩa tương đối và vẫn luôn luôn có thể chuyển hóa, lan tỏa và chồng lấn sang nhau. Ông dẫn chứng về trường hợp Nguyễn Công Trứ vẫn là nhà Nho chính thống, hành đạo, nhưng vẫn là một con người tài tử tột cùng; hay Phạm Thái vẫn là nhà Nho hành đạo khi tham gia chính sự, nhưng lùi lại vẫn đầy chất tài tử và cũng sẵn sàng mang dáng dấp của một người ẩn dật bất phùng thời. Người ẩn dật cũng vẫn đề cao tài và tình còn với đặc tính ngông và ngạo (với đời), thì cả loại hành đạo, ẩn dật và tài tử đều có sẵn cả! Người hành đạo hẳn thích lập danh, dấn thân, nhưng không thể bảo người tài tử không muốn dấn thân và không thích có danh? Lập đức thì cả loại hành đạo và ẩn dật đều mong muốn. Còn lập ngôn thì cả ba loại nhà Nho trên đều chuộng, nào có ai từ chối? Từ một chí sĩ đang hành đạo, có thể trở thành tài tử bất cứ lúc nào. Và từ một nhà Nho ẩn dật nếu thích trở thành một nhà Nho tài tử, thì cũng đâu có gì xa?
Từ lập luận đó, NT Bằng Việt cho rằng nên cân nhắc thêm việc nên hay không xếp loại dứt khoát: Tài tử là một loại nhà Nho thứ ba trong lịch sử không, hay cũng chỉ là một thuộc tính có dạng đặc thù, dẫn xuất ra từ hai loại nhà Nho trên (xuất và xử, dấn thân và tàng ẩn) và xuất hiện trong những điều kiện lịch sử và hoàn cảnh xã hội nhất định? Và chất tài tử, chất phóng dật, cuồng ngông, ngạo đời ấy,… phải chăng vẫn nằm trong nội hàm của tố chất các nhà Nho, dù đang hành đạo hay đang ẩn dật, chỉ cần có cơ hội là phát tiết ra, chứ không phải là một đặc tính định hình cho một loại nhà Nho? Vì nếu không thế thì có thể còn có một loại nhà Nho khắc kỷ, hoàn toàn đối lập với loại nhà Nho tài tử hay không?
Về tổng thể, NT Bằng Việt đánh giá “Tuyển tập Tản Đà” do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên là một tập bản thảo được làm hết sức có trách nhiệm, xứng đáng là một công trình xuất sắc, với vị thế cùng để góp phần hoàn thiện cho Tủ sách Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến (giai đoạn II).
Nguyệt Minh tổng hợp (Theo nhận xét của NT. Bằng Việt)
Nhà xuất bản Hà Nội