Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một bước tiến mới trong nghiên cứu và tìm hiểu về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
Thứ ba, 02/06/2015 09:07
Tản Đà là một nhân vật độc đáo và phức tạp bậc nhất trong nền văn học dân tộc. Phức tạp bởi ông là “người của hai thế kỷ”, vừa là đại diện cuối cùng của văn học trung đại vừa được coi là người mở lối cho dòng văn học lãng mạn đang sắp sửa ra đời những năm đầu thế kỷ XX. Độc đáo bởi cá tính, phong cách nghệ thuật rất riêng, không trùng lặp của nhà nho tài tử này. Bởi sự độc đáo và phức tạp ấy nên dù chưa đạt đến tầm đại văn hào, thi hào, Tản Đà vẫn là một hiện tượng, “một thỏi nam châm” có sức thu hút mạnh mẽ đối với độc giả và những nhà nghiên cứu. Góp mặt trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II, công trình tuyển chọn tác phẩm Tản Đà, một mặt giới thiệu đến người đọc một hướng khám phá sâu và toàn diện về hiện tượng văn học này, mặt khác sẽ góp phần làm sáng tỏ phương diện nào đó trong diện mạo văn hóa Hà thành từ cách đây một thế kỷ qua những giá trị văn nghiệp của nhà thơ mang bút danh núi Tản sông Đà.
 
Nhận được bản thảo biên soạn công phu, bề thế, đồ sộ với trên 1300 trang, PGS.TS. Vũ Thanh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phản biện 1 của Hội đồng nghiệm thu - nhận định công trình sẽ tạo đà cho một bước tiến mới trong nghiên cứu, tìm hiểu về Nguyễn Khắc Hiếu và giai đoạn văn học mà ông sống và sáng tác. Ông cũng cho rằng Nhà xuất bản Hà Nội đã “chọn mặt gửi vàng” bởi GS Trần Ngọc Vương là một chuyên gia lâu năm về Tản Đà nên việc theo dõi, nắm bắt các vấn đề liên quan đến nhà văn nổi tiếng của núi Tản sông Đà là một điều hết sức thuận lợi.

Công trình được mở đầu bằng Phần 1: Tổng luận do GS Trần Ngọc Vương chấp bút. Có thể nói đây là một phần viết công phu, hấp dẫn. Mặc dù chứa đựng nhiều kết quả nghiên cứu chuyên sâu dưới góc độ loại hình học, đánh dấu một bước tiến mới trong nghiên cứu về Tản Đà nhưng cách viết của Tổng luận khá dung dị, gần gũi, phù hợp với mọi tầng lớp bạn đọc - đối tượng mà cuốn sách cần hướng tới. Theo PGS.TS. Vũ Thanh đó là một thành công lớn của phần viết này. Tản Đà được nhìn nhận từ góc độ loại hình tác giả, từ góc độ chủ đề - đề tài và hệ thống thể loại, trong bối cảnh của buổi giao thời giữa hai hệ hình văn học... Từ những phương diện đó vị trí của Tản Đà trong lịch sử văn học dân tộc được nhìn nhận một cách chính xác và khoa học.

Phần Tác phẩm tuyển chọn công phu và cụ thể đến từng tác phẩm, được chia thành các bộ phận: Thơ, Văn xuôi, Dịch thuật, Suy tưởng và bình luận văn học. Mỗi bộ phận lại được chia thành các thể loại nhỏ, trên cơ sở tôn trọng nguyên tác. Điều này thể hiện rõ trong phần Dịch thuật. Các tác giả công trình đã phục nguyên “hình dạng ban đầu” của 91 bài thơ Đường (bao gồm nguyên bản chữ Hán, bản dịch nghĩa và bản dịch thơ) do Tản Đà dịch; trừ những bài thơ không thể tìm được bản gốc để sao chụp thì các tác giả mới sử dụng đến những văn bản khả tín khác. PGS.TS. Vũ Thanh cho rằng đây cũng là điều lý thú mà cuốn sách tạo nên cho người đọc. Nhìn chung ông đánh giá việc tuyển chọn ở các phần Thơ, Văn xuôi, Dịch thuật có phần tinh và chính xác hơn các tuyển tập đã có. Phần Suy tưởng và bình luận văn học cũng rất có giá trị và mới mẻ.

Liều lượng tác phẩm được tuyển chọn trong các phần được đánh giá là hợp lý. Bên cạnh đó, một điều hấp dẫn khác theo đánh giá của PGS.TS. Vũ Thanh là cuốn sách đã cung cấp cho độc giả những tư liệu mới mẻ và lý thú về Tản Đà như Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Tản Đà thực phẩm. Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện được đặt trong mục Suy tưởng và bình luận văn học là có thể chấp nhận được, cho người đọc thêm những tư liệu lý thú về thái độ tiếp nhận của nhà nho, và ở đây là nhà nho giao thời tiêu biểu Tản Đà với tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Tản Đà thực phẩm do Nguyễn Tố chấp bút được xếp ở phần Phụ lục là chính xác, vì đây không phải là tác phẩm do Tản Đà viết nhưng lại cung cấp cho chúng ta những tư liệu hiếm và quý về nhà thơ độc đáo đầy cá tính này riêng trong một lĩnh vực cũng hết sức đặc biệt: ẩm thực truyền thống và ẩm thực buổi giao thời.

Ghi nhận rất nhiều những ưu điểm của công trình, Phó Viện trưởng Viện Văn học cũng đưa ra một vài ý kiến nhằm hoàn thiện bản theo. Theo Phó giáo sư Vũ Thanh đây là một cuốn sách bề thế về một tác giả lớn, vì vậy nên có phần Niên biểu về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, phần Sách dẫn của công trình và Thư mục tài liệu tham khảo về nhà thơ. Công trình cũng nên có phần Quy cách biên soạn, trình bày quan điểm của các soạn giả về việc lựa chọn tác phẩm của Tản Đà, giới thuyết việc vì sao lại chọn tác phẩm này và không chọn tác phẩm khác, vì sao thể loại này lại chỉ chọn một nửa tác phẩm, cũng như trình bày những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tập hợp hoặc dịch thuật tư liệu v.v… Điều đó sẽ giúp cho cuốn sách thêm công phu, bề thế và như một sự tổng kết của giai đoạn hiện nay về cuộc đời và sự nghiệp của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Với những giá trị của công trình đạt được, PGS.TS. Vũ Thanh mong muốn công trình nhanh chóng được hoàn thiện và được xuất bản, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc yêu mến nhà thơ núi Tản sông Đà.
 
 
Nguyệt Minh tổng hợp (Theo nhận xét của PGS.TS. Vũ Thanh)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá