Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một đóng góp khoa học và mới mẻ trong tiến trình lịch sử khảo chứng văn bản tác phẩm Tản Đà
Thứ ba, 02/06/2015 09:29

Tản Đà là một nhà văn lớn của văn học dân tộc, được coi là nhịp cầu nối của hai hệ hình văn học vào thời điểm giao thời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những công trình về Tản Đà khá phong phú cả ở hai phương diện: tuyển chọn tác phẩm và nghiên cứu về chân dung văn học lớn này. Chính vì thế, một công trình mới về nhà văn này sẽ buộc phải trả lời câu hỏi: công trình có mang tới điều gì mới mẻ và thực sự cần thiết cho đời sống văn học, cho chính lịch sử nghiên cứu về tác gia văn học này. Câu hỏi đó chắc chắn cũng được đặt ra đối với đề tài “Tuyển tập Tản Đà” do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên được biên soạn trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II.

 
Đánh giá về giá trị khoa học của bản thảo, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học cho rằng công trình thuộc một trong số các đề tài nghiên cứu có tính chuyên biệt, thể hiện sự am hiểu cả về hoạt động sưu tập văn bản, khảo chứng, chú giải cũng như sự hiểu biết thực sự chuyên sâu về chuyên ngành văn bản học và lịch sử nghiên cứu Tản Đà trong suốt gần một thế kỷ vừa qua. Điều này có thể thấy rõ qua chính kết quả nghiên cứu, sưu tập, tuyển chọn, biên soạn, chú giải của chủ biên và nhóm biên soạn với bản thảo đồ sộ gần 1400 trang.
 
Bài Tổng luận do chủ biên GS.TS. Trần Ngọc Vương - một trong những chuyên gia hàng đầu về Tản Đà hiện nay - diễn giải theo hướng xây dựng công trình nghiên cứu tổng quan và chuyên sâu về tác giả, tác phẩm Tản Đà được đánh giá là một bài viết công phu, tâm huyết và có chất lượng. So sánh với các dạng bài viết khác như Lời nói đầu ở cả loại sách “Tác phẩm và dư luận” (thường viết ngắn gọn, chỉ có tính định hướng) cũng như loại sách “Về tác gia và tác phẩm” (thường bao quát, hệ thống hóa và phân tích chuyên sâu lịch sử quá trình tiếp nhận tác giả - tác phẩm), PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn nhận định bài tổng luận được viết theo đúng tinh thần một công trình nghiên cứu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh hướng tiếp cận Tản Đà nhìn từ góc độ loại hình tác giả. Từ hướng nghiên cứu này, GS.TS. Trần Ngọc Vương đã khảo sát một cách kỹ lưỡng về loại hình tác giả văn học trong văn học Việt Nam thời kỳ 1900 - 1945, từ đó việc xác định Tản Đà là “nhà Nho tài tử” trở thành cơ sở nhằm lý giải thế giới quan, nhân sinh quan trong tác phẩm của nhà văn này. Bên cạnh đó, cùng với việc nhìn nhận sáng tác của Tản Đà từ góc độ chủ đề - đề tài và hệ thống thể loại, bài Tổng quan thực sự đã mang đến cho người đọc một cái nhìn bao quát, toàn diện về chân dung văn học là “đại diện lỗi lạc cuối cùng của loại nhà Nho tài tử trong xã hội tư sản hóa”. Văn phong bài viết có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách khoa học, hàn lâm và văn chương, dung dị đã mang đến sức hấp dẫn đặc biệt cho bài Tổng luận.
 
Phần trọng tâm, chiếm phần lớn dung lượng của công trình là phần hai: Tác phẩm tuyển chọn. Các tác giả tuyển chọn sắp xếp các tác phẩm của Tản Đà theo các thể loại: Thơ, Văn xuôi, Dịch thuật, Suy tưởng và bình luận văn học. Đây là cách sắp xếp, trình bày hợp lý, giúp người đọc hình dung một cách rõ ràng, mạch lạc cũng như tổng thể, toàn diện sự nghiệp văn học đồ sộ của nhà văn này.
 
Ở một khía cạnh nào đó có thể thấy việc tuyển chọn tác phẩm của Tản Đà ở công trình này có được thuận lợi từ việc kế thừa nhiều công trình đi trước, điển hình là Tản Đà toàn tập (5 tập, 2002) do Nguyễn Khắc Xương biên soạn. Tuy nhiên, ưu điểm, cũng là sự mới mẻ - một trong những câu trả lời thuyết phục cho sự cần thiết phải biên soạn đề tài này trong Tủ sách cũng thể hiện trong chính phương pháp, cách thức tuyển chọn tác phẩm của nhóm biên soạn trong bản thảo này. Như nhận định của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là cách chọn lọc, rút gọn, giản lược số trang văn bản như thế nào để có được tuyển tập ngắn gọn hơn, cô đúc hơn, tinh lọc hơn mà vẫn bao quát đầy đủ chân dung tinh thần Tản Đà mà chính là việc nhóm biên soạn hướng đến xây dựng bộ tuyển tập thực sự khoa học với “chủ trương phục dựng nguyên bản trước tác của Tản Đà. Bản in lần đầu được ưu tiên hơn cả (NHS nhấn mạnh), ngoài ra, chúng tôi có khảo dị các bản in sau…” (tr.70).
 
Công phu không kém là việc bổ sung, đính chính, chỉnh lý ở phương diện tổng hợp và nâng cao hơn để những người đọc, đặc biệt là người đọc chuyên sâu là những nhà nghiên cứu có thể hoàn toàn yên tâm với phần tuyển chọn này với những văn bản mới, có cách chọn lọc mới, cách chú giải mới như về các bản dịch Liêu trai chí dị (tr.858-974), sách Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện (tr.984-1138). Đặc biệt Tản Đà thực phẩm (tr.1187-1240) trong phần Phụ lục là một tác phẩm mới được bổ sung, chưa được giới thiệu trong các công trình toàn tập hay tuyển tập trước đó. Tác phẩm mặc dù không phải do chính Tản Đà chắp bút nhưng đã truyền tải một cách đầy đủ ý tưởng của ông, qua đó phản ánh một phương diện rất riêng, rất độc đáo trong con người nghệ sĩ của Tản Đà ở khía cạnh nghệ thuật ẩm thực... Đó có thể nói là đóng góp thực sự mới mẻ của công trình trong tiến trình lịch sử khảo chứng văn bản Tản Đà.
 
Điểm khác biệt so với đề cương chi tiết là nhóm biên soạn đã mạnh dạn bỏ hẳn đi Phần ba - Tuyển các bài bình luận, nghiên cứu Tản Đà trong khi đó vẫn giữ lại nội dung và gia tăng dung lượng Phần 3 - Hồi ức, kỷ niệm về Tản Đà. Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, sự điều chỉnh này là hoàn toàn hợp lý, chuẩn xác giúp người đọc tìm về không khí và những trang viết chân thực của người đương thời bàn về Tản Đà (đầu thế kỷ đến 1945).
 
Với những kết quả thể hiện ở bản thảo dày dặn 1370 trang, công trình Tuyển tập Tản Đà do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên đạt chất lượng cao cả về nội dung khoa học, cấu trúc và hình thức thể hiện, sẽ là một ấn phẩm đáng được chờ đợi trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II.
 
 
Nguyệt Minh tổng hợp (Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu bản thảo)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá