Một công trình mang tính tổng kết khái quát về chính sách và các hoạt động kinh tế đối ngoại của Thăng Long Long - Hà Nội
Là người tham gia từ buổi nghiệm thu đề cương chi tiết, lại dành thời gian đọc, nghiên cứu kỹ bản thảo nên TS. Đinh Hạnh có nhiều góp ý rất xác đáng và hữu ích, cụ thể từng nội dung, chương mục. Trước hết TS. Đinh Hạnh ghi nhận tổng quát nội dung bản thảo đã đưa ra được khá nhiều nội dung phong phú; đặc biệt đã sưu tập và cung cấp được nhiều tư liệu thông tin có giá trị về kinh tế - xã hội của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.
Ngay từ trong buổi nghiệm thu đề cương, các tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về kết cấu đề tài. Tiếp thu những ý kiến đóng góp đó, các tác giả đã chỉnh sửa, bổ sung nội dung trong bản thảo, nhưng theo TS. Đinh Hạnh thì kết cấu quá rườm rà; có một số chương mục đi quá xa, quá dài, ít có liên quan đến nội dung về kinh tế đối ngoại như: một số mục của chương 1 mô tả về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, địa chất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh vật, một số điều kiện đương đại v.v… Theo ông, các tác giả nếu thấy cần thì những mục này cần viết gọn lại trong một đề mục: "Các điều kiện chi phối (ảnh hưởng) đến kinh tế đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội”. Đồng thời, theo ông chương này nên thay thế (bổ sung) bằng mục: "Khái niệm về kinh tế đối ngoại" gồm: nội dung, các lĩnh vực thuộc phạm trù kinh tế đối ngoại..., để người đọc hiểu rõ phạm vi, các vấn đề trước khi đi vào sách.
Mong muốn nội dung ngắn gọn nhưng vẫn cung cấp được đầy đủ nội dung, theo TS. Đinh Hạnh ở chương này cần nói rõ không gian, địa giới hành chính của Thăng Long - Hà Nội xuyên suốt trong tập sách qua các thời kỳ lịch sử, được hiểu theo địa giới hành chính mới (từ ngày 1/8/2008, theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/05/2008 của Quốc hội khóa XII) để khóa lại không gian trình bày trong sách, không cần phải nhắc đi nhắc lại qua nhiều lần thay đổi địa giới của Thăng Long - Hà Nội.
Còn vớichương 2: "Lịch sử hình thành và phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội", TS. Đinh Hạnh thấy cách phân kỳ không rõ, vừa vụn vặt, vừa rối rắm; không nên phân theo thế kỷ: "Thăng Long - Đông Đô từ đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XVI"; "Thăng Long - Kẻ chợ từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII"; rồi "Thăng Long - Hà Nội từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1888".
Thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp cũng chia ra làm 2 thời kỳ: Thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp (1888 - 1945) và thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm (1945 - 1954). Ngay trong giai đoạn 1945 - 1954 cũng có 2 vùng kinh tế. Kinh tế đối của giai đoạn này ở 2 vùng cũng khác nhau: Vùng tạm bị chiếm do thực dân Pháp nắm giữ và vùng tự do thuộc Chính phủ kháng chiến. Ông thấy rằng ở chương 2 này, tác giả còn phân ra thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung (1955 - 1985) nhưng lại viết quá sơ sài, (có một trang rưỡi) ít có nội dung về kinh tế đối ngoại và có một mục lớn: "Một số nhận định chung về quá trình hình thành lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội".
Sau những phân tích, ông nhận định, cách phân kỳ như thế này là không hợp lý, gây lẫn lộn giữa thời kỳ và giai đoạn dẫn đến nhiều mục trùng lắp, như: có đến 7 tiểu mục "Sự hình thành về phát triển đô thị và kinh tế..." ở trang 38, 43, 48, 51, 58, 67,70... Đặc biệt, kết thúc chương 2 bằng mục "Một số nhận định về quá trình hình thành lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội" cho cả 3 thời kỳ và 3 chế độ xã hội là không khoa học, không hợp lý. Để khắc phục hạn chế này, theo ông từng thời kỳ cần khóa lại và rút ra các nhận định riêng phù hợp với thời thế, đúng với bản chất của từng chế độ chính trị của từng thời kỳ. Tập sách cần phân kỳ lại cho hợp lý; có thể phân chia làm 3 thời kỳ (theo như nhiều nhà sử học và nhiều tập sách đã phân định): Thời kỳ phong kiến: 1010 - 1888; Thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp: 1888 - 1945; Thời kỳ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay.
Trong thời kỳ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, phân chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1945 - 1954; Giai đoạn 1955 - 1975; Giai đoạn 1976 - 1985; Giai đoạn sau Đổi mới đến nay: 1986 - 2015.
Nhằm làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử hình thành và phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội, các tác giả cần bổ sung thêm nội dung kinh tế đối ngoại thời kỳ phong kiến, nhất là từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, ngoại thương của Thăng Long phát triển đến mức rực rỡ, thịnh đạt. Nhiều nước, như: Trung Quốc, các nước Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Philippin, Malaysia), các công ty Đông Ấn Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật Bản đã mở các thương điếm ở Thăng Long để buôn bán..., nhưng rồi cũng rút bỏ vào đầu thế kỷ XIX với nhiều lý do cần được lý giải!
Đối với chương 3: "Thành tựu về kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới đến nay", thì phần đầu của chương này lại nhắc lại "Sự mở rộng không gian của Hà Nội và sự phát triển đô thị"; công tác phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng của Hà Nội; khái quát thành tựu kinh tế - xã hội của Hà Nội từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới đến nay (1986 đến nay). Việc trùng lặp này, TS. Đinh Hạnh đề nghị tác giả xem lại để bỏ. Trường hợp thấy cần thiết, nên chọn ra những gì có liên quan trực tiếp đến kinh tế đối ngoại và đưa vào phần 2: "Quá trình phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Hà Nội từ khi Đổi mới đến nay", như thế mới phù hợp logic (thành tựu có sau quá trình phát triển).
Các chương 9 và 10 nên gộp lại thành một chương, có thể với tựa đề: "Lợi thế so sánh của Hà Nội trong quan hệ với thị trường một số khu vực và quốc gia trên thế giới” để khỏi trùng lắp, nhiều lần nhắc đi nhắc lại cụm từ "lợi thế so sánh của nền kinh tế thủ đô Hà Nội" đối với từng nước, từng khu vực. Về thực chất, nội dung của các chương này cũng chỉ là sự khác nhau giữa thị trường xuất nhập khẩu của các nước với Hà Nội mà thôi. (Kết cấu một chương nhưng chia ra làm nhiều thị trường sẽ hợp lý hơn).
Chương 11 và 12 cũng nên ghép lại thành một chương, bởi 2 chương đều có "Tầm nhìn mới" và dự báo bối cảnh đối với các hoạt động kinh tế đối ngoại của thủ đô Hà Nội cả (trang 373 và 405). Nội dung và cách lập luận cũng không có gì khác, trùng lặp nhau. Một số mục với tựa đề mang tính phô trương, hình thức, cần xem lại, như" "Vị thế mới" (trang 419), "Bước đi mới" (trang 429) v.v… Cùng một quan điểm, nên thay các tựa đề, tên mục khác với các cụm từ khiêm tốn hơn, mô tả nội dung các chính sách, giải pháp.., tự nó sẽ nói lên bản chất của sự việc.
Với tất cả những gì góp ý, TS. Đinh Hạnh đều xây dựng trên một mục đích duy nhất đó là sự hoàn thiện của một bản thảo trước khi đến tay bạn đọc để bản thảo đạt được mục đích, ý nghĩa đã đề ra và hơn hết, bản thảo sẽ là một cuốn sách sách có chỗ đứng xứng tầm, mang tính tổng kết lịch sử về kinh tế đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội.
Linh Chi tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội