Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội” qua ý kiến phản biện
Thứ năm, 18/06/2015 06:52

“Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội” do GS.TS. Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Quang Lân đồng chủ biên, nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II thuộc mảng sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội. Sau một thời gian triển khai, bản thảo đã hoàn thành với kết cấu gồm 3 phần, 12 chương với tổng số 446 trang, trong đó có rất nhiều bảng, biểu, sơ đồ, biểu đồ minh họa. Tham gia Hội đồng nghiệm thu bản thảo với tư cách phản biện, TS. Trần Kim Hào đã có sự phản biện hết sức xác đáng, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến đóng góp hết sức cụ thể.

 
Tham gia với tư cách phản biện, ngay trong buổi nghiệm thu đề cương chi tiết, TS. Trần Kim Hào đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp sát thực giúp các tác giả triển khai tốt khi làm bản thảo. Ví dụ như vấn đề nên có nhiều bảng biểu, số liệu, sơ đồ để cuốn sách thêm sinh động, có tính thuyết phục cao thì ở bản thảo đã thực sự phong phú với các bảng biểu cùng số liệu được nêu. Hoặc như trong nghiệm thu đề cương, ông cho rằng các tác giả đã đặt mục tiêu hơi tham vọng trong khuôn khổ đề tài thì ở bản thảo ông thấy các tác giả đã giải quyết đạt mục tiêu đề ra một cách khách quan.
 
Để bản thảo được tốt hơn cùng với cách nhìn đa chiều, TS. Trần Kim Hào đã có những nhận xét, đánh giá cùng góp ý cụ thể từng chương, phần của nội dung bản thảo. Theo ông, ở3 chương trong phần thứ nhất: Những cơ sở chủ yếu của việc phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội đã trình bày các điều kiện tự nhiên và xã hội của sự hình thành và phát triển các giao lưu kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội, lịch sử hình thành và phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội cũng như những thành tựu về kinh tế - xã hội của Thủ đô từ khi đổi mới đến nay.
 
Nhìn chung các nội dung trình bày tương đối khúc chiết và khoa học. Tuy nhiên chương 1 và chương 2 có đoạn mào đầu là không hợp lý; đề nghị các tác giả bổ sung tiêu đề cho những nội dung này, hoặc bỏ đi, hoặc kết hợp với các mục ở phía dưới. Cách trình bày như ở chương 3 là hợp lý.
 
Phần thứ hai: Quá trình phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Hà Nội từ khi đổi mới đến nay, bao gồm 7 chương (từ chương 4 đến chương 10) được trình bày từ trang 97 đến trang 372. Có thể nói đây là phần nội dung chính của cuốn sách. Bằng nguồn tư liệu phong phú và cập nhật, các tác giả đã làm nổi bật những thành tựu, đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), của Đầu tư gián tiếp nước ngoài (ODA), của hoạt động xuất - nhập khẩu, Du lịch quốc tế của Hà Nội và một số hoạt động kinh tế đối ngoại khác trên địa bàn Hà Nội như đầu tư ra nước ngoài, xuất khẩu lao động…
 
Cho rằng đây là phần trọng tâm của đề tài cùng với những gì mà các tác giả đã trình bày, thể hiện, TS. Trần Kim Hào đánh giá cao những kết quả đạt được của phần này.Tuy nhiên để nâng cao chất lượng cuốn sách, đề nghị các tác giả bổ sung, chỉnh sửa một số điểm trong phần này như sau:
 
Thay đổi tên chương 5 “Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Hà Nội (ODA)” vì khi nói “Đầu tư gián tiếp nước ngoài” thường để chỉ nguồn vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên thị trường chứng khoán, còn ODA là viện trợ phát triển chính thức. Để bản thảo có tính thuyết phục, các tác giả nên cập nhật thêm số liệu của năm 2014.
Một điều mà TS. Kim Hào cũng hết sức lưu ý các tác giả đó là bổ sung tên bảng, số thứ tự bảng biểu trong các chương của phần này. Hầu như rất nhiều bảng, đồ thị, biểu đồ… trong phần này không được đánh số, một số chưa được đặt tên.
 
Còn ở Phần thứ 3: Tầm nhìn mới, bước đi mới của các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, nội dungđược trình bày từ trang 373 đến trang 446. Trong phần này các tác giả đã trình bày được bối cảnh mới tác động đến quan hệ quốc tế, những xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, vị thế mới của thủ đô Hà Nội ở trong nước và trên thế giới. Các tác giả đã đưa ra những nhận xét xác đáng về các lợi thế, hạn chế, cơ hội và thách thức của thủ đô Hà Nội. Cũng trong phần này, các tác giả đã đưa ra những dự báo sự phát triển và bước đi mới của các hoạt động kinh tế đối ngoại của thủ đô Hà Nội. Nhìn chung đây là những thông tin tham khảo có giá trị cho những ai quan tâm nghiên cứu về sự phát triển của Thủ đô nói riêng cũng như của cả nước nói chung.
 
Một góp ý tuy nhỏ nhưng lại rất cần thiết đó là các tác giả cần đặt thêm tiêu đề cho phần mở đầu ở chương 11 (hoặc kết hợp với tiểu mục 11.1.1) và rà soát lại lỗi phông chữ, lỗi chính tả có rất nhiều ở trong phần này cũng như trong cả bản thảo cuốn sách này.
 
Tiếp cận một cách có hệ thống và tương đối toàn diện, cùng cách nhìn khá rộng mở về quá trình phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, đồng thời các tác giả đều là những chuyên gia kinh tế nên TS. Trần Kim Hào tin tưởng rằng bản thảo khi thành sách sẽ là tài liệu hữu ích cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp... và với cả các đối tác nước ngoài.
 
(Tổng hợp theo ý kiến phản biện của TS. Trần Kim Hào)
 
Linh Chi tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá