Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một tư liệu hữu ích để tìm hiểu hoạt động kinh tế đối ngoại trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến
Thứ năm, 18/06/2015 06:59

Nhiệm vụ mà GS.TS. Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Quang Lân cùng đề ra với đề tài Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội đó là tổng kết thực tiễn quá trình phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại gồm các hoạt động như ngoại thương, đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp), du lịch quốc tế, các dịch vụ thu ngoại tệ; cũng như phân tích đánh giá theo các đối tác quan trọng trong quan hệ kinh tế đối ngoại của Thủ đô với các thị trường chủ yếu như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản... Trên cơ sở đó rút ra những bài học đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đối ngoại trên địa bàn thủ đô Hà Nội qua gần 30 năm đổi mới. Xuất phát từ nhiệm vụ đặt ra này, với tư cách là một ủy viên trong hội đồng nghiệm thu, TS. Nguyễn Minh Phong sau khi tiếp cận bản thảo đã đưa ra những đánh giá khái quát: các tác giả đã tiếp thu nhiều ý kiến chỉnh sửa của hội đồng lần trước; Nội dung sách đồ sộ, có nhiều bổ sung mới, cơ cấu toàn diện và bao quát hơn; Có nhiều cố gắng trong cập nhật thông tin theo thời gian và vấn đề. Tuy nhiên, để đề tài thực sự trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài,... TS. Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra những góp ý thiết thực, cụ thể giúp các tác giả hoàn thiện bản thảo.

 
Ngoài những ghi nhận, đánh giá cao chất lượng cùng thái độ nghiêm túc của các tác giả thì TS. Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra đánh giá khái quát, sách có kết cấu còn lỏng, rút tít và đánh số thứ tự chưa kỹ và nội dung vừa thừa, vừa thiếu, số liệu khá lạc hậu. Ngoài ra, còn nhiều lỗi về góc độ tiếp cận, kỹ thuật biên soạn và quan điểm biên tập…
 
Cụ thể, trước hết ông mong muốn các tác giả xác định rõ đây là thể loại gì, sách khoa học, sách phổ thông hay tập hợp bài báo để có sự nhất quán về thể loại và văn phong; đặc biệt là phần cuối gồm tập hợp kiểu cắt - dán những bài phỏng vấn không ăn nhập thể loại với những chương đầu; thô sơ về tư liệu và không rõ nội dung, mạch chủ đề với toàn bộ cuốn sách.
 
Ví dụ, từ trang 333 - 343 kiểu viết không phù hợp vì cắt - dán đoạn phỏng vấn vừa dài dòng, vừa không liên quan đến Hà Nội; ngay cả rút tít đoạn này cũng không sát nội dung đã trình bày. Phần viết về EU hơi sượng và thừa.
 
Hướng xử lý những đoạn phỏng vấn cuối sách là nên bỏ bớt chúng đi và co lại thành những box; hoặc viết lại theo giọng văn thống nhất như những chương trên; hoặc lập chương mới kiểu như về “Kinh tế đối ngoại Việt Nam và Hà Nội qua lăng kính chuyên gia, nhà quản lý”.
 
Ngoài việc xử lý sự trùng lặp, vừa thừa, vừa thiếu nội dung thì các tác giả nên cố gắng bóc tách rạch ròi tối đa những nội dung về Hà Nội với cả nước, không trộn lẫn và nhất là không để tiêu đề quá lớn và rộng cho cả nước, nhưng nội dung nghèo nàn và phiến diện, kiểu như về kinh tế đối ngoại Việt Nam phần tham khảo ý kiến TSKH. Nguyễn Mại… Số liệu về kinh tế Hà Nội nên cố gắng cập nhật tối đa, vì nhiều nội dung trong sách khá là lạc hậu, hầu như chỉ tới năm 2009 - 2010 (do có lẽ chỉ trông cậy tham khảo sách kỷ yếu hội thảo Thăng Long - Hà Nội ngàn năm xuất bản năm 2010). Hơn nữa, cần thống nhất về số liệu, tránh tự gây mâu thuẫn ngay về cùng nội dung, thời điểm và trong 1 trang, điển hình là ở trang 207 về du lịch, khi đưa số liệu về di tích lịch sử xếp hạng quốc gia của Hà Nội là 765 và 1050 (sai nhau tới 30%)...
 
Đã là một đề tài nghiên cứu và còn là một cuốn sách nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, vậy nên theo TS. Nguyễn Minh Phong các tác giả ngoài những chỉnh sửa lớn về nội dung, kết cấu bản thảo cũng cần phải lưu ý tới văn phong, cách trình bày vì thực tế tên nhiều tiêu đề còn dài và văn nói, cần rút lại cho gọn và thống nhất toàn sách; Đánh số và các ký hiệu tiêu đề và dòng in nghiêng, đậm cho thống nhất theo chuẩn chung, không tùy tiện, tùy hứng và thiếu nguyên tắc nhất quán. Đồng thời, tránh đánh số trùng nhau cho những tiêu đề và nội dung khác nhau, như trang 234 và 236 đều có số thứ tự tiêu đề là 7.4….
 
Đặc biệt ông lưu ý với các tác giả khi trình bày về điều kiện tự nhiên và xã hội Hà Nội cần chú ý thời điểm trước và sau mở rộng năm 2008, cũng như cần gọn, tập trung, tránh trùng lắp, nhất là về nhân tố và đặc điểm con người….
 
Để bản thảo được hấp dẫn với bạn đọc hơn khi đã là một cuốn sách, TS. Nguyễn Minh Phong cũng có những gợi mở với các tác giả như: Nên cân nhắc rút lại tít các tiêu đề “…những gợi ý về lợi thế của Hà Nội” vì không sát với nội dung trình bày và không đúng với thực tế, càng tự gây khó cho bản thân người viết vì những lợi thế của Hà Nội là không có hay không phải của Hà Nội, mà của địa phương khác, như dầu mỏ, nông sản xuất khẩu….; có thể chuyển những nội dung này thành mục mới, kiểu như: Kinh tế đối ngoại của Hà Nội trong bức tranh đối ngoại cả nước;
 
Tin chắc rằng với những góp ý cụ thể xuất phát từ mong muốn bản thảo được hoàn thiện nhất trước khi tới tay bạn đọc, đề tài Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội sẽ là một cuốn sách hữu ích với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước khi tìm hiểu nghiên cứu về hoạt động kinh tế đối ngoại trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.
 
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của TS. Nguyễn Minh Phong)
 
 
Linh Chi tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá