Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Hệ thống sông hồ Hà Nội” qua góc nhìn của nhà địa lý
Thứ hai, 07/09/2015 05:11

Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách, đồng thời công tác lâu năm tại khoa Địa Lý - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành Địa mạo - Địa lý & Môi trường biển, PGS.TS. Đào Đình Bắc sau khi đọc bản thảo Hệ thống sông hồ Hà Nội do PGS.TS. Đặng Văn Bào chủ biên đã có những nhận xét, đánh giá hết sức xác đáng, hữu ích.

 
Đầu tiên, PGS.TS. Đào Đình Bắc bày tỏ vinh dự khi được mời tham gia nghiệm thu bản thảo “Hệ thống sông hồ Hà Nội” và sau khi đọc kỹ bản thảo có khối lượng khá lớn, trên 270 trang A4, cỡ chữ nhỏ với một số ít ảnh minh họa, hàng chục sơ đồ, bản đồ và rất nhiều biểu bảng. Bản thảo có nội dung phong phú, nhiều tài liệu mới rất quý, phó giáo sư Bắc đánh giá cao công sức của nhóm tác giả.
 
Đọc một cách cẩn thận và kỹ lưỡng bản thảo, PGS.TS. Đào Đình Bắc thấy tác giả Đặng Văn Bào cùng tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành bản thảo, cụ thể đã thu thập được khối lượng lớn dữ liệu, trong đó có nhiều tài liệu mới, kể cả những tài liệu thực địa của chính các tác giả vào những thời kỳ khác nhau. Tóm lại là đã có đầy đủ cơ sở và khả năng để hoàn thành công trình này.
 
Theo cách nhìn nhận của một người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy địa lý PGS.TS. Đào Đình Bắc thấy ở đây các tác giả muốn tạo điểm nhấn ở những tài liệu mới, đặc biệt có giá trị là phần mô tả chi tiết địa hình trong trạng thái tĩnh (gọi là mô tả sơn văn) cùng một số nhận xét về nguồn gốc của chúng (địa mạo). Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS. Đào Đình Bắc điều đáng tiếc là tài liệu quý giá này lại không được dùng đến trong khi thực hiện những chương sau của sách; nói một cách khác là những tài liệu này tuy quý nhưng không cần thiết cho sách này. Theo ông để tận dụng chúng, có lẽ nên đưa vào phần phụ lục!? Dữ liệu mới khác có giá trị là những bảng kiểm kê khá phong phú và đầy đủ về hồ Hà Nội và Hà Nội mở rộng.
 
Cũng ở góc nhìn của một nhà địa lý, PGS.TS. Đào Đình Bắc thấy rằng một tài liệu khác nữa thể hiện tính hiện đại của công trình nghiên cứu là việc sử dụng phương pháp Viễn thám và Hệ Thông tin Địa lý. Kết quả cho phép xác định và kiểm kê số lượng sông hồ hiện có và cả những di lưu của chúng một cách tin cậy. Tuy nhiên, chương này các tác giả lại đặt không đúng chỗ, cho nên không phục vụ được mục đích chính của công trình là kiểm kê, phân loại, mô tả đa nội dung sông, hồ Hà Nội, tìm quy luật phân bố và tiến hoá của chúng phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển và quy hoạch du lịch của địa phương... Bởi vì tất cả những điều ấy đã được trình bày trong các chương trước đó rồi! Thành ra là chương này chỉ có ý nghĩa như một bài báo nghiên cứu khoa học về VT & GIS, và thực tế các tác giả đã làm như vậy.
 
Ngoài những vấn đề chưa thật hợp lý, xác đáng khi đưa vào bản thảo cũng như các tác giả chưa khai thác hết lợi thế của mình thì PGS.TS. Đào Đình Bắc có góp ý về văn phong và thuật ngữ. Theo ông một số chỗ cần phải chỉnh sửa, có nhiều đoạn lặp đi lặp lại. Một cuốn sách đảm bảo nội dung tốt thì điều mà thuyết phục cuốn hút được độc giả đó chính là văn phong phải mạch lạc, sáng tỏ, thuật ngữ khi sử dụng phải chính xác, thông dụng và dễ hiểu.
 
Sự nhìn nhận và đánh giá một cách khái quát nội dung của bản thảo, PGS.TS. Đào Đình Bắc thấy những nội dung riêng lẻ được trình bày có độ tin cậy, nhưng trong tổng thể thì còn nhiều khiếm khuyết, nhất là bố trí, sắp xếp các chương mục, nội dung mô tả các hệ thống hồ cần được làm sâu sắc hơn. Góp phần cung cấp cho các tác giả có thêm cách nhìn cũng như cách giải quyết bản thảo được chặt chẽ, chính xác hơn, PGS.TS. Đào Đình Bắc có đưa ra việc có một vài vấn đề tranh luận chung trong giới chuyên gia. Ví dụ nên duy trì hay nên phá bỏ hệ thống đê ngăn lũ sông Hồng, chuyện vị trí cửa sông Tô Lịch, cần phải có ý kiến định hướng của chính các tác giả cuốn sách này. Cũng theo PGS.TS. Đào Đình Bắc kết thúc sách cũng cần có đoạn văn khóa lại, nghĩa là phải có kết luận, phác họa tương lai...
 
Với những nhận xét, đánh giá, góp ý như trên, PGS.TS. Đào Đình Bắc cho rằng bản thảo cần có sự tham gia góp ý của các đồng nghiệp, nói cách khác là nên đưa ra Hội đồng, nhưng không phải là để nghiệm thu cuối cùng mà là để nhận sự phân tích của các đồng nghiệp để hoàn thiện thêm. PGS.TS. Đào Đình Bắc cho rằng với trình độ cao của các tác giả, ông hoàn toàn tin tưởng là cuốn sách sẽ được hoàn thành như ý. Đây sẽ là một tư liệu hữu ích không chỉ với các nhà nghiên cứu chuyên ngành mà còn góp phần cho hoạch định, khai thác xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến phát triển một cách bền vững ở hiện tại và tương lai.
 
 
Khánh Chi (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá