Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà thành thất thủ - Sự lúng túng của triều Nguyễn trong quan hệ với Pháp qua nghiên cứu tư liệu Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội
Thứ ba, 30/10/2018 10:28

 

Trải qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất Hà Nội đã trải qua nhiều lần biến đổi vai trò. Năm 1802, Gia Long lên ngôi, lựa chọn Huế làm kinh đô, Hà Nội trở thành một tỉnh của trấn Bắc thành. Tuy nhiên, sự thay đổi về vai trò này không làm giảm đi vị thế của Hà Nội, nhất là trong giai đoạn tiếp xúc văn hóa Đông - Tây.

 

Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội đã phản ánh rõ nét diễn tiến của những tác động từ sức mạnh phương Tây tới nhiều phương diện của triều đình nhà Nguyễn và nhiều vấn đề trong xã hội Việt Nam. Trong mối quan hệ với các nước phương Tây, triều Nguyễn đã thể hiện một thái độ không nhất quán. Những mâu thuẫn đã âm thầm nảy sinh: trong nội bộ triều Nguyễn, giữa chính quyền trung ương và địa phương, giữa bộ máy cai trị và nhân dân. Những mâu thuẫn này đã bộc phát dữ dội dưới triều Tự Đức với hai phái “chủ hòa” và “chủ chiến” khi đứng trước việc Pháp nổ súng xâm lược nước ta.

Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội đã thể hiện rõ những mâu thuẫn này. Châu bản triều Tự Đức, tập 156, tờ 34-35 ghi: “Thần Trần Tiễn Thành, Lê Bá Thận thuộc Cơ Mật viện  phụng Thượng dụ: Căn cứ vào trình bày của thự Tổng đốc Hà - Ninh là Bùi Thức Kiên, ngày mồng 1 tháng này thành Hà Nội bị tàu chiến và quân Pháp công phá, khẩn thiết xin phái ngay tướng sĩ đến tiêu diệt. Nay truyền dụ cho các quan chức các tỉnh ở Bắc kỳ lập tức trưng tập quân sĩ thủy bộ phái tới chi viện. Phàm tất cả các nơi hiểm yếu thủy, lục. Bất kể thuyền quân Pháp từ ngoài vào hay từ trong ra, nhất luật nghiêm cấm. Khiến cho mọi chốn đều là quân sĩ, địch đến lập tức đánh giết. Như thế phải phòng giữ cho chắc. Còn quân lương các tỉnh khuyến khích các thân hào cùng góp sức lo cấp”.

Châu bản triều Tự Đức, tập 156, tờ 90: “Thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Tư Giản thuộc Cơ Mật viện phụng Thượng dụ: Mấy ngày qua việc giải quyết chiến sự với Tây đã chuẩn cho Toàn quyền Đại thần Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Tường thương lượng với người Pháp. Hiện tại tình hình đã tạm yên. Nay truyền dụ cho các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định tất cả tuân ý yên lặng, nếu như thấy tàu Pháp đi qua, hoặc họ đưa thư từ bằng đường bộ, không được xâm phạm và ngăn trở để tiện cho công việc giảng hòa của triều đình”.

Châu bản triều Tự Đức, tập 156, tờ 120-121: “Thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Tư Giản thuộc Cơ Mật viện phụng Thượng dụ: Gần đây bốn tỉnh Hà [Nội], Ninh [Bình], [Hải] Đông, Nam [Định] lần lượt được thu hồi. Đã giáng dụ xuống ngay cho thân hào ở các tỉnh họp quân nghe lệnh. Dân lương và dân đạo vẫn ngầm nuôi ý báo thù,đảng gian nhân đó nổi lên, hoặc có bọn giả dùng cờ hiệu nước Pháp, hoặc bất cứ loại cờ hiệu nào mà trái lệnh thì lập tức tiến hành tiễu trừ tiêu diệt, để dân cư được yên ổn. Còn như trước đây dân đạo đặt bừa chức quan, giao cho quân đội ra lệnh bãi bỏ hết. Thân hào ở các tỉnh tụ họp binh dõng, nay cũng phải triệt bỏ như vậy là không thiên lệch, các người nên trông vào ý khoan dung của triều đình mà cùng nhau chung sống yên ổn”.

Châu bản triều Tự Đức, tập 257, tờ 334-348: “Ngày mồng 5 tháng này, Đình thần đem vụ án thất thủ thành Hà Nội ra nghĩ xử. Chúng thần phụng xét, thành trì là quan trọng, vậy mà các viên tham dự công việc (giữ thành) lúc đó đã không thể sống chết với thành hoặc là can tâm để nó cướp phá, hoặc bỏ thành mà trốn. Vậy xin chiếu theo luật "chủ tướng không cố thủ" cùng tham khảo lệ định về tội để mất thành trì năm Minh Mệnh, đem thự Tổng đốc Bùi Thế Kiên, Đề đốc Đặng Văn Siêu xử trảm giam hậu. Bố chánh Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiêm, lãnh Phó Lãnh binh Lê Tiến Khoa đánh 100 gậy lưu đày 3000 dặm, Phó Lãnh binh Nguyễn Khắc Oai đánh 100 gậy xử tội đồ 3 năm. Lãnh Án sát Tôn Thất Thiệp đánh 100 gậy cách chức. Khâm phái Phan Đình Bình cách chức cho trở về giữ hàm Tiến sĩ như cũ. Các bằng sắc được cấp, thu để tiêu hủy. Các điều nghị xét đó là chiếu theo luật lệ cùng tham khảo, xét theo tình thế tội trạng mà phân biệt để xử lý. Duy Khâm mệnh Đại thần Nguyễn Tri Phương xin nên lượng giảm tội hoặc có nên khôi phục nguyên hàm hay không, xin tấu trình đợi chỉ”.

 Có thể nói, trong mối quan hệ với nước Pháp, các ông vua triều Nguyễn đã không tìm được một phương thức giải quyết hợp lý để vừa hợp lòng dân vừa đảm bảo quyền lợi giai cấp của mình. Trong khi nhân dân cả nước, nhân dân Hà Nội sục sôi tinh thần đánh Pháp thì triều đình lại mải tranh luận về “đánh” hay “hòa”. Việc lựa chọn đàm phán với Pháp không đem lại uy tín cho triều Nguyễn mà còn làm cháy lên âm ỷ các phong trào chống Pháp tại các địa phương, là tiền đề cho các phong trào Cần vương sau này. Hai lần Hà thành thất thủ (1873, 1882) là minh chứng cho những mâu thuẫn, lúng túng, bất lực của triều Nguyễn trước sứ mạng lịch sử: đối đầu với sự xâm nhập của văn minh phương Tây.

Dương Minh (tổng hợp)

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá