Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long
Thứ hai, 28/10/2019 03:17

 

 “Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long - Thăng Long - Xã Tắc Altar archaeological site” do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên là một đề tài của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Đây là cuốn sách song ngữ có giá trị về mặt khoa học, được trình bày theo phong cách đại chúng, dễ hiểu. Cuốn sách thể hiện rõ ý nghĩa của Đàn Xã Tắc, có kết cấu trình bày theo cấu trúc trình tự phát hiện, dấu tích hiện còn, trên cơ sở các dấu tích kiến trúc là các di vật, tập trung vào việc chỉ ra dấu tích đó là dấu tích gì? để phổ cập cho công chúng hiểu, đồng thời nêu lên giá trị của nó. Cuốn sách có trình bày lễ chế, tâm linh và ý nghĩa chính trị của Đàn Xã Tắc. Đàn Xã Tắc là sự thể hiện nghi lễ quốc gia trọng yếu, mang đậm văn hóa tâm linh và đem lại cái nhìn tổng quát về các di tích khảo cổ Thăng Long. Vì Đàn Xã Tắc liên quan đến xã tắc trường tồn. Xã tắc còn thì đất nước còn.

          Cuộc thám sát, khai quật đã được tiến hành từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2006 và tìm thấy một số dấu tích kiến trúc, di vật có niên đại vào khoảng thế kỷ XI-XVIII nằm bên trên các lớp văn hoá có niên đại 10 thế kỷ sau Công nguyên và lớp văn hoá Phùng Nguyên có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay. Mỗi loại hình di tích ở đây đều có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử và văn hoá của thủ đô Hà Nội, đặc biệt là di tích đàn Xã Tắc. Theo sử sách, đàn Xã Tắc Thăng Long được Lý Thái Tông xây dựng ở bên ngoài cửa Trường Quảng (tức Ô Chợ Dừa ngày nay). Đàn tế này phát triển trong suốt thời Lý - Trần - Lê, bị mai một và mất hẳn vào khoảng giữa thế kỷ XX. Cho đến cuối năm 2006, cuộc khai quật đã tìm lại được một chút ít dấu tích móng nền và di vật. Đặc điểm di tích, di vật và nghiên cứu so sánh tổng hợp, địa hình, địa danh đã cho thấy các dấu tích ít ỏi còn lại đó đúng là dấu tích của đàn Xã Tắc. Hiện nay di tích được bảo tồn dưới lòng đất, công cuộc nghiên cứu các di tích và di vật xuất lộ về cơ bản đã kết thúc, con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã hoàn thành được đặt tên là đường Xã Đàn để gợi nhớ về đàn Xã Tắc xưa ở đây.

          “Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long - Thăng Long - Xã Tắc Altar archaeological site” là công trình của nhóm tác giả, các nhà nghiên cứu thuộc Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên. Công trình là kết quả của cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học tìm vết tích Đàn Xã Tắc ở ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội nhằm phục vụ công tác mở đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa).

          Cuốn sách có kết cấu hợp lý, gồm 4 chương, làm rõ được các vấn đề liên quan đến Đàn Xã Tắc, quá trình khai quật, những giá trị nổi bật trên các phương diện của di tích khảo cổ học này.        

          Chương I. Vị trí địa lý và quá trình nghiên cứu địa điểm Đàn Xã Tắc: Bằng những cứ liệu khoa học và thực tế, các tác giả đã xác định một cách chính xác vị trí địa lý của địa điểm Đàn Xã Tắc. Quá trình khai quật và nghiên cứu Di tích này được các tác giả trình bày rất rõ ràng, khách quan. Đó là cơ sở khoa học quan trọng nhất, giúp các nhà khoa học khẳng quyết rằng “Địa điểm thăm dò khảo cổ đúng là khu vực đàn Xã Tắc Thăng Long”.

       Chương II. Di tích, di vật thời Lý - Trần – Lê và diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Long và Chương III. Các loại hình di tích khác: bằng phương pháp đặc thù của khoa học khảo cổ, công trình đã tái hiện được toàn bộ diện mạo các di tích, di vật thời Lý - Trần - Lê và diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Long, cũng như các loại hình di tích thuộc thời kỳ tiền - sơ sử Phùng Nguyên và di tích cư trú thuộc khoảng 10 thế kỷ đầu CN. Các tác giả rất khách quan và trung thực khi cho người đọc thấy rõ hiện tượng thành tạo tầng văn hóa ở đây. Đây cũng là những hiện tượng thường thấy trong khảo cổ học.

Chương IV. Giá trị lịch sử văn hoá của địa điểm khảo cổ học Đàn Xã Tắc

Trong chương này, các tác giả đã đề cập đến giá trị lịch sử văn hóa của:

          - Di tích Đàn Xã Tắc Thăng Long.

          - Các di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên.

          - Các di tích văn hóa Phùng Nguyên.

         Bằng sự phân tích hợp lý, sắc sảo, các tác giả đã làm nổi bật lên những giá trị lịch sử văn hóa của địa điểm Đàn Xã Tắc Thăng Long. Mỗi một di tích trong khu di tích Xã Đàn đều mang một giá trị tiêu biểu cho thời đại mình, tất cả đã góp phần tạo nên giá trị nổi bật của Di tích Đàn Xã Tắc, trong nền cảnh chung của Di sản lịch sử - văn hóa của hoàng thành Thăng Long.

    Cuốn sách “Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long - Thăng Long - Xã Tắc Altar archaeological site” sẽ mang đến cho độc giả, những người đam mê nghiên cứu về khảo cổ có thêm một nguồn tư liệu giá trị cùng những phát hiện mới về Đàn Xã Tắc Thăng Long một trong những di tích được bảo tồn dưới lòng đất của thủ đô Hà Nội.

Mai Hương

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá