Phúc Thọ - nơi lưu giữ và bảo tồn hệ thống các di sản văn hóa với nhiều lễ hội đặc sắc
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê thành phố Hà Nội năm 2016, diện tích tự nhiên toàn huyện là 11.863,2ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 5.834,3ha (chiếm 49,2%), đất chuyên dùng là 1.467,2ha (chiếm 12,4%), đất ở là 1.606,8ha (chiếm 13,5%). Về dân số, toàn huyện có 179.100 người (trong đó, nam: 89.800 người, nữ: 89.300 người; dân cư thành thị: 8.500 người, dân cư nông thôn: 170.600 người), mật độ dân số: 1.518 người/km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,13%.
Huyện Phúc Thọ hiện có 23 đơn vị hành chính cơ sở, gồm huyện lỵ là thị trấn Phúc Thọ và 22 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hoà, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Hiệp, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú.
Là một huyện thuần nông, Phúc Thọ có đập Đáy, có công trình Kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận dẫn nước từ sông Hồng vào sông Đáy. Nơi đây sẽ là 1 điểm du lịch nổi tiếng. Ngoài ra còn phải kể tới Làng Nghề đồ mộc Long Xuyên, Thanh Đa, Phú An, Hát Môn mang những sản phẩm tủ bếp gỗ tự nhiên chất lượng cao ra khắp miền bắc đến các gia đình. Bên cạnh đó còn rất nhiều làng nghề như may Thượng Hiệp, Rau an toàn Phú An. Sản phẩm bưởi Phúc Thọ cũng có tiếng với vị ngọt. Hơn nữa, đây là nơi có nhiều dự án công nghiệp, khi quốc lộ 32 được hoàn thiện, Phúc Thọ sẽ là một trong những điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Là huyện có bề dày lịch sử lâu đời, ngay từ xa xưa, các thế hệ cư dân Phúc Thọ đã góp phần vào quá trình hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ, đặc biệt là mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Từ những di tích, di vật lịch sử - văn hóa của nơi đây đã chứng minh Phúc Thọ là cái nôi của truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, bền bỉ trong cải tạo thiên nhiên, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai; và hơn hết, nơi đây cũng là vùng đất trọng học, giàu truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, thành danh; nhân dân hiền hòa, giàu tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Là vùng đất cổ, Phúc Thọ là nơi lưu giữ và bảo tồn hệ thống các di sản văn hóa đậm đặc với nhiều lễ hội đặc sắc. Theo số liệu thống kê, đến tháng 6/2015, toàn huyện có 194 di tích lịch sử - văn hóa, gồm: 78 chùa; 59 đình; 34 đền, miếu, quán, phủ; 21 nhà thờ họ, công giáo và 02 di tích Cách mạng và lưu niệm sự kiện. Huyện có các di tích tiêu biểu như: Đền Hát Môn, xã Hát Môn; đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp; miếu Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc; đình Tường Phiêu, xã Tích Giang; chùa Tổng, xã Tam Hiệp; chùa Triệu Xuyên, xã Long Xuyên, đình Thanh Mạc, xã Thanh Đa; đình Thuấn Nội, xã Tam Thuấn; đền Trong, đền Ngoài, xã Hiệp Thuận...; đặc biệt có đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ những năm 1960, nay gọi là Đền Hát Môn và đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; năm 2016, Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đến với huyện Phúc Thọ, tìm hiểu nơi đây, du khách không thể không quan tâm tới cửa Hát Môn. Đây là một địa danh lịch sử nơi hai bà Trưng nhảy xuống tuẫn tiết khi thất thế trước quân nhà Hán do Mã Viện chỉ huy. Hiện nay ở đây còn có đền thờ Hai Bà Trưng. Với người dân ở Phúc Thọ, đền Hát Môn là nơi linh thiêng, nhưng vô cùng gần gũi. Bởi, đền Hát Môn với vai trò lịch sử của mình, chính là sợi dây nối quá khứ với hiện tại, là di sản quý báu để những thế hệ hôm nay tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông, đặc biệc là phẩm chất anh hùng bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Phúc Thọ là tài sản vô giá, là minh chứng cho sự hình thành và phát triển của một huyện nằm phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội, đã góp phần tô điểm, thắp sáng lên truyền thống yêu nước của quê hương, của dân tộc. Mỗi di tích nơi đây đều hàm chứa trong đó những giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ.
Hiện nay, trước sự phân tán tản mạn của nguồn tư liệu là rõ ràng, bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” 10 tập do Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II được hoàn thiện khẳng định ý nghĩa khoa học và thực tiễn của nó khi một số địa phương đã có địa chí nhưng Hà Nội hiện chưa thực hiện. “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về một cơ sở (xã, phường, thị trấn) tại 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ trên nhiều phương diện, nhưng tập trung về mặt văn hoá. Khi tìm hiểu về huyện Phúc Thọ, được tiếp cận cuốn sách, bạn đọc sẽ thấy các tác giả đã có một quá trình khảo sát điền dã thực địa dày công, khảo cứu tài liệu, tư liệu thư tịch, thác bản văn bia khá công phu, những văn bản thần tích, thần sắc, hương ước, địa bạ, gia phả được biên chép trong bản thảo đảm bảo được tính khoa học, chất lượng. Tập 7 này sẽ là món quà ý nghĩa cho những bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về huyện Phúc Thọ, cũng như hai huyện tiếp giáp liền kề nơi đây là huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng.
Nhà xuất bản Hà Nội mong gửi tới quý bạn đọc những thông tin bổ ích về tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội qua bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội”. Hy vọng sẽ giúp quý bạn đọc có thêm nguồn tư liệu quý khi tìm hiểu về vùng đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Dũng Văn