Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Khu di tích Phù Đổng Thăng Long - Hà Nội
Thứ năm, 21/11/2019 08:23

Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội do PGS. TS Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến giai đoạn II, cung cấp cho bạn đọc rất nhiều thông tin về diện tích, dân số, diên cách...và nhiều khu di sản vật thể và phi vật thể. Trong đó phải kể tới là khu di tích Phù Đổng là một trong những khu di tích nổi tiếng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, được tác giả nêu khá kỹ trong tập 9 của Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội mời độc giả đón đọc trong thời gian tới.

 Khu di tích Phù Đổng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 21/2/1975. Ngày 9/12/2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2383/QĐ-TTg công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là Di tích đặc biệt cấp Quốc gia.

Cụm di tích thờ/liên quan đến tín ngưỡng thờ Thánh Gióng gồm nhiều công trình như: đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, Cố Viên, Giá ngự...

Thánh Gióng, người làng Phù Đổng, tương truyền mẹ Thánh Gióng một hôm thấy có vết bàn chân rất to nên đã ướm thử. Không ngờ bà có thai và sinh ra Thánh Gióng nhưng lên ba tuổi vẫn chưa biết ngồi, biết nói. Khi giặc Ân sang xâm lược, vua Hùng sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi ra giúp nước đánh giặc. Thánh Gióng bỗng biết nói và nhận lời đánh giặc giúp nước. Từ đó, Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai trở thành một tráng sĩ cao lớn, mặc áo giáp sắt, đội mũ sắt, cầm roi sắt, cưỡi ngựa sắt dẫn quân đi đánh giặc. Cùng đi đánh giặc với Thánh Gióng có người đánh cá, người thợ cày… Khi roi sắt gẫy, Thánh Gióng nhổ tre bên đường tiếp tục đánh giặc. Sau khi dẹp xong giặc Ân xâm lược, Thánh Gióng đến núi Vệ Linh, Sóc Sơn rồi bay lên trời. Vua Hùng phong Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương, vua Lê Hoàn phong là thượng đẳng thần, vua Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương.

Khu di tích Phù Đổng gồm: đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, Cố Viên, Giá Ngự, mộ Trần Đô Thống và chùa Kiến Sơ.

Đền Thượng hiện tọa lạc ở thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tương truyền, vua Lý Thái Tổ cho dựng đền Gióng trên nền nhà cũ của ông Gióng ngay từ khi nhà vua dời đô ra Thăng Long (1010). Đến nay, đền còn giữ được nhiều bộ phận kiến trúc của thời Lê Trung hưng (chủ yếu khoảng thế kỷ XVIII) như chính diện, bái đường, nhà thiêu hương, nhà thủy đình để múa rối nước ở ao trước đền. Tam quan được xây vào cuối thế kỷ XIX. Phía trước thềm có đôi rồng đá, phía sau có đôi sư tử đá tạo tác vào năm Vĩnh Thịnh thứ 1 (1705). Thiêu hương cũng xây như nhà thuỷ toạ nhưng nhỏ hơn. Tiền tế gồm nhà ngoài và nhà trong. Nhà ngoài do Điền quận công Nguyễn Huy (1610 - 1675), người làng Phù Dực đứng ra xây dựng. Nhà trong do Trạng nguyên Đặng Công Chất, người làng Phù Đổng tổ chức tôn tạo vào thời Lê Trung hưng. Ở bậc thềm vào cung nhà tiền tế có 39 viên đá xanh chạm hình rồng. Hậu cung 12 gian, có tượng Thánh Gióng, hai bên có 6 tượng quan văn, quan võ.

Đền Thượng còn lưu giữ 21 đạo sắc phong (thời Lê 12 đạo, thời Tây Sơn 3 đạo, thời Nguyễn 6 đạo, sắc sớm nhất có niên đại Đức Long thứ 5 (1634), tượng thờ, ngai thờ có niên đại thế kỷ XVII, đôi choé sứ cổ, bình hương, nghê đồng, hai thanh kiếm..

Đền Mẫu còn gọi là đền Hạ, tên chữ Hán là Khánh Quang điện hiện tọa lạc tại thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đền thờ mẹ Thánh Gióng, còn gọi là Thánh Mẫu.

Trước đây, Thánh Mẫu vẫn được thờ chung với Thánh Gióng ở đền Thượng, đến năm Chính Hòa thứ 4 (1683), mới thờ riêng tại thôn Ngô Xá, 10 năm sau, đền được dời về vị trí hiện nay. Đền được dựng trên một khu đất cao ráo, nền cao 7 bậc, phía trước là một sân nhỏ và tam quan, xung quanh có nhiều cây cối xum xuê. Đền còn lưu giữ đôi phỗng đá, một bộ đài bạc và 2 bình hương đá.

Miếu Ban ở phía Tây đền Thượng, tên chữ Hán là Dục Linh từ tọa lạc tại thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là nơi thờ Thánh mẫu - mẹ của Thánh Gióng. Vị trí của miếu tương truyền là nơi Thánh Gióng được sinh ra. Phía sau miếu là giếng Bát Nhĩ trì (ao tám vú)… giữa giếng có 1 gò đất nổi lên, tương truyền Thánh Gióng ra đời trên sập đất này, tắm trong chậu (giếng) nước này. Trước đây trong miếu còn một chiếc liềm đá tương truyền dùng để cắt rốn cho Thánh Gióng nhưng nay không còn.

Cố Viên ở phía Đông Bắc đền Mẫu, nay thuộc thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Cố Viên tương truyền là nơi mẹ Gióng đến hái rau, rồi ướm chân mình vào chân người khổng lồ, sau sinh ra Gióng. Ở đây có một ngôi nhà nhỏ gọi là cây hương, bên cạnh là hòn đá lớn có nhiều dấu vết lồi lõm, được xem như là dấu chân người khổng lồ. Tại Cố Viên có một tấm bia nhỏ có dòng chữ Đổng Viên Thánh mẫu cố trạch.

Giá Ngự thuộc thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, là nơi dân làng kéo ngựa thờ (còn gọi là Ông Giá) từ đền Thượng ra đây, trông ra khu Soi Bia, cạnh đền Hạ, nơi diễn ra điệu múa cờ đặc sắc của hội Gióng. Tại Giá Ngự có xây 2 cột trụ và một bệ để ngựa thờ ngự được xây vào đầu thế kỷ XX, là chỗ dân làng kéo ngựa thờ từ đền Thượng đến và dừng lại để múa cờ.

Mộ Trần Đô Thống nằm ở xóm Vân Hang, thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tục truyền Đô Thống là một tướng của Thánh Gióng, người làng Phù Dực, cầm đạo quân tiên phong đi đánh giặc Ân. Mộ xây bằng gạch giữa khu ruộng ngoài bãi sông.

Chùa Kiến Sơ ở gần đền Thượng, thuộc thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Chùa nằm phía bên trái đền Gióng, là nơi nhà sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang nước ta năm 820 và được nhà sư trụ trì của chùa là Cảm Thành tôn làm sư phụ, mở ra dòng Vô Ngôn Thông. Đây là ngôi chùa thờ Tam giáo, gồm cả Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Trong chùa có tượng Phật, Vô Ngôn Thông, Lý Công Uẩn, Lão Tử, Khổng Tử.

Bãi đánh cờ Soi Bia, khu đánh cờ Đống Đàm là nơi tái hiện hai trận đánh quan trọng của Thánh Gióng với giặc Ân. Khu đánh cờ Đống Đàm là nơi diễn ra trận đánh thứ nhất, Bãi đánh cờ Soi Bia là nơi tái hiện trận đánh thứ hai.

Bãi đánh cờ Soi Bia, khu đánh cờ Đống Đàm là hai khu đất rộng nằm ở vị trí ngoài làng Phù Đổng là những địa điểm liên quan đến sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân. Hiện các khu đất này đã nằm trong chỉ giới khoanh vùng bảo vệ thuộc khu di tích Phù Đổng.

Hội Gióng tổ chức vào ngày mồng 6 - 9 tháng Tư âm lịch hàng năm. Trước ngày lễ chính, dân làng tổ chức nhiều trò chơi như vật, chọi gà, đánh cờ và hát Ải Lao. Hát Ải Lao là một điệu dân ca cổ, ban đầu hát bằng tiếng Lào, sau chuyển sang hát bằng tiếng Việt. Hội Gióng với những lễ tiết phong phú là một nghi thức điển hình của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Đặng Tình

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá