Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Lễ hội đền Nhà Bà (đền Sa Lãng) tưởng nhớ nữ tướng Sa Lãng thời Hai Bà Trưng
Thứ tư, 27/11/2019 09:43

 Lễ hội đền Nhà Bà là loại hình lễ hội dân gian được tổ chức ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Ba âm lịch tại xã Liên Trung và Liên Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Lễ hội do cấp xã tổ chức, cấp huyện quản lý để tưởng nhớ bà Sa Lãng là nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên dày 1.000 trang, đây là tập thứ 7 của Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Tập sách này giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay, trong đó xã Liên Hà là xã có những di sản phi vật thể tài liệu văn khắc, thần tích, thần sắc; nhiều di sản vật thể được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia trong đó có giới thiệu chi tiết lễ hội đền Nhà Bà.

Tương truyền, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bà Sa Lãng đã chiêu binh luyện tập, sau đó kéo quân về với Hai Bà Trưng đánh giặc, lập được nhiều công lao. Bà được ban tước lộc và cho hưởng thực ấp tại Hạ Trì. Bà dạy dân cấy lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, đóng thuyền, thả lưới bắt cá trên sông. Sau khi bà mất, nhân dân lập đền thờ cúng, đời đời hương khói để tưởng nhớ công ơn bà.

Lễ hội đền Sa Lãng là lễ hội lớn nhất của huyện Đan Phượng hiện nay. Ngày mùng 7, các lực lượng tham gia lễ hội tập trung tại đình và đền. Mọi người bao sái đồ tế khí, chồng kiệu vào nơi quy định rồi tiến hành lễ nhập tịch. Ngày mùng 8 là chính hội, buổi sáng có nghi lễ tế thần, chủ tế giữ vai trò “con trưởng” của thánh Mẫu. Đầu tiên làm lễ tuyên sắc phong của các triều vua đã ban tặng thánh đền Sa Lãng. Mỗi năm dân làng chọn một đại sắc để đọc trước khi vào tế. Tế gồm ba tuần tế dẫn dâng nước, dâng rượu, dâng hoa… đều có phường bát âm tham gia. Sau khi đọc xong, bài văn tế được hoá trước ban thờ, quan viên tế cùng dân chúng lễ tạ. Sau tế lễ là màn múa sênh tiền. Tiếp theo là cuộc rước lớn dọc trên đê sông Hồng từ đền Sa Lãng xuống đình chợ Dày. Đi đầu đoàn rước là hàng cờ ngũ sắc, tiếp theo là hương án, trên đặt hương và hoa quả. Đi sau kiệu là giá văn. Điểm giữa các kiệu là hai hàng binh khí, bát bửu, cờ lệnh, tiếp đến là kiệu võng đào chạm hình 4 con rồng, rồi đến kiệu mui luyện lớn. Đoàn rước giống như một đoàn quân hoành tráng tiến về tụ nghĩa ở Hát Môn. Đi phía sau kiệu là các quan viên, bô lão và dân chúng tham dự lễ hội. Khi đoàn rước đi qua cổng làng nào có đặt bàn bái vọng thì dừng lại một chút. Cứ như thế đến sẩm tối đoàn rước mới về đến cổng đình chợ Dày. Nhân dân đốt đèn đuốc sáng hai bên đường đón đoàn rước Thành hoàng vào đình.

Lễ hội đình Dày có tục rước sắc. Xưa, mỗi làng xây một nhà thờ vọng thủ, đặt ở giữa làng. Đây là nơi trông giữ sắc phong sau ngày giã hội. Lần lượt từng làng được cử giữ sắc phong của thánh một năm. Họ quan niệm rằng năm nào được hầu thánh, làm ăn sẽ thịnh đạt hơn. Đám rước sắc về làng, người ta trải chiếu hoa suốt từ đền đến nhà vọng thủ. Đêm, nhà vọng thủ sáng đền tế lễ yên vị.

Ngày mùng 9 các làng lần lượt vào tế.

Phần hội: Lễ hội đền Sa Lãng diễn ra các hoạt động thể hiện sức mạnh của nghĩa quân do nữ tướng Sa Lãng chỉ huy đánh giặc lúc đương thời. Đó là cuộc thi đánh trống cái và trống dờn của các làng trong xã. Buổi tối ở đình Dày và đền Sa Lãng có hát ca trù hầu thánh nhưng không được hát chèo ở cửa đình và đền.

Lễ hội đền Sa Lãng có hội bơi chải tái hiện cảnh trẩy quân trên thuyền của nữ tướng ngược sông Hồng theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc. Ngoài ra còn có trò đấu vật, đánh cờ người, thi thổi cơm.

Trên đây là những nét khái quát về lễ hội đền Sa Lãng, lễ hội tưởng nhớ bà Sa Lãng là nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về xã Liên Hà, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có ý nghĩa về các thôn làng tại huyện Đan Phượng hay các huyện Hoài Đức và huyện Phúc Thọ.

 Anh Đức

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá