Quán Đoài Khê - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2011 và di sản phi vật thể thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng
Quán Đoài Khê thờ Tích Lịch Hoả Quang. Tích Lịch Hoả Quang là thiên thần (một trong bốn vị thần của tứ pháp: Mây – Mưa - Sấm - Chớp). Vị thần được cả tổng Phùng xưa (8 làng) tôn thờ làm Thành hoàng.
Quán được xây dựng vào cuối thời Lê Trung hưng và trùng tu nhiều lần dưới thời Nguyễn. Quán quay hướng Đông Nam, tổng thể kiến trúc gồm có: nghi môn, phương đình, bình phong, sân gạch, tiền tế, hậu cung, hai dãy tả - hữu mạc. Phương đình hình vuông, rộng 40m2, xây 2 tầng 8 mái. Các góc mái được tạo bởi các kẻ xó bên trong. Phía trên bốn góc mại chụm vào một điểm dạng chóp nón, trang trí dạng một đấy đinh, trên đấu là hình bình nước cam lồ. Bộ vì thượng phương đình làm theo dạng vì gọng vó - đặc trưng thời Hậu Lê ở các di tích xứ Đoài. Bộ vì hạ làm kiểu chổng rường. Các cấu kiện gỗ trong phương đình để trơn, không có hoa văn. Tiền tế gồm 3 gian, 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, bộ vì làm theo các kiểu giá chiêng kẻ ngồi, chồng rường, kẻ chuyền, bẩy hiên với lối kiến trúc kiểu bào trơn, đóng bén. Hậu cung gồm 3 gian nhà dọc nối phía sau thành hình chuôi vồ, vì kèo kiểu thượng chồng rường, hạ chồng rường. Trang trí trong hậu cung là hình bông sen, thuyền, tứ quý, hàm thư, hổ phù ngậm chữ “thọ”… Hai bên sân là hai dãy tả - hữu mạc, mỗi dãy 6 gian với kiến trúc đơn giản. Bờ nóc, bờ dải để trơn, không trang trí, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu vì kèo quá giang trụ trốn, tiền bẩy, hậu bẩy. Quán còn lưu giữ 1 đạo sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), 1 hương án gỗ, 1 bộ cử chạm thủng thời Hậu Lê, long ngai, bài vị, hoàng phi, câu đối, bát hương, chân đèn, kiệu thờ, bát bửu, lư hương…
Bia “Đình tiền văn khế thạch bi/Mãi các lệ đình môn ký” thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng Thượng, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, sưu tầm tại đình thôn Đoài Khê, tổng Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Bia được dựng năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798). Bia ghi: Nhị giáp ty giáo phường huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai bán cửa đình cho quan viên thôn Đoài Khê mua với giá 12 quan tiền cổ. Quy định từ nay trở đi, nếu thôn Đoài Khê tổ chức ca hát hoặc các hoạt động khác vào những dịp sửa chữa, xây dựng hoặc di dời đình này giáo phường bản huyện không được đòi chia các khoản tiền và lễ vật, cỗ bàn, cũng không được hạch sách, cấm đoán các đội hát trong hay ngoài bản phủ đến dự tuyển tại thôn. Thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thác bản hai mặt, gồm 29 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 800 chữ, không có hoa văn, không có chữ huý.
Thần sắc thôn Đoài Khê, văn bản gồm 10 trang, trong “Hà Đông tỉnh Đan Phượng huyện các xã thôn phường thần sắc”, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AD.a2/19. Nội dung: Phong cấp Tích Lịch đại vương vào các năm Cảnh Hưng (1 đạo), Chiêu Thống (1 đạo), Quang Trung (1 đạo) và Cảnh Thịnh (1 đạo).
Trên đây là những nét khái quát về di sản vật thể quán Đoài Khê và những di sản phi vật thể của thôn Đoài Khê. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có ý nghĩa cho độc giả muốn tìm hiểu về di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội nói chung, hay các thôn làng tại các huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức và huyện Phúc Thọ nói riêng.
Thư Anh