Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Các quy định tại hiến pháp đã tạo ra quyền cho phụ nữ
Thứ ba, 10/12/2019 10:07

 Trong xã hội ngày nay phụ nữ ngày càng được yêu thương và bảo vệ nhiều hơn thông qua các điều của các văn bản hiến pháp từ năm 1946 đến 1992. Nó được thể hiện rõ trong cuốn “Phụ nữ Thăng Long Hà Nội” của TS. Nguyễn Ngọc Mai thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do nhà xuất bản ấn hành. 

Mở đầu và cao nhất là Hiến pháp 1946: Tại điều 9 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Mặc dù đây là căn cứ pháp lý đầu tiên và cao nhất mở ra cơ hội cho phụ nữ Thủ đô phát triển nhưng thực sự đó mới chỉ là nhưng căn cứ, nền tảng ban đầu cho sự nghiệp  giải phóng phụ nữ. Để thực hiện được mục tiêu đó Hồ Chủ tịch đã sáng suốt chỉ ra rằng, con đường đấu tranh để thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ khó khăn và lâu dài. Vì vấn đề giải phóng phụ nữ là một vấn đề xã hội to lớn sự quan tâm của tất cả mọi người. Muốn giải phóng người phụ nữ không chỉ thực hiện một sự phân công mới, bình đẳng giữa vợ và chồng trong những công việc gia đình, mà cái căn bản là phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội,đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề như nam giới. Cần tổ chức lại đời sống công nông cũng như sinh hoạt gia đình để phụ nữ giảm nhẹ công việc bếp núc, chăm lo con cái, có điều kiện tham gia sản xuất, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Từ đó, chị em mới có đủ khả năng làm nhiều công việc chuyên môn và đảm nhiệm được những chức vụ công tác ngang hàng với nam giới. Đó là một cuộc cách mạng thực sự lớn[2]. Có thể nói, quy định của Hiến pháp năm 1946 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa mới được thành lập. Quan điểm này của Hiến pháp 1946 đã gióng lên hồi chuông lớn, giống như một mũi tấn công đầu tiên và quyết liệt vào thành trì hệ tư tưởng “trọng nam kinh nữ” của chế độ phong kiến, chế độ thuộc địa nửa phong kiến tạo ra quyền của người phụ nữ trong xã hội.

 Kế tiếp và hoàn thiện thêm một bước, hiến pháp năm 1959, điều 24 quy định: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình’’.Như vậy so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã cụ thể hóa hơn các lĩnh vực mà người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới. Quyền bình đẳng nam nữ được thể hiện trên 5 lĩnh vực từ xã hội đến gia đình bao hàm tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đó là sự ghi nhận, trân trọng và đảm bảo của toàn xã hội đối với vai trò của phụ nữ. Với nội dung này, hiến pháp 1959 đã làm thay đổi nhận thức của cả xã hội về các quyền cụ thể của người phụ nữ trong gia đình, xã hội, cũng như xác định rõ trách nhiệm của người phụ nữ trong sự nghiệp chung của cả nước.

Hiến pháp năm 1980: khác với hai bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, trong Hiến pháp năm 1980, quyền của phụ nữ lại được lồng vào các quyền cơ bản của công dân, vừa được quy định riêng nhằm tạo ra những điểm nhấn quan trọng, khẳng định quyền của phụ nữ. Cụ thể: trong các điều 55, thì “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, điều 57 khẳng định quyền bình đẳng giới trong hoạt động chính trị, xã hội. Trong đó đặc biệt là điều 63 - 64:  “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội. Chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ” (điều 63) và  “hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng… Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con”.Có thể khẳng định, Hiến pháp năm 1980 là bản Hiến pháp tiến bộ, ở đó quyền của công dân Việt Nam nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng đã được khẳng định ở tầm cao hơn, cụ thể hơn.

Hiến pháp năm 1992 : về cơ bản vẫn kế thừa những quy định tiến bộ của Hiến pháp năm 1980, nhưng nhấn mạnh thêm: "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ" (Điều 63). Cuối cùng là Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã không chỉ thừa kế các nội dung từ các bản hiến pháp trước mà còn nhấn mạnh thêm các nội dung cho phụ hợp với thực tế sinh động của xã hội. Mang nhiều màu sắc của quyền con người, trong đó có cả quyền của phụ nữ hiến pháp 2013 quy định: “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Đặc biệt, tại điều 26 hiến pháp nhấn mạnh: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Như vậy, không chỉ bằng việc tiếp nối truyền thống trong quá khứ, sự nghiệp cách mạng và quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam đã tạo ra và trao quyền cho người phụ nữ. Các quyền này ngày càng được bổ xung trên cơ sở đúc rút và điều chỉnh từ thực tế cuộc sống và ngày càng hoàn thiện qua các bản hiến pháp.

Không chỉ quy định trong hiến pháp mà tất cả các quyền này của phụ nữ đều được thể hiện thành các chương, điều cụ thể trong các văn bản pháp luật cụ thể như: Luật Bình đẳng giới, Luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Luật Hình sự, luật Phòng chống bạo lực gia đình, luật Quốc tịch...

                                                                                                   Lê Sơn

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá