Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Trang phục Thăng Long - Hà Nội (bình luận đề cương)
Thứ tư, 24/08/2011 04:02
Tác giả: TS. Đoàn Thị Tình. Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung:

- Hiện nay, chưa có một công trình chuyên sâu về trang phục Thăng Long - Hà Nội. Công trình sẽ lần đầu tiên đề cập một cách toàn diện, hệ thống về vấn đề này.

- Công trình sẽ khái quát về điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hoá mặc của vùng Thăng Long cổ xưa.

- Phân tích ảnh hưởng của mỗi giai đoạn lịch sử đến trang phục: về cách nhìn nhận, đánh giá xu hướng, trình độ thẩm mỹ và sự phát triển các địa danh làng nghề có liên quan. Từ đó, rút ra những đặc trưng riêng của trang phục trong từng giai đoạn, so sánh giữa các loại trang phục.

- Phân loại trang phục theo chức năng xã hội, lứa tuổi, giới tính (trên cơ sở đó miêu tả kết hợp với nhận xét chung).

- Phục dựng một số mẫu bằng hình ảnh, bản vẽ.

- Khẳng định giá trị lịch sử của vấn đề trang phục, đồng thời phác thảo diện mạo văn hoá mặc Thăng Long - Hà Nội.

- Là cơ sở cho việc phục dựng trang phục, nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu đồng thời có thể quảng bá lịch sử văn hoá trang phục ra nước ngoài.

Bình luận sách:

* PGS.TS Nguyễn Văn Huy(Bình luận đề cương)

Chúng ta đang bước đến thềm chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thật vậy, chỉ còn 3 năm nữa thôi. Thời gian quá ngắn. Thế mà rất nhiều công việc liên quan đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại cần có sự hiểu biết về trang phục qua các thời kỳ lịch sử như trang phục cho sân khấu, điện ảnh, cho tượng đài, hội họa, cho trình diễn lịch sử... Trong khi đó, chúng ta hiểu về trang phục Thăng Long - Hà Nội rất ít, nhất là càng lùi xa về quá khứ thì lại càng ít tư liệu, càng khó hình dung. Tuy gần đây đã có những công trình nghiên cứu về vấn đề này nhưng còn ít, không đủ và thiếu hệ thống, nhất là mục đích và phương pháp không rõ ràng. Cho nên đề tài “Trang phục Thăng - Long Hà Nội, 1000 năm văn hiến” của TS. Đoàn Thị Tình là đề tài thực sự cần thiết, vừa có giá trị khoa học vừa có giá trị thực tiễn cao.

Bản đề cương 13 trang, ngoài phần mở đầu và kết luận có 4 chương:

Chương 1: Bối cảnh - Môi trường - tiền đề của văn hóa mặc vùng Thăng Long cổ xưa.

Chương 2: Trang phục từ thời Lý đến cuối thế kỷ 18

Chương 3: Trang phục thời Nguyễn - Pháp thuộc

Chương 4: Trang phục từ Cách mạng tháng Tám đến nay.

Chương 5: Một số trang phục đặc thù.

Tác giả bản đề cương là người đã có nhiều năm nghiên cứu về trang phục Việt Nam, có nhiều công trình đã công bố rất có giá trị. Vì thế có thể khẳng định Tiến sỹ Đoàn Thị Tình có đủ thẩm quyền và uy tín để thực hiện đề tài nghiên cứu này.

Tuy nhiên căn cứ vào bản Đề cương chi tiết “Trang phục Thăng - Long Hà Nội, 1000 năm văn hiến” này, tôi xin có một số ý kiến đóng góp thêm để bản đề cương này được hoàn chỉnh.

1/ Tôi nghĩ tác giả bản đề cương nên bổ sung thêm trong phần đầu về mục đích của đề tài, trong đó xác định rõ đây là đề tài nghiên cứu hay là viết sách. Nếu là viết sách thì tính ứng dụng của cuốn sách này được xác định ở mức độ nào. Điều này rất quan trọng vì như đã nói ở trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang trông chờ tính ứng dụng cao của công trình này.

2/ Về kết cấu chương mục của cuốn sách nên có sự thống nhất, nhất quán trong phân kỳ, định danh mỗi giai đoạn lịch sử. Nếu vừa nêu triều đại, vừa nêu thế kỷ thì không nhất quán, tác giả nên chọn một tiêu chí nhất quán cho cả cuốn sách. Việc phân chia chương mục cũng không nhất thiết phải theo phân kỳ lịch sử: hoặc lấy tiêu chí là các triều đại (Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc...) hoặc theo niên đại ( từ thế kỷ này đến thế kỷ khác...). Chẳng hạn không nên phân kỳ từ triều Lý đến cuối thế kỷ 18 mà hoặc từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 18 hay từ triều Lý đến triều Tây Sơn...Theo tôi các chương mục tốt nhất nên theo niên đại.

3/ Tôi băn khoăn việc tác giả tách riêng ra chương 5, chương trang phục đặc thù trong đó trình bày các trang phục liên quan đến lễ hội, lễ cưới, lễ tang; trang phục đặc chủng trong quân đội, trang phục các tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Công giáo, Tin lành; trang phục cán bộ, viên chức...Tôi nghĩ những trang phục này không có tính đặc thù mà đó là những thành tố đa dạng của trang phục trong đời sống cộng đồng. Nếu tác giả chỉ có tư liệu về các trang phục này ở giai đoạn cuối cùng thì cứ đặt trong chương 4 và có thể xem xét chúng cả trong tiến trình chung của lịch sử. Nói chung theo tôi, chương V, không nên để mà dàn trải vào các chương khác, như vậy sẽ hợp lý hơn, dễ tra cứu hơn. Tác giả cũng lưu ý, những cái nào đã biết mới giới thiệu, những cái chưa có tư liệu thì thôi, không nên quá cầu toàn.

4/ Về cách tiếp cận, tôi nghĩ rằng tác giả đã chú ý nhiều đến cách tiếp cận lịch sử và mỹ thuật, nhưng tôi cũng muốn gợi ý để tác giả chú ý nhiều hơn đến tiếp cận dân tộc học và nhân học văn hóa - xã hội về trang phục, kể cả dân tộc học lịch sử, nhân học văn hóa-xã hội lịch sử. Với cách tiếp cận này tác giả sẽ nghiên cứu, phân tích nhiều hơn đến các tư liệu báo chí cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20 nối về việc ăn mặc cũng như công việc may mặc và sự phản ứng, ý kiến của các tầng lớp nhân dân khác nhau ở Hà Nội. Những khía cạnh này còn ít được nghiên cứu nên tham khảo thêm thư mục ở Thư viện Quốc gia (các sách của Pháp, báo chí…), chắc chắn sẽ giúp tác giả một cái nhìn sinh động hơn về không chỉ thuần túy trang phục mà cả đời sống trang phục ở Hà Nội.

5/ Tôi đánh giá rất cao việc tác giả chú ý đến vấn đề thời trang trong bối cảnh phát triển chung của trang phục Hà Nội. Lịch sử phát triển thời trang và những vấn đề xã hội - văn hóa xung quanh thời trang ở Hà Nội nói riêng và ở nước ta nói chung còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhất là chưa thấy đây là một bước trong tiến trình phát triển trang phục và nâng cao dân trí, đời sống của nhân dân ta.

Tóm lại Bản đề cương “Trang phục Thăng Long - Hà nội, 1000 năm văn hiến” của TS. Đoàn Thị Tình là một đề cương có chất lượng tốt. Đề nghị chấp nhận cho triển khai.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá