Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long - Hà Nội
Chủ nhật, 14/08/2011 11:16
Tác giả: PGS.TS Bùi Xuân Đính (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung

- Cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản cùng bức tranh toàn cảnh về truyền thống giáo dục và khoa cử của Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến, trên nền cảnh giáo dục và khoa cử Nho học của các nước, thể hiện qua việc tổ chức học tập và khoa cử, qua các nhà khoa bảng (các vị Tiến sĩ, Hương cống - Cử nhân), phục vụ cho việc giáo dục truyền thống, nhất là việc tuyên truyền để kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội,

- Từ việc nghiên cứu, giới thiệu về truyền thống giáo dục và khoa cử của Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến qua các nội dung trên đây, rút ra những bài học kinh nghiệm của quá khứ vào việc đào tạo và sử dụng nhân tài cho Thủ đô, góp phần vào việc xây dựng Thủ đô giàu đẹp, hiện đại và văn minh, giữ gìn bản sắc dân tộc và bản sắc Hà Nội.

Bình luận

          * PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Bình luận bản thảo)

Bản thảo đánh máy, khổ A4, gồm trên 1000 trang, khá hoàn chỉnh cho việc xuất bản, gồm đủ các mục như Mục lục, Lời tác giả, nội dung chương mục, Thư mục tài liệu tham khảo, cùng các bảng kê của sách.

Nội dung chia làm 2 phần, 9 chương:

Chương I: Vài nét về sự hình thành và phát triển của nền giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam: 27 trang

Chương II: Vị trí của Thăng Long - Hà Nội trong nền giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam: 54 trang

Chương III: Mấy vấn đề về tiêu chí Nhà khoa bảng cần được coi là người Hà Nội: 30 trang.

Chương IV: Nhìn nhận chung về các nhà khoa bảng Thăng Long - Hà Nội: 55 trang.

Chương V: Danh sách các tiến sĩ Nho học Thăng Long - Hà Nội qua các vương triều: 267 trang

Chương VI: Các Tiến sĩ Nho học Thăng Long - Hà Nội phân theo các đơn vị quận, huyện hiện nay: 119 trang

Chương VII: Các vị đỗ Hương cống thời Lê: 57 trang

Chương VIII: Các vị Hương khoa thời Nguyễn của Thăng Long Hà Nội phân theo các khoa thi: 121 trang

Chương IX: Các Hương cống - Cử nhân thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội phân theo đơn vị quận, huyện: 76 trang.

Bố cục như trên là hợp lý và rõ ràng. Tuy nhiên, có những chương quá dài như chương V; một số trường hợp trùng lặp, như tiểu sử một số vị đỗ đạt đã được giới thiệu ở mục người đỗ đại khoa, lại gặp trong người đỗ trung khoa. Hơn nữa, tên gọi Chương V là Danh sách các vị Tiến sĩ Nho học Thăng Long - Hà Nội qua các vương triều, nhưng thực tế không chỉ là danh sách mà còn có cả tiểu sử của từng vị khoa bảng, cùng sự khảo cứu, chỉnh sửa sai sót ở các tài liệu giới thiệu trước đây. Chính vì vậy, cần cân nhắc điều chỉnh cho chặt chẽ hơn, hoặc là chỉnh sửa tên gọi Danh sách, hoặc chỉ đưa danh sách, còn tiểu sử cụ thể thì đặt ở cuối sách?

Bốn chương đầu từ Chương I đến Chương IV, tuy được viết rất vắn tắt, song cần thiết và khá chuẩn xác. Đây cũng chính là kết quả nghiên cứu và tích lũy của tác giả trong nhiều năm qua. 

Trong phần tiêu chí về nhà khoa bảng Thăng Long - Hà Nội, tập sách giới hạn ở người đỗ đại khoa (đỗ các kỳ thi Hội và thi Đình - Tiến sĩ) và đỗ trung khoa (đỗ các kỳ thi Hương: Hương cống, Cử nhân), như vậy là xác đáng. Tiêu chí xác nhận nhà khoa bảng được coi là người Hà Nội, cũng như những người không được coi là người Thăng Long - Hà Nội, cũng hết sức xác đáng. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xác định nhà khoa bảng sinh ra ở làng nào và lớn lên ở đâu là hết sức khó khăn. Do vậy nên nhất quán dựa vào một loại tư liệu. Đó là ghi chép trong Đăng khoa lục. Đăng khoa lục có thể xem như trích ngang hồ sơ dự thi của thí sinh, từng được quy định khá chặt chẽ. Theo lệ khoa cử, để được tham dự các kỳ thi tuyển, thí sinh trước hết phải làm theo thể lệ đăng kí tư cách thí sinh, như lệ định thời Hồng Đức như sau: "Thí sinh phải nộp căn cước, khai rõ phủ, huyện, xã, tuổi tác cùng là chuyên học kinh nào, lý lịch ông cha ra sao, không được gian dối, giả mạo. Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch không được thi" (Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, tr.396). Thực tế, có không ít thí sinh theo học và sống ở địa phương khác, song trước khi đi thi đều phải về quê quán tham gia sát hạch ở địa phương. Chẳng hạn, Nguyễn Trung Ngạn được Đăng khoa lục ghi là người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi. Và thực tế, ông được xác định là nhà khoa bảng của Hưng Yên; mặc dù, các tài liệu khác ghi ông là con cháu của Trạng nguyên Nguyễn Hiền người làng  Dương A, huyện Thượng Hiền, nay thuộc Tp. Nam Định, thậm chí gia phả họ Nguyễn Công ở Đô Lương ghi ông là tổ họ Nguyễn này ở vùng Đô Lương, Nghệ An. Như vậy, có nghĩa là quê quán ghi trong Đăng khoa lục chính là quê của vị khoa bảng đó.

Chương V, tập sách giới thiệu 662 vị Tiến sĩ Nho học Thăng Long - Hà Nội. Phần lớn các nhà khoa bảng đều dựa theo ghi chép trong Đăng khoa lục được dịch, giới thiệu trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngoài ra còn được bổ sung bằng một số nguồn tư liệu khác. Chẳng hạn, trường hợp Trình Thanh (1411 - 1463) (trang 192) được tập sách giới thiệu là người làng Đa Sĩ huyện Thanh Oai, đỗ khoa Hoành từ năm Tân Hợi (1431), trong khi đó tài liệu Đăng khoa lục không ghi chép gì về vị khoa bảng này. Do vậy, cần nêu rõ xuất xứ tư liệu và cần cân nhắc để cho nhất quán. Trong chương này, tác giả đã bỏ nhiều công sức chỉnh sửa sai sót, nhầm lẫn về năm sinh, năm mất, quê quán của khá nhiều nhà khoa bảng đã được giới thiệu trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam.

Cũng chính trong chương này, có đoạn khảo quá kỹ, như trường hợp Phạm Cư, tác giả dẫn nhiều tài liệu để khảo cứu, nhưng đôi khi hơi dài.

Chương VI là phân định số người đỗ đại khoa trong từng quận, huyện ở Hà Nội, cùng một nội dung khá quan trọng khác là giới thiệu các làng, dòng họ khoa bảng tiêu biểu ở Thăng Long - Hà Nội.

Tương tự như vậy, các chương sau giới thiệu về các vị đỗ trung khoa, bao gồm các vị Hương cống thời Lê - đầu Nguyễn và Cử nhân thời Nguyễn. Phần này hầu như chưa có tài liệu, nghiên cứu nào đề cập đến, do vậy tác giả đã bỏ nhiều công sức để sưu tập. Chính vì thế có địa phương được giới thiệu  nhiều, ngược lại có nơi do hạn chế tư liệu nên chỉ vắn tắt được một vài người đỗ trung khoa như trường hợp quận Ba Đình có 2 vị (thực tế không thể chỉ có 2 người đỗ trung khoa được).

Sau phần các vị đỗ đại khoa và đỗ trung khoa đều có bảng tra cứu người đỗ đạt. Nên chăng dồn hai bảng tra thành một để đỡ trùng lặp. Mặt khác, khi viết về tiểu sử các vị đỗ trung khoa này mà đã được giới thiệu ở phần đỗ đại khoa (thuộc Chương V) thì nên chỉ chỗ số bao nhiêu ở danh sách người đỗ đại khoa.

Bản thảo đã được sửa chữa khá tốt lỗi kỹ thuật, tuy nhiên vẫn còn một số ít cần tiếp tục hoàn chỉnh. Chẳng hạn:

Trang 2: văn hóa đánh thành vắn hóa

Trang 24: chữ Nhâm viết lỗi: NHâm

Trang 44: chữ trên viết thành trtên

Trang 95: chữ của viết thành ủas

Trang 1010: người Mường thì viết là ngời Mường.

Trang 182 ở ngôi từ năm Tân Mùi đánh thành ở ngôi từ năm từ năm...

Một số chỗ còn bỏ khuyết chưa giải đáp, như trang 35 còn bỏ trống chữ Hán, bỏ trống số liệu người đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp.

Trang 184 xã Dũng Thái đổi thành ?

Trang 192 ở Chương ....?

Trang 60: Huấn đạo ở Quốc Tử giám. Xem lại vì Huấn đạo không có ở Quốc tử giám mà chỉ có ở phủ huyện.

Trang 194 ghi tác phẩm của Nguyễn Trực có Xư Liêu tập. Thực ra Xư Liêu là tên tự của Nguyễn Trực, nhưng các tài liệu Hán Nôm đều phiên là Hu Liêu. Bởi vậy, ở đây chỉ nên ghi tác phẩm là Bối Khê tập là đủ.

 Trên đây là một vài sai sót cần chỉnh sửa. Bản thảo hiện tại cũng đã được biên soạn khá công phu và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tác giả nên tiếp tục rà soát lại.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá