Tóm tắt nội dung
-
Từ trước đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài này (kể cả kịch bản “10 lễ hội
tiêu biểu của Hà Nội” do PGS Phan Khanh xây dựng), tuy nhiên đây là một đề
tài được biên soạn lại trên cơ sở những nghiên cứu, tích luỹ của tác giả trong
nhiều năm qua.
-
Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống về lễ hội ở Hà Nội,
tìm ra những nét đặc trưng, những vấn đề lịch sử và vai trò của lễ hội trong
đời sống chính trị, văn hoá, tâm linh của người Hà Nội.
-
Bổ sung tư liệu điền dã trên cơ sở điều tra khảo sát lại một số lễ hội tiêu
biểu, nổi tiếng.
-
Bổ sung khảo sát một số lễ hội mới như: giáng sinh, lễ tình yêu, quốc tế phụ nữ
8/3…
- Bản thảo đã khảo
sát các lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nội, bổ sung được những lễ hội lớn.
Lễ hội được tìm hiểu, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh không chỉ lịch sử, văn hoá
mà trong đời sống xã hội hiện nay. Những vấn đề về lễ hội đặt ra hợp lý, thích đáng,
rất đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay.
Bình luận
*
PGS.TS Trần Lâm Biền (Bình luận bản thảo)
Đề
tài chia năm chương
Chương I: Viết
khá tốt, định vị được Hà Nội trong các vấn đề địa lý, chính trị, lịch sử, văn
hoá… Đã điểm được vừa đủ ý kiến của những người và công trình đi trước. Chỉ
tiếc rằng điểm chỉ để điểm thôi, các tác giả còn e ngại trong việc rút ra những
ý kiến chung, nhất là ý kiến của riêng mình để làm bệ đỡ xuyên suốt cho công
trình. Vì thế, người đọc (nhất là những người đam mê với nghiên cứu, thích tìm
hiểu sâu vấn đề) dễ có cảm giác bị hẫng đôi chút khi đối sánh giữa chương 1 với
3 chương sau. Nếu như ở chương 1, các tác giả đưa ra được một định nghĩa (dưới
dạng giả định cũng rất cần thiết), đồng thời có một số tán đồng hay phê phán
sâu hơn về nhận thức của người đi trước, thì tác dụng đối với bạn đọc bình dân
sẽ chắc chắn tốt hơn rất nhiều. Nhìn chung, theo tinh thần: Chưa tìm được chân
lý tuyệt đối thì hãy tạm coi đó là chân lý đã…, nên tạm coi đây là bước đầu, là
một cái búng uyên nguyên để chuyển hướng, thì thực sự chương này đã có khả năng
vượt yêu cầu, dù cho nó mang tư cách mở cho một công trình nghiên cứu nhiều hơn
cho một cuốn sách.
Về chương II:
Các tác giả điểm tới “những lễ hội cung đình…” nên đề là “Một số…” thôi, vì làm
sao điểm đầy đủ được. Ở chương này tác giả đã thu thập được khá nhiều tư liệu
rất quý và hay qua các sách của người xưa để lại tiếc rằng trọng tâm mới chỉ
dừng lại ở chỗ vua gắn với lễ hội và tổ chức lễ hội, điều mà chúng ta cần là
diễn biến của lễ hội và tác động của nó, ý nghĩa của nó với nguyên tắc thể hiện
như thế nào thì ít được nhắc tới.
Trong chương này, tác giả đã lập được một bảng biểu từ thời
Lý tới thời Mạc (thế kỷ 11 đến 16), đó là một thành công, góp phần tích cực vào
nhận thức của những người quan tâm tới vấn đề. Từ những kết quả thu lượm được
qua tư liệu, tác giả đã đưa ra được một vài nhận xét chung có giá trị lịch sử.
Như: sinh hoạt lễ hội của triều đình cũng bắt nguồn từ dân gian được quy định
lại cho thích hợp. Một giải thích là: do vua chúa cũng mong cầu ở thần linh như
dân. Song lý do bắt nguồn từ đâu (tổ chức, xã hội…), chưa thấy nói rõ ràng, chưa
giải mã được các biểu tượng trong lễ hội. Nếu như điểm được tới hội trống đồng,
đả xuân ngưu, tục
thờ Đế Thích… chỉ cần đôi điều, dù là các giả thiết để làm việc (mà từ trước
tới nay, người ta chỉ dừng lại ở kể lể và mô tả) thì công trình sẽ nổi hơn
nhiều.
Về chương III:
Các tác giả đi vào một số lễ hội cụ thể, mỗi lễ hội thường nêu ra văn hoá của
làng có lễ hội, tới di tích hoặc hệ di tích liên quan, rồi vị thần tương ứng
cùng một số sự tích ít nhiều gắn với thần hoặc lễ hội và nhiều nghi thức gắn
với sự thần, để từ đó đưa tới thời gian thiêng và các động tác thiêng gắn với
hội…, đặc biệt là chú ý tới rước, tế và nhiều nghi lễ liên quan. Song, các tác
giả đã quá trung thành với sự tích, chưa từ sự tích vượt lên trên sự tích để
tìm ra bản chất của vấn đề, nên cũng chưa vượt qua các tài liệu đi trước… Có
thể lấy vài ví dụ như: hội làng Ứng Thiên (đình) - có thật xuất hiện từ thời Lý
không? Ý nghĩa của trâu đất đặt trong đền thờ Hậu thổ, trâu đen, trắng và những
biểu tượng trên thân trâu là gì? Tại sao khăn tắm tượng phải màu đỏ? Tại sao nó
có sức mạnh tâm linh?...
Ở hội Gióng, ngoài những nét chung như của lễ hội khác, các
tác giả đã nói tới thần tích, tới diễn trình của lễ hội, tới các di tích liên
quan (mà chắc chắn chỉ được lập về sau), thì thực sự chúng ta vẫn chưa biết
Gióng là ai (ngoài sự hư cấu lịch sử). Biết bao chi tiết gắn với Gióng không được
giải mã như: vết chân khổng lồ, bà mẹ đồng trinh có mang, ba năm Thánh chẳng
nói chẳng cười, vai trò của Thánh với sự phát triển của đồ sắt, với nông nghiệp
và ứng xử với nước, với sự khai phá châu thổ thấp… tất cả như đều được quên đi.
Ở các chi tiết, như khi đi lấy nước thờ tại sao lại phải có khăn đỏ bịt miệng
choé và phải múc bằng gáo đồng… Đây là một sự câu nệ hay có gắn với yếu nghĩa
linh thiêng và bắt nguồn từ đầu. Trong khi thực hiện lễ hội, tại sao lại rước
ngựa trắng, tại sao ở bãi Đống Đàm và Sòi Bia lại trải chiếu và úp một hoặc ba
chiếc bát trên tờ giấy để khi múa cờ lệnh xong bát được đá đi rồi sau đó là
cuộc cướp chiếu… Tại sao lại phải có bát úp, cướp chiếu ngoài ý nghĩa lấy khước
(mà tại sao lại mang ý nghĩa về khước) thì còn ý nghĩa nào khác, vì bao giờ
cũng phải diễn ra trong tranh cướp với hiện tượng mất trật tự. Sau đó có lễ
thức nào không? Ngoài ra các chú bé con mặc áo đỏ cầm que roi đỏ (dài khoảng
gần 1m) đi dẹp đường là ai?... Có thể còn nhiều vấn đề được đặt ra, nhưng chưa được
các tác giả quan tâm tới!
Nhìn chung các lễ hội khác cũng đầy những chi tiết cần được
các tác giả giải mã. Như ở hội đền Đồng Nhân, thì có thật là ngôi đền hiện nay được
dựng trên nền của Tập Võ đường của triều Lê cũ? Trong khi dân và nhà chùa ở địa
phương nói rằng đền lấy đất của chùa và dựng lại chùa ở phía bên trái. Điều này
có thể tin được vì tượng Hai Bà (phong cách Nguyễn muộn) lại có được ngồi trên
hai bệ có đài sen (đá, phong cách Lý, mới xác định lại). Đó là bệ của tượng
Phật.
Ngoài ra cũng như nhiều hội khác (Triều Khúc), ở đây có múa
Bồng (trai mặc quần áo nữ), tại sao vậy? Nguồn gốc (dù cho là giả định) của
hiện tượng này, vì chắc chắn không phải chỉ là một hình thức tạo sự vui nhộn.
Ở hội Lương Quy, mô tả về lễ hội rất hay, nhưng chỉ gắn với
tài khéo có tính kỹ thuật, không thấy đi sâu vào yếu tố tâm linh, có lẽ điều
tra chưa kỹ.
Ở hội đền Bà Tấm: đi tìm cái riêng trong lễ hội này có phần
khó, nếu như không thấy yếu nghĩa Tam Thân của Bà = Nhân thân, Bồ tát thân
(Quan Âm nữ) và hoá thân của Thánh Mẫu. Người Việt làm lễ hội về Bà chủ yếu ở đền,
không phải ở chùa, phải chăng vì vậy mà Bà mới có một cách thờ riêng, có cả lục
bộ đứng hầu (6 nữ tướng), rồi các ngai khám…
Nhìn chung, mỗi lễ hội cổ truyền nên rút ra được cái chung
cái riêng và ít nhiều cũng nên giải mã trong điều kiện nhận thức cho phép (dù
cho mới ở giả thiết để làm việc) nhằm tránh đi việc quá đề cao hiện tượng tế rước
(vốn không phải gốc từ làng xã), hay việc gắn với cúng bái… mà làm mờ bản chất
vốn ẩn đằng sau các sự kiện (sự thực lịch sử và xã hội…).
Về chương IV:
chúng tôi cho rằng phần nhiều lễ hội này chưa định hình cụ thể, nên để hẳn
thành một chương thì dễ đưa chúng ta tới nhiều phân vân.
Về chương V:
Chấp nhận được
Nhìn chung, ngoài một vài vấn đề nêu trên, nhằm mong cho
công trình tốt hơn thì hiện này tập bản thảo này có thể được coi là một cái
khung của vấn đề, để những kỳ tái bản sau sẽ được làm kỹ hơn.
Tôi ủng hộ việc xuất bản công trình này.
Nhà xuất bản Hà Nội