Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long - Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm
Chủ nhật, 14/08/2011 11:22
Tác giả: PGS.TS Lê Đình Sỹ (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.

Tóm tắt nội dung

- Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và tương đối đầy đủ về lịch sử chiến đấu bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm qua.

+ Ghi chép một cách hệ thống, đầy đủ những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của quân và dân Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ và giải phóng Kinh đô Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm lịch sử.

+ Rút ra những vấn đề có tính quy luật, những bài học lịch sử về xây dựng nền quốc phòng, tổ chức lãnh đạo kháng chiến, bảo vệ giải phóng thủ đô.

+ Góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Thủ đô, vận dụng các bài học lịch sử trong công cuộc xây dựng khu vực phóng thủ ở Hà Nội hiện nay.

- Đây là tập sách hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với những người con của Thủ đô Hà Nội mà còn cả đối với cả dân tộc Việt Nam, và là món quà có ý nghĩa kỷ niệm Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Bình luận

* PGS. Bùi Đình Thanh (Bình luận bản thảo)

1. Chỉ còn một năm nữa là đất nước ta bước vào một ngày đại lễ: kỷ niệm 1000 năm Thủ đô Thăng long - Hà Nội. Sẽ có rất nhiều công trình xây dựng, kinh tế, văn hóa ra đời làm đẹp cho ngày lịch sử quang vinh đó của dân tộc.

Công trình biên soạn này của các tác giả là một cống hiến có ý nghĩa sâu sắc đối với sự kiện trọng đại đó của đất nước. Trong những trang mở đầu của công trình, tác giả đã nói rõ mục tiêu nhằm đạt tới khi biên soạn, và đọc hết 600 trang của công trình, tôi nhận thấy các tác giả đã bám sát mục tiêu đó.

2. Đúng như các tác giả đã nhận định, cho đến nay chưa có một công trình biên soạn riêng biệt nào có hệ thống về lịch sử chống ngoại xâm của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử 1000 năm kể từ thời điểm định đô năm 1010. Công trình biên soạn này góp phần bổ khuyết cho tình trạng đó.

3. Tuy nhiên cũng cần nhận thấy là khi biên soạn công trình này, các tác giả đã có thuận lợi lớn với những tư liệu phong phú, những công trình nghiên cứu, biên soạn công phu, những sự đánh giá khái quát, nhận xét, thậm chí tổng kết của nhiều cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, của nhiều trường đại học trong cả nước, của các tổ chức nghiên cứu, xuất bản của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Nhiệm vụ chủ yếu của các tác giả là chọn lọc, gạn thô lấy tinh, đưa thêm những tư liệu mới, nhận thức mới nhằm nâng cao chất lượng của công trình.

4. Về mặt cấu trúc và phương pháp biên soạn là sau mỗi chương (toàn bộ công trình gồm 9 chương) dành cho từng thời kỳ lịch sử theo một lôgic hợp lý, là những nhận xét khái quát về đặc điểm của thời kỳ đó.

Trở lên trên là những nhận xét chung của tôi về nội dung công trình

Chương I: Thăng Long - Hà Nội giai đoạn tiền Thăng Long

Trong chương này nên nhấn mạnh Hà Nội là một trong những thủ đô có bề dày lịch sử so với thủ đô nhiều nước, kể cả những nước lớn trên thế giới. Cũng cần nói thêm về những biến thiên trong tên gọi của Thủ đô Hà Nội cho đến khi kết thúc giai đoạn tiền Thăng Long.

Sau khi là đô thành của nước Âu Lạc, giữa thế kỷ 5, vùng Hà Nội là một đơn vị quận, huyện với tên gọi Tống Bình - khoảng năm 544 - 546, là đại bản doanh của nhà Tiền Lý (Lý Nam Đế).

Năm 679, nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ, chia thành 12 châu (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay), Tống Bình được chọn là lị sở. Từ đó vùng trung tâm của Hà Nội trở thành trung tâm của đất nước. Chính là trên cơ sở đó với cái nhìn chiến lược địa - chính trị của Lý Thái Tổ, Hà Nội trở thành kinh đô của nước Đại Việt. Những thế kỷ sau đó, mặc dù tên gọi có khác nhau, khi là Đông Đô (cuối thế kỷ XIV), Đông Quan (đầu thế kỷ XV), hoặc là Đông Kinh (từ 1430), rồi phủ trung Đô, Phụng Thiên (cuối thế kỷ XV), Kẻ Chợ (cuối thế kỷ XVI) nhưng Thăng Long vẫn là tiềm thức và một dấu ấn đặc biệt về cuộc thiên đô vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng (nhà Nguyễn), kinh đô dời về Huế. Tên gọi Hà Nội (phía trong sông) mới xuất hiện để chỉ một đơn vị hành chính cấp tỉnh bao gồm vùng trung tâm Hà Nội, vùng Hà Đông và toàn bộ tỉnh Hà Nam ngày nay. Thời thuộc Pháp, Hà Nội trở thành thủ phủ chính trị của toàn Đông Dương. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trang 20: “Cổ Loa cũng đánh dấu một trình độ phân hóa xã hội và giai cấp cao hơn trước”. Theo tôi, chưa có cơ sở khoa học cho một nhận định như thế.

Trang 31: “Cách một năm lại phải điều động hàng vạn người, tổn phí đều trông vào quan đại nông”. Quan đại nông là gì? Cần phải giải thích.

Trang 35: “Cả một vùng lãnh thổ rộng lớn của người Việt từ Quảng đông, Quảng Tây đến tận Quảng Nam ngày nay. Mãi đến tận đầu thế kỷ XIV, vua Trần gả Huyền Trân Công chúa cho vua Champa để lấy hai châu Ô (Quảng trị), châu Lí (Thừa Thiên) thì thời Hai Bà Trưng làm sao lãnh thổ Đại Việt lại có thể đến tận Quảng Nam.

Chương II: Thăng Long cùng cả nước đánh tan quân Tống xâm lược (thế kỷ XI)

Trang 59-60: nên đảo ngược, viết Chiếu dời đô (trước trang 60) rồi mới viết nội dung Chiếu dời đô (trang 59).

Trang 76: “Thực hành “tiên phát chế nhân” ở Ung - Khâm - Liêm” nên dịch “tiên phát chế nhân” ra tiếng Việt và viết châu Ung, châu Khâm, châu Liêm là những vùng lãnh thổ Trung Quốc.

Trang 79: nên thay Chiêm Thành bằng Champa.

Trang 93: nên đưa toàn văn bài thơ của Lý Thường Kiệt.

Chương III: Những chiến công của nhân dân Thăng Long trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (thế kỷ XIII)

Trang 100 - 101 - 102: về Kinh thành Thăng Long thời Trần - Ở đây nên nói về khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu được khai quật từ 12/2002 và được phát lộ trên diện tích lớn vào giữa năm 2003.

Khu di tích gồm những tầng văn hóa nối tiếp nhau khá liên tục từ thời Annam đô hộ phủ - Đại La thế kỷ VII - IX, đặc biệt từ thời Lý, Trần, Lê sơ đến thời Mạc, Lê trung hưng thế kỷ XI - XVIII rồi thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Khu di tích mang bề dày lịch sử - văn hóa từ thời tiền Thăng Long và gần nghìn năm thời Thăng Long Hà Nội. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao giá trị văn hóa này vì hiếm có kinh đô hiện tại một nước mà trong lòng đất còn bảo tồn di tích tương đối có hệ thống và liên tục với chiều sâu lịch sử - văn hóa gần nghìn năm như thế, nếu kể cả thời tiền Thăng Long thì lên đến 13 thế kỷ (theo GS. Phan Huy Lê). Có thể đưa phần này vào chú thích.

Trang 117: nên đưa toàn văn bài Hịch tướng sĩ, một áng văn tuyệt tác khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, chí căm thù giặc, nêu cao tình đoàn kết keo sơn giữa các tướng lĩnh và binh sĩ, động viên toàn quân ra sức rèn luyện nămg lực chiến đấu và nung nấu quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược.

Trang 140 - 141: viết về Trần Hưng Đạo nên thêm ý của thế giới đánh giá. Năm 1961, nhà sử học Mỹ Bernard Fall đến thăm Viện Sử học và ông ta nói rằng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một trong những tướng lĩnh thiên tài của mọi thời đại. Từ điển Bách khoa Anh Encyclopedia Britannica trong lần tái bản thứ 15 năm 1983 có bổ sung những vị tướng soái kiệt xuất thế giới mà các lần xuất bản trước chưa có, trong đó có Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Trần Hưng Đạo được đánh giá: Hưng Đạo Vương, một gương mặt gần như huyền thoại của lịch sử Việt Nam, nhà chiến lược quân sự xuất sắc đã đánh thắng quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, và là người anh hùng dân tộc trong nền văn hóa của Việt Nam ngày nay.

Chương IV: Kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Cuộc chiến đấu bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Đông Đô đầu thế kỷ XV

Nên đăng toàn văn Bình Ngô đại cáo, một áng thiên cổ hùng văn trong kho tàng lịch sử - văn hóa Việt Nam và cũng hiếm có trên thế giới.

Chương V: Nhân dân Thăng Long cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân xâm lược Thanh (thế kỷ XVIII)

Trang 245: Về Đô đốc Long hiện vẫn còn nhiều luận thuyết khác nhau, vì thế chưa nên khẳng định mà nên đề cập một cách cởi mở để tiếp tục nghiên cứu.

Chương VI: Hà Nội chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX

Trang 276: “Lái buôn Pháp là Francis Garnier đã phát hiện ra con sông Hồng là con đường ngắn nhất… Trung Quốc”. Có sự nhầm lẫn, lái buôn Pháp là Jean Dupuis làm ăn với chính quyền nhà Thanh, còn Francis Garnier là sĩ quan quân đội Pháp cầm quân đánh thành Hà Nội lần thứ nhất và chết trận ở Cầu Giấy năm 1873, tuy Francis Garnier cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu việc giao lưu, thông thương giữa miền Bắc Việt Nam với các tỉnh miền Nam Trung Quốc qua con đường sông Hồng.

Chương VII: Hà Nội với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nửa dầu thế kỷ XX - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (1945)

Trang 325: “Sự thức tỉnh châu Á cùng với phong trào cách mạng dân chủ tư sản ở châu Âu bắt đầu từ cách mạng Nga năm 1905. Nếu nói cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên ở châu Âu thì phải là cuộc cách mạng tư sản ở Anh năm 1640, tiếp theo đó là cách mạng 1789 ở Pháp.

Chương VIII: Thủ đô Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Nên nói về tác động của việc thất thủ Cao Bằng và Lạng Sơn sau khi ta mở chiến dịch Biên giới thu đông 1950 đã gây nên tình trạng hoảng loạn trong giới cầm quyền và dân Pháp ở Hà Nội. Pháp phải cử tướng De Lattre de Tassigny dễ trấn an.

Chương IX: Hà Nội kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

Trang 480: về cải tạo và phát triển kinh tế. Không chỉ nói về thành tựu mà cũng nên nói khái quát về những khuyết điểm trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và cải tạo nông nghiệp.

Trang 507: “Bước sang năm 1967, hơn 1 triệu quân Mỹ…”. Vào thời điểm cao nhất, quân Mỹ ở Nam Việt Nam chỉ có 50 vạn.

Đừng quên sự kiện lịch sử Phạm Tuân trực tiếp bắn cháy B52 trên bầu trời Hà Nội.

Nên có một số dòng về chính sách nhân đạo của ta với các phi công Mỹ bị bắt giam ở “Khách sạn Hilton” (Nhà tù Hỏa Lò).

Để cho thêm sinh động nên tránh một số đoạn trong bài viết của nhà văn Nguyễn Tuân trong Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.

Cũng cần nói đến sự giúp đỡ, thậm chí hi sinh của một số chuyên gia kỹ thuật tên lửa Liên Xô.

Một số nhận định chung cuối cùng:

1.   Phần cuối của từng chương và cả 4 chương có những ý về chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm giảm ý nghĩa của những nhận định đó.

2.   Bản đánh máy chưa được xem lại kỹ, còn nhiều lỗi và thiếu sót (những từ không rõ nghĩa, sai chính tả, cách hành văn…). Tôi đã đánh dấu hoặc trực tiếp sửa.

3.   Đề nghị các tác giả xem lại và chúc các đồng chí sớm cho ra mắt bạn đọc công trình biên soạn của mình.


Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá