Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thanh thực lục: Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
Chủ nhật, 14/08/2011 11:59
Tác giả: Hồ Bạch Thảo (Dịch giả); Phạm Hoàng Quân và Trần Văn Chánh (Hiệu đính và chú giải bổ sung). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

- Thực lục là một thể tài sử thư, chuyên ghi chép những sự kiện lớn nhỏ trong suốt thời gian trị vì của một hoàng đế, đồng thời cũng ghi chép tiểu truyện của các văn thần võ tướng trong triều vua ấy.

- Thanh thực lục, gồm 11 Thực lục (4433 quyển), là bộ sử chép việc xẩy ra trong 267 năm lịch sử triều Thanh (1644-1911). Việt - Thanh chiến tranh mà nổi bật là chiến thắng Kỷ Dậu 1789 gắn chặt với cái tên Thăng Long là 1 mốc quan trọng trong lịch sử 1000 năm của Thăng Long/Hà Nội mà đã có nhiều sử sách mô tả, tuy nhiên, nhiều vấn đề quan trọng vẫn tồn nghi.

Chiến tranh Thanh - Tây Sơn được chép trong Thanh Thực Lục, gồm 209 văn bản (là toàn bộ các văn bản). Tất cả những tư liệu nêu trên được dịch ra, xếp theo thứ tự ngày tháng, để in kèm với nguyên văn.

Do vậy, cuốn sách dịch Việt các tư liệu sử liên quan tới Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn trong Thanh Thực lục là một tư liệu quan trọng cho giới sử học và những người yêu sử; cung cấp cho giới nghiên cứu và bạn đọc toàn cảnh chiến tranh Thanh - Tây Sơn trong Thanh Thực lục thông qua bản dịch của 209 văn bản gốc mà dịch giả đã rà soát thu thập và dịch từ nguyên bản.

Bình luận sách

* PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Bình luận đề cương)

          Tại Thư viện Quốc gia Hà Nội hiện có bộ Nhị thập lục sử (tức 26 bộ sử các triều đại của Trung Quốc) là: 1. Sử ký; 2. Hán thư; 3. Hậu Hán thư; 4. Tam quốc chí; 5. Tấn thư; 6. Tống thư; 7. Nam Tề thư; 8. Lương thư; 9. Trần thư; 10. Hậu Ngụy thư; 11. Bắc Tề thư; 12. Chu thư; 13. Tùy thư; 14. Nam sử; 15. Bắc sử; 16. Cựu Đường thư; 17. Tân Đường thư; 18. Cựu Ngũ đại sử; 19. Tân Ngũ đại sử; 20. Tống sử; 21. Liêu sử; 22. Kim sử; 23. Nguyên sử; 24. Minh sử; 25. Tân Nguyên sử; 26. Thanh sử cảo. Đó là những tư liệu lịch sử rất quý để nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc nói riêng và lịch sử các nước như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, v.v... chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa nói chung. Nhưng các bộ sử vừa kể trên đều được ghi chép theo thể Kỷ truyện, nên có khá nhiều sự kiện, tư liệu lịch sử liên quan tới quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị các soạn giả lược bỏ.

          Ở đây, nói riêng về triều Mãn Thanh từ năm 1644 đến 1911, để tìm hiểu quan hệ Việt - Trung thời kỳ này, nếu chỉ đọc Thanh sử cảo không thôi thì chưa đủ, mà cần phải đọc thêm Thanh thực lục nữa. Đặc biệt, khi trình bày về cuộc chiến tranh xâm lược của quân đội Mãn Thanh đối với Việt Nam vào các năm 1788, 1789, các nhà sử học thường dựa vào các bộ sử của Việt Nam như: Tây Sơn thủy mạt khảo, Tây Sơn liệt truyện, Tây Sơn thuật lược, Hoàng Lê nhất thống chí, Lê quý kỷ sự, Lê quý dật sử, v.v... ít chú ý tới Thanh thực lục. Vì vậy, tôi cho rằng việc công bố bản dịch ra tiếng Việt: Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn của dịch giả Hồ Bạch Thảo là điều đáng trân trọng và cần thiết.

          Vào quý IV-2007, Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản tập sách: Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn, khổ 16 x 24 cm, dày 552 trang (không kể phần Mục lục). Sách gồm có 3 phần (không kể Lời giới thiệu của dịch giả Hồ Bạch Thảo):

          1. Phần dịch nghĩa 209 đoạn sử liệu từ Đoạn 1: Ngày 1 tháng 7 năm Càn Long thứ 53 (2-8-1788), đến Đoạn 209: Ngày 15 tháng 8 năm Gia Khánh thứ 8 (30-9-1803).

          2. Phần Nguyên văn chữ Hán được in từ bản ảnh chụp Thanh thực lục bản in của Trung Hoa thư cục - 1985.

          3. Một số Lời bàn của người dịch.

          Tôi đã đọc khá kỹ phần chuyển ngữ sang tiếng Việt của Dịch giả Hồ Bạch Thảo, xin có một vài nhận xét và đề nghị như sau:

          1. Dịch giả Hồ Bạch Thảo có một vốn kiến thức chữ Hán khá vững, do đó, có thể thấy bản dịch sang tiếng Việt chất lượng tốt.

          2. Mặc dù vậy, cũng như tôi đã chỉ ra một vài sai sót ở bản dịch Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Đại Việt và Champa, ở đây cũng còn những sai sót cần sửa chữa. Thí dụ ngay Đoạn 1: Nguyên văn chép: ? ? ? ? ? ?... _Dịch giả Hồ Bạch Thảo dịch là: "Nhận được tờ bẩm của viên Tri phủ Lục Hữu Nhân", như vậy là thiếu mấy chữ "phủ Thái Bình" (Tri phủ phủ Thái Bình Lục Hữu Nhân).

          3. Cần bỏ thời gian và công sức hiệu đính và chú giải công phu hơn nữa, để giúp cho độc giả hiểu sâu sắc nội dung của bản dịch tiếng Việt.

          4. Nên bỏ những Lời bàn của người dịch, vì điều này là không cần thiết đối với một tập sách chỉ với mục đích công bố tư liệu như bản dịch Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn này.

          Những điều tôi góp ý trên đây với Dịch giả Hồ Bạch Thảo, chỉ với một mục đích: Muốn có một bản Phiên dịch: Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn có chất lượng cao, được bạn đọc gần xa tin tưởng khi sử dụng.

          Với tư cách là một nhà sử học, công tác tại Viện Sử học, tôi hoàn toàn ủng hộ việc Biên dịch và công bố: Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn của Nhóm tác giả: Nguyễn Bá Dũng - Hồ Bạch Thảo - Phạm Hoàng Quân.

 

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá