Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội
Tóm tắt nội dung:
Nằm
trong tổng thể Chương trình khoa học KX.09 "Nghiên cứu phát huy điều kiện
tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá 1000 năm Thăng Long - Hà
Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô", Đề tài KX.09.04 "Bài
học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội"
là một đề tài mới mẻ, có phạm vi nghiên cứu rất lớn và tính chất nghiên cứu khá
phức tạp. Sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên được
nghiên cứu hệ thống, toàn diện, xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm, nên cần
được giải quyết dưới góc độ khoa học tổng hợp và phải vượt qua nhiều luồng ý
kiến tranh luận khác nhau.
Kết
quả nghiên cứu của Đề tài đã bám sát mục đích nghiên cứu là làm rõ những
chiến công, sự kiện tiêu biểu, đóng góp của các tài năng, anh hùng, nhân vật lịch
sử quân sự; tổng kết bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng
Thăng Long - Hà Nội; từ đó dự báo tình hình, đề xuất định hướng giải pháp phát
huy những giá trị văn hoá - lịch sử quân sự để bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong thời
kỳ mới. Trên cơ sở lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của
Đảng Cộng sản Việt Nam, Đề tài dựa trên những cứ liệu thực tiễn của lịch sử đã
được tổng kết, đồng thời kế thừa các công trình khoa học có liên quan và dựa
trên kết quả khảo sát thực tiễn trong và ngoài nước cũng như điều tra xã hội
học.
Cuốn
sách chuyên khảo này được thực hiện trên cơ sở những kết quả nghiên cứu chính
của Đề tài, thể hiện một công trình đầu tiên nghiên cứu tổng kết một
cách hệ thống, toàn diện, xuyên suốt lịch sử sự nghiệp bảo vệ, giải phóng
Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng lý luận và sự khái quát khoa học tổng hợp.
Cuốn sách góp phần làm sâu sắc vị trí chiến lược quân sự và tầm quan trọng của
sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội dưới góc độ văn hoá quân sự;
đồng thời xác định hệ thống khái niệm, phạm trù cơ bản trong tiếp cận;
đưa ra quan niệm khoa học về bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cuốn sách cũng góp phần hệ thống hoá những chiến công và sự kiện tiêu
biểu; làm sáng tỏ những đóng góp đặc sắc về thực tiễn và lý luận quân sự
của các tài năng, anh hùng, nhân vật lịch sử quân sự xuyên suốt lịch sử bảo vệ,
giải phóng Thăng Long - Hà Nội từ thời dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh.
Đặc
biệt, cuốn sách tập trung khái quát hệ thống bài học kinh nghiệm mang giá
trị đa tầng, từ những bài học kinh nghiệm của từng thời kỳ lịch sử đến các
bài học kinh nghiệm lịch sử xuyên suốt, có tính quy luật với tính cách hệ
giá trị văn hoá - lịch sử quân sự, vừa phản ánh tính phổ biến của văn hoá
quân sự Việt Nam, vừa mang nét đặc sắc của văn hoá quân sự Thăng Long - Hà Nội.
Cuốn sách cũng đã đặt sự nghiên cứu lịch đại của sự nghiệp bảo vệ, giải
phóng Thăng Long - Hà Nội trong sự tích hợp với nghiên cứu đồng đại
về những vấn đề lý luận và thực tiễn bảo vệ thủ đô một số nước trong thời đại
ngày nay; đồng thời lần đầu tiên đề xuất định hướng giải pháp phát
huy giá trị văn hoá - lịch sử quân sự nhằm bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Bình
luận sách
* PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Bình
luận bản thảo)
Tập
sách dày 393 trang, được chia thành 3 phần, 9 chương, gồm có:
- Phần thứ nhất: Cơ
sở lý luận và phương pháp luận (Về sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long
- Hà Nội).
- Phần thứ hai: Lịch
sử và bài học kinh nghiệm.
- Phần thứ ba: Bối
cảnh thời đại và phát huy bài học kinh nghiệm.
Tôi cho rằng về mặt kết cấu của sách như vậy là khá lôgích,
khoa học. Nội dung chính của sách được đặt vào Phần thứ hai (5 chương trên tổng số 9 chương) với độ dài 253 trang
(từ trang 64 đến trang 317), được trình bày một cách công phu, khoa học và khá
hấp dẫn.
Ở Phần thứ hai
này, các tác giả đã trình bày sự kiện lịch sử từ thời đầu Bắc thuộc (179 tr.
Cn) cho đến ngày nay, gắn với việc bảo vệ, giữ gìn và giải phóng mảnh đất Thăng
Long - Hà Nội, mỗi khi có giặc ngoại xâm xâm lược. Ở phần này, ngoài trình bày
sự kiện lịch sử, các tác giả đều rút ra những bài học kinh nghiệm về việc bảo
vệ Kinh đô Thăng Long (Thủ đô Hà Nội) rất xác đáng và khoa học, giúp cho người
đọc hiểu rõ những giai đoạn lịch sử đấu tranh giữ nước mà cha ông ta đều có sự
sáng tạo trong việc đối phó với kẻ thù.
Ở Phần thứ ba,
các tác giả phân tích tình hình bối cảnh thời đại và việc vận dụng, phát huy
những bài học kinh nghiệm của lịch sử trong việc bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Đây là
việc làm rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Chúng tôi cho rằng, sách Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ
giải phóng Thăng Long - Hà Nội, do PGS.TS. Nguyễn Văn Tài (chủ biên) là một
công trình biên soạn công phu, khoa học rất đáng trân trọng. Đề nghị Nhà xuất
bản Hà Nội nên xuất bản trong thời gian ngắn nhất, để có thể phục vụ tốt bạn
đọc gần xa.
Nhà xuất bản Hà Nội