Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long – Hà Nội
Thứ hai, 15/08/2011 12:56
Tác giả: GS.TSKH. Vũ Hy Chương (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.

Tóm tắt nội dung:

Đề tài khoa học xã hội cấp nhà nước "Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội" mã số KX.09.08 triển khai thực hiện trong thời gian 2005-2008 tập trung vào các mục tiêu:

1. Làm rõ chính sách, thành tựu, vai trò và kinh nghiệm phát triển khoa học của Thăng Long - Hà Nội. Nêu bật vai trò của khoa học trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội ở Thăng Long - Hà Nội qua các thế kỷ, đặc biệt là ở thế kỷ XX và trong giai đoạn hiện nay.

2. Nêu bật chính sách, ý nghĩa và kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt nêu rõ những bài học kinh nghiệm trong phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài qua các thời đại lịch sử trước đây và thời kỳ xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa hiện nay.

3. Vận dụng kinh nghiệm lịch sử vào việc phát triển khoa học, trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô. Đề xuất những quan điểm, chính sách và giải pháp lớn trong phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài trên địa bàn Hà Nội, theo yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong 10-15 năm tới.

Công trình Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long – Hà Nội được biên soạn từ kết quả nghiên cứu đó của Đề tài, mang tính hệ thống một cách tổng quát những kinh nghiệm và bài học quý báu của 1000 năm lịch sử đã trải qua, nêu lên những quan điểm cho chính sách và giải pháp lớn để Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh khoa học và trọng dụng nhân tài phục vụ cho thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tăng cường chủ động hội nhập quốc tế đang trong những năm thúc đẩy mạnh mẽ.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài, và được thể hiện trong công trình này, là một cố gắng của tập thể tác giả để luận giải về mức độ phát triển và ứng dụng khoa học cũng như về việc trọng dụng nhân tài của tổ tiên ta ở các thế kỷ trước đây như thế nào. Từ chỗ cố gắng luận giải để xác nhận được về cách hiểu và cách thực hiện của người xưa, cuốn sách mong muốn góp phần vào việc đúc kết những giá trị lịch sử - văn hóa nhiều đời của tổ tiên ta, trong đó có những bài học quý báu để chúng ta tham khảo vận dụng vào sự phát triển xã hội ngày nay.

Bình luận sách

* GS.TS. Đinh Quang Báo (Bình luận bản thảo)

1. Mục tiêu cuốn sách:

          Bản thảo đã có nội dung bám sát mục tiêu của cuốn sách là phân tích làm rõ các giá trị truyền thống về lịch sử - văn hóa trong phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội ở 10 thế kỷ.

          2. Nội dung cuốn sách:

          Để thể hiện được mục tiêu khái quát đó bản thảo cuốn sách đã:

          1. Phân tích được các chính sách, thành tựu, vai trò và kinh nghiệm phát triển khoa học của Thăng Long - Hà Nội. Để làm việc đó nội dung bản thảo đã nêu những thành tựu cụ thể: quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng; các công trình kiến trúc; phát triển làng nghề, ngành nghề; xây dựng các luật lệ có bản chất là những quy phạm pháp luật để điều hành, tổ chức xã hội, phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa. Các thành tựu đó được phân tích và khái quát thành các lĩnh vực khoa học trong quá trình phát triển lịch sử Thăng Long - Hà Nội như: khoa học xã hội - nhân văn, y dược, khoa học tự nhiên, nông nghiệp...

          2. Nội dung bản thảo nêu và phân tích các quan điểm có tính triết lý, các chính sách và kinh nghiệm sử dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội. Nêu những bài học kinh nghiệm trong đào tạo, phát hiện, tuyển chọn, thu hút, sử dụng nhân tài qua các thời đại của quá trình lịch sử phát triển Thủ đô Thăng Long - Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung qua 10 thế kỷ.

          3. Nội dung bản thảo cũng đã khái quát những bài học kinh nghiệm lịch sử vào việc phát triển khoa học, phát triển nguồn nhân lực, nhân tài phục vụ sự nghiệm xây dựng thủ đô ngày nay.

          4. Nội dung bản thảo là kết quả nghiên cứu đề tài khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan nghiên cứu có uy tín. Cách tiếp cận khoa học khi trình bày các vấn đề nêu trên là:

          - Quan điểm lịch sử: gắn việc nêu và phân tích các sự kiện với bối cảnh phát triển xã hội ở từng triều đại, từng giai đoạn lịch sử. Lôgic trình bày:

          Sự kiện - bối cảnh - phân tích, khái quát các quan điểm, giải pháp lớn. Vì cuốn sách phản ánh quá trình phát triển khoa học, trọng dụng nhân tài suốt 1000 năm lịch sử nên đã rất hợp lý khi chỉ lựa chọn phân tích những sự kiện lớn, sắc nét nhất có dấu ấn lịch sử để khái quát thành các bài học lớn về quan điểm và giải pháp.

          - Quan điểm phát triển được quán triệt khi trình bày nội dung.

          Vấn đề phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài được trình bày theo dòng lịch sử thể hiện sự kế thừa từ triều đại này sang triều đại khác các quan điểm quản lý xây dựng Thăng Long - Hà Nội và đất nước. Như vậy bài học lịch sử để thời đại ngày nay vận dụng được rút ra một cách lôgic tất yếu.

          - Quan điểm nói về Thăng Long - Hà Nội gắn với lịch sử phát triển cả nước được thể hiện rõ trong nội dung cuốn sách. Ngày nay quan điểm thủ đô với cả nước, cả nước với thủ đô luôn luôn được quán triệt.

          - Quan điểm gắn phát triển khoa học với đào tạo, sử dụng nhân tài được thể hiện trong nội dung bản thảo. Khoa học và nhân tài luôn luôn là quan hệ nhân quả. Quán triệt quan hệ này làm cho cuốn sách thành công khi rút ra bài học có tính chiến lược cho sự phát triển hưng thịnh đất nước. Ngày nay, bài học này đã trở thành quốc sách hàng đầu, những tiếp cận trên đây đã làm cho nội dung cuốn sách vừa có giá trị lý luận, vừa có giá trị ứng dụng để giải quyết những vấn đề phát triển khoa học và sử dụng nhân tài.

          5. Từ các quan điểm trên đây cuốn sách đã đúc kết một cách thuyết phục 6 bài học kinh nghiệm lịch sử định hướng thực hiện chiến lược quốc sách hàng đầu về phát triển khoa học và đào tạo nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Dễ nhận thấy rằng các bài học đó cho chúng ta một quy trình hoạch định các chính sách và các giải pháp gắn bó hữu cơ giữa phát triển khoa học và đào tạo nhân lực.

          Trên đây đã phân tích một cách khái quát những ưu điểm của nội dung bản thảo. Tuy nhiên, xin nêu một vài ý kiến đóng góp để tác giả tham khoa góp phần hoàn thiện nội dung cuốn sách.

          - Sẽ tốt hơn nếu khi trình bày sự phát triển khoa học qua các triều đại phong kiến bổ sung được các minh chứng lịch sử về các quan điểm, chính sách, giải pháp. Về điểm này phần trọng dụng nhân tài đã thành công hơn.

          - Sẽ tốt hơn nếu khi phân tích bình luận các sự kiện lịch sử bên cạnh các bài học thành công phân tích thêm các bài học không thành công. Dấu ấn thành công và dấu ấn thất bại đều là những bài học lịch sử có giá trị.

          - Đoạn liệt kê các danh nhân Thăng Long - Hà Nội ở trang 58 cần bổ sung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, không nên để sau này người đọc tự điền vào các dấu chấm chấm.

Kết luận:

Đề nghị nghiệm thu với đánh giá xuất sắc bản thảo cuốn sách "Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội".

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá