Trong quãng thời gian học tập và nghiên
cứu, anh đã tiến hành khai thác khối tư liệu quý này, tuy nhiên chỉ ở khía cạnh
giao dịch, buôn bán và đến năm 2008, trong chương trình thực hiện hạng mục Điều
tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long thuộc “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn
hiến”, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức khảo cứu và sao chụp gần 9.000 trang tư
liệu lưu trữ. Vậy nên cuốn sách là một nguồn tư liệu rất đồ sộ qua thống kê sơ bộ, hiện có
khoảng 11.000 trang tư liệu viết tay của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh liên
quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài. Trong 63 năm đóng thương điếm kinh doanh ở kinh
đô Kẻ Chợ và Đàng Ngoài (1637 – 1700), người Hà Lan đã để lại khoảng 10.000
trang viết tay. Trong khi đó, với 25 năm buôn bán ở Kẻ Chợ và Đàng Ngoài (1672
– 1697) thương điếm Anh cũng để lại 1.005 trang viết tay...
Cùng
với sự hiện diện của người châu Á, đến thế kỷ XVI - XVII nhiều nhà thám
hiểm, truyền giáo và thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh…
đã trực tiếp đến Thăng Long - Đàng Ngoài để truyền giáo, thực hiện các
sứ mệnh ngoại giao hay tiến hành các thương vụ. Thăng Long với vị trí
của đô thị cảng ven sông đã thực sự thu hút thương gia các nước từ Đông Á
đến phương Tây tìm đến giao thương buôn bán trong đó có Hà Lan và Anh,
đặc biệt là thế kỷ XVII, dưới sự trị vì của chính quyền Lê - Trịnh,
Thăng Long đã có nhiều phát triển vượt trội mà dấu ấn để lại là các hoạt
động kinh tế - xã hội, quan hệ bang giao, giao thương quốc tế... hết
sức sôi động.
Thương
đoàn của Công ty Đông Ấn Hà Lan đến Kẻ Chợ lần đầu tiên vào năm 1637,
người Anh đến năm 1672 và duy trì quan hệ chính thức đến tận các năm
1697 và 1700. Trong thời kỳ họ lưu trú và buôn bán tại Kẻ Chợ trong gần như toàn bộ thế kỷ XVII,
những người nước ngoài này không chỉ tiến hành các vụ hiệp thương mà
còn có những ghi chép về văn hóa, kinh tế - xã hội đến phong tục tập
quán của Đàng Ngoài, và đây chính là nguồn tư liệu quý, chúng ta khai
thác để thấy diện mạo của một Thăng Long – Kẻ Chợ được đầy đủ hơn, sâu
sắc hơn về chính sách ngoại thương. Bởi rất nhiều vấn đề về hoạt động
sản xuất kinh doanh của người dân Thăng Long - Kẻ Chợ, về quan hệ kinh
tế của Thăng Long, của Đàng Ngoài với người nước ngoài, với các nước
khác trong khu vực và phương Tây… trong kho tư liệu của chúng ta còn
thiếu, chưa được ghi chép đầy đủ hoặc bị thất lạc qua thời gian, qua
những biến cố lịch sử thì đã được người Anh với người Hà Lan ghi chép
lại. Đơn
cử một ví dụ như năm 1653, người Hà Lan đã dành hẳn gần 10 trang để mô
tả về diễn biến chính trị trong triều đình và sự kiện hoạn quan Hoàng
Nhân Dũng bị xử tử do đã có mưu đồ phản loạn chống lại Chúa như thế nào,
ảnh hưởng đến các quan lại khác trong triều ra sao... (trong khi đó Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi vắn tắt trong 2-3 dòng). Tất
nhiên, có sự kiện qua lăng kính của họ, nhưng vẫn có thể cho thấy đây
là một sự bổ sung quý báu vào kho tư liệu của chúng ta đồng thời giúp ta
thấy được cái nhìn nhiều chiều của người nước ngoài về Thăng Long – Kẻ
Chợ, về những sinh hoạt kinh tế, những quan hệ phức tạp giữa phủ Chúa
với nước ngoài, giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong…
Bên cạnh cuốn sách Tuyển tập tư liệu phương Tây của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, thì cuốn sách Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII
là khảo cứu chuyên sâu về quan hệ thương mại dựa vào hai nguồn tư liệu
của hai công ty thương mại lớn nhất là Đông Ấn Anh (English East India
Company - EIC) và Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oost-Indische
Compagnie - VOC).
Với 732 trang in, cuốn sách gồm 3 phần chính, 8 phụ lục, gần 20 phụ bản minh họa được sao chụp lại:
Phần thứ nhất đề cập tới quá trình hình thành và tồn tại của Công ty
Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài. Từ những thông tin
trong các tài liệu được khai thác, tác giả đã kết cấu và trình bày 63
năm hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan theo 5 giai đoạn từ khi đặt mối quan hệ (1601) đến sâu sắc hơn là liên minh quân sự(1637) và khi quyền lợi hai bên không thỏa đáng dẫn đến quan hệ hai bên bị đóng băng (1644), rồi những thăng trầm hay nỗ lực bành trướng thương mại để rồi suy thoái và chấm dứt bang giao với chính quyền Kẻ Chợ (1700).
Còn với Công ty Đông Ấn Anh xuất hiện khi người Kẻ Chợ - Đàng Ngoài đã
mất niềm tin với người nước ngoài nên chỉ có 25 năm hoạt động, theo 3
giai đoạn từ sự khởi đầu khó khăn (1672) rồi đến hoạt động cầm chừng (1682) và những năm tháng khốn cùng và đi đến quyết định đóng cửa thương điếm Kẻ Chợ (1697).
Phần
thứ hai tác giả giới thiệu tuyển dịch tư liệu của VOC - Công ty Đông Ấn
Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1637 – 1700) chia làm ba giai đoạn nhưng
sự phân chia về thời gian này chỉ mang tính tương đối.
Phần
thứ ba là tư liệu của EIC – Công ty Đông Ấn Anh, qua những cuốn nhật ký
thương điếm của 5 giám đốc và cộng sự ghi chép công việc sự vụ của công
ty từ ngày 25/6/1672 đến ngày 30/1/1697.
Với
khối lượng tư liệu đồ sộ, ở lần xuất bản này sách chủ yếu thể hiện nội
dung có tính chất đề yếu. Trong giai đoạn II của Dự án Tủ sách nghìn năm
văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội sẽ tổ chức tuyển dịch tương đối đầy đủ,
biên soạn hai đầu sách tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan nhằm
cung cấp chi tiết, đầy đủ hơn các tư liệu về Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ
XVII đến bạn đọc.
Tám
phụ lục là một số chuyên đề của tác giả Hoàng Anh Tuấn đó là những phân
tích sâu về các nguồn tư liệu, một số mặt hoạt động của các công ty
Đông Ấn, những bảng thông tin hướng dẫn giúp người đọc có cái nhìn sâu
sắc, toàn diện hơn về tư liệu đồng thời dễ theo dõi cuốn sách hơn. Cuối
cuốn sách là gần 20 phụ bản minh họa được sao chụp lại là tài liệu đặc sắc, bản đồ, ảnh mô tả thương điếm, các sinh hoạt văn hóa... của Kẻ Chợ Đàng Ngoài.
Khép
lại cuốn sách, bạn đọc không chỉ có được nguồn thông tin có giá trị để
hiểu về Thăng Long – Kẻ Chợ - Đàng Ngoài một cách toàn diện hơn mà khối
tư liệu trong cuốn sách này còn góp phần phục dựng lịch sử với nhiều
biến cố, vùng đất Thăng Long ngàn năm văn vật trong thế kỷ XVII.