Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
HÌNH ẢNH HÀ NỘI CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX - Một bức tranh toàn cảnh sinh động
Thứ ba, 03/09/2013 02:13
Không dùng ngòi bút để lột tả hay ghi lại những dòng xúc cảm mà từ khi nhiếp ảnh ra đời (1839), thì những gì tồn tại khách quan, những sự kiện diễn ra xung quanh chúng ta đã được các nhà nhiếp ảnh ghi lại, đã trở thành tư liệu quý, là những bằng chứng xác thực, cụ thể và nó cũng là những gì mà cuốn sách ảnh “Hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường biên soạn muốn thể hiện.

Cuộc sống con người, thiên nhiên, văn hoá xã hội của Thăng Long - Hà Nội qua ống kính các nhà nhiếp ảnh, trong đó có những nhiếp ảnh gia người Pháp như Hocquard, Andre Frassati hay Robert Khan… đã giúp chúng ta hình dung được một Hà Nội của những năm nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Với số lượng hơn 300 ảnh được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường - người đã từng chủ biên nhiều tập sách (gồm sách chữ và sách ảnh), có kinh nghiệm trong việc làm sách, có tư liệu phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực nhiếp ảnh - tuyển chọn và giới thiệu. Điều này thể hiện độ tin cậy cũng như sức sống của những bức ảnh đã dựng lại cuộc sống, văn hóa, con người, thiên nhiên... của một Hà Nội một thời.

Qua những hình ảnh chúng ta không những nhìn lại được những cái đã vĩnh viễn mất đi, những cái còn tồn tại mà còn cả những cái mới hình thành trong quá trình bị thực dân hoá đã làm thay hình đổi dạng ví dụ như bức ảnh điện Kính Thiên bị quân Pháp biến thành đồn trấn thủ; hay một Hà Nội với năm cửa ô, nay còn đó Ô Quan Chưởng, một cửa ô duy nhất nguyên vẹn, bốn cửa ô chỉ còn thấy trong những bức ảnh tư liệu, hoặc như ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà xưa… Những di sản nghìn năm nay chỉ còn là những hình ảnh kỷ niệm, một thành Thăng Long xây bằng đất nện chỉ thấy ở bức ảnh quý còn lưu giữ. Hay còn đó hình ảnh Hà Nội băm sáu phố phường đã đi vào ca dao: “Phồn hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ/ Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ”, đã được lưu lại qua các bức ảnh tư liệu.

Đã khi nào bạn đặt câu hỏi người phương Tây đặt chân lên đất Kinh kỳ của ta thì họ đã để lại những gì chưa? Câu trả lời bạn có thể tìm được ở những cuốn sách hay những tư liệu lịch sử nhưng nó sẽ sống động và chân thực hơn khi bạn đọc và xem cuốn sách ảnh này. Bạn sẽ thấy khi những người phương Tây đặt chân đến Thăng Long - Kẻ Chợ cũng là khi có sự giao thoa văn hoá Đông - Tây, tạo cho Hà Nội một diện mạo đa dạng hơn. Những bức ảnh xưa còn lưu lại đã thể hiện sự giao thoa về giáo dục như hình ảnh bên cạnh một nhà nho là người học chữ quốc ngữ, học trường Tây; giao thao về văn hoá xã hội; giao thông vận tải với bức ảnh chiếc xe tay đầu tiên, hay người Hà Nội ngỡ ngàng với người đi xe đạp, xe ô tô… Đó là những hình ảnh ghi lại dấu ấn Qua những hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - thời thực dân phong kiến, đấu tranh giành độc lập ta thấy một Hà Nội hoà bình, hội nhập và phát triển hôm nay có nhiều đổi khác.

Sẽ có nhiều người sau khi xem cuốn sách ảnh này đặt câu hỏi vậy thì những bức ảnh này bấy lâu được lưu trữ ở đâu? Câu trả lời đó là nó vẫn được lưu trữ trong các bộ sưu tập của các cơ quan nghiên cứu, trong các bảo tàng, các kho tư liệu của các báo và tạp chí... và cả các bộ sưu tập lưu trữ cá nhân quý hiếm ở trong nước và ngoài nước đến nay đã được tập hợp lại, xuất bản lưu giữ bằng sách in.

Với 252 trang in đẹp cùng hơn 300 bức ảnh tư liệu rất quý giá này, cuốn sách “Hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” có nội dung phong phú, phản ảnh được nhiều mặt của đời sống xã hội Hà Nội cách đây trên dưới một thế kỷ. Mỗi bức ảnh cùng phản ánh một cuộc sống riêng vào thời kỳ đó đã giúp cho người xem không chỉ có được một hiểu biết cụ thể, đồng thời còn nhằm giới thiệu với độc giả Hà Nội, cả nước và bạn bè quốc tế về một “Hà Nội xưa”, bao gồm phong cảnh di tích lịch sử, phố phường Hà Nội: lao động, học tập, sinh hoạt văn hoá, giải trí, lễ hội; về con người Hà Nội hào hoa phong nhã. Những hình ảnh đó không bao giờ mất đi mà nó được thẩm thấu và thể hiện ở cốt cách của người Hà Nội và đó cũng là vẻ đẹp của riêng Thủ đô.

Gấp lại cuốn sách ảnh “Hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” khiến cho người đọc, người xem biết được một Hà Nội xưa vẫn là bông hoa xoè năm cánh cửa ô, là ngôi sao toả sáng từ trung tâm châu thổ sông Hồng vươn dài, trải rộng khắp đất nước. Để cho những ai đang sống trên đất Thủ đô, sống xa quê hương thêm tự hào về vẻ đẹp ngàn năm văn vặt mà Thăng Long – Hà Nội đã có, được gìn giữ và trang điểm thêm ngày một đẹp hơn.



Nhà xuất bản Hà Nội
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá