Nét đặc trưng người Hà Nội qua Tuyển truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội
Với mong muốn để độc giả có được một cái nhìn
xuyên suốt về sự phát triển của truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội từ khi vua Lý Thái
Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La nhóm biên soạn đã tuyển chọn các truyện ngắn
Thăng Long - Hà Nội theo dòng chảy của lịch sử từ thời kỳ trung đại đến nay. Theo
cách đó, Tuyển truyện ngắn được chia
thành ba phần: Thời kỳ trung đại; từ 1900-1945 và từ 1945 đến nay. Mặc dù cách
phân chia như vậy chưa thật sự thể hiện hết sự phát triển của truyện ngắn Thăng
Long – Hà Nội, nhưng đã cho người đọc một cái nhìn rõ nét về sự phát triển của
truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội trong từng lát cắt của lịch sử, đặc biệt là cái
nhìn chân thực về lịch sử xã hội cũng như đời sống của người dân đất Kinh kỳ.
Trong phần 1 người đọc được biết đến lịch sử địa
lý Thăng Long - Hà Nội cũng như hoàn cảnh xã hội thông qua những mẩu chuyện mang
đậm chất dân gian nhưng lại có sự kết hợp giữa văn - sử - triết. Đó là truyện
về các vị thần, thành hoàng làng phù trợ cho Thăng Long, hay những vị tổ sư,
những nhân sĩ đã sống, cống hiến và tạo lập nên mảnh đất ngàn năm văn vật này,
như: Thái úy Trung Phụng Vũ Uy Thắng đại
vương, Hà Ô Lôi, Rùa vàng, Đổng Thiên Vương, Nguyễn Quý Đức... Các tác giả
đã cố gắng giới thiệu cho độc giả những nét văn hóa truyền thống ngàn năm của Thăng
Long, đồng thời cũng vạch rõ sự suy đồi của xã hội phong kiến, sự tha hóa của
đạo đức, luân lý qua Lan Trì kiến văn lục, Vũ trung tùy bút... Bối
cảnh xã hội phần nào làm phai nhạt lối sống hào hoa thanh lịch của đất kinh kỳ,
nhưng đó lại chính là “ngọn lửa để thử vàng”, chính trong hoàn cảnh ấy cái cốt
cách văn hóa của người Hà Nội vẫn được lưu giữ bền vững, nó tạm thời ẩn đi
trong những rối ren của lịch sử, để khi gặp điều kiện thuận lợi lại bùng lên mạnh
mẽ với những vẻ đẹp vốn có như: Ca nữ họ
Nguyễn, Liên Hồ quận công…
Sang đầu thế kỷ XX, sự xô bồ, rối ren, tranh tối tranh sáng của xã hội Thăng Long là “điểm
ngắm” của nhiều tác giả. Với những cái nhìn sắc sảo, chân thực đến lạnh lùng, truyện
ngắn Nguyễn Công Hoan (Kép Tư Bền, Người
ngựa, ngựa người), Nam Cao (Đời thừa,
Mua nhà, Một đám cưới), Tô Hoài (Đôi
Ri đá, Cái áo tế), Vũ Trọng Phụng (Một
đồng bạc, Con người điêu trá)… đã cho chúng ta thấy một bức tranh xã hội hỗn
độn, chất chứa đầy thứ hỗn tạp mà con người phải vật lộn, đấu tranh giằng xé
nội tâm để tìm cho mình một hướng đi. Đồng thời xoáy vào những “điểm” những
“lát cắt” về cuộc sống, về con người trong hoàn cảnh ấy. Những nét “hiện đại,
trẻ trung” - kết quả của sự tiếp cận văn hóa phương Tây mà trực tiếp là phong
trào Âu hóa phần nào đó làm lu mờ những vẻ đẹp truyền thống của Thăng Long - Hà
Nội. Bởi vậy không ít người lặng mình trong thời cuộc, để tìm về quá khứ vàng
son, để được sống với những tinh hoa của đất Tràng An. Chúng ta dễ dàng nhận ra
những nét đẹp riêng có của Thăng Long - Hà Nội trong sự lặng lẽ trường tồn. Đó
là Hà Nội với ba sáu phố phường; Hà Nội với những món quà ngon dân dã mà tinh
tế; Hà Nội với những thú vui tao nhã
của các nhà nho tài tử…(Phở gia truyền, Hoa
vông vang, Hoa tigôn, Nắng trong vườn, Dưới bóng Hoàng Lan, Chữ người tử tù…). Tất
cả những điều này làm nên những nét riêng của truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội
từ đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hà Nội là thủ đô
của một nước Việt Nam
độc lập. Đây thực sự là thời kỳ nở rộ của truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội. Với 2/3
dung lượng cho toàn bộ công trình, truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội thời kỳ này đã
hội tụ được rất nhiều thế hệ nhà văn. Đó
là thế hệ những cây bút trẻ như Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp…
bên cạnh những cây bút gạo cội như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu…
Dù khác nhau về bút pháp, phong cách và
giọng điệu nhưng họ là những người đã sống, chiến đấu và chứng kiến những đổi
thay của Hà Nội qua thời gian. Bởi vậy họ có một điểm chung là luôn băn khoăn,
trăn trở, lo lắng cho cuộc sống, con người Hà Nội trước những biến đổi của hiện
thực xã hội, sự tha hóa của đạo đức, lối sống… Nhà văn Bùi Hiển đã xoáy cái nhìn
của mình vào hiện thực xã hội thời kỳ này qua truyện ngắn Nằm vạ. Và không ai khác chính nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho
chúng ta thấy sự tha hóa của đạo đức, của con người thời kỳ này qua Bức tranh, Sắm vai. Nếu như Nguyễn Huy
Thiệp tỏ ra tỉnh táo, lạnh lùng khi vạch ra sự đổ vỡ của lối sống truyền thống
của người Hà thành thay vào đó là lối sống buông thả, những thói đời tệ bạc làm
lung lay niềm tin con người (Tướng về
hưu, Không có vua) thì Nguyễn Khải lại mang đến cho người đọc những niềm
tin cho tương lai, về sự trường tồn của truyền thống Thăng Long - Hà Nội (Một người Hà Nội) mặc dù ông cũng có
những băn khoăn lo lắng như nhà văn Ma Văn Kháng đã vạch ra trong Trăng soi sân nhỏ, Heo may lộng gió.
Chỉ dẫn dụ ngần đó thôi cũng cho chúng ta thấy
được sự nở rộ của truyện ngắn Thăng Long - Hà Nội sau năm 1945 đến nay. Tất cả
những điều đó tạo nên một bức tranh Hà Nội sinh động mà ở đó nét thanh lịch,
hào hoa có đôi lúc lắng xuống nhưng vẫn trường tồn cùng thời gian và lịch sử.
Có thể nói Tuyển
tập truyện ngắn Thăng Long – Hà Nội mang đến cho bạn đọc không chỉ “chất
văn chương” mà còn cung cấp cho độc giả những cái nhìn ở nhiều sắc cạnh khác
nhau về con người lịch sử, xã hội, văn hóa của chốn Kinh kỳ. Qua đó để chúng ta
hiểu, trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.