Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Tư liệu Phương Tây về Thăng Long - Hà Nội: Hiện trạng khai thác và triển vọng nghiên cứu
Thứ sáu, 11/03/2011 05:09
Tham luận viết cho Hội thảo "Hoạt động xuất bản với Thăng Long ngàn năm văn hiến" ngày 19/9/2010

Trong suốt một thời gian tương đối dài, quan niệm truyền thống của giới nghiên cứu trong nước về tư liệu nước ngoài liên quan đến Việt Nam thường có xu thế nhấn mạnh đến các nguồn tư liệu phương Đông, nhất là các nguồn tư liệu chữ Hán của các quốc gia Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Quan niệm có phần thiên lệch trên là điều hết sức dễ hiểu bởi lịch sử xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hơn hai nghìn năm qua luôn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các quốc gia láng giềng và khu vực. Tuy nhiên, có một thực tế là, vào cuối thời trung đại, các mối liên hệ quốc tế của Việt Nam đã được mở rộng một cách mạnh mẽ; bên cạnh các mối liên hệ truyền thống, quốc gia của người Việt bắt đầu tiếp xúc với các thế lực Tây phương (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…). Bản thân các quốc gia phương Tây - vì lợi ích thương mại và lãnh thổ - đã ghi chép tương đối chi tiết về quốc gia người Việt, từ thể chế nhà nước và quan hệ bang giao đến các khía cạnh lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng… Đây chính là cơ sở để hình thành khối tư liệu phương Tây về Việt Nam từ giai đoạn trung đại mạt kỳ (cuối thế kỷ XVI) đến hết thời cận đại (1945).

Do hoàn cảnh lịch sử của dân tộc (bị thực dân Pháp đô hộ và kháng chiến chống Mỹ), việc tiếp cận và nghiên cứu các nguồn tư liệu phương Tây về Việt Nam của các nhà nghiên cứu trong nước không được triển khai cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu nước ngoài đã cho công bố rải rác về khối tư liệu này trong một số diễn đàn khoa học. Năm 1910, trên tạp chí Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient (BEFEO) của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, học giả người Pháp Charles B. Maybon công bố một bài viết tương đối dài giới thiệu về kho tư liệu của thương điếm Anh tại Kẻ Chợ - Đàng Ngoài trong 25 năm cuối của thế kỷ XVII.[1] Vào năm 1929, trên cơ sở khai thác triệt để hơn 2.000 trang tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) về Đàng Trong, học giả người Hà Willem J.M. Buch đã cho công bố bản luận án tiến sĩ về mối quan hệ giữa Công ty VOC với vương quốc của các chúa Nguyễn.[2] Năm 1936 và 1937, trên tạp chí BEFEO, Willem J.M. Buch lại tiếp tục cung cấp thêm bức tranh toàn cảnh về hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) ở bán đảo Đông Dương, trong đó có đề cập đến hoạt động của VOC tại hai vương quốc của Đại Việt là Đàng Trong và Đàng Ngoài (tập trung vào kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ) trong phần lớn thế kỷ XVII.[3][4] Hơn ba thập kỷ sau, học giả người Pháp Pierre - Yves Manguin tiếp tục cung cấp thêm một số nguồn tư liệu phương Tây khác liên quan đến vương quốc Đàng Ngoài thông qua cuốn chuyên khảo về hoạt động của người Bồ Đào Nha ở Đại Việt và Chiêm Thành cuối thời kỳ trung đại

Trong không khí hội nhập của đất nước thời kỳ Đổi Mới, nền sử học nước nhà cũng đứng trước những vận hội để hội nhập và phát triển, nhất là triển vọng khai thác các nguồn tư liệu phương Tây liên quan đến lịch sử dân tộc giai đoạn trung đại mạt kỳ - cận đại sơ kỳ. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, một số nhà sử học Việt Nam của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có điều kiện hợp tác nghiên cứu quốc tế nhằm khảo cứu bước đầu khối tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh (EIC) liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài. Thông qua những báo cáo khoa học giới thiệu giá trị tư liệu và hiện trạng văn bản của khối tư liệu lưu trữ của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh trong các cuộc hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An (1990) và Phố Hiến (1994), giới sử học Việt Nam ngày càng biết đến nhiều hơn đến tầm quan trọng của các nguồn tư liệu này, nhất là những thông tin liên quan đến các trung tâm thương mại, chính trị và văn hóa lớn của Đại Việt lúc đó như Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An...[5] Các cuộc hội thảo cũng thống nhất kêu gọi tổ chức các chương trình nghiên cứu toàn diện nhằm khai thác một cách triệt để và có hệ thống các kho tư liệu lưu trữ của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh, góp phần soi sáng nhiều khía cạnh lịch sử kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo… của Đại Việt thế kỷ XVII. Mặc dù vậy, trong hơn một thập kỷ tiếp theo, khát vọng khai thác một cách tương đối hệ thống nguồn tư liệu VOC và EIC của nhiều thế hệ sử học Việt Nam vẫn cơ bản bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân chủ yếu là những khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ nhằm hợp tác khai thác các nguồn sử liệu lưu trữ quý giá trên.

Phải đến những năm đầu thế kỷ XXI mới xuất hiện một số cơ hội rõ rệt cho triển vọng khai thác các kho tư liệu lưu trữ châu Âu về Đại Việt thời kỳ trung đại và cận đại. Chương trình nghiên cứu và đào tạo quốc tế TANAP (Toward A New Age of Partnership) của Đại học Leiden (Hà Lan) đã tạo điều kiện thuận lợi để một số nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam tiếp cận trực tiếp với nguồn tư liệu của hai Công ty Đông Ấn và kế thừa những nghiên cứu có từ trước đó để soi sáng thêm một số khía cạnh lịch sử bị lãng quên đến thời điểm đó.[6] Cũng thông qua chương trình TANAP mà lần đầu tiên một danh mục tương đối hoàn chỉnh về nguồn tư liệu Hà Lan và Anh liên quan đến hai vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong của Đại Việt đã được hệ thống hóa, cho phép các nhà nghiên cứu hình dung về quy mô cũng như giá trị lịch sử của các khối tư liệu phương Tây nói trên. Một số nghiên cứu về khối tư liệu Pháp liên quan đến Đại Việt cũng được triển khai và xuất bản. Giới nghiên cứu ngày càng hiểu biết cụ thể hơn về giá trị của nguồn tư liệu phương Tây về Việt Nam, dù việc khai thác chưa được tiến hành một cách quy mô do những hạn chế về tài chính cũng như rào cản ngôn ngữ… Dưới đây, chúng tôi xin hệ thống hóa những mảng tư liệu phương Tây chính liên quan đến lịch sử Việt Nam giai đoạn trung đại và cận đại.

1. Tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan thế kỷ XVII - XVIII

Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) được thành lập năm 1602 và tồn tại đến tận những năm cuối của thế kỷ XVIII. Công ty được nhà nước Cộng hòa Hà Lan bảo trợ, ban cho nhiều đặc quyền thương mại, ngoại giao… với các quốc gia Đông Ấn. Ngay sau khi được thành lập năm 1602, Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã liên tục tổ chức những chuyến đi thăm dò đến thương cảng Hội An thuộc Đàng Trong để thiết lập quan hệ bang giao và buôn bán chính thức với vương quốc họ Nguyễn. Tuy nhiên, những nỗ lực buôn bán của VOC với Đàng Trong không thu được kết quả. Vào giữa thập niên 30 của thế kỷ XVII khi tơ lụa Trung Quốc trở nên khan hiếm trên thị trường trong khi nhu cầu về tơ lụa tại Nhật Bản đang rất cao, VOC quyết định chuyển hướng chiến lược sang buôn bán với Kẻ Chợ để thu mua tơ lụa cho thị trường Nhật Bản. Vào thời điểm đó chính quyền Lê/Trịnh cũng đang tìm cách lôi kéo người Hà Lan đứng về phía mình để tranh thủ sự hậu thuẫn về quân sự trong cuộc chiến tranh với họ Nguyễn ở Đàng Trong. Năm 1637 thương đoàn đầu tiên của VOC đến Thăng Long và ngay trong năm sau quan hệ thương mại và bang giao chính thức của người Hà Lan với chính quyền Đàng Trong kết thúc. Quan hệ VOC - Đàng Ngoài kéo dài đến tận đầu năm 1700 mới chấm dứt.

Trong suốt thời gian tồn tại, thương điếm Kẻ Chợ được điều hành bởi khoảng 9 - 14 nhân viên, bao gồm một giám đốc, một thư ký/kế toán giao dịch, một vài nhân viên kinh doanh, bảo vệ... Các nhân viên này có nghĩa vụ thực hiện các hoạt động bán hàng hóa nhập khẩu và thu mua các sản phẩm địa phương để khi tàu của Công ty đến Đàng Ngoài kịp phiên đi Nhật Bản hoặc Batavia (Indonesia). Trong quá trình lưu trú, viên thư ký có nghĩa vụ ghi chép toàn bộ các hoạt động của thương điếm, từ việc mua bán sản phẩm, chi phí sinh hoạt hàng ngày... đến các hoạt động đối ngoại của thương điếm như vào chầu trong cung vua, phủ chúa, tham dự các buổi tiệc tùng do quan lại Đàng Ngoài tổ chức và mời mọc, các vụ kiện cáo... Ngoài ra, vào cuối mùa buôn bán hàng năm, viên giám đốc thương điếm có nghĩa vụ viết một báo cáo chi tiết (trung bình 10 - 20 trang) để gửi về Batavia - trụ sở chính của VOC tại phương Đông. Ngoài những thông tin về tình hình xuất nhập khẩu và buôn bán trong năm, các báo cáo này còn mô tả tương đối chi tiết diễn biến tình hình vương quốc Đàng Ngoài - chủ yếu là các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra tại Thăng Long - để Toàn quyền và Hội đồng Đông Ấn tại Batavia có chiến lược quan hệ với chính quyền Lê/Trịnh trong năm tiếp theo.

Trong khối di sản đồ sộ khoảng 5 triệu trang tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan, phần tư liệu liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài chiếm khoảng hơn 10.000 trang (Đàng Trong có khoảng 2.000 trang). Phần lớn trong số đó là tài liệu trực tiếp liên quan đến hoạt động của thương điếm Hà Lan tại Kẻ Chợ. Một số ít là tài liệu gián tiếp, do các thương điếm khác (Zeelandia trên đảo Đài Loan, Hirado và Deshima ở Nhật Bản, Ayutthaya ở Xiêm, tổng hành dinh Batavia ở Indonesia) soạn nhưng có liên quan đến tình hình hoạt động của thương điếm Kẻ Chợ. Những tư liệu này hiện được bảo quản rất tốt tại Lưu trữ Quốc gia (Nationaal Archief) ở thành phố Den Haag (La Haye), vương quốc Hà Lan.

Điểm khó khăn của việc tập hợp khối tư liệu Hà Lan nằm ở chỗ các tài liệu liên quan đến Đàng Ngoài chưa được xếp thành tập riêng mà vẫn bị xếp lẫn với tài liệu của các thương điếm khác (Batavia, Hirado, Deshima, Zeelandia, Ayutthaya...) trong khi phần lớn các tập tài liệu không được đánh số trang. Dựa trên nội dung của khối tư liệu, chúng tôi tạm chia các văn bản của VOC liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thành những dạng sau:

- Overgekomen Brieven en Papieren (Thư từ và Công văn đến) là nguồn tư liệu tổng hợp, bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực và chiếm vị trí quan trọng nhất trong nghiên cứu quan hệ giữa VOC với Đại Việt. Overgekomen Brieven en Papieren về Đại Việt bao gồm công văn từ Toàn quyền và Hội đồng Đông Ấn báo cáo về Hà Lan và ngược lại, thư từ gửi từ thương điếm Đàng Ngoài về Batavia, Hà Lan và ngược lại, bản sao các nghị quyết, danh mục hàng hoá, sổ sách, hợp đồng buôn bán, nhật ký của các thương nhân của Công ty, thư từ trao đổi giữa các thương điếm, thư từ ngoại giao giữa công ty với chính quyền Lê - Trịnh... 

Đến nay, chúng tôi đã tổ chức sưu tầm được gần 1 vạn trang tư liệu Overgekomen Brieven en Papieren liên quan trực tiếp đến Đại Việt. Danh mục tư liệu Overgekomen Brieven en Papieren về các quốc gia lân cận - những nơi có quan hệ buôn bán với thương điếm của người Hà Lan ở Kẻ Chợ - như Nagasaki (Nhật Bản), Zeelandia (Đài Loan), Ayutthaya (Xiêm), Batavia (Indonesia)... cũng có khá nhiều thông tin gián tiếp đến hoạt động của thương điếm Hà Lan tại Kẻ Chợ. Đây sẽ là nguồn bổ khuyết quan trọng cho những năm mà tài liệu của thương điếm Hà Lan bị thất lạc.

- Resolutien van Gouverneurs-Generaal en Raden (Nghị quyết của Toàn quyền và Hội đồng Đông Ấn của Công ty đóng ở Batavia) liên quan chủ yếu đến chính sách buôn bán và ngoại giao với các nước mà Công ty Đông Ấn Hà Lan có đặt quan hệ. Trong khối tư liệu này, đến nay đã thống kê được khoảng gần 50 đầu nghị quyết có liên quan đến các thương điếm của Công ty ở Đại Việt.

- Bataviaasch Uitgaand Briefboek (Công văn gửi đi từ Batavia) gồm các thư từ ngoại giao gửi đi từ Batavia trong thế kỷ XVII. Bên cạnh đó là các thông tin phụ khác như yêu cầu về hàng hoá, thông tin về các thương nhân châu Âu khác ở phương Đông. Trong số những văn bản liên quan đến các thương điếm ở Đại Việt, một số cũng được sao lại và lưu cùng với các công văn khác trong khối tư liệu Overgekomen Brieven en Papieren.

- Daghregister gehouden int Casteel Batavia (Nhật ký kinh doanh của thành Batavia) là bộ tư liệu đồ sộ do nhân viên của Công ty đóng tại tổng hành dinh Batavia (Indonesia) ghi chép và lưu giữ. Bởi Batavia là trung tâm điều phối mọi hoạt động của Công ty ở Phương Đông, hầu hết các tàu thuyền đều ghé qua Batavia; các văn bản kinh doanh của các thương điếm cũng được gửi về đây trước khi được tổng hợp thành báo cáo để gửi về Ban Giám đốc ở Hà Lan. Những thông tin về các khu vực (trong đó có tình hình hoạt động của thương điếm Kẻ Chợ) đều được ghi chép vắn tắt. Đến nay, một phần của bộ tư liệu Daghregister gehouden int Casteel Batavia đã được văn bản hóa thành 31 tập, khởi đầu từ năm 1624 và kết thúc vào năm 1682, sau 1682 vẫn ở dạng văn bản gốc. Trong số 31 tập trải dài qua 59 năm đó có 14 năm bị thất lạc. Tuy nhiên thông tin vẫn được phản ánh trong các khối tư liệu khác như Overgekomen Brieven en Papieren.

Daghregister gehouden int Casteel Batavia không chỉ phản ánh hoạt động của tổng hành dinh Batavia mà còn thống kê số lượng tàu đến Batavia từ các nơi và từ Batavia đi đến các khu vực kinh doanh, danh mục chi tiết và trị giá các loại hàng hoá, thư từ ngoại giao giữa Batavia với những chính quyền địa phương mà Công ty Đông Ấn Hà Lan đặt quan hệ buôn bán... Qua tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi đã sưu tập được khoảng hơn 50 thư từ ngoại giao của chính quyền Lê - Trịnh của Đàng Ngoài và chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong gửi sang Batavia và ngược lại. Thư của chúa Trịnh được dịch ra tiếng Hà Lan từ văn bản gốc chữ Hán, một số dưới dạng tóm lược. Thư của phía Hà Lan gửi sang Kẻ Chợ được sao nguyên bản, đồng thời được lưu thêm trong khối tư liệu Overgekomen Brieven en Papieren.

- Generale Missiven van Gouverneurs-General en Raden aan Heren XVII der Verenigde Oostindisch Compagnie (Công văn của Toàn quyền và Hội đồng Đông Ấn gửi Ban Giám đốc 17 vị của Công ty ở Hà Lan) được Toàn quyền và Hội đồng Đông Ấn của Công ty ở Batavia biên soạn hàng năm trên cơ sở thông tin từ các thương điếm của Công ty để báo cáo về Hà Lan tình hình hoạt động của Công ty ở phương Đông. Tương tự như khối tư liệu Daghregister gehouden int Casteel Batavia, đến nay, phần đầu của bộ Generale Missiven (thế kỷ XVII) đã được văn bản hóa và xuất bản dưới dạng nguyên nghĩa tiếng Hà Lan cổ. Thông tin trong bộ Generale Missiven rất đa dạng, viết về nhiều vùng đất khác nhau, từ Nhật Bản sang đến Ba Tư. Phần thông tin về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài qua các năm cũng được đề cập vắn tắt, chủ yếu là những thông tin về tình hình kinh doanh của thương điếm Kẻ Chợ và quan hệ với Phủ Chúa.

- Beschrijving van de Oost Indische Compagnie (Lược tả Công ty Đông Ấn Hà Lan) do Piter van Dam, luật gia và sử gia của Công ty, biên soạn trong thế kỷ XVIII với mục đích đưa ra một mô tả sơ lược về tổ chức và hoạt động buôn bán của Công ty ở phương Đông. Lịch sử buôn bán của thương điếm của Công ty ở Kẻ Chợ cũng được mô tả khái quát.

- Nederlands Factorij Japan (Thương điếm Hà Lan ở Nhật Bản) là bộ tập hợp đồ sộ các văn bản của thương điếm Hà Lan đóng tại Hirado và Nagasaki (Nhật Bản) trong các thế kỷ XVII-XIX. Có khá nhiều thông tin về Đàng Ngoài được phản ánh qua bộ tư liệu này bởi các thương điếm của VOC ở Kẻ Chợ có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với thương điếm Deshima (Nagasaki) trong hoạt động xuất nhập khẩu tơ lụa sang Nhật Bản. Do vậy, bộ tư liệu Nederlands Factorij Japan là nguồn tư liệu quan trọng trong việc bổ khuyết cho những năm tư liệu của thương điếm Kẻ Chợ bị khuyết thiếu.

- Daghregister Taiwan (Nhật ký kinh doanh của thương điếm Hà Lan tại đảo Đài Loan) từ năm 1624 đến năm 1662. Đến nay, bộ tư liệu này đã được văn bản hóa thành 4 tập dưới dạng ngôn ngữ cổ Hà Lan. Bởi thương điếm Zeelandia trên đảo Đài Loan là một trạm trung chuyển và là mắt xích quan trọng trong hệ thống buôn bán của Công ty Đông Ấn Hà Lan giữa Đàng Ngoài và Nhật Bản; tàu thuyền đi lại giữa các nơi thường ghé qua Đài Loan. Do vậy, có khá nhiều thông tin bổ chú cho tình hình hoạt động của thương điếm Kẻ Chợ được phản ánh trong bộ Daghregister Taiwan.

- Beschrijvinge van Tonkin en onsen Handel aldaar (Lược tả vương quốc Đàng Ngoài và hoạt động buôn bán của chúng ta ở đó) là một chương trong bộ sách 8 tập Oud en Nieuw Oost-Indien của học giả người Hà Lan Francois Valentijn trong thế kỷ thứ XVIII. Bộ sách này được hoàn thành trên cơ sở sử dụng nhiều tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia nên về mặt sử liệu rất đáng tin cậy. Trong tập thứ III có một chương mô tả về hoạt động kinh doanh và quan hệ của Công ty với chính quyền Lê - Trịnh ở Thăng Long - Kẻ Chợ trong thế kỷ XVII. Chương này cũng trích in một số văn bản gốc của thương điếm Kẻ Chợ (vốn được tập hợp trong khối Overgekomen Brieven en Papieren).

- Tonkin 1644/1645, Jounaal van de Reis van Anthonio van Brouckhorst (Đàng Ngoài 1644/1645, Nhật ký hành trình của giám đốc Athonio van Brouckhorst) là một cuốn sách mỏng được học giả Hà Lan C.C. van der Plas sao và xuất bản nguyên trạng cổ ngữ Hà Lan vào năm 1955. Cuốn sách là tập hợp nhật ký chuyến đi của Anthonio van Brouckhorst từ thương điếm Zeelandia (Đài Loan) sang đến Kẻ Chợ, nơi Ông được bổ nhiệm làm giám đốc quản lý hoạt động kinh doanh ở Đàng Ngoài. Cuốn sách cũng in kèm một số công văn trao đổi giữa thương điếm Kẻ Chợ với các thương điếm ở Nhật Bản, Đài Loan và tổng hành dinh Batavia trên đảo Java.

2. Tư liệu Công ty Đông Ấn Anh thế kỷ XVII

Công ty Đông Ấn Anh (EIC) được thành lập năm 1600 ở Luân Đôn. Công ty được nữ hoàng Anh Elizabeth ban cho độc quyền buôn bán với phương Đông. Tuy nhiên, trong nửa đầu thế kỷ XVII, Công ty không thể cạnh tranh được với thế lực Hà Lan hùng mạnh. Từ thập niên 60 của thế kỷ XVII Công ty Đông Ấn Anh chủ trương cải tổ lại hoạt động ở Đông Á. Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận cao mà Công ty Đông Ấn Hà Lan thu được từ hoạt động buôn bán tơ lụa Đàng Ngoài sang Nhật Bản trong nhiều năm trước đó, vào năm 1672, Công ty Đông Ấn Anh quyết định mở quan hệ buôn bán với Đàng Ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu thương mại của EIC với miền bắc Việt Nam không thành công bởi thái độ thiếu tính hợp tác của triều đình Lê-Trịnh cũng như việc EIC thất bại trong việc tái thiết lập quan hệ với Nhật Bản. Chiến lược buôn bán của người Anh với Đàng Ngoài vì thế bị thay đổi căn bản: từ việc hoạch định Đàng Ngoài là nguồn cung cấp sản phẩm tơ lụa cho Nhật Bản, EIC buộc phải đưa sản phẩm Đàng Ngoài về châu Âu tiêu thụ. Mặc dù vậy, EIC vẫn duy trì quan hệ thương mại với Đàng Ngoài đến tận năm 1697.

Do không được chính quyền Lê/Trịnh ủng hộ, người Anh phải đặt thương điếm tại Phố Hiến từ 1672 đến 1683, sau đó mới được chuyển lên Thăng Long (1683 - 1697). Tuy nhiên, mặc dù phải đặt thương điếm tại Phố Hiến trong khoảng 10 năm đầu, người Anh hàng năm đều tìm cách lên kinh đô Kẻ Chợ thuê nhà để buôn bán trong mùa mậu dịch. Vì vậy, phần lớn nội dung tư liệu phản ánh về kinh đô Thăng Long.

Tài liệu của thương điếm Anh tại Phố Hiến và Kẻ Chợ hiện nay còn hơn 1.005 trang[7] và đang được bảo quản rất cẩn thận tại Thư viện Quốc gia Anh (British Library) ở Luân Đôn, vương quốc Anh. Nhìn tổng thể, 1.005 trang tài liệu hiện còn được phân thành hai giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ năm 1672 đến năm 1683, khi người Anh đặt thương điếm tại Phố Hiến. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ mùa hè năm 1693 đến cuối năm 1697. Đây là giai đoạn người Anh định cư chính thức và kinh doanh ngay tại kinh đô Kẻ Chợ. Tài liệu của thương điếm trong giai đoạn 1683 - 1693 bị khuyết.

Khác với sự đa dạng về mặt loại hình văn bản của khối tài liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan, tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ–Đàng Ngoài có kết cấu khá đơn giản nhưng vô cùng phong phú về thông tin. Toàn bộ khối tư liệu hiện còn là một bộ nhật ký kinh doanh của thương điếm Anh (ở Phố Hiến và Kẻ Chợ), ghi chép những sự kiện diễn ra hàng ngày, xen lẫn vào đó là các bản quyết nghị của Hội đồng thương điếm, thư và đơn thỉnh nguyện gửi lên các Chúa Trịnh, báo cáo tình hình hoạt động của thương điếm gửi về Bantam, Madras và Luân Đôn... Theo phân loại và sắp xếp của Thư viện Anh, tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Đàng Ngoài có thể được phân thành các đầu mục sau:

- G/12/17-1, Tonqueen Journall Register, from 25/12/1672 - 07/12/1672, fos. 1-58.

- G/12/17-2, W. Gyfford’s Journall at Tonqueen, from 13/12/1672 - 28/6/1676, fos. 59-149.

- G/12/17-3, Tonqueen Journall Register, from 29/6/1676 - 26/6/1677, fos. 150-200.

- G/12/17-4, Diary and Consultations of T. James and W. Keeling, from 06/6/1677 - 24/6/1678, fos. 201-224.

- G/12/17-5, Tonqueen Journall Register, from 02/7/1678 - 28/5/1679, fos. 225-251.

- G/12/17-6, Tonqueen Journall Register, from 1/6/1679 - 31/5/1680, fos. 252-273.

- G/12/17-7, Tonqueen Letters of Consultations, from 15/12/1681 - 28/7/1682, fos. 274-288.

- G/12/17-8, Diary and Consultations of W. Hodges, from 29/7/1682 - 26/8/1683, fos. 289-315.

- G/12/17-9, Tonqueen Diary and Consultations, from 13/5/1693 - 29/7/1697, fos. 316-479.

- G/12/17-10, Tonqueen Diary and Consultations, from 27/7/1697 - 30/11/1697, fos. 480-503.

Đối với giai đoạn tài liệu thương điếm bị thất lạc (từ 26/8/1683 đến 13/5/1693), một số thông tin liên quan có thể được trích lược từ bộ Hồ sơ Java 7. Trong quá trình làm việc tại Thư viện Anh trong những năm vừa qua, một số cán bộ giảng dạy của Khoa Lịch sử đã thu lượm được một số lượng lớn các thông tin liên quan đến thương điếm Anh ở Kẻ Chợ giai đoạn 1683-1693 thông qua các công văn trao đổi giữa Ban Giám đốc Công ty ở Luân Đôn với các Hội đồng thương điếm ở phương Đông như Bombay, Madras (Ấn Độ), Benculen (Indonesia), Ayutthaya (Xiêm)... (ký hiệu lần lượt là E-3-87; E-3-88; E-3-99; E-3-90; E-3-91; E-3-92) hiện đang được lưu trữ tại Phòng Ấn Độ và Phương Đông thuộc Thư viện Quốc gia Anh (Luân Đôn). Trong một số năm, tình hình kinh doanh của thương điếm Anh tại Đàng Ngoài được phản ánh khá cụ thể. Những nguồn tư liệu gián tiếp này góp phần quan trọng vào việc phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh ở vương quốc Đàng Ngoài trong suốt giai đoạn 1672 - 1697.

3. Tư liệu của các giáo đoàn Bồ Đào Nha, thế kỷ XVI - XVII

Sau các phát kiến địa lý có tính bước ngoặt của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào cuối thế kỷ XV, người các thương đoàn và giáo đoàn châu Âu lần lượt tiến sang phương Đông để tiến hành buôn bán và truyền giáo. Từ cuối thế kỷ XVI, thương nhân Bồ Đào Nha và các giáo sĩ thuộc các dòng Tên, Đa Minh, Francius… đã đến Đại Việt. Sang thế kỷ XVII, người Hà Lan, Anh, Pháp… cũng hoạt động hết sức tích cực ở Đại Việt. Một lượng lớn tư liệu về Đại Việt nói chung đã được ghi chép và lưu trữ tại các văn khố lớn ở châu Âu:

Nhóm tư liệu liên quan đến các giáo đoàn Bồ Đào Nha hiện đang được lưu giữ chủ yếu tại Lưu trữ Quốc gia Lisbon (Bồ Đào Nha) và một phần ở Madrid (Tây Ban Nha) và Tòa thánh Vatican (Ý)... Trong Hội thảo về Bồ Đào Nha tại Viện Nghiên cứu Hàn Lâm Hà Lan (NIAS) năm 2002, Giáo sư Da Costa của Đại học Lisbon cho biết Ông đã tìm và đọc một số văn bản của các giáo sĩ dòng Tên viết về vương quốc Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Cochinchina) giai đoạn cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII. Ông cho biết thêm một số lượng nhất định các văn bản của giáo hội liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản khá tốt tại Tòa thánh Vatican và có thể một số khác đang nằm ở văn khố quốc gia Tây Ban Nha ở Madrid. Số lượng văn bản - theo giáo sư Da Costa - có thể lên đến hàng nghìn trang viết tay liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Đại Việt.

4. Khối tư liệu Pháp ngữ

Trong tương quan với các Công ty Đông Ấn khác như Hà Lan và Anh, quan hệ của Công ty Đông Ấn Pháp (CIO) với Đại Việt trong giai đoạn cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII không thật sự nổi bật. Tuy nhiên, điểm khác biệt của người Pháp là cùng với sự thành lập Công ty Đông Ấn, Hội truyền giáo hải ngoại Paris (MEP) cũng được thành lập để hoạt động song song với Công ty ở phương Đông. Chính vì vậy, hoạt động của người Pháp ở Đại Việt chỉ thực sự bắt đầu từ khoảng thập niên 60 của thế kỷ XVII nhưng lại kéo dài qua suốt thế kỷ XVIII sang đến giữa thế kỷ XIX. Sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858) và lần lượt chiếm đóng Nam Kỳ và toàn lãnh thổ Việt Nam, số lượng tư liệu của chế độ thuộc địa cũng ngày càng tăng lên nhanh chóng. Trong suốt giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX - khi Pháp bình định xong Việt Nam - đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, tư liệu lưu trữ Pháp là sử liệu chính để tìm hiểu về mọi mặt của xã hội Việt Nam thời kỳ cận đại. Cho đến nay, dù chưa có những thống kê cụ thể về số lượng tư liệu Pháp về Việt Nam, khối lượng đồ sộ nói trên chắc chắn sẽ là nguồn bổ sung vô cùng quan trọng cho việc tìm hiểu về quá khứ của dân tộc thời kỳ cận đại. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu của các học giả Pháp (Philippe Papin, Emanuel Poisson, Patrick Tuck, Milton Osborne…) và Việt Nam (Phạm Cao Dương, Nguyễn Văn Khánh, Tạ Thị Thúy…). Việc hệ thống danh mục tư liệu, triển khai sưu tầm và khai thác các khối tư liệu Pháp ngữ về Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ với việc nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam mà còn góp phần thiết thực cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước ta hiện nay.

5. Khối tư liệu Mỹ liên quan đến Việt Nam hiện đại

Sự quan tâm của người Mỹ về Việt Nam đã diễn ra từ đầu thế kỷ XIX khi thuyền trưởng John White và thủy thủ đoàn cập cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, sự quan tâm một cách quy mô của nước Mỹ đối với Việt Nam chỉ diễn ra từ khoảng trước sau chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là từ khi Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam và Đông Dương. Không chỉ công luận mà giới nghiên cứu Mỹ cũng dành nhiều sự chú ý đến Việt Nam; một số trung tâm nghiên cứu đã ra đời nhằm phục vụ cho chiến lược của Mỹ ở Việt Nam và Đông Nam Á. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, các trung tâm nghiên cứu và các kho lưu trữ được sát nhập lại. Hiện nay, nói đến trung tâm lưu trữ lớn nhất của Mỹ về Việt Nam, người ta thường nhắc đến Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas.

Trung tâm Việt Nam của Đại học Công nghệ Texas được thành lập năm 1989 theo ý tưởng của một nhóm cựu chiến binh Mỹ nhằm lưu giữ tư liệu cũng như ký ức của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Trung tâm có sứ mệnh hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu và đào tạo liên quan đến kinh nghiêm của người Mỹ ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu văn hóa và lịch sử của các dân tộc ở Đông Nam Á. 3 mục tiêu của Trung tâm là: 1. Hỗ trợ sưu tầm và bảo quản tư liệu về Việt Nam; 2. Phát triển giáo dục thông qua trưng bày, hướng dẫn học, các chương trình giáo dục và xuất bản; 3. Chủ trương tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học, hoạt động trao đổi văn hóa và hoạt động xuất bản…

Thư viện và lưu trữ của Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas có sứ mệnh thu thập và bảo quản tư liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Đến nay Trung tâm đang bảo quản hàng triệu trang tư liệu và hàng vạn tranh ảnh, bản đồ, tạp chí, phim, âm thanh, sách… liên quan đến chiến tranh Việt Nam và Đông Dương.

Hiện nay Trung tâm đang thực hiện một số dự án đặc biệt nhằm tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu để bảo quản và phục vụ các đối tượng nghiên cứu, bao gồm dự án dành cho các cựu chiến binh, sự án nghiên cứu về di sản Việt Nam - Hoa Kỳ, dự án xây dựng trang web dành cho giáo dục, dự án liên quan đến hải quân (hiện vật, nhật ký, tranh ảnh, bản đồ hàng hải…), dự án lịch sử truyền miệng và tài liệu kỹ thuật số (xây dựng lưu trữ ảo trên mạng)…

Khối tư liệu của người Mỹ về Việt Nam hiện đại chắc chắn lưu trữ những thông quan quan trọng về thủ đô nên cũng cần được quan tâm khảo sát và nghiên cứu trong thời gian tới. 

6. Một số nguồn tư liệu phương Tây khác về Việt Nam thời hiện đại

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, một số quốc gia phương Tây khác cũng có những khối tư liệu lưu trữ đặc biệt về Việt Nam. Trong số các quốc gia đó có thể kể đến Liên Xô (Nga), Úc và Đức. Cho đến nay, những tư liệu lưu trữ quý hiếm về Việt Nam đã từng bước được công bố. Nhiều nghiên cứu mới đã được triển khai trên cơ sở những nguồn tư liệu mới. Bên cạnh những tư liệu của giai đoạn hiện đại, một số tư liệu và bản đồ liên quan đến Việt Nam gian đoạn trước năm 1945 cũng được cất giữ tại đây. Vì vậy, việc tổ chức điều tra, hệ thống hóa và sưu tầm tư liệu lưu trữ của Đức, Úc và Nga về Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

7. Hiện trạng khai thác và triển vọng nghiên cứu

          Cho đến nay, trong khuôn khổ chương trình điều tra, sưu tầm tài liệu thuộc đề án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức thực hiện, nhóm khảo sát đã thu thập được gần như trọn vẹn các khối tư liệu gốc của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh liên quan trực tiếp đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII. Trên cơ sở thống kê và lập danh mục, nhóm điều tra đã tổ chức sao chụp (scan) được hơn 9.000 trang tư liệu của thương điếm Hà Lan tại Kẻ Chợ (từ khối văn bản Overgekomen Brieven en Papieren) và 1.005 trang từ khối tư liệu của thương điếm Anh tại Phố Hiến và Kẻ Chợ. Sau khi sưu tầm được tư liệu, các nhà nghiên cứu đã khẩn trương tổ chức tuyển dịch và giới thiệu các khối tư liệu trên nhằm phục vụ xuất bản trong khuôn khổ tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Kết quả sưu tầm và nghiên cứu được thể hiện trong cuốn sách Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII (hơn 750 trang) do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành tháng 8 năm 2010.

Mặc dù tương đối dày dặn, cuốn sách Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII cũng mới chỉ giới thiệu được một phần rất nhỏ nội dung phong phú của hai khối tư liệu trên. Đối với phần tư liệu Hà Lan, các soạn giả chỉ mới tổ chức chắt lọc và giới thiệu những thông tin chính diễn ra ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài như: thiên tai, địch họa, các sự kiện cung đình, tình hình sản xuất, hoạt đông xuất nhập khẩu… Do giới hạn về thời gian và thời lượng cuốn sách, các soạn giả chưa có điều kiện đi sâu phân tích chi tiết các vấn đề khác nhau của kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng của kinh đô Thăng Long được phản ánh hết sức sôi động trong khối tư liệu tương đối đồ sộ của thương điếm Hà Lan. Tương tự, hơn 1.000 trang nhật ký viết tay của thương điếm Anh cũng chỉ mới được lược dịch hoặc giới thiệu nội dung vắn tắt tới độc giả. Rất nhiều báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế - xã hội của kinh đô Thăng Long hoặc các thư từ ngoại giao giữa chính quyền Lê - Trịnh với các thế lực phương Tây (Anh, Hà Lan…) vẫn chưa được khai thác triệt để.

Bên cạnh đó, các nguồn tư liệu phương Tây khác như khối tư liệu Pháp ngữ (xuyên suốt thời trung đại và cận đại) vẫn chưa được hệ thống hóa và khai thác triệt để. Khối tư liệu thời kỳ hiện đại của Mỹ, Úc, Đức, Liên Xô… về Việt Nam chắc chắn chứa đựng những thông tin quan trọng về thủ đô Hà Nội và cũng cần được quan tâm sưu tầm và nghiên cứu. Qua gần một thập kỷ tìm hiểu về các nguồn tư liệu phương Tây cũng như hơn 2 năm tiến hành sưu tầm và tuyển dịch tư liệu trong khuôn khổ đề án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau đây:

1. Đối với khối tư liệu Hà Lan và Anh liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài cuối thời trung đại đã được sưu tầm: cần tiếp tục triển khai nghiên cứu chuyên sâu để làm nổi bật lịch sử kinh đô thế kỷ XVII, nhất là về vị trí và vai trò của Thăng Long - Kẻ Chợ trong quá trình hội nhập toàn cầu của quốc gia Đại Việt từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII:

- Khối tư liệu hơn 9.000 trang của Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài cần được tổ chức tuyển dịch quy mô hơn. Việc tuyển dịch có thể được phân chia thành các phần cụ thể: văn bản ngoại giao, văn bản thương mại, nhật ký thương điếm, các ghi chép cá nhân…

- Khối tư liệu hơn 1.000 trang của Công ty Đông Ấn Anh cần được tổ chức dịch toàn bộ. Trong khi các nhà sử học đã đầu tư nghiên cứu Công ty Đông Ấn Hà Lan tường đối công phu, hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh ở Kẻ Chợ và Đàng Ngoài vẫn chưa được quan tâm và đến nay - ngoại trừ một vài bài viết riêng lẻ - chưa có một công trình nghiên cứu mang tính tổng kết dưới dạng một ấn bản phẩm độc lập. Vì vậy, việc tổ chức dịch hoặc nghiên cứu chuyên sâu về Công ty Đông Ấn Anh nên được đặt ra một cách cấp thiết. Trong trường hợp chưa thể tiến hành nghiên cứu chuyên sâu, có thể tiến hành dịch những báo cáo chi tiết của thương điếm Anh về tình hình Kẻ Chợ - Đàng Ngoài qua các năm.

2. Như đã trình bày ở phần đầu, một số lượng tương đối lớn tư liệu của các thương điếm Hà Lan và Anh đóng tại Nhật Bản, Đài Loan, Xiêm, Batavia… có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thương điếm Hà Lan và Anh ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài cũng nên được tiến hành sưu tầm nhằm hoàn thiện chương trình xây dựng hệ thống tư liệu của các Công ty Đông Ấn phương Tây về kinh đô Kẻ Chợ và Đàng Ngoài thời trung đại, phục vụ nghiên cứu lâu dài. 

3. Khối tư liệu Pháp ngữ, tư liệu của các giáo đoàn châu Âu (Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha…) cũng nên được điều tra và sưu tầm sớm nhằm phục vụ nghiên cứu tổng thể về Thăng Long - Hà Nội trong thời gian tới. Tương tự, chúng ta cũng nên lập chương trình điều tra và sưu tầm (có chọn lọc) khối tư liệu phương Tây hiện đại liên quan đến Việt Nam nói chung, thủ đô Hà Nội nói riêng, hiện đang được lưu trữ tại các thư viện hoặc trung tâm nghiên cứu lớn tại Hoa Kỳ, Đức, Úc… Đối với phương thức sưu tầm (thu mua) tư liệu, trên cơ sở những kinh nghiệm đã có, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

a. Sao chụp tư liệu vào microfilm: Sau khi chuyển tư liệu vào phim, cần trang bị một số máy đọc (Microfilm Reader) và máy in (Microfilm Printer).

b. Scan văn bản ra giấy A4 hoặc A3: Phương pháp phổ thông, thuận lợi, nhưng không thích hợp với việc bảo quản lâu dài.

c. Scan văn bản vào đĩa CD hoặc DVD: Tài liệu có thể được lưu trữ lâu dài trong các đĩa compact hoặc trong máy vi tính, và có thể được in ra dễ dàng thông qua các loại máy in thông dụng; Chất lượng văn bản khi scan lên đĩa compact thường cao hơn khi scan trực tiếp ra giấy (nhất là các giấy viết thế kỷ XVII-XVIII-XIX thường có màu nâu đậm); Độc giả có thể phóng to ảnh trên màn hình vi tính để đọc văn bản dễ dàng nếu chữ viết tay của văn bản đó không rõ (nếu in ra giấy A4 thì khi đọc không thể khắc phục được). Tuy nhiên, xét về sự bền bỉ thì sao in trên đĩa CD và DVD nhìn chung không so sánh được so với việc chuyển thành microfilm.

4. Là đơn vị đã thực hiện thành công đề án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, Nhà xuất bản Hà Nội nên được tiếp tục giao nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến sưu tầm, biên soạn và xuất bản các công trình liên quan đến Hà Nội trên cơ sở khai thác các nguồn tư liệu trong và ngoài nước, trong đó có các nguồn tư liệu phương Tây.


[1] Charles B. Maybon, “Une Factorerie Anglaise au Tonkin au XVIIe siècle (1672-1697)”, BEFEO X (1910).

[2] Willem J.M. Buch, De Oost-Indische Compagnie en Quinam: de Betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVIIe eeuw (Amsterdam/Paris, 1929).

[3] Willem J.M. Buch, “La Compagnie des Indes Néerlandaises et l’Indochine”, BEFEO XXXVI (1936) & XXXVII (1937).

[4] Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Viêt-Nam et du Campa (Paris: École Française d’Extrême-Orient, 1973).

[5] Tiêu biểu trong số các báo cáo khoa học nói trên là: Nguyen Quang Ngoc, “Some Features on the Dutch East India Company and Its Trade Office at Pho Hien” và Anthony Farrington, “English East India Company Documents Relating Pho Hien and Tonkin”, trong: Phố Hiến: The Centre of International Commerce in the 17th-18th Centuries (Hanoi: The Gioi Publishers, 1994); Leonard Blussé, “The Dutch East India Company in Quinam and Tonkin and the Dutch Contribution to the Asian Maritime Trade” và Truong Van Binh and John Kleinen, Verenigde Oost Indische Compagnie (VOC): Materials on Relations between the Dutch East India Company and the Nguyen Lords in the 17th and 18th Centuries”, trong: Ancient Town of Hội An (Hanoi: The Gioi Publishers, 1993).

[6] Trong số những nghiên cứu được hoàn thành trong khuôn khổ chương trình TANAP, có thể kể đến cuốn chuyên khảo của Hoang Anh Tuan, Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700 (Leiden-Boston: Brill, 2007).

[7] Cách đánh số truyền thống tại một số thư viện và lưu trữ ở châu Âu là theo tờ, mỗi tờ gồm có 2 trang, trang trước thường được ký hiệu là “r” và trang sau thường được ký hiệu là “v”. Khối tư liệu Anh hiện nay có 503 tờ, hoặc 1005 trang.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá