|
GS.TS. Phạm Tất Dong viết ngày 25/08/2011
Bản thảo cuốn sách “Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội” do GS.TSKH Vũ Hy Chương chủ biên là một công trình tổng kết khá công phu về sự phát triển khoa học trên đất Thăng Long - Hà Nội và những chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ nhân tài của các triều đại phong kiến, và tiếp sau đó là của Chính phủ bảo hộ thời Pháp thuộc, cuối cùng là của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ khi thành lập nhà nước cách mạng tới nay. Nội dung của toàn bộ công trình được thể hiện trong 210 trang vi tính khổ A4 và 86 trang bao gồm các phụ lục và giới thiệu những tài liệu tham khảo.
Qua 7 chương sách với phần phụ lục, người đọc có được cảm xúc tự hào về sự phát triển của Kinh đô Thăng Long và thành phố - Thủ đô Hà Nội của chúng ta trong 1000 năm qua. Những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội, những biến cố lịch sử trên vùng địa linh nhân kiệt này, những thời “đạn bom” và những thời hoà bình đã đi qua, giờ đây, một Hà Nội ngẩng cao đầu với thế giới có thể cho phép ta thể hiện quyền tự hào về sức sống của Hà Nội, và cũng là sức sống của cả dân tộc. Sức sống ấy có được là do sức mạnh, tài trí, óc sáng tạo của nhân dân, trong đó, nhân tài có vai trò rường cột, không gì thay thế được.
Viết về những gì riêng của Thăng Long - Hà Nội là rất khó. Ở phần mở đầu, GS.TSKH Vũ Hy Chương một lần nữa nhắc lại điều này. Song, tôi chắc rằng, bạn đọc hiểu rõ điều này như Phong Lê đã có lần viết, trong cả nước có Hà Nội, và trong Hà Nội có cả nước. Tuy nhiên vẫn cần cái khéo của tác giả khi chọn lọc số liệu của cả nước, chắt lọc lấy ra cái riêng của Hà Nội đang hàm chứa cái chung của đất nước.
Đọc xong tác phẩm này, với tư cách là người được mời làm thẩm định, tôi xin có mấy ý kiến sau đây:
1. Nội dung cuốn sách gồm những sự kiện, những nhân vật, những văn bản về chủ trương, chính sách được tác giả hệ thống lại, sắp xếp theo một logíc mà tôi cho rằng có thể chấp nhận được. Do chọn cấu trúc của cuốn sách nên đôi khi, có những nhận định, những sự kiện đã trình bày rồi vẫn phải nhắc lại, điều đó cũng không có gì lớn mà phải sửa lại việc xây dựng lại một cấu trúc khác.
Về nội dung, không có những gì sai, mà nếu có, thì cần xem lại các sự kiện, các nhân vật nêu lên đã thật chính xác về thời gian, không gian hay không, mà điều này, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã thông qua rồi. Vậy, nhà xuất bản có thể yên tâm được.
2. Trước khi vào nội dung chính, người đọc ai mà không xem lời nói đầu (Mở đầu). Tôi thấy, tuy chỉ là vài trang nhưng phần nói đầu phải có tác dụng hấp dẫn sự chú ý và hứng thú người đọc.
Tôi đề nghị VIẾT LẠI phần này bởi nhiều câu lủng củng, dùng những câu phức hợp dài mà diễn ý không sáng sủa. Tôi chữa thử bằng nét mực đỏ và cảm thấy có nhiều chỗ phải sửa, viết diễn đạt lại rõ ràng và dùng từ phải chính xác.
3. Khi nói đến nhân tài, tác giả đã nêu lên có 4 loại nhân tài. Và nếu loại đầu tiên tác giả cho vào loại HIỀN TÀI thì nên nói rõ. Còn nếu không phải thì phải có bậc hiền tài trong những nhân tài.
Sau khi làm được điều này thì ở một số chữ không nên dùng thuật ngữ nhân tài - hiền tài, mà chỉ dùng chung là NHÂN TÀI mà thôi. Còn khi muốn nói đến những Elite trong nhân tài riêng ra thì mới dùng đến khái niệm hiền tài.
Ở đây, tôi muốn lưu ý tác giả rằng, chúng ta còn phải nói đến những THIÊN TÀI như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh v.v…Không thể kể những nhân vật này chỉ là những hiền tài như Lê Quý Đôn, Chu Văn An v.v…
4. Đề nghị đặt lại tên Chương VI: “Quan điểm và chính sách phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh thời kỳ từ 1954 đến nay”.
Sở dĩ phải đổi lại vì:
a) Từ năm 1954 đến nay, chính sách khoa học và nhân tài do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành. Hà Nội là một địa danh, không phải là chủ thể của việc quyết định và ban hành chính sách.
b) Nên bỏ mệnh đề “trong thời đại Hồ Chí Minh thời kỳ từ 1954 đến nay”, mà thay bằng mệnh đề “trong giai đoạn 1954 - 2010”.
Cũng từ cách viết này, ở những chỗ ghi chính sách phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Hà Nội nên sửa lại là “Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đối với sự phát triển khoa học và xây dựng nhân tài của Thủ đô” hoặc “Chính sách phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội”.
5. Từ trang 142 đến trang 163, tác giả trình bày những thành quả phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam cho đến 1986 (mục 3.1) và từ 1986 - 2010 (mục 3.2) tuy là cần thiết, nhưng thêm vào đó là thành quả đó của riêng Hà Nội, bởi con số thống kê cho riêng Hà Nội về vấn đề này nếu làm được sẽ thấy lớn lắm. Không nên chỉ có nhận định về kết quả khoa học và công nghệ ở Hà Nội mà thiếu đi những con số quan trọng (Tất nhiên, thêm các con số sẽ mất thêm thời gian, nhưng tôi hiểu, về mặt này, Hà Nội nằm ở hàng đầu trong số 63 tỉnh thành làm khoa học).
6. Chương V nói đến chính sách phát triển khoa học và sử dụng nhân tài ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc.
Tôi có chút băn khoăn: Có đúng là người Pháp có chủ trương phát triển nhân tài theo đúng nghĩa của từ này không? Chúng ta có tìm được văn bản nào của Chính phủ bảo hộ nói về điều này. Những hoạt động xuất bản và nghiên cứu mà chủ yếu người Việt làm có phải là do người Pháp khuyến khích? Những người Pháp khảo sát về lịch sử và địa lý, văn học có đúng là nhằm phát triển khoa học ở Việt Nam hay là nhiệm vụ khoa học của họ?
Do vậy, có lẽ nói dễ chấp nhận hơn: Tình hình phát triển khoa học và giáo dục ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc.
7. Nhìn chung, tôi cho rằng đây là một công trình khoa học có nội dung xúc tích, ý nghĩa chính trị, ý nghĩa giáo dục rõ ràng. Việt xuất bản cuốn sách này sẽ làm cho kho tàng tri thức về Hà Nội và về con người Thăng Long - Hà Nội sẽ phong phú hơn.
|
|
GS.TS. Nguyễn Đình Hương viết ngày 25/08/2011
Cuốn sách dày 297 trang, bao gồm 7 chương, ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo.
Đây là cuốn sách khá phong phú, được tập hợp nhiều tài liệu, tư liệu lịch sử về thực trạng phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội, trong suốt một chặng đường dài 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách đã có 60 nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu của hơn 20 đơn vị khoa học trường, viện tham gia. Cuốn sách đã sử dụng tài liệu, tư liệu của đề tài cấp Nhà nước KX.09.08 về "Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội" do GS.TSKH Vũ Hy Chương chủ trì, đã hệ thống hóa những nét lớn về phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội trong các thời kỳ lịch sử của Việt Nam.
Kết cấu cuốn sách phong phú, tuy nhiên sự sắp xếp chưa hợp lý, từ ngữ chưa chọn lọc chính xác và thống nhất. Tên các chương và đề mục trong chương còn dài, chưa làm nổi bật nội dung của từng chương mục trong cuốn sách.
Chương I. Vai trò khoa học trong quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, từ trang 12 đến trang 31.
Chương này thiếu phần khái niệm khoa học, khoa học là một bộ phận hay bao gồm cả Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ của 1000 năm Thăng Long? Vai trò của khoa học Thăng Long - Hà Nội được tập trung vào bốn mặt chủ yếu theo tác giả là quy hoạch, làng nghề, luật lệ, thiên thời + địa lợi + nhân hòa, đã đại diện chưa? Cần coi trọng cái gốc khoa học ở Thăng Long phải gắn với nền văn minh lúa nước với việc bảo vệ đê điều, thủy lợi, nông nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, kiến trúc, nhà cửa, đình chùa, y học, quân sự, luật lệ, phong thủy và con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên Thăng Long - Hà Nội là những vấn đề lớn rất đáng ghi nhận về khoa học ở Thăng Long - Hà Nội.
Chương II: Các lĩnh vực khoa học trong quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Từ trang 32 đến 50 chương này cần nêu rõ thế nào là lĩnh vực, dù rất ngắn gọn nhưng tính khoa học sẽ cao hơn. Chương 1 và chương 2 có thể nhập lại và để chương 2 lên trước, chương 1 để sau thì hợp lý hơn.
Chương III: Vai trò của nhân tài trong quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Từ trang 51 đến trang 60, chương này có 9 trang nhưng chưa tương xứng với các chương.
Khái niệm về Nhân tài - Hiền tài cần làm rõ và gắn kết nhau, vì đây là một khái niệm khá độc đáo của văn hóa Việt Nam: "Hiền tài" là nguyên khí của quốc gia.
Chương IV: Sự quan tâm và đối xử với khoa học và nhân tài ở Thăng Long - Hà nội trong các triều đại phong kiến, từ trang 61 đến trang 102.
Tên chương dài và sử dụng từ "quan tâm và đối xử" chưa hay. Tên chương có thể đổi là: Sự phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội trong các triều đại phong kiến.
Chương V: Chính sách phát triển khoa học và sử dụng nhân tài ở Hà Nội thời Pháp thống trị, từ trang 103 đến trang 131.
Tên chương này cũng nên xem lại vì thời kỳ này chính sách phát triển khoa học và sử dụng nhân tài do Pháp thống trị không thật rõ nét. Thời kỳ này là sự chống đối và hấp thụ nền khoa học Pháp vào Việt Nam của đội ngũ trí thức Việt Nam để giải phóng dân tộc cần nêu bật. Tên chương có thể đề là: "khoa học và nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội thời Pháp thuộc".
Chương VI: Quan điểm và chính sách phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh từ 1954 đến nay, từ trang 132 đến trang 169.
Tên chương cũng nên lựa chọn lại, có thể là: Sự phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài ở Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chương VII: Quan điểm, chính sách và giải pháp phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tăng cường hội nhập quốc tế, từ trang 170 đến trang 209.
Tên chương cũng nên gọn lại, có thể là: "Quan điểm, chính sách và giải pháp phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài thời đại Hồ Chí Minh".
Chương VI và chương VII có thể kết hợp lại và phân làm 3 giai đoạn.
Quan điểm và chính sách phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh:
a) Giai đoạn giành chính quyền và thời kỳ kế hoạch hóa tập trung từ 1945 đến 1985.
b) Giai đoạn từ khi đổi mới, từ 1986 đến 2006
c) Giai đoạn hội nhập quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO, từ 2006 đến nay. Hoặc phân thành hai giai đoạn trước 1986 và sau 1986.
Tên cuốn sách và từng phần nội dung bên trong chưa thống nhất. Ví dụ, phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội chỗ ghi là "của" chỗ ghi là "ở", nên dùng từ "ở" thì hợp lý hơn. Cuốn sách cũng đã nêu sự hạn chế không tách bạch được thực trạng và quan điểm, chính sách, giải pháp phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội với cả nước. Điều này là khó khăn của tập thể tác giả, vì khó mà tách bạch được. Nhưng cách viết của cuốn sách theo tôi là chứng nhận được.
Nhìn chung cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung khoa học, có ý nghĩa lớn với 1000 năm Thăng Long. Đề nghị cho chỉnh sửa, tinh hơn để chất lượng cuốn sách tốt và có giá trị sớm giới thiệu với bạn đọc.
|
|
PGS.TS. Phạm Ngọc Anh viết ngày 25/08/2011
1. Tính thời sự và giá trị của của cuốn sách
- Công trình khoa học này là một sản phẩm tích hợp, sử dụng tri thức, phương pháp nhgiên cứu của nhiều ngành khoa học, thật sự có giá trị rất lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà khoa học – công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, trên thế giới và cả ở nước ta, đang từng bước hình thành nền kinh tế tri thức; Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, toàn diện theo cả chiều sâu, chiều rộng, quy mô, rất cần đến vai trò động lực của khoa học, công nghệ, nhân tố con người, trong đó quan trọng nhất là con người có chất lượng cao, những người thật sự có đức, có tài.
- Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài là một bộ phận hợp thành dòng chảy liền mạch của văn hoá Thủ đô; nghiên cứu trên bình diện lịch sử để cho phép rút ra nhiều bài học đáng quý cho hiện tại, tương lai là hết sức cần thiết, là một việc cần phải làm. Công trình này là sự bổ sung hợp lý cho phép hình dung tính tổng thể, nhiều chiều cạnh các giá trị văn hoá vốn dĩ rất phong phú, giàu có của Thủ đô 1000 năm qua.
- Cuốn sách đáng được biên tập kỹ lưỡng để xếp vào bộ sách quý của tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
2. Các kết quả chính đạt được của bản thảo
- Tập thể tác giả đã khái quát được quan niệm tổng thể về vai trò của khoa học; quan niệm về nhân tài, sử dụng nhân tài trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô. Những khái quát lý luận này ngắn gọn, nhưng khá trọn vẹn và cần thiết.
- Bản thảo đã dành trọn 3 chương (từ chương IV đến chương VI) để nghiên cứu chính sách phát triển khoa học, trọng dụng nhân tài qua các thời kỳ lịch sử: Các triều đại phong kiến; dưới thời Pháp thuộc; trong thời đại Hồ Chí Minh.
- Trong từng giai đoạn lịch sử, các tác giả đã có cách tiếp cận thống nhất: Khái quát bối cảnh lịch sử chính, đặt ra yêu cầu phát triển khoa học, trọng dụng nhân tài; phân tích các chính sách khoa học và trọng dụng hiền tài; điểm qua các thành tựu khoa học chính, các gương mặt hiền tài tiêu biểu; rút ra các kinh nghiệm, bài học chủ yếu cho cuộc sống hôm nay.
- Phương pháp tiếp cận này là hợp lý, khoa học, vừa nêu bật được sự phát triển liên tục của khoa học, chính sách trọng dụng nhân tài với biết bao biến cố, thăng trầm trong quá trình xây dựng, phát triển của Thăng Long - Hà Nội, vừa tạo ra được những điểm nhấn cần thiết, thấy được cái hay, cái dở, những tích cực, hạn chế của cha ông để chúng ta tham khảo, học hỏi, bổ cứu. Chính cách tiếp cận như vậy làm cho bản thảo có sức nặng của chiều dày lịch sử mà vẫn mang tính thời sự và hơi thở của cuộc sống, tránh được tính kinh viện, hàn lâm trong nghiên cứu khoa học.
- Tập thể tác giả đã dành chương VII, chương dài nhất (38 trang) để phân tích xu hướng phát triển của khoa học hiện đại, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, nhu cầu phát triển toàn diện Thủ đô thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức làm căn cứ khoa học đề xuất hệ thống các quan điểm chỉ đạo, chính sách và các giải pháp phát triển khoa học, trọng dụng nhân tài trong điều kiện hiện nay. Các quan điểm, chính sách, giải pháp nêu lên có tính khái quát, được phân tích tương đối kỹ lưỡng và có tính khả thi, áp dụng trong thực tiễn.
- Phần Phụ lục của bản thảo được biên soạn công phu, theo lát cắt lịch sử, với những giới thiệu, đánh giá ngắn gọn, chính xác, có cân nhắc, có giá trị tham khảo tốt.
- Về hình thức: Bản thảo có kết cấu khá hợp lý; chất lượng khoa học đồng đều giữa các chương; văn phong khúc chiết, sáng rõ, dễ đọc...
3. Một số vấn đề trao đổi
- Các tác giả chỉ mới dừng lại mô tả các chính sách phát triển khoa học, trọng dụng nhân tài chung của các triều đại, ít có đặc thù, bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội. Có lẽ nên đầu tư thêm, dù rằng rất ít, kể cả ở phần Phụ lục, nghiên cứu chính sách phát triển khoa học, trọng dụng nhân tài riêng có của vùng đất văn hiến này. Điều này là khó, nhưng có thể vẫn làm được và mới đáp ứng mục đích chính của chuyên luận này.
- Về kết cấu: Bản thảo còn nhiều chỗ trùng lặp, mất cân đối giữa một số chương. Theo thiển ý của tôi, nên bỏ chương III, bởi nội dung của nó có thể lồng vào trong các chương IV, V, VI; ghép chương I và chương III thành một chương chung: Vai trò của khoa học, nhân tài trong quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Trong chương này, ngoài các vấn đề về nhân tài, nên chăng trình bày khái quát quan niệm chung về khoa học để thấy rõ hơn vai trò của nó?
- Chương VII, nên nói phát triển khoa học - công nghệ, không nên chỉ bàn về khoa học, bởi vì, trên thực tế, hiện nay, hai lĩnh vực này gắn kết chặt chẽ với nhau và chính sách phát triển của Đảng, Chính phủ ta, của Thủ đô không tách biệt hai lĩnh vực này.
- Nhiều tư liệu quá cũ, không có tính cập nhật; phần nguồn trích dẫn các tác phẩm của Hồ Chí Minh, văn kiện của Đảng ta nên lấy theo tài liệu mới nhất, chứ không nên dùng các lần xuất bản trước đây.
- Phần Phụ lục nên chỉ chọn những nhân tài đã có đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng và phát triên Thủ đô.
- Kết luận của bản thảo quá sơ lược, chưa tương xứng với công trình và những vấn đề đặt ra, cần nâng cấp thêm.
4. Đánh giá chung
Bản thảo được biên soạn công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học nhiều mặt; sau khi chỉnh sửa, có thể xuất bản phục vụ bạn đọc gần xa.
|
|
PGS.TS. Trần Đức Cường viết ngày 25/08/2011
1. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Thăng Long - Hà Nội kể từ năm 1010, khi Lý Công Uẩn chọn nơi này làm Kinh đô của đất nước đến nay, trừ những năm triều Mạc và thời kỳ triều Nguyễn, luôn là trung tâm hành chính đồng thời là trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của cả nước. Thăng Long - Hà Nội thường là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, khoa học lớn của cả nước và cũng là nơi tập trung đông đảo các nhân tài của dân tộc.
Nghiên cứu về phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được truyền thống và cũng là thế mạnh của Thăng Long - Hà Nội với vai trò "chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương" (Chiếu dời đô). Các bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội thực sự cần thiết cho quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô hôm nay. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rõ rệt, nhất là trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, nội dung chính của đề tài được trình bày trong 7 chương là: 1. Vai trò của khoa học trong quá trình phát triển Thăng Long - Hà Nội; 2. Các lĩnh vực khoa học trong quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội; 3. Vai trò của nhân tài trong quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội; 4. Sự quan tâm và đối xử với khoa học và nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội trong các triều đại phong kiến; 5. Chính sách phát triển khoa học và sử dụng nhân tài ở Hà Nội thời Pháp thống trị; 6. Quan điểm và chính sách phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh thời kỳ từ 1954 đến nay; và 7. Quan điểm, chính sách và giải pháp phát triển toàn diện Thủ đô giai đoạn đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tăng cường hội nhập quốc tế.
Bố cục đề tài như trên là chặt chẽ và theo một logich hợp lý bao gồm hai nội dung chính là phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài qua các thời kỳ lịch sử, từ khi vùng đất "ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thể rồng cuộn hổ ngồi" trở thành Kinh đô của đất nước.
3. Về nội dung, với sự tham gia của 60 tác giả gồm các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như sử học, khảo cổ học, Hán Nôm học, công nghệ thông tin, nghiên cứu con người..., đề tài đã trình bày một cách có hệ thống về vai trò, chính sách, thành tựu về khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội trong 10 thế kỷ qua, đặc biệt trong thế kỷ XX và thời kỳ Đổi mới xây dựng đất nước ngày nay. Đề tài cũng chú ý trình bày chính sách, quá trình thực hiện, thành tựu và các bài học kinh nghiệm về quá trình phát hiện, tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội trong các thời kỳ lịch sử đã qua và hiện nay.
Phần đóng góp khá rõ rệt của đề tài là, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phát triển khoa học của Việt Nam nói chung (trong đó có Hà Nội) được liệt vào nhóm 4 gồm 80 nước là "nhóm các nước chậm phát triển về khoa học" và xu hướng chung phát triển khoa học trên thế giới, đề tài đã đưa ra những kiến nghị về chính sách, về biện pháp cụ thể, về chế độ đãi ngộ... nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển khoa học ở Hà Nội, về việc phát triển, sử dụng, thu hút nhân tài...
4. Để đề tài đạt chất lượng tốt hơn, đề nghị các tác giả xem lại một số điểm sau đây:
4.1. Trong các trang 18 và 20, khi đề cập các công trình kiến trúc tiêu biểu thời Pháp chiếm đóng, nên bổ sung một số công trình như Trụ sở Viện Viễn Đông bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử), Trụ sở bộ Ngoại giao, Viện Vệ sinh dịch tễ (ở cạnh vườn hoa Pasteur) và nhiều biệt thự rất đẹp, đa dạng ở "khu phố Tây"...
4.2. Trang 73, về cuốn "Binh thư yếu lược" hiện có (xuất bản năm 1977), là của Trần Hưng Đạo? Về điều này, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hán Nôm, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã chứng minh đây là một cuốn sách giả (xem: Hà Văn Tấn: Lịch sử, sự thật và sử học. Trong cuốn sách cùng tên do Tạp chí Xưa và Nay và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1999, tr.17).
Trang 173: xếp Hồng Kông như một nước! (thuộc nhóm 3, nhóm các nơi đang phát triển khoa học). Đề nghị ghi là nhóm các nước và vùng lãnh thổ đang phát triển khoa học...
4.3. Về danh sách các Nhân tài nổi bật, nhân tài tiêu biểu trong Phụ lục 2: Các nhân tài tiêu biểu trong các thời kỳ lịch sử (từ tr.216), cũng cần thảo luận thêm và thống nhất tiêu chí lựa chọn. Ví dụ, trong số các nhà thơ, có Thế Lữ nhưng không có Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...
Tóm lại, có thể nhận xét, dù còn một vài thiếu sót nhỏ, đề tài được thực hiện công phu, nghiêm túc và đạt chất lượng tốt. Sau khi có một số sửa chữa, điều chỉnh, đề tài có thể xuất bản để phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước.
|