Nghiệm thu đề cương đề tài “Tuyển tập địa bạ Thăng Long – Hà Nội”
Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học là các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, tư liệu Hán Nôm do GS.TSKH Vũ Minh Giang - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ tịch hội đồng, các thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.
Địa bạ là nguồn tài liệu Hán Nôm rất có giá trị, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu quan tâm khai thác. Đặc biệt trong việc tìm hiểu về kinh tế, lịch sử văn hóa của từng địa phương, địa bạ dường như là nguồn tài liệu không thể thiếu. Nhiều địa phương đã khai thác, công bố các tư liệu địa bạ có giá trị và nhận được sự đánh giá cao. Riêng vùng đất Thăng Long - Hà Nội với khối lượng địa bạ khổng lồ nhưng tư liệu được công bố lại rất ít mới chỉ có: Địa bạ Hà Đông, Địa bạ cổ Hà Nội (2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận). Đây là điều khó khăn cho nhiều người quan tâm, tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng nguồn tài liệu này. Công trình do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ trì thực hiện là sự kế thừa các thành quả nghiên cứu trước đây về địa bạ, kế thừa kết quả của hạng mục Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long giai đoạn I và II của Dự án Tủ sách. Với 10 tập và dung lượng khoảng 9.000 trang văn bản, Tuyển tập Địa bạ cổ Hà Nội cố gắng đáp ứng mục tiêu giới thiệu, công bố nguồn tư liệu địa bạ về Thăng Long - Hà Nội một cách bao quát, toàn diện.
Tại cuộc họp, PGS.TS Vũ Văn Quân đã trình bày tóm tắt đề cương công trình. Đây là sản phẩm của hạng mục Điều tra, sưu tầm tư liệu trong giai đoạn I và II. Đây là sự tiếp nối công trình do GS. Phan Huy Lê đã thực hiện và xuất bản trong Tủ sách giai đoạn I. Công trình được đề xuất tên chung: Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tư liệu địa bạ cổ. (Tùy từng huyện có tên riêng). Nhóm biên soạn chủ trương lấy đơn vị huyện thời điểm lập địa bạ năm 1805 làm đơn vị để tổ chức khai thác, công bố tài liệu. Có sự khác về diên cách so với hiện nay nhưng về cơ bản có sự tương thích nhất định về phạm vi không gian. Về dịch thuật trung thành nguyên bản, có chú thích, chú giải thuận tiện cho người sử dụng. Do khối lượng địa bạ hiện nay rất lớn, với phạm vi thời gian, kinh phí cho phép, chỉ chọn 10 huyện để thực hiện: Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, Thanh Oai, Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Từ Liêm, Đan Phượng và Gia Lâm. Cố gắng tập trung vào khu vực Thăng Long - Hà Nội cũ, mở rộng ra các khu vực xung quanh. Về cấu trúc: mỗi tập sách bao gồm 3 phần: vài nét về địa bạ nghiên cứu qua các nguồn địa bạ. Đây là bài nghiên cứu tổng quan, cung cấp tư liệu về diên cách, đánh giá sơ bộ về nguồn tư liệu địa bạ từng huyện, sơ bộ về địa phương qua tư liệu địa bạ. Phần dịch toàn văn: Trước mỗi bản dịch có nghiên cứu so sánh diên cách ở thời điểm lập địa bạ và tình hình hiện nay. Trước khi đi vào công bố toàn văn địa bạ sẽ trình bày phạm vi hành chính của thôn, xã tổng huyện phủ trấn/xứ; Công bố toàn bộ tư liệu địa bạ. Về cơ bản tuân thủ nguyên tắc công bố toàn văn tư liệu địa bạ, có sự điều chỉnh cho có sự thống nhất giữa các địa phương: Giáp giới, diện tích, loại hình đất đai, các tư liệu khác. Phần cuối là sách dẫn phục vụ tra cứu.
Sau khi nghe chủ biên trình bày tóm tắt đề cương, hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho chủ biên và nhóm biên soạn. PGS.TS Phạm Xuân Hằng đánh giá: Đề cương đáp ứng yêu cầu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Với dung lượng 10 tập địa bạ được tuyển chọn là một nguồn tư liệu đồ sộ phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội, đặc là vấn đề chế độ ruộng đất trong chế độ phong kiến. Đây là công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Nguyên tắc tập hợp địa bạ như trình bày là hoàn toàn phù hợp. Quan điểm giới thiệu, dịch thuật Tuyển tập địa bạ như vậy là rất hợp lý. Kết cấu từng tập gồm 3 phần khoa học, thuận tiện cho người sử dụng. Ngoài phần giới thiệu chung về địa bạ, phần quan trọng nhất là dịch toàn văn theo nguyên tắc trung thành với nguyên bản. Bên cạnh đó, những chú thích về tên đất, tên người… cũng được nhóm tác giả coi như là nhiệm vụ không thiếu khi dịch thuật. Chủ biên cần lưu ý việc tổ chức hiệu đính công trình đảm bảo chất lượng tốt nhất. Về cơ bản nhóm tác giả thực hiện đề tài là những người có quá trình nghiên cứu về vấn đề địa bạ, có trình độ Hán - Nôm tốt, việc chuẩn bị từ rất lâu nên chắc chắn sẽ có tính khả thi cao.
TS. Nguyễn Ngọc Nhuận - một nhà nghiên cứu Hán Nôm cũng cho rằng: việc công bố toàn văn nguồn tư liệu địa bạ cổ Hà Nội là hết sức cần thiết. Đây là một khu vực tư liệu Hán Nôm cổ rất quý liên quan tới các lĩnh vực ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất tiêu biểu cả nước. Chủ trì công trình đã nêu được những ý nghĩa đặc biệt của tư liệu quan trọng khi tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử văn hóa của Thăng Long - Hà Nội; có sự tham khảo kế thừa các công trình của các chuyên gia đi trước. Đề cương đã nêu ra được những điểm chủ yếu trong phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận của đề tài. Quan điểm và cách tiếp cận khoa học, hợp lý. Cấu trúc từng tập gồm 3 phần là hợp lý, người đọc sẽ dễ hình dung được nội dung cuốn sách để tra cứu và tìm hiểu giá trị của tài liệu. Phần diên cách thời điểm lập địa bạ và hiện nay không nên tách riêng, tránh trùng lặp. Trong phần dịch nghĩa, nên Việt hóa những từ Hán Việt ở một số chỗ để giúp cho người đọc hiện nay dễ đọc, dễ hiểu. Ví dụ như từ Nhất sở nên dịch là Thửa ruộng, Thần từ Phật tự điền nên dịch là ruộng thờ thần Phật... Về tên người tên đất viết bằng chữ Nôm, cần lưu ý trong việc tra cứu và nếu cần nên xuống thực địa cần điều tra thêm. Việc chú về diên cách rất khó, quan trọng, cần đầu tư lớn để tăng giá trị công trình. TS. Nguyễn Ngọc Nhuận đánh giá đây là một công trình đề cương tốt, xây dựng khá hoàn chỉnh, đề nghị nghiệm thu thông qua.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử cổ trung đại PGS.TS Trần Thị Vinh cũng cho rằng địa bạ cổ là nguồn tư liệu quý, quan trọng, cần thiết cho các nhà nghiên cứu. Việc tiếp tục thực hiện công trình bổ sung cho đã Địa bạ cổ Hà Nội xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I là rất cần thiết. Nhóm thực hiện có kinh nghiệm, khả năng chuyên môn cao, công trình được tiến hành từ nhiều năm trước, có cơ sở đảm bảo tính khả thi. Nội dung công trình chủ yếu là dịch thuật tất cả các địa bạ của 10 đơn vị huyện: Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, Thanh Oai, Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Từ Liêm, Đan Phượng và Gia Lâm. Tuy đề tài mới chỉ chọn 10 đơn vị huyện để xây dựng thành một Tuyển tập địa bạ gồm 10 tập, nhưng bộ sách 10 tập này được triển khai và hoàn thiện để xuất bản cũng sẽ là một đóng góp rất lớn. Cấu trúc các tập đều được phân thành 3 phần: Địa bàn có nguồn địa bạ, Bản dịch toàn văn địa bạ và Sách dẫn là hoàn toàn hợp lý, khoa học, thuận tiện cho người sử dụng. PGS.TS Trần Thị Vinh cũng lưu ý chủ biên: Việc dịch địa bạ tuy không khó nhưng đòi hỏi phải được dịch thuật một cách chuẩn xác và phần sách tra cứu cũng phải chuẩn xác thì việc sử dụng mới thuận lợi và có hiệu quả đối với loại tài liệu này. Đánh giá chung vể đề cương, PGS.TS Trần Thị Vinh cho rằng đề cương thể hiện tốt, rõ ràng mang tính khả thi. Những nội dung công việc được giải trình trong đề cương mang tính thuyết phục. Đề tài triển khai là rất cần thiết và mang tính thực thi cao. Tôi hoàn toàn nhất trí, đánh giá cao đề cương, đề nghị hội đồng nghiệm thu thông qua.
Đồng quan điểm với các thành viên của hội đồng, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi cũng đánh giá: Công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn bởi địa bạ là nguồn tư liệu vừa quý hiếm vừa rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Mục đích, ý nghĩa, đối tượng phục vụ như đã nêu là phù hợp với đề tài. Công trình đã khảo sát được những tác phẩm, công trình đã xuất bản liên quan đến đề tài đang thực hiện, đồng thời đưa ra những nội dung, vấn đề cần giải quyết đối với đề tài này. Các định hướng và nguyên tắc tổ chức bộ sách được chủ biên xây dựng khoa học, hợp lý. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi cũng đóng góp cho chủ biên một vài ý kiến: Đề tài chọn địa bạ của 10 huyện, tương đương với 10 tập nên khối lượng công việc rất lớn, cần cân nhắc thời gian cho đề tài. Đặc biệt lưu ý việc khảo sát thực địa để đối chiếu địa danh hiện tại với địa danh trong địa bạ. Chủ biên cùng cần thuyết minh thêm về việc tại sao lựa chọn 10 đơn vị huyện này. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi đánh giá đề cương bộ sách: “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội, 10 tập"do PGS.TS Vũ Văn Quân làm chủ nhiệm được soạn thảo với nội dung tốt và đề nghị hội đồng thông qua.
Là một thành viên hội đồng, PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh cho rằng: Địa bạ là nguồn tài liệu Hán Nôm rất có giá trị trên nhiều phương diện khác nhau đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử văn hóa của từng địa phương trong cả nước ta. Địa bạ của Thăng Long - Hà Nội cũng là nguồn tài liệu phản ánh rất nhiều vấn đề về lịch sử xã hội của Thăng Long và các vùng phụ cận trong quá trình phát triển. Đây là công trình thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đề cương đã cho thấy địa bạ đang trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, sự cần thiết phải tiếp tục tìm hiểu khảo cứu và công bố tư liệu địa bạ sau công trình của GS. Phan Huy Lê là cần thiết, có giá trị. Nguồn tài liệu điạ bạ Hà Nội theo địa dư hành chính ngày nay là khá rộng với 29 quận huyện, đề cương sách chỉ chọn 10 huyện, tương đương với 10 tập để hoàn thành trong năm 2014 cũng là tương đối nhiều, đòi hỏi nhóm đề tài phải làm việc hết sức mới có thể đáp ứng được. Tên huyện lưu giữ địa bạ lấy theo tên điạ danh cũ là hợp lý, vì nếu quy đổi theo địa danh hiện nay thì sẽ rất khó xử lý tư liệu, một huyện cũ có thể liên quan đến nhiều quận huyện ngày nay. Về cấu trúc của từng tập gồm ba phần như đề cương nêu cũng là phù hợp, nhưng phần sách dẫn phải có sự tra cứu, điền dã rất cụ thể mới có thể quy đổi địa danh cũ ra địa danh mới chính xác được. Đây cũng là điều mà nhiều nhà nghiên cứu rất mong muốn được kế thừa thành quả. PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh cũng đề nghị chủ nhiệm đề tài cũng nên nêu rõ hơn lý do vì sao lại chọn 10 huyện đã nêu để đưa vào tập sách này. Lý do vì có nhiều văn bản, dễ khai thác hay vì lý do nào để 10 huyện đó được khai thác địa bạ lần này. Bên cạnh đó cũng nên cho biết một vài thông tin về niên đại của văn bản, địa bạ của Thăng Long Hà Nội có niên đại sớm nhất là thời kỳ nào và muộn nhất là năm nào? Chủ biên cũng cần lưu ý công trình cần đảm bảo chất lượng dịch, chú giải của công trình. Dịch địa bạ không khó, chỉ lưu ý ở việc dịch địa danh và tên Nôm. Việc chú thích địa danh là công việc đòi hỏi sự đầu tư rất lớn nhưng có giá trị phục vụ cao, khẳng định giá trị công trình.
Tán thành các ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng trong việc đánh giá giá trị khoa học và thực tiễn của công trình, GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đã lưu ý chủ biên nhiều vấn đề. Trước tiên, Hà Nội có rất nhiều địa bàn hay, nhưng cần thuyết minh tại sao lựa chọn 10 huyện như trong đề cương để biên soạn. Đề cương mới chọn các huyện có độ trùng lặp nhất định với địa bạ Hà Đông cũ. Trong khi đó giá trị của công trình Địa bạ Hà Đông vẫn còn được khẳng định. Nếu được nên chọn những huyện có tư liệu chưa được xử lý sẽ có giá trị phục vụ cao hơn. Thứ hai về đội ngũ thực hiện nên bổ sung đủ mỗi tập một chuyên gia Hán Nôm, phụ trách việc hiệu đính tư liệu dịch bởi đây là công trình được kỳ vọng dịch thuật chính xác. Địa danh nhân danh rất quan trọng. Đặc biệt là chữ Nôm hay chữ Hán dùng để ghi âm của địa phương. Chính vì vậy cần có sự khảo sát tại địa phương. GS. Vũ Minh Giang đánh giá đây là công trình cần thiết, góp công sức vào việc xây dựng nguồn tư liệu để cho nhiều nhà nghiên cứu sử dụng, xứng đáng góp mặt trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực biên tập, xuất bản ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án Nhà xuất bản Hà Nội cũng cho rằng khối lượng công việc rất lớn do địa bạ phải dịch toàn văn, không thể trích dịch. Để đảm bảo về thời gian, kinh phí, công trình có thể có sự kế thừa các công trình đã xuất bản có chất lượng tốt. Ông Phạm Quốc Tuấn cũng lưu ý để đảm bảo khâu chế bản thuận lợi, nhóm thực hiện cần thống nhất về font chữ, quy cách trình bày nhất là đối với chữ Hán Nôm ngay từ ban đầu.
Đại diện Chủ đầu tư, ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội cho rằng các ý kiến của hội đồng và người nghiên cứu là xác đáng, chủ biên và nhóm thực hiện cần tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương trước khi biên soạn. Đặc biệt, nhóm biên soạn cần có thuyết minh một cách thuyết phục về tại sao lựa chọn các đơn vị quận huyện này, khả năng lựa chọn các đơn vị quận huyện mới tăng giá trị phục vụ; thống nhất cách thức trình bày, công bố tư liệu đảm bảo giá trị sử dụng cao nhất. Vấn đề cần lưu ý nhất là phần tổng quan của mỗi tập cần được đầu tư xứng đáng.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của hội đồng, của chủ đầu tư, PGS.TS Vũ Văn Quân cũng đã giải trình, thuyết minh thêm một số vấn đề trong đề cương. Về lựa chọn 10 huyện trong đề cương là để đảm bảo, thời gian kinh phí là kế thừa kết quả các công trình giá trị đã xuất bản, kế thừa kết quả sản phẩm hạng mục điều tra, sưu tầm đã xuất bản. Hơn nữa, đây là các đơn vị này có nguồn tư liệu địa bạ đầy đủ nhất. Tuy nhiên, dù kế thừa nhưng vẫn phải làm lại địa bạ một số huyện do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất Địa bạ Hà Đông thực hiện trên cơ sở địa bạ lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tư liệu không đầy đủ tất cả các huyện của Hà Đông cũ (5/10). Hơn nữa tư liệu địa bạ 5 huyện này (Thượng Phúc, Sơn Minh, Đan Phượng, Hoài An, Từ Liêm) chỉ có 140 đơn vị địa bạ, rất thiếu so với địa bạ của Trung tâm lưu trữ là 346 tư liệu. Tỷ lệ dịch cũng không đều: chủ yếu là địa bạ Từ Liêm 43/140 đơn vị địa bạ. Lần thực hiện này sẽ hoàn thiện tư liệu đã xuất bản. Bản dịch lần này sẽ sử dụng chủ yếu tư liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia. Dung lượng là 16.620 tờ địa bạ. Thứ hai: Trong Địa bạ Hà Đông mới chỉ dịch thông tin cơ bản, chưa phải dịch toàn văn, cung cấp tư liệu đã được xử lý. Thay mặt nhóm biên soạn, chủ biên cũng xin tiếp thu các ý kiến của hội đồng về các yêu cầu dịch, chú giải. Việc khảo sát tới địa phương sẽ được thực hiện tuy nhiên không phải toàn bộ mà chỉ chọn một số điểm còn tồn nghi. Công trình sẽ cố gắng đảm bảo chính xác nhất có thể. Về lực lượng tham gia đã có sự phân công để sử dụng nguồn nhân lực cao nhất.
Hội đồng sau thời gian làm việc nghiêm túc, khách quan, khoa học thống nhất đánh giá: Đây là một bộ sách cung cấp hiểu biết sâu sắc về loại hình tài liệu rất quý nhưng chưa được biết đến, khai thác nhiều. Công trình cung cấp tư liệu, có sách dẫn tra cứu, thuận tiện sử dụng là rất đáng hoan nghênh. Cấu trúc đưa ra là rất hợp lý: giúp độc giả có những hình dung cần thiết về địa phương cung cấp tư liệu, phần dịch nguyên văn, sách dẫn. Một vài lưu ý trong quá trình thực hiện: sự chính xác về địa danh, nhân danh là rất quan trọng nhất là đối với tài liệu cung cấp tư liệu như thế này. Trong quá trình thực hiện, lựa chọn những địa danh, nhân danh còn nghi ngờ để tiến hành khảo sát thực địa.
Lâm Hoàng
Nhà xuât bản Hà Nội