Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một công trình di tích khảo cổ có giá trị về mặt khoa học
Thứ sáu, 08/05/2015 04:51

Di tích Khảo cổ học - Đàn Xã Tắc Thăng Long” do PGS.TS. Tống Trung Tín làm chủ biên là công trình có giá trị về mặt khoa học, được trình bày theo phong cách đại chúng, dễ hiểu. Đây là nhận định của một người chuyên nghiên cứu về khảo cổ học - PGS.TS. Trình Năng Chung sau khi đọc bản thảo này.


Chủ biên Tống Trung Tín là một chuyên gia lớn về Khảo cổ học Lịch sử, có kinh nghiệm trong biên soạn sách. Tập thể tác giả là những người chuyên nghiệp, có tay nghề cao. Nội dung của cuốn sách không chỉ có phần viết mà còn có nhiều bản vẽ, bản ảnh minh họa góp phần xác thực cho những luận điểm được viết ra. Đó là tác phẩm của các nhà nhiếp ảnh, các nhà đồ họa chuyên nghiệp của Viện Khảo cổ học, họ biết chọn những bản vẽ, bản ảnh minh họa tốt nhất cho phần viết.

Cuốn sách còn có phần dịch bằng tiếng Anh (English) và những người tham gia dịch công trình này đều là những người có trình độ tiếng Anh chuyên ngành tốt nhất ở ta hiện nay. Tin rằng, khi tác phẩm này đến được tay người đọc là những người ngoại quốc thì họ sẽ nắm bắt đến từng chi tiết các di tích, di vật của di tich Đàn Xã Tắc được đề cập. Và đây cũng là cơ hội để cuốn sách – những nguồn tư liệu quý về văn hiến Thăng Long không chỉ hạn định đối tượng độc giả trong nước mà còn đến được đông đảo độc giả nước ngoài luôn dành tình yêu mến với thủ đô Hà Nội.

Cũng vì điều đó bản thảo khi thành sách sẽ có đối tượng bạn đọc rất rộng rãi, từ nhà khoa học đến những nhà quản lý, từ học sinh sinh viên đến những người lao động bình dân; từ người già cho đến các bạn trẻ. Một cuốn sách có giá trị về mặt khoa học nhưng lại phục vụ đa dạng đối tượng độc giả cũng là sự đòi hỏi khó khăn với tập thể tác giả. Thế nhưng, khi đọc xong tập bản thảo sách “Di tích Khảo cổ học - Đàn Xã Tắc Thăng Long”, PGS.TS. Trình Năng Chung đã cảm nhận được sự thành công của các tác giả. Mặc dù còn ở dạng bản thảo, nhưng đây là công trình mang tính khoa học, đại chúng. Với những gì đã thể hiện trong nội dung của bản thảo khi thành sách người đọc đều có thể tìm thấy sự thỏa mãn nhận thức về di tích “Đàn Xã Tắc Thăng Long”.

Với 200 trang được chia làm 4 chương, ở góc độ chuyên ngành khảo cổ học PGS.TS. Trình Năng Chung cho rằng như vậy là hợp lý, cân đối về dung lượng trang và nội dung chuyển tải.

Bằng những cứ liệu khoa học và thực tế, trong chương I, các tác giả đã xác định một cách chính xác vị trí địa lý của địa điểm Đàn Xã Tắc. Quá trình khai quật và nghiên cứu di tích này được các tác giả trình bày rất rõ ràng, khách quan. Đó là những cơ sở khoa học quan trọng nhất, giúp các nhà khoa học khẳng quyết rằng “Địa điểm thăm dò khảo cổ đúng là khu vực đàn Xã Tắc Thăng Long”.

Bằng phương pháp đặc thù của khoa học khảo cổ, ở chương II và III, bản thảo đã tái hiện được toàn bộ diện mạo các di tích, di vật thời Lý - Trần - Lê và diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Long, cũng như các loại hình di tích thuộc thời kỳ tiền - sơ sử Phùng Nguyên và di tích cư trú thuộc khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên.

Là người chuyên sâu về khảo cổ học, đứng góc độ chuyên ngành, PGS.TS. Trình Năng Chung chú ý đến tính logic của thành tạo tầng văn hóa ở Đàn Xã Tắc Thăng Long. Trong nội dung của bản thảo, quá trình hình thành các lớp văn hóa của địa điểm Đàn Xã Tắc được trình bày rất rõ ràng, khách quan. Người đọc, dù không phải là nhà chuyên môn cũng hình dung được quá trình đó. Khi đề cập đến lớp văn hóa Phùng Nguyên tại đây, các tác giả đã cho biết tình trạng thực tế là lớp văn hóa này chỉ là lớp đất có màu xám và những mảnh gốm vụn không nhận biết được những đặc trưng. Trong khi đồ đá Phùng Nguyên lại phân bố trong lớp văn hóa 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Ở khía cạnh nghề nghiệp, tôi thấy các tác giả rất khách quan và trung thực khi cho người đọc thấy rõ hiện tượng thành tạo tầng văn hóa ở đây. Đây cũng là những hiện tượng thường thấy trong khảo cổ học.

Trong chương IV. Giá trị của địa điểm Đàn Xã Tắc, các tác giả đã đề cập đến giá trị lịch sử văn hóa của: Di tích Đàn Xã Tắc Thăng Long; Các di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên; Các di tích văn hóa Phùng Nguyên.

Bằng sự phân tích hợp lý, sắc sảo, các tác giả đã làm nổi bật nên những giá trị lịch sử văn hóa của địa điểm Đàn Xã Tắc Thăng Long. Mỗi một di tích trong khu di tích Xã Đàn đều mang một giá trị tiêu biểu cho thời đại mình, tất cả đã góp phần tạo nên giá trị nổi bật của Di tích Đàn Xã Tắc, trong nền cảnh chung của Di sản lịch sử - văn hóa của hoàng thành Thăng Long. Việc bản thảo sớm được in và công bố không chỉ là một nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước mà còn phần nào thỏa lòng những người luôn yêu mến và trân trọng các di sản lịch sử văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.


Khánh Chi (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá