Nhận thức mới và toàn diện về Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng
Là một giảng viên, một nhà nghiên cứu lịch sử và cũng là một công dân yêu mến Thủ đô, PGS.TS. Đào Tố Uyên, công tác tại khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã tham gia Hội đồng nghiệm thu bản thảo và có nhiều đóng góp quý báu cho công trình.
Trước hết là về bố cục bản thảo với các chương, các đề mục và tiểu mục cơ bản là hợp lý, hệ thống chặt chẽ và logic. Các vấn đề trong từng chương cũng như sự liên kết, gắn bó hữu cơ giữa các chương thể hiện được tính toàn diện, đa chiều và phong phú của nội dung. Ngoài ra bộ sách còn có 281 trang phụ lục gồm bản dịch của các tư liệu Hán Nôm như văn bia, minh văn, các tác phẩm văn học, sử học như: “Truyền kỳ tân phả”của Đoàn Thị Điểm; “Vũ trung tùy bút”của Phạm Đình Hổ; “Tang thương ngẫu lục”của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án; “Hoàng Lê nhất thống chí” (Ngô gia văn phái)… Một số tư liệu của các học giả, giáo sĩ, thương nhân phương Tây qua các cuốn hồi ký, du ký cùng hệ thống tranh ảnh, bản đồ phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” là những minh chứng sinh động, cụ thể cho nội dung cuốn sách. Nó cũng là những tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này.
Về phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận, các tác giả đã áp dụng và tuân thủ các phương pháp một cách khoa học, phù hợp với công trình, vừa mang tính hiện đại vừa đảm bảo tính chân thực, khách quan trong nghiên cứu. Một mặt bản thảo kế thừa các công trình nghiên cứu đi trước, mặt khác cập nhật những kiến thức mới để kịp thời bổ sung cho những vấn đề còn chưa thống nhất của các học giả. Đặc biệt cuốn sách của các tác giả lần này đã bổ sung một nguồn tư liệu phi quan phương và phi chính thống khá phong phú, giúp người đọc có thể nhìn nhận, tìm hiểu và đánh giá các vấn đề lịch sử một cách khách quan và khoa học.
Đối với mỗi chương, PGS.TS. Đào Tố Uyên lại có những nhận định cụ thể, xem xét song song cả những mặt được và chưa được của công trình.
Trong Phần dẫn luận, bản thảo sách đã cho thấy những nét khái quát nhất về bối cảnh lịch sử của Việt Nam trong hai thập kỷ rưỡi với những biến động về chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Đồng thời cũng là bước mở đầu cho thời kỳ toàn cầu hóa và sự hội ngộ, giao lưu Đông Tây. Phần này cuốn sách còn cho thấy vị thế của Việt Nam và Thăng Long - Kẻ Chợ trong 3 thế kỷ XVI, XVII, XVIII trong mối quan hệ với các nước xung quanh và trên thế giới cũng như đối với các vùng miền trong cả nước.
Với 70 trang, chương I của bản thảo đã phục dựng lại những nét cơ bản về đời sống chính trị Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc với việc khủng hoảng chính trị dẫn đến những biến loạn trong cung đình cuối thời Lê sơ đã đưa Mạc Đăng Dung lên ngai vàng, lập ra nhà Mạc. Mặc dù nhà Mạc cho xây dựng Dương Kinh - quê hương của mình như một kinh đô thứ hai nhưng Thăng Long - Đông Kinh vẫn là kinh đô chính thức. Vì vậy nó cũng đã chứng kiến những biến động chính trị sâu sắc trong đó có cuộc chiến giữa họ Trịnh và vua Lê với nhà Mạc để rồi chính quyền lại chuyển từ tay nhà Mạc sang Lê Trung hưng. Tình chính trị kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ thời Lê Trung hưng khá đặc biệt. Ở trung ương thể chế chính trị “vua Lê chúa Trịnh” với một hệ thống chính quyền lưỡng cấp - lưỡng chế tồn tại trong hơn hai thế kỷ đã được cuốn sách tái hiện lại một cách sinh động. Thông qua việc khai thác các nguồn tài liệu gốc và thêm vào đó là nguồn tư liệu phong phú của các tác giả phương Tây giúp người đọc nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn đặc biệt là mối quan hệ giữa cung vua - phủ chúa ở giai đoạn lịch sử này. Tuy nhiên, chương này vẫn còn khá nhiều lỗi chính tả nên dẫn đến khó hiểu hoặc sai nghĩa (Ví dụ: trang 26, 34, 35).
Trong chương II,diện mạo kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng được trình bày khá chi tiết và đầy đủ. Từ việc khai thác các nguồn tư liệu đa dạng phong phú với sự khảo sát đối chiếu và phương pháp tiếp cận đa ngành - liên ngành từ các nguồn tư liệu chính sử, các tác phẩm sử học của các cá nhân với các cuốn hồi ký, du ký của các tác giả nước ngoài và nguồn tư liệu dân gian, khảo cổ học, thành Đại Đô với Hoàng thành và Cung thành bên cạnh đó là quần thể phủ Chúa Trịnh đã được sống lại qua những miêu tả khá hấp dẫn. Khu dân cư phố phường Kẻ Chợ cũng là một nội dung được cuốn sách miêu tả mặc dù không nhiều.
Đọc toàn bộ chương III, người xem như được sống lại trong môi trường kinh tế - xã hội đặc biệt sôi động của Thăng Long - Kẻ Chợ đã thực sự bước vào một giai đoạn lịch sử mới, nông nghiệp có những bước phát triển mới, thủ công nghiệp và đặc biệt là thương nghiệp đã tạo ra những bước ngoặt trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Sự phát triển về kinh tế đã đưa đến những thay đổi trong đời sống xã hội trên các phương diện; kết cấu dân cư, biến động dân số; các đẳng cấp xã hội; cơ chế đẳng cấp và giao lưu đẳng cấp. Các vấn đề khác như gia tộc, gia đình, hôn nhân, tang ma, làng xã… cũng là những vấn đề được cuốn sách đề cập đến trong đời sống xã hội, làm nổi lên những nét đặc thù của Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này.
Mặc dù vậy, PGS.TS. Đào Tố Uyên cũng chỉ ra khá nhiều vấn đề ở chương III cần sửa. Cụ thể như: mục Nhận định chung (trang 127) nên có vài dòng mang tính chất dẫn nhập vấn đề. Nhận định “Nhà nước đã không còn quan tâm nhiều lắm đến phép quân điền mà đã điều chỉnh bằng một chính sách thuế khóa, đặc biệt là đối với bộ phận ruộng tư” (trang 129) cần xem lại. Trang 128 khi nói về chính sách nông nghiệp, ngoài vấn đề ruộng đất cần nói đến các vấn đề khai hoang, thủy lợi, giống cây trồng. Mục 1, phần III cần phân tích kỹ hơn về “Kết cấu cư dân”. Mục 7, nói về làng xã nhưng cần lưu ý đây không phải là riêng của làng xã ở Thăng Long - Kẻ Chợ mà chung cho cả các làng xã ở khu vực Đàng Ngoài (trang 235).
Ở chương IV, đời sống văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng là vấn đề mà cuốn sách đã tạo được sức hấp dẫn. Giáo dục khoa cử thời Mạc là một trong các vấn đề giúp người đọc nhìn nhận và đánh giá vương triều một cách khách quan hơn. Đời sống văn hóa vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và những thành tựu về văn học, sử học, khoa học kỹ thuật giúp cho người đọc có một cái nhìn đa chiều về một thời kỳ đầy biến động về chính trị của đất nước nhưng lại có những thành tựu lớn lao về văn hóa.
Tuy nhiên, ở chương này, người thẩm định có lưu ý tác giả nên nói kỹ hơn về chính sách của nhà nước đối với vấn đề giáo dục - khoa cử. Ngoài ra có thể đề cập thêm về nội dung thi, chương trình thi ở thời kỳ này có những thay đổi gì đối với thời kỳ trước đó. Trường hợp nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ cần đề cập sâu hơn. Khi đề cập đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng nên nói hết tôn giáo rồi mới nói đến tín ngưỡng, không nên nói xen lẫn. Về tín ngưỡng dân gian, ngoài tục thờ thành hoàng làng cần nhấn mạnh về tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tổ sư của nghề…
Phần “Thay lời kết” là sự gói gọn của một công trình trên 300 trang của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - vừa mang ý nghĩa thu nhỏ bức tranh của Thăng Long - Kẻ Chợ trong hơn hai thập kỷ trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như vị thế của nó trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc vừa là điều gửi gắm cho tương lai với tầm nhìn của chiến lược phát triển thủ đô văn minh, hiện đại, bền vững và hiệu quả.
Cuốn sách ra đời sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu giảng dạy cũng như những người yêu thích, muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam những tư liệu lịch sử quý giá về lịch sử dân tộc và Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này, góp phần cho các nhà hoạch định xây dựng, quy hoạch Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Có thể nói, với mong muốn bản thảo thật hoàn thiện, PGS.TS. Đào Tố Uyên đã dầy công thẩm định, đưa ra một bản nhận xét kỹ càng và tỉ mỉ. Bà đã không phụ lòng Hội đồng, không phụ lòng tác giả và cả chủ đầu tư.
Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của PGS.TS. Đào Tố Uyên
- Phản biện Hội đồng nghiệm thu bản thảo)