Là một chuyên gia về văn học trung đại Việt Nam, cũng đã có những công trình nghiên cứu sâu về tác giả Tản Đà, TS. Nguyễn Đức Mậu đã có những ý kiến đánh giá và tham góp nhằm hoàn thiện bản thảo “Tuyển tập Tản Đà”.
Về số lượng tác phẩm, có một băn khoăn được đặt ra đó là công trình tuyển chọn khá nhiều, có độ dầy lớn hơn sách tuyển thông thường. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Mậu cũng cho rằng băn khoăn này lại có thể biện chính rằng, Toàn tập bỏ sót không ít đoạn trong các nguyên bản, nên việc tuyển chọn thêm nhiều bài ở Tuyển tập sẽ cung cấp cho bạn đọc ngày nay một văn bản đầy đủ. Độ dày Tuyển tập, có thêm lý do như vậy, trở nên chính đáng, và cũng bởi vậy có thể nói sách tuyển này mang một “tiêu chí” khác các loại tuyển đã có. Theo TS. Nguyễn Đức Mậu nên đưa cách luận giải này vào trong Phần 2 (Tác phẩm tuyển chọn) như một biện luận cho Tuyển tập.
Đánh giá về vấn đề chú thích, TS. Nguyễn Đức Mậu cho rằng chú thích ở bản thảo này còn đơn giản. Theo nhà nghiên cứu văn học này nếu chú thích thể hiện được năng lực bậc cao của người làm văn bản học, chú giải học thì giá trị cuốn sách sẽ được nâng lên. Chú thích được nhiều thì dấu ấn người biên soạn thể hiện rõ. Tất nhiên chú thích cách hiểu trong văn bản là điều nên cẩn thận vì sẽ tạo nghĩa hay đã là tác động vào văn bản, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của người đọc thì không nên. Người nhận xét đã nêu rõ một số trường hợp như: Nhiều tri thức trong Tuyển tập dường như đã được mặc định là độc giả đã biết, như Đông Phương Sóc, Dương Quý Phi, Khiên Ngưu,… nên không thấy chú thích. Hay các chú thích như “rướch” (rứt), “quộc” không nên “phụ chú ở bên cạnh” (trang71) như các soạn giả đã làm, mà nên đưa xuống cuối trang để người khỏi người đọc nhầm tưởng nằm trong văn bản của chính tác giả, hoặc chí ít cũng đỡ ngắt mạch đọc khi đọc văn bản.
Về vấn đề tuyển chọn tác phẩm, theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Mậu thì nên bỏ“Tản Đà thực phẩm” vì ông cho rằng đây không phải tác phẩm chữ của Tản Đà. Bên cạnh đó theo ông thì nên bỏ bớt một số bài hồi ức, có chăng chỉ chọn hồi ức rất hay của Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Ngô Tất Tố vì trọng tâm của cuốn sách là tuyển tác phẩm Tản Đà.
Một vấn đề khác, TS. Nguyễn Đức Mậu cho rằng cần nêu rõ chính xác những mốc thời gian liên quan đến sự nghiệp của Tản Đà như năm nhà văn tham gia Đông Dương tạp chí (trang 18), năm chọn bút hiệu Tản Đà. Theo ông, nếu có thể xác định thời gian chính xác hơn Nguyễn Khắc Xương trong “Tản Đà toàn tập” thì cũng đủ cho Tuyển tập lý do để thiết lập lại một Niên biểu Tản Đà để cung cấp cho bạn đọc một niên biểu tin cậy.
Đã từng có những nghiên cứu sâu về Tản Đà nên TS. Nguyễn Đức Mậu cũng trao đổi thêm với tác giả bài Tổng quan về nhận định của Phạm Quỳnh đối với hiện tượng Tản Đà. Phần Tổng luận có đoạn viết: “Theo dõi sáng tác của Nguyễn Khắc Hiếu từ đầu trên Đông Dương tạp chí, ông chủ bút trẻ của Nam Phong lúc bấy giờ là Phạm Quỳnh (1892 - 1945) đã trở thành người đầu tiên viết những bài phê bình tác phẩm của Tản Đà, với một thái độ phê bình vừa biệt nhãn liên tài nhưng cũng vừa nghiêm khắc riết róng” (trang 19). Theo ông thì cách Phạm Quỳnh đánh giá về Tản Đà không chỉ dừng lại ở “nghiêm khắc riết róng” mà còn vượt lên thành sự lên án, lập án. Tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu cho rằng vấn đề này có liên quan đến sự vận động trong sáng tác Tản Đà và cả sự đấu tranh quan niệm trong đời sống văn học, vì thế nên cân nhắc xem lại.
Về cơ bản, TS. Nguyễn Đức Mậu cho rằng “Tuyển tập Tản Đà” là một bản thảo xứng đáng được kỳ vọng và mong muốn công trình sớm được ra mắt với bạn đọc.
Nguyệt Minh tổng hợp (Theo nhận xét của TS. Nguyễn Đức Mậu)
Nhà xuất bản Hà Nội