Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam từ 1873 đến 1954” dưới góc nhìn phản biện
Thứ sáu, 11/12/2015 09:44

Tham gia hội đồng nghiệm thu bản thảo “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam từ 1873 đến 1954”, do TS. Đào Thị Diến chủ trì, với vai trò là phản biện, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ có những nhận xét, đánh giá hết sức thuyết phục. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ niềm vui: “Trong giới học thuật những năm gần đây, có một hiện tượng đáng mừng là “tinh thần thực chứng” trong xu hướng nghiên cứu lịch sử ngày càng phát triển.

 
Theo đó, ý tưởng và luận cứ nghiên cứu phải dựa vững chắc vào tư liệu, đã được kiểm nghiệm, xác minh và dẫn chứng nguồn gốc đầy đủ, theo kiểu “nói có sách, mách có chứng”. Mà một nguồn dữ liệu - thông tin có độ tin cậy cao nhất chính là những tài liệu - tư liệu lưu trữ. Nó phản ánh trung thực được sự thật lịch sử, tất nhiên và chí ít là sự thật được những người soạn viết lĩnh hội quan niệm theo ý họ và ghi nhận trong những văn bản gốc đương thời. Còn cái sự thật “thực” hoàn toàn khách quan, cái “lịch sử đã sống” (histoire vécue) mà không phải là cái “lịch sử được quan niệm” (histoire conçue)  thì chúng ta may lắm là chỉ hy vọng tiếp cận tới, chứ sẽ chẳng bao giờ đạt  được”.
 
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ với nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu, ông đã nhìn nhận công việc, công trình mà TS. Đào Thị Diến thực hiện hết sức giàu hình ảnh cùng với trí tưởng tượng phong phú. Ông cho rằng: “Những tài liệu, tư liệu lưu trữ về lịch sử Việt Nam nói chung và đặc biệt là lịch sử Hà Nội nói riêng thời Pháp thuộc là một loại hình dữ liệu thông tin thực chứng như thế. Có thể nói đó là kho “châu bản” quý giá của thời cận hiện đại, một kho tàng báu vật được cất giấu kỹ trong chốn hang động của Alibaba. Muốn vào được hang để khai thác những đồ báu vật đó tất nhiên phải nắm giữ được câu thần chú: “Vừng ơi, mở ra!”. Ở đây, những người có được câu thần chú đó chính là những nhà lưu trữ lâu năm có kiến thức và kinh nghiệm, thông thạo ngõ ngách, đường đi lối lại trong khu rừng rậm những văn bản nhiều khi đã rách nát ố mờ, tìm được những tài liệu cần tìm, đến được những địa chỉ cần đến. Một trong những nhà thám hiểm năng động, hăng hái xông vào cái hang động Alibaba đó là nữ Tiến sĩ Đào Thị Diến, chủ nhiệm đề tài: “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1873 - 1954)”.
 
Cùng với những ưu điểm rõ rệt mà PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã chỉ ra trong bản nhận xét của mình, với ông cuốn sách có một số nội dung vấn đề có thể nên nói rõ thêm:
Trước hết đó là: Vấn đề địa giới thành phố. Truy tìm về lịch sử tư liệu đồng thời lý giải rõ nét hơn cho đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã nêu vấn đề: “Trong giới nghiên cứu, mọi người đều biết đến vụ mất tích kỳ lạ của tấm sơ đồ gốc về địa giới Thành phố Hà Nội kèm theo đạo Dụ của vua Đồng Khánh ngày 01/10/1888 nhượng cho Pháp một thành phố nhượng địa Hà Nội. Trong bản thảo sách, TS. Đào Thị Diến có sưu tập những văn bản pháp quy xác minh rõ thêm, và đồng ý với ý kiến cho rằng chính quyền Pháp đã chủ động giấu tấm sơ đồ đó đi để tiện việc tùy ý “gậm nhấm”, mở rộng địa giới lãnh thổ của thành phố nhượng địa Hà Nội một khi có điều kiện. Trong một bài báo đăng trong tạp chí Lưu trữ, tác giả có nói rằng đã tìm thấy được bên Aix-en-Provence tấm sơ đồ đó (bản gốc hay bản sao?), tuy được thể hiện rất mù mờ khó đọc, ngoài một thông tin quý giá là thành phố Hà Nội giáp giới với tỉnh Hà Nội.
 
Vậy chúng ta liệu có thể biết chính xác về địa giới thành phố nhượng địa Hà Nội vào năm 1888 buổi đầu thời Pháp thuộc và phục dựng lại một bản đồ Hà Nội vào thời điểm đó không? Chắc chắn là chúng ta, trước hết là TS. Diến hoàn toàn sẽ có thể làm được điều bổ ích này để công bố cho giới nghiên cứu học thuật như một tư liệu lịch sử quý giá.
 
Chúng ta được biết khi mới được vua Đồng Khánh thuận nhường, Thành phố Hà Nội vẫn chỉ là một Khu nhượng địa được mở rộng, nằm lọt giữa lãnh thổ của tỉnh Hà Nội rộng lớn, về danh nghĩa vẫn thuộc quyền cai trị của Nam triều. Những năm 1886 - 1888, Tổng đốc của tỉnh Hà Nội là Lê Đình và Trần Lưu Huệ. Sau 1888, tỉnh lỵ Hà Nội được chuyển về Phủ Lý, đến 1896, lại chuyển về Cầu Đơ (thị xã Hà Đông). Tiếp sau, tỉnh Hà Nội lại đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ (03/5/1902). Ngày 06/12/1904, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký nghị định, tỉnh Cầu Đơ một lần nữa đổi tên thành tỉnh Hà Đông.
 
Văn bản pháp quy chính thức để xác lập bản đồ thành phố Hà Nội 1888 là nghị định ngày 15/11/1889 của Thống sứ Bắc Kỳ Brière ấn định ranh giới của thành phố Hà Nội, với địa điểm của 15 cột mốc (hồ sơ SCDHN - 800 trong bản thảo Đào Thị Diến, trang 754 - 755 trong “Tuyển tập tư liệu phương Tây” (Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên, Hà Nội, 2010). Minh họa cho nghị định, là tấm bản đồ thành phố Hà Nội do Chánh sở Lục lộ V. Leclanger dựng vẽ ngày 19/4/1890, có ghi địa điểm cụ thể của 15 cột mốc (Có thể tìm thấy bản đồ này ở nhiều nơi khác nhau. Rõ và chi tiết nhất là bản đồ Leclanger được in lại trong tạp chí Éveil économique de l’Indochine số 388 ngày 16/11/1924). Lưu ý rằng theo bản đồ này, thành phố Hà Nội lúc đầu về phía Bắc không quá bãi Phúc Xá và ô Yên Phụ, về phía Tây không quá vườn Bách Thảo và bến xe Kim Mã, về phía Nam không quá phố Trần Quốc Toản và phố Lò Đúc. Đại bộ phận lãnh thổ của 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng lúc đó đều chưa thuộc thành phố Hà Nội.
 
Nghiên cứu kỹ các cột mốc ghi trong nghị định, nối 15 địa điểm cột mốc đó trên bản đồ, chúng ta sẽ có một bản đồ chính xác về Thành phố Hà Nội nhượng địa Pháp vào cuối năm 1888. Chúng ta đã biết rõ và không cần nói đến những lần mở rộng địa giới thành phố Hà Nội trong những năm về sau”.
 
Sau vấn đề về địa giới thành phố là vấn đề phân khu hành chính
 
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã chỉ ra rằng: Trong bản thảo cuốn sách, TS. Đào Thị Diến đã mất công tìm kiếm để chuyển ngữ được tới 8 văn bản pháp quy ban hành từ năm 1897 đến 1950 có liên quan đến vấn đề phân khu hành chính của thành phố Hà Nội. Đó là các năm 1897, 1904, 1909, 1914, 1933, 1948, 1949, 1950. Qua đó, chúng ta biết được số lượng, tên gọi của các khu (quartier, khu phố) và các phố (rue), sự thay đổi qua từng giai đoạn (thí dụ như hệ thống khu đã bị bãi bỏ trong thời gian từ 1904 đến 1909). Chúng ta cũng có được nhiều thông tin chi tiết về tiêu chuẩn, thủ tục bổ dụng, nhiệm kỳ và chế độ đãi ngộ của các viên chức người Việt đó. Ta thấy rằng, tuy cấp bậc kém hơn trưởng khu, nhưng chính các trưởng phố đã là những tay chân đắc lực và mẫn cán giúp người Pháp trong việc đi sâu sát trong dân để đề ra những chính sách cai trị thích hợp và hữu hiệu.
 
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn mong đợi tác giả có thể cung cấp đưa thêm ra 2 văn bản pháp quy rất có giá trị khác không thấy có trong tư liệu (có thể chưa tìm ra, có thể đã bị mất). Đó là nghị định xóa bỏ các khu phố được đánh số (từ 1 đến 8) để thay vào những phu phố có tên gọi bằng chữ trong toàn thành phố (có thể ban hành vào giữa những năm 1920, theo dự án Hébrard) (thí dụ như Quartier de l’Hôpital militaire, Quartier de Hoa-Ma…). Văn bản pháp quy thứ hai là văn bản phân khu các cụm nhà theo các Secteur, được ghi ký hiệu từ A đến U. Văn bản này có thể được ban hành vào đầu những năm 1930. Mong rằng trong một dịp khác nào đó, tác giả có thể tìm ra được và công bố 2 văn bản này”.
 
Ngoài 2 vấn đề lớn PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã nêu, theo ông để hoàn thiện bản thảo, có một số chỗ và vấn đề có lẽ những người dịch thuật và biên soạn sẽ phải rà soát lại để chỉnh sửa, bảo đảm tính khoa học, chính xác. Trước hết là một số lỗi nhỏ, có sai sót chi tiết về nội dung thuật ngữ và những lỗi thuộc kỹ thuật vi tính không nói ở đây, nhưng người phản biện đã ghi lại cụ thể, trực tiếp trong bản thảo, trên các trang đánh số 10, 12, 14, 15, 21, 22, 36, 37, 38, 41, 442, 43, 44, 49, 54, 55, 73, 74, 79, 178, 245, 260, 261, 263, 265, 293, 321, 425, 426.
 
Trong bản nhận xét của mình, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã nêu lỗi mà dịch thuật thường hay mắc phải đó là dịch không sát nghĩa, hoặc thiếu chính xác do tiếng nước ngoài không có dấu. PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã lấy ví dụ ở trang 54: Pagode de Co Le: Bản thảo chuyển ngữ: “Chùa Cổ Lễ bên bờ Hồ Tây”. Nhưng chùa Cổ Lễ thì ở tận Nam Định. Thực ra, đây là chùa Cố Lê, thờ một bà cung phi triều Lê khi về già từng nương náu ở đấy. Trang 79: Village de Tinh Yen (thuộc Khu 3): Bản thảo chuyển ngữ: “Thôn Tịnh Yên [Thịnh Yên]”. Nhưng thôn Thịnh Yên lại ở tận gần ô Thịnh Yên (ô Cầu Dền), thuộc Khu 8. Thực ra, đây là thôn Tĩnh Yên, gần ô Yên Tĩnh (Yên Định, Tân Khai), tức ô Hàng Than.
 
Có 2 tài liệu văn bản mà theo ý người phản biện nên cần dịch lại. Đó là “Nghị định này 19-2-1930 của Toàn quyền Đông Dương quy định về vệ sinh trong thành phố Hà Nội” và nói về “Quy chế xây dựng nhà ở và bảo đảm vệ sinh sức khỏe” và “Nghị định ngày 16-51906 của Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập Trường Đại học Đông Dương”.
 
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cũng nêu hiện trạng tài liệu để dịch thuật do để lâu nên có những chỗ bị mờ, rách, nát khiến công việc hết sức khó khăn. Ví dụ như tài liệu số 39, trang 294 - 296 bản thảo, bản gốc tài liệu này lấy ra từ Hồ sơ số 127, fonds TCHN có nhiều câu bị mờ khó đọc, có đoạn mất chữ, nên người dịch đã bỏ qua với ký hiệu […]. Tuy nhiên, nên bổ sung dịch lại một số thông tin có giá trị bị khuyết thiếu. Có thể tìm văn bản pháp quy này dưới dạng chữ in rõ ở Bulletin Municipal de Hanoi (BMH), no6, 1930, tr.549 - 557.
 
Để đảm bảo độ chính xác của tư liệu cũng như giúp người đọc hiểu được đúng, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thấy Điều 49 và điều 54 có nhiều sai sót, cần dịch lại hoàn toàn, chủ yếu nhầm lẫn ở những đơn vị đo lường. Cụ thể: Capacité ở đây là thể tích, dung tích, không phải diện tích. Surface là bề mặt, diện tích, không phải bề rộng. Từ viết tắt mc là mètre cube (mét khối; m3), không phải là mètre carré (mét vuông; m2). Ngược lại, từ viết tắt mq (chữ latinh: metrum quadratum) thì lại là mètre carré (mét vuông; m2), chứ không phải là mètre cube (mét khối; m3). Sự lầm lẫn đó dẫn đến những quy định phi lý là trong các phố được xếp hạng, mỗi phòng để ở phải có diện tích rộng ít nhất là 75m2 (!).
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ nên dịch bổ sung những đoạn không dịch về việc cần phải tăng thêm diện tích cửa sổ mỗi khi phòng để ở tăng thêm thể tích, cũng như câu quy định các chiều của phòng để ở không được dưới 3m, trừ những tầng hầm chiều cao không quá 2,6m.
 
Là một người tận tâm với công tác nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã dày công trong quá trình đọc bản thảo. Theo ông thì tài liệu số 75, trang 424 - 426 bản thảo: Văn bản pháp quy này theo TS. Đào thị Diến đã được dịch trong hồ sơ số 48042, GGI, đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại Quốc gia Pháp (Archives Nationales d’Outre-Mer, ANOM, Aix-en-Provence). Người phản biện đã đối chiếu và sử dụng một tư liệu văn bản sao chụp khác, in trong: “Bulletin Oficiel de l’Indochine francaise BOIF”, année 1906, tr. 697.
 
Văn bản pháp quy này cần nên dịch lại để bảo đảm tính chính xác của nội hàm thuật ngữ, khỏi dẫn đến hiểu sai tinh thần văn bản, ở đây là Đại học Đông Dương. Cần thấy rõ rằng năm 1906, Toàn quyền P. Beau cho thành lập Đại học Đông Dương chỉ để “làm cảnh”, đối phó và ngăn chặn phong trào thanh niên Việt xuất dương ra nước ngoài (Nhật, Trung Hoa) du học. Đại học này thực ra chưa có đủ tiêu chuẩn cần thiết cho một trường Đại học, nên sau đó ít không lâu đã phải bãi bỏ. Ngay cả sau năm 1917, khi Toàn quyền Albert Sarraut cho tái lập Đại học Đông Dương, nó vẫn không được công nhận tương đương với các trường Đại học chính quy ở Pháp hoặc quốc tế.
Université Indochinoise không nên dịch là “Trường Đại học Đông Dương”, mà nên dịch là “Đại học Đông Dương”, bởi vì tổ hợp giáo dục này đã bao gồm nhiều trường, lớp giảng dạy.
 
- Điều 1: Cụm từ “un ensemble  de cours d’enseignement” cần được dịch là “một tập hợp các lớp giảng dạy bậc cao đẳng” chứ không phải là “một tập hợp các khóa đào tạo bậc đại học”.
 
- Điều 4: Cụm từ “diplôme de fin d’études de l’Enseignement omplémentaire indigène” cần được dịch là “bằng tốt nghiệp bậc học bổ túc bản xứ” có thể chua thêm: [tức bậc Trung học Pháp - Việt, tương đương với bằng Thành chung sau này]. Từ “Tú tài bản xứ” (Bac. local) chỉ dùng cho những học sinh tốt nghiệp Trường Trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi) thành lập sau đó, đối sánh với “Tú tài chính (mẫu) quốc” (Bac. Métro) của Trường Tây Lycée Albert Sarraut.
 
Ngoài việc thông thạo tiếng Pháp ra lại là nhà nghiên cứu có trình độ vậy nên PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cũng bày tỏ cần thông cảm với những người dịch các văn bản pháp quy này. Một phần đó là những thuật ngữ chuyên môn rất khó dịch, lại luôn luôn thay đổi qua từng giai đoạn, mặt khác chỉ có những người cao tuổi mới có thể nắm vững các thuật ngữ cổ xưa này. Việc dịch lại chỉ nhằm bảo đảm tính chính xác cần thiết và cũng khá đơn giản, không mất nhiều thời gian. Những chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cũng là những đóng góp quý báu giúp chủ biên hoàn thiện bản thảo, đảm bảo chất lượng tốt trước khi đến tay bạn đọc.
 
 
Linh Chi (tổng hợp)
(theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá