Ủng hộ việc triển khai biên soạn đề tài trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, đồng thời tham gia Hội đồng nghiệm thu từ khâu đề cương chi tiết, sau khi thẩm định gần 1200 trang bản thảo công trình Làng cổ Hà Nội”, nhà nghiên cứu này nhận xét về tổng thể, nhóm tác giả đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu đề cương để xây dựng cấu trúc và nội dung khoa học của cuốn sách đáp ứng đúng các mục tiêu đặt ra.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu bản thảo, PGS.TS. Đặng Văn Bài cũng có nhiều góp ý, đề xuất để nâng cao hơn nữa chất lượng bản thảo trước khi xuất bản tới tay bạn đọc.
Về cấu trúc bản thảo theo đánh giá của ông cơ bản hợp lý, giúp cho người đọc có bức tranh tổng hợp, toàn diện về những nét đặc trưng của làng cổ Hà Nội về mọi mặt. Tuy nhiên riêng mục II.3. Khái quát về tổ chức hành chính cấp cơ sở Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử thì không gắn kết với nội dung đề tài, nhóm biên soạn nên cân nhắc xem xét.
Đối với một công trình nghiên cứu thì lịch sử nghiên cứu vấn đề là một nội dung rất quan trọng. PGS.TS. Đặng Văn Bài nhấn mạnh “Làng cổ Hà Nội” là một đề tài khoa học nên rất cần có một mục riêng đề cập, khảo sát những công trình nghiên cứu về làng cổ nói chung liên quan tới nội dung của đề tài, tìm ra những nội dung còn trống vắng hoặc chưa được giải quyết triệt để, từ đó sẽ có cách tiếp cận mới, hướng đi thích hợp hơn, tạo nên giá trị sáng tạo của đề tài.
Cũng như thế, với một công trình có tính chất tuyển chọn giới thiệu thì việc xác định đúng và rõ tiêu chí sẽ giúp cho việc lựa chọn chuẩn xác và khoa học. Với bản thảo này, ông Đặng Văn Bài cho rằng tiêu chí làng cổ chưa được xác định cụ thể nên khó đối chiếu với phần mô tả, giới thiệu trong danh mục các làng cổ Hà Nội. Làng cổ tiêu biểu toàn diện và làng cổ tiêu biểu trên một số thành tố đặc sắc vẫn còn quá chung chung. Theo ông nếu nhóm tác giả đưa ít nhất từ 3 đến 5 thành tố đặc sắc thì người đọc sẽ dễ so sánh đối chiếu hơn. Kể cả khái niệm công nhận các làng cổ điển hình nhất của Hà Nội còn quá trừu tượng và khó xác định.
Bài viết “Chuyện về ngôi làng đầu tiên trên đất Hà Nội” trong phần tổng quan được trình bày theo một văn phong khá khác biệt so với các nội dung còn lại. Theo nhà nghiên cứu này không nên đặt ra bài viết này với hai lý do: Một là nội dung đưa ra không phải là tư liệu lịch sử xác thực mà chủ yếu mang tính huyền thoại, tính chính xác khoa học chưa được khẳng định; Hai, nếu xét trên bình diện tổng thể của Hà Nội mở rộng thì làng đầu tiên có thể sẽ ở đất Hà Tây cũ, câu chuyện vì thế sẽ không hợp lý.
Nội dung đặc trưng, phân loại và đặc điểm của làng cổ Hà Nội theo ông Đặng Văn Bài phần nhiều còn nặng về mô tả chung chung mà không chỉ rõ nó có đặc điểm nổi trội nào so với các làng Việt cổ, cũng vì thế chưa làm rõ được nét đặc trưng, bản sắc riêng của làng cổ Hà Nội - vấn đề cốt lõi của công trình.
Phần viết về thực trạng làng cổ Hà Nội, nhà nghiên cứu này cho rằng chưa thỏa đáng bởi vì ít nhất cũng phải đưa ra những nhận xét về tình trạng bảo quản của hai loại hình di sản vật thể và phi vật thể, vấn đề tôn giáo tín ngưỡng hay là ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới thực trạng di sản, xu thế biến đổi và phát triển. Giải pháp bảo tồn cũng không phù hợp với thực trạng, ít nhất cũng phải đề cao vai trò của cộng đồng trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy; vai trò quản lý nhà nước, vấn đề du lịch cộng đồng… chưa hề được đề cập đến.
Trong phần 2 (Các làng cổ tiêu biểu của Hà Nội), PGS.TS. Đặng Văn Bài đánh giá cách thức mô tả các làng cổ chưa được thống nhất và quán triệt theo một cấu trúc. Một số phương diện chỉ có ở làng này mà không nêu ở làng kia và ngược lại, mỗi làng được mô tả theo một kiểu, cách thức dài ngắn rất khác nhau. Nhóm soạn giả cần lưu ý để đảm bảo được tính thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ bản thảo.
Nhìn chung đây là công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn. Sau khi bổ sung, chỉnh sửa theo các ý kiến góp ý có thể xuất bản để giới thiệu đến bạn đọc.
Minh Khang (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Đặng Văn Bài
Nhà xuất bản Hà Nội