Lễ hội đền Sái - một trong những lễ hội lớn vùng đất Kinh Bắc xưa
Nhân vật vua giả do cụ già 72 tuổi vào vai là quan trọng nhất. Người được chọn phải là gia đình song toàn không vướng bụi và đặc biệt đã từng làm lễ thượng thính từ năm 55 tuổi.
Nhân vật thứ hai là vai chúa chỉ riêng có ở thôn Đoài. Chúa đội mũ vàng, trang phục áo vàng mặt bôi phẩm đỏ.
Ngoài ra còn các vai quan tán lý, vai tuỳ tòng của cả vua và chúa.
Lễ thượng thính: ngay sau Tết khai hạ một ngày, tức ngày mồng 8 tháng Giêng, làng có tổ chức lễ thượng thính. Người muốn làm cỗ phải đủ 55 tuổi, nhà có điều kiện, làm 2 cỗ bánh dày, bánh chưng, cỗ lớn khiêng lên chùa Sái làm lễ Thánh, cỗ bé để khao dân. Cỗ lớn sau khi lễ, người được của sắm vai vua sẽ hưởng tất. Cỗ bé chia cho các gia đình thuộc giáp của người làm cỗ, có thể thêm cả tiền mặt. Tuy gọi là 2 cỗ song là loại cỗ mâm lớn phải 4 người khiêng nên rất tốn kém. Vì vậy ca dao làng Nhội có câu: “Con gái làng Đông lấy chồng làng Đoài?Lo cỗ thượng thính gia tài sạch không?Con gái làng Đoài lấy chồng làng Đông/Lo cỗ thị vệ sạch không cả nhà”. Ai đến 55 tuổi không làm được cỗ thượng thính thì khi cáo lão chỉ phải tốn trầu cau, xôi oản và thủ lợn gọi là mua nhưng họ sẽ không bao giờ được sắm vai vua, vai chúa, vai các quan. Chỉ những ai làm được cỗ thượng thính thì khi 60 tuổi sẽ vào được vai chúa, vai quan và khi đến 72 tuổi thì có thể sẽ vào được vai vua. Người được dự kiến sắm vai vua sẽ được cấp 3 mẫu ruộng, lấy hoa lợi nuôi trâu đồ, bò đồ, lợn đồ, và các chi phí lễ lạt khác. Người được dự kiến vai chúa được cấp một mẫu ruộng công để nuôi một con bò đồ và các chi phí khác. Vì vậy, việc được đề cử sắm vai, vai chúa là rất hệ trọng và cũng rất vinh dự.
Đám rước lễ hội đền Sái là đám rước nhiều kiệu và võng lọng cờ quạt nhất so với các đám rước khác trong vùng. Từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng, ngoài đình chiêng trống giục giã. Ở cổng đình, sân đình đủ các loại cờ, cờ long phụ, cờ ngũ hành, cờ đuôi nheo. Chính giữa sân là lá cờ đại to bằng hai chiếc chiếu, nửa trắng phía cán cờ, nửa đỏ phía mặt biên. Sát chỗ cán cờ vẽ một nửa mặt trời đỏ có tia vàng. Phía dưới hình mặt trời là hình một con rồng vàng đang vươn lên. Các nhân vật được sắm vai vua, vai chúa, vai quan triều lần lượt được đón rước từ nhà riêng đến sân đình làng. Tại đình làng, người đóng vai vua được ngồi trên một ghế ngai sơn son thếp vàng đặt trên sập cao lui về phía bên phải gian giữa. Phía đối diện đầu rồng để đến buổi chiều rước lên đền Sái.
Ngoài thềm đình phía bên phải là hai dinh của quan tán lý và quan đề lĩnh, phía bên trái là chỗ ngồi của quan thị vệ. Mỗi dinh là một cái sập, trải chiếu hoa cạp điều. Các quan đều ngồi tự trên gối xếp, trước sập treo lá màn và có hương án.
Phía ngoài đình, cách khoảng dăm thước rộng là dinh ông chúa. Người ta cắm cọc và che rạp bằng cót. Người sắm vai chúa ngồi trên một ngai gỗ, trước mặt có hương án. Bên ngoài để sẵn một cỗ kiệu gỗ quấn mây để rước ông chúa. Phía sau đình, cách khoảng dăm thửa ruộng có dinh quan lưu thủ, làm theo kiểu dinh ông chúa. Tuy nhiên, nghi vệ của quan lưu thủ không giống nghi vệ của ông chúa. Chúa có tàn che, quan che bằng lọng. Chúa đi kiệu còn quan ngồi võng. Chúa đội mũ võ, quan đội mũ văn. Chúa mặc áo vàng, quan mặc áo thụng, màu lam. Tiệc yến diễn ra tại đình làng, tất cả 10 cỗ do những người đến tối phải sửa lễ cung ứng. Mỗi cỗ thường có 2 hoặc 3 tầng gồm giò, nem, ninh, mọc, bánh, xôi, chè, hoa quả. Riêng bánh tét cắt khoanh dày 1 đốt ngón tay. 10 cỗ này có một ban chấm thi xét giải. Cỗ nhà ai ngon nhất được thưởng vài vuông lụa điều. Thường mỗi cỗ chỉ có 3 người ngồi ăn, còn 1 chỗ trống để kính nhà vua.
Ở dinh lưu thủ chỉ có 4 cỗ do 4 ông đầu phe cung ứng. Được dự là những người trong làng có giấy mời. Tiệc yến bắt đầu từ 11h dến quá trưa thì xong. Chiều, đám rước bắt đầu. Sau một hồi chiêng, một hồi trống, chúa bước ra khỏi dinh, ngồi lên kiệu ta cầm gươm. Rồi cờ long phụng đi trước, kiệu chúa tiến theo sau đi vòng qua đình 3 lượt, kiệu chúa mới được vào triều kiến vua. Trong khi đó, tại sân đình làng, vua cũng đã ngồi lên kiệu bát cống. Đô tuỳ nhất loạt đưa kiệu vua lên vai. Tay vua cầm gậy sơn son, các quan tán lý, đề lĩnh, thị vệ lần lượt lên võng. Quan ngồi xếp bằng tròn, trên vòng tay tự gối xếp. Mỗi quan có 2 lọng xanh, một cặp tiểu hài mang tráp trầu, một bưng điếu ống. Sau khi yên vị, đám rước bắt đầu. Đi đầu là cờ quạt, tiếp đó là kiệu chúa. Chúa vừa đi vừa múa gươm, thỉnh thoảng vượt lên trước, đôi lúc lùi lại sau để đón kiệu vua. Sau kiệu vua là phường bát âm. Sau nữa là võng các quan. Cuối cùng là đoàn cờ và chiêng trống. Đám rước hành tiến đến Đồng Chầu thì sẽ xuống ruộng đi ra Mô Bái Vọng. Ở đó nhìn thẳng lên tam quan đền Sái và tam quan đền Thượng. Tất cả hạ kiệu, hạ võng. Vua, chúa, các quan lên Mô Bái Vọng làm lễ, qua một tuần hiến tế.
Xong đám rước lại quay về đình, đến trước dinh quan lưu thủ. Vào thời điểm này chỉ có quan lưu thủ ở nhà giữ đình, vắt vẻo ngồi trên ghế chéo và mấy chiếc chiếu rải từ chỗ quan ngồi đến chỗ đám rước dừng lại. Bốn ông xá của nhà vua đến quỳ ở chiếc chiếu ngoài cùng. Bốn ông đầu phe của quan lưu thủ quỳ ở chiếc chiếu đối diện. Hai bên không nói gì mà chỉ chắp tay lên trán một lúc. Sau đó lại đứng lên, bốn ông đầu phe vào quỳ bẩm báo gì đó với quan lưu thủ, còn bốn ông xá quay lại quỳ trước kiệu vua như đang bẩm báo với nhà vua. Tiếp đó lần thứ hai, bốn ông xá và bốn ông đầu phe lại quỳ bái nhau như cũ. Đến lúc này bốn ông xá mới đồng thanh nói: Trình quan bản môn/Có xá nhà quan đô tướng đây/Mở cửa cho người vào. Bốn ông phe quay trở lại quỳ trước quan lưu thủ đồng thanh nhắc lại 3 câu của bốn ông xá trình. Quan lưu thủ truyền: Thì này nghiêm ngặt/Chẳng được hỗn hào/Phải quan quân nào/Hãy đóng ngoài ấy. Bốn ông đầu phe ra lại quỳ và đồng thanh nhắc lại lời quan lưu thủ truyền. Đoạn bốn ông xá lại quỳ trước kiệu vua đồng thanh nhắc lại lời quan lưu thủ. Nhà vua truyền: Có xá nhà quan đô tướng đến đây/Phải mở cửa cho người vào. Bốn ông xá lại quỳ và nhắc lại, đặt biệt nhấn mạnh từ “phải”. Sau đó coi như cổng dinh tượng trưng được rộng mở. Kiệu vua, kiệu chúa tiến vào trong sân đình. Một số cụ già tay chống gậy tre hình đầu gà bôi xanh đỏ kéo đến đón và đứng trước mặt nhà vua. Nhà vua tuyên đọc một bài chiếu văn thể tứ tự kể lại chuyện xưa tích cũ. Cứ sau mỗi câu nhà vua đọc thì các cụ cầm gậy xuống sân đình và dạ ran ran. Đó cũng chính là bài văn “Hội này tích cũ - Thục An Dương Vương”. Khi nhà vua đọc xong, pháo đốt một tràng dài coi như rã hội. Vua chúa và các quan được rước trở lại nhà riêng. Lúc ấy trời vừa sẩm tối. Như vậy là chẵn một ngày chính hội 12 tháng Giêng ở lễ hội đền Sái.
Lễ hội đền Sái là một trong những lễ hội lớn vùng đất Kinh Bắc xưa. Đây là vùng đất gắn liền với sự tích An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được sự giúp đỡ của Huyền Thiên Trấn Vũ khi đó đang ngụ tại núi Sái. Lễ hội đền Sái còn liên quan đến Cổ Loa thành vì chính Thục An Dương Vương đã cho mở lễ hội để tự thân đến bái yết, cảm ơn công lao vị thần núi Sái giúp sức, hỗ trợ nhà vua xây được Loa thành. Sau đó nhà vua nhờ người đóng giả vua sống để giữ lễ tín nghĩa mãi mãi. Như vậy, lễ hội đền Sái có thể coi là lễ hội cổ xưa nhất của người Việt cổ vì nó xuất hiện từ thế kỷ II trước Công nguyên kéo dài cho đến năm 1945. Ngày nay, làng Thuỵ Lôi vẫn làm đám rước vua giả song chỉ diễn ra trong phạm vi một làng hai thôn và nghi thức cũng giản tiện hơn nhiều.
Tập sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập thuộc bộ sách 5 tập “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có giới thiệu chi tiết về 10 lễ hội, 10 trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu, đại diện nhất của Thăng Long – Hà Nội. Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu về lễ hội Cổ Loa - một trong 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội đến với bạn đọc. Để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn và đầy đủ hơn về 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội (10 lễ hội mang tính tiêu biểu, đại diện nhất): Lễ hội chùa hương, lễ hội đền Gióng, lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Và, lễ hội chùa Thầy, lễ hội Giám, lễ hội đền Sái, lễ hội làng Đăm, lễ hội làng Lệ Mật, độc giả hãy tìm đọc cuốn sách này.
Giang Huy