Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tìm hiểu về lễ hội đình Phương Mạc – lễ hội dân gian tổ chức vào tháng Giêng âm lịch
Thứ ba, 03/12/2019 08:24

Bộ sách“Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu - Tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, bộ sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay. Cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” dày 1.000 trang, đây là tập thứ 7 của Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội”. Tại huyện Đan Phượng, xã Phương Đình là xã có những di sản phi vật thể tài liệu văn khắc, thần tích, thần sắc; một số di sản vật thể được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố, cấp Quốc gia, Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh, cấp Quốc gia và nổi tiếng với lễ hội đình Phương Mạc. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về lễ hội đình Phương Mạc, huyện Đan Phượng.

 Xã Phương Đình nay gồm có 9 thôn: Thôn Phương Mạc, cuối thế kỷ XIX về trước là châu Hương Mạc, khoảng năm 1888 đổi thành xã Phương Mạc. Thôn La Thạch, trước năm 1945 là xã La Thạch. Thôn Ích Vịnh, trước năm 1945 là xã Ích Vịnh. Hia thôn Cổ Thượng và Cổ Hạ, trước năm 1945 thuộc xã Cổ Ngoã. Khoảng năm 1926, xã Cổ Ngoã gồm hai thôn: Giáp Thượng và Giáp Hạ. Bốn thôn Địch Thượng, Địch Trung, Địch Trong và Địch Đình, đàu thế kỷ XX về trước đều thuộc châu Địch Vỹ, khoảng năm 1926 đổi thành xã Địch Vỹ. Xã Địch Vỹ nay chủ yếu là bốn thôn trên của xã Phương Đình, một phần là thôn Vạn Vỹ thuộc xã Trung Châu.

          Lễ hội đình Phương Mạc là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch tại làng Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội do cấp xã tổ chức, cấp huyện quản lý để tưởng nhớ Phạm Bạch Hổ.

          Phạm Bạch Hổ tên thật là Phạm Phòng Át, là một vị tướng tài của Ngô Quyền, có công lớn trong kháng chiến chống quân Nam Hán năm 938. Sau khi Ngô Quyền mất, 12 sứ quân nổi lên, mỗi người hùng cứ một nơi. Phạm Bạch Hổ trấn giữ phủ Khoái Châu. Sau khi hoá, ngài được vua Lê Hoàn phong là Bản cảnh Thành hoàng Phạm Lệnh Công hiển ứng đại vương, vua Lê Thái Tổ phong là Phổ tế cương nghị anh linh hùng kiệt đại vương. Kính trọng công lao của ông, nhân dân Phương Mạc tôn làm thần Thành hoàng thờ ở đền, đình.

          Hằng năm dân làng lấy ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày sinh nhật của danh tướng Phạm Bạch Hổ làm ngày lễ hội làng.

          Từ ngày mùng 7 cả làng đã bắt đầu triển khai công việc phục vụ lễ hội như làm bánh lễ, bánh thờ thánh. Ngày mùng 8 dân làng treo cở cột cao 10 m trước cửa đình biểu tượng cho lá cờ đại nghĩa của tướng Phạm Bạch Hổ năm xưa. Các đồ tế khí được bao sái sạch sẽ.

          Ngày mùng 9, buổi sáng, dân làng mang cỗ kiệu bát cống loại nhỏ vào nhà ông chủ văn rước văn ra đình. Buổi chiều tiến hành lễ nhập tịch tại đình, còn gọi là tế yết ca ngợi công trạng của thánh và cầu an ban phúc cho dân. Buổi đêm có biểu diễn ca trù.

          Ngày mùng 10 là chính hội. Từ 4 đến 5 giờ sáng, ở đình có lễ tế mộc dục. Từ 8 giờ đến 10 giờ tiến hành 3 tuần tế chính. Cùng lúc đó, bên 4 cột đình, 4 em nhỏ múa cờ reo, hoà vào chương trình tế. Điệu múa của các em mô phỏng cảnh thắng trận của danh tướng Phạm Bạch Hổ. Sau đó dân làng rước kiệu thánh trên đê hoặc trong làng. Đi đầu đám rước là đội cờ lệnh, cờ ngũ sắc, trống chiêng, tiếp theo là đội bát bửu, binh khí, đội nhạc, kiệu bát cống, 8 hàng đô khênh trên kiệu cắm lọng vàng. Khi đến địa phận làng Thanh Mạc, dân làng Thanh Mạc cùng rước kiệu ra nghênh đón. Hai chiếc kiệu chạy tít nhiều vòng. Dân làng gọi là kiệu bay, cho là được thánh linh ứng.

          Phần hội: ngày xưa trên sông Đáy có tổ chức thi bơi chải, ngày nay không cò nữa. Ở ao đình có trò vui leo cầu cần là trò chơi đặc sắc của lễ hội ở đây.

          Trên đây là vài nét khái quát về lễ hội đình Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Để tìm hiểu về lễ hội này và những di sản vật thể và phi vật thể của xã Phương Đình độc giả có thể tìm đọc cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đối với những độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về xã Phương Đình, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến thì cuốn sách này là một trong những tài liệu có ý nghĩa để tham khảo. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.

 Đức Anh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá