Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tìm hiểu di sản vật thể đền An Thịnh và miếu Đinh Nguyên – hai di tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh
Thứ ba, 10/12/2019 02:01

          Tại huyện Đan Phượng, xã Thọ An là xã có những di sản phi vật thể tài liệu văn khắc, thần tích, thần sắc; hai di sản vật thể được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh đó là di sản vật thể đền An Thịnh và miếu Đinh Nguyên. Hai di tích này được giới thiệu trong cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” dày 1.000 trang do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu - Tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Cuốn sách này thuộc Bộ sách“Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội”. Bộ sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay.

Đền An Thịnh

          Đền thuộc thôn An Thịnh, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh năm 2006.

          Đền thờ Trần Quang Khải (1241-1294), là con trai thứ hai của Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Dưới triều vua Trần Thánh Tông, ông được phong tước Chiêu Minh đại vương. Năm Giáp Tuất (1274), ông được giao chức Tướng quốc Thái uý. Năm Nhâm Ngọ (1282), Trần Quang Khải được phong chức Thượng Tướng Thái sư. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt của vương triều Trần, đã đánh thắng quân Nguyên ở bến Chương Dương và kinh thành Thăng Long (1285). Tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân làng An Thịnh đã suy tôn ông làm Thành hoàng làng.

          Mặt bằng kiến trúc của đền hiện gồm nghi môn trụ biểu, hai dãy tả - hữu mạc, đại bái và hậu cung. Phía trước đền là một giếng nước cổ xếp gạch. Nghi môn có kết cấu với một lối đi chính gồm hai trụ biểu, trên đỉnh của trụ đắp tứ phượng chầu, phía dưới là các ô lồng đèn, thên trụ được chạm nổi các đôi câu đối chữ Hán. Hai dãy tả - hữu mạc kết cấu 5 gian, làm kiểu quá giang vượt tường với kiến trúc đơn giản. Đại bái có 3 gian 2 chái, các bộ vì giữa được làm theo kiểu giá chiêng chồng rường cùng hệ thống đấu đỡ. Hậu cung nằm phía sau, là nơi đặt long ngai, bài vị và bộ áo mũ Thành hoàng. Đền còn lưu giữ 3 đạo sắc phong (vào triều Tây Sơn, Duy Tân, Khải Định), ngai thờ, hương án, chân đăng, hạc gỗ, lư hương, gươm trường, bát bửu, hoành phi, câu đối…

          Lễ hội đền An Thịnh được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm. Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ, dâng hương và rước thần còn có nhiều trò chơi dân gian như cờ tướng, đu dây, đấu vật…

          Trước Cách mạng tháng Tám (1945), đền là nơi tập hợp của phong trào Việt Minh nổi dậy giành chính quyền. Trong kháng chiến chống Pháp, đền là trụ sở của Việt Minh, có hầm bí mật ở hậu cung để nuôi giấu cán bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ đền là cơ sở của Hợp tác xã Bắc Hà.

          Miếu Đinh Nguyên

          Miếu thuộc thôn Tây Sơn, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi miếu hàng tổng của cư dân hai xã Thọ An và Thọ Xuân xưa. Miếu được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá năm 2003.

          Miếu thờ Nam Uyên đại vương. Tương truyền Nam Uyên đại vương sống ở thời Hùng Vương thứ 18, có tài văn võ. Năm 24 tuổi, cha mẹ qua đời, ngài đi chu du thiên hạ, được vua Hùng Huệ Vương chọn là Chỉ huy sứ Tả tướng quân đem quân đến đạo Sơn Tây, phủ Tam Đái chống quân Thục. Thắng trận, ngài trở về vùng Chu Phan khoản đãi dân làng và hoá ngay sau đó, được vua phong là Thượng đẳng phúc thần.

          Miếu được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 5 (1903) để thờ vọng Nam Uyên đại vương. Đến nay, miếu đã trùng tu sửa chữa nhiều lần, tuy nhiên vẫn mang dáng dấp kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ XX. Mặt bằng bố cục miếu với bốn cột trụ. Hai trụ lớn trang trí hình tứ phượng chầu trên đỉnh, sập hổ phù cùng bốn đầu rồng và các ô lồng đèn trang trí tứ linh ở dưới, thân trụ đắp nổi câu đối chữ Hán. Từ trụ lớn sang trụ nhỏ có cổng pháo làm kiểu vòm cuốn. Đại bái có 5 gian 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, trên giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp đôi rồng lá và đấu đinh, cuối bờ dải xây giật nhị cấp đơn giản. Các bộ vì làm kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên và kèo kẻ trên bốn hàng chân cột. Nhìn chung, các cấu kiện kiến trúc tại đại bái chủ yếu được bào trơn, đóng bén, tạo gờ chỉ và chạm hoa văn lá lật theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Phía sau là 3 gian hậu cung, nối với đại bái thành hình chuôi vồ. Hậu cung được thiết kế đơn giản với các bộ vì kiểu kèo cầu quá giang trốn cột. Gian giữa hậu cung xây bậc nhị cấp để bài trí long ngai, bài vị Thành hoàng.

          Miếu còn lưu giữ 1 cuốn thần phả, 1 hòm sắc, long ngai – bài vị, bát hương, đài nước, mâm bồng, ngũ sự, hoành phi, câu đối…

          Lễ hội miếu Đinh Nguyên diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm, gồm các nghi thức là lễ mộc dục, tế thần và dâng hương.

          Trên đây là vài nét khái quát về di sản vật thể đền An Thịnh và miếu Đinh Nguyên, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, đây là hai Di tích được xếp hạng DI tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh. Để tìm hiểu về những di sản vật thể và phi vật thể của xã Thọ An, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đối với những độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về xã Thọ An, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến thì cuốn sách này là một trong những tài liệu có ý nghĩa để tham khảo.

 Văn Tống

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá