Trò con đĩ múa bồng trong hội làng Triều Khúc – trò diễn tham gia nghi thức tiến tửu tế Thánh
Trò con đĩ múa bồng là một trò trai giả gái múa có trong nhiều hội làng, thường là trò mở đầu của một đám rước. Riêng đối với hội làng Triều Khúc thì trò này còn tham gia nghi thức tế nhị vị Thành hoàng làng.
Làng Triều Khúc nay thuộc phường Triều Khúc, quân Thanh Xuân nội thành Hà Nội. Làng là tụ điểm dân cổ có di tích khảo cổ học Cây Táo thuộc niên đại cách ngày nay 4.000 năm. Theo truyền thuyết Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (770-798) từng đóng đại bản doanh nơi đây để giải phóng thành Tống Bình (nay là Hà Nội) vào năm 791. Vì vậy dân làng thờ Phùng Hưng làm Thành hoàng làng. Vị thành hoàng thứ hai là Vũ Uy người xứ Đông đi sứ Trung Quốc học được nghề dệt dây thao để làm quai nón và truyền duy nhất cho làng khiến cho Triều Khúc trở thành làng duy nhất có nghề dệt thao. Vì vậy dân làng thờ Vũ Uy là vị Thành hoàng thứ hai. Làng có 2 ngôi đình, đình Sắc ở giữa làng và đình Đại ở cuối làng cách nhau 500m. Lễ hội của làng chủ yếu diễn ra ở đình Đại vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Đội múa con đĩ đánh bồng có 4 người nam. Làng chọn người cao ráo, có khuôn mặt đẹp để trang điểm làm nữ. Trang phục múa bồng rực rỡ, áo tứ thân trên trắng, dưới đen, thắt lưng xanh, có điểm các dải màu, chít khăn vuông màu đỏ, đi giày vải. Trên khăn có thêu hoa và điểm những hạt cườm lóng lánh, váy trắng, ngực đeo yếm lá sen. Mỗi người đeo một chiếc trống bồng dài trước ngực, dây đeo cũng thêu cầu kỳ. Khi múa có nhạc và trống phụ hoạ. Người múa phải dẻo tay, vừa vỗ trống bồng vừa ưỡn ẹo làm trò vui, gây tiếng cười thoải mái. Múa bồng diễn ra để tả cuộc vui mừng nghĩa quân của Phùng Hưng đánh thắng giặc ngoại xâm.
Múa bồng có 3 động tác chính: đánh trống bồng đi ngang, uốn tay như bông hoa nở, lượn tay vuốt xuống tang trống. Khi múa từng cặp 2 người tay chân xứng, đối mặt, đối lưng nhịp nhàng theo nhịp đệm gồm trống khẩu, thanh la và trống bồng.
Sáng mồng 10 làng tiến hành tế Thánh. Trong buổi tế kéo dài ba giờ đồng hồ có 3 lần tiến tửu (dẫn rượu) thì cả 3 lần đều có múa bồng. Đây là một nghi thức phục vụ tế lễ, vừa là trò diễn góp phần giải trí cho các quan viên hương lão chức dịch và dân làng vây quanh xem tế Thánh.
Trò con đĩ múa bồng trong hội làng Triều Khúc vừa có động tác, có bài bản, vừa có trang phục đẹp thể hiện tài dệt, tài thêu khéo của cư dân làng nghề. Vì vậy mà đối với nhiều nơi, trò diễn chỉ là phần mở đầu của đám rước, còn đối với hội làng Triều Khúc, trò diễn còn tham gia nghi thức tiến tửu tế Thánh. Đây chính là một trong những nét đặc sắc chỉ có ở hội làng Triều Khúc.
Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự căn cứ trên 3 tiêu chí về quy mô lễ hội, về tính biểu tượng cho việc thờ cúng, việc tôn vinh, về trò chơi, trò diễn dân gian để chọn lọc giới thiệu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Những trò chơi, trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Tất cả lễ hội, tất cả trò chơi và trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.
Khi đọc, nghiên cứu, tìm hiểu hiểu lễ hội, trò chơi và trò diễn dân gian cũng là một trong những phương thức tiếp cận với lịch sử, nhìn nhận lịch sử, nuôi giữ gây dựng lòng yêu nước, yêu nhân dân của mỗi con người chúng ta. Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.
Huy Giang