Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu Lịch sử
Chủ nhật, 14/08/2011 11:32
Tác giả: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ trì). Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

- Trong lịch sử Việt Nam, không một địa phương nào lại thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo giới học giả trong và ngoài nước như Thăng Long - Hà Nội. Thành tựu nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội phản ánh vị thế, tầm quan trọng cũng như tương xứng với bề dày của mảnh đất “ngàn năm văn vật”. Những kết quả đạt được không chỉ tạo nên bức tranh đa diện về Thủ đô nghìn tuổi, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung quan trọng của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

- Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào tập hợp những kết quả nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Kết quả nghiên cứu tuy nhiều, song chúng lại được trình bày rải rác ở nhiều nơi: trong sách hoặc kỷ yếu khoa học, trên các tạp chí chuyên ngành, xuất bản ở trong và ngoài nước… khiến việc tìm hiểu, nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Công trình đáp ứng mong muốn tuyển chọn, tập hợp những bài viết tiêu biểu nhất của các tác giả trong và ngoài nước đã được công bố từ trước đến nay.

- Đề tài tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những bài viết tiêu biểu nhất về các vấn đề của lịch sử Thăng Long - Hà Nội (từ khởi thủy cho tới hiện nay). Đây không chỉ là công trình có giá trị khoa học đối với các nhà sử học, mà còn là tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết cho những người yêu Thủ đô và lịch sử Thủ đô Hà Nội.

Bình luận sách:

* PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi (Bình luận đề cương)

1. Việc tuyển chọn các kết quả nghiên cứu tiêu biểu chuyên về lịch sử của  Thăng Long - Hà Nội từ khởi thủy đến hiện nay chắc chắn mang nhiều ý nghĩa. Một nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội hẳn không ít các công trình nghiên cứu đang đơm hoa kết trái trên nhiều lĩnh vực. Đối với giới sử học, công trình “Thăng Long- Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu (Tập I: Lịch sử)” không chỉ góp phần làm rạng rỡ Thăng Long - Hà Nội mà còn quy tụ được thành quả nghiên cứu của giới sử học trong nhiều năm qua về mảnh đất Thủ đô - trái tim của cả nước. Cùng với những cuốn sách khác được tuyển chọn như “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng nằm trong kế hoạch xuất bản của Nxb. Hà Nội, tuyển tập Lịch sử này sẽ là tài liệu giá trị về Thăng Long - Hà Nội giúp cho các nhà giáo, nhà nghiên cứu và bạn đọc giảng dạy, trích dẫn, tham khảo. Thực hiện in cuốn “Thăng Long - Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu (Tập I: Lịch sử)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên và Nxb. Hà Nội ấn hành là những đóng góp rất đáng trân trọng vì mục đích chung tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.

2. Tôi nhất trí về nguyên tắc tuyển chọn của công trình, theo đó nội dung sách được tuyển chọn các bài viết chất lượng của các tác giả trong nước và ngoài nước có uy tín khoa học từ trước tới nay dưới dạng bài viết trong sách, bài viết trong kỷ yếu hội thảo khoa học, bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Nghiên cứu Lịch sử, Khảo cổ học, Lịch sử Đảng, Tạp chí Khoa học - Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí Cộng sản.

3. Cấu trúc sách gồm 5 phần (kể cả Mở đầu) như trong Đề cương là đầy đủ và toàn diện, diện mạo Thăng Long - Hà Nội từ khởi thủy đến nay sẽ được tái hiện trong tập sách này. (Trong đề cương đánh nhầm 2 lần Phần thứ hai, nên chỉ có đến phần thứ ba).

4. Tuy nhiên, tôi vẫn hơi băn khoăn ở một số điểm sau:

4.1. Số bài của mục Hệ thống thành lũy có vẻ như hơi nhiều (19 bài), so với các mục khác.

4.2. Mục IV: Đời sống kinh tế - xã hội của Phần thứ hai: Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập, nếu có thể được thì bổ sung thêm những bài viết về thời Lý, Trần. Mục V: Kháng chiến chống ngoại xâm, phần lớn là bài về kháng chiến chống Thanh.

4.3. Phần thứ ba, mục IV: Những biến chuyển trong đời sống kinh tế, xã hội thời Cận đại, có nên để cụm từ “những chuyển biến” không?, hay chỉ nên là “Đời sống kinh tế, xã hội thời Cận đại”, giống như mục trên, vì một số bài trong phần này dưới dạng tư liệu mà ít liên quan đến “chuyển biến”.

4.4. Phần thứ tư, mục IV: Hà Nội từ 1975 đến nay, chỉ có 4 bài, nếu được bổ sung thêm thì có lẽ xứng với một thời kỳ với nhiều biến chuyển của Hà Nội sau khi thống nhất đất nước đến nay. Hơn nữa, trong đề cương lỗi vi tính cho niên đại 1975 đánh là 1075.

4.5. Mặc dù, tôi hiểu rõ rằng, không gian của Hà nội được xác định là đến trước khi Hà Nội mở rộng (8 - 2008) nhưng những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội mà nội dung liên quan đến thời Trung - Cận đại nhưng đăng trên tạp chí sau 8-2008 thì thế nào, không thấy nêu trong đề cương.

Trong danh mục bài viết có cần bổ sung thêm một số bài trên Nghiên cứu Lịch sử. Ví dụ:

- Hà Mạnh Khoa: Giáo dục thời Nguyễn ở Thăng Long - Hà Nội (1802-1919), NCLS, số 6-2006

- Phan Phương Thảo: Một số di tích lịch sử văn hóa ở Hà Nội qua tư liệu địa bạ, NCLS, số 7-2006.

- Nguyễn Thừa Hỷ: Cộng đồng cư dân đô thị và văn hóa thị dân Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII - XVIII , NCLS, số 2 - 2008.

- Vũ Văn Quân: Vài phác họa về không gian khu vực phố cổ Hà Nội giữa thế kỷ XIX qua tư liệu địa bạ, NCLS, số 11 + 12 -2008.

5. Kết luận, tôi hết sức tán thành bản đề cương sách “Thăng Long - Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu (Tập I: Lịch sử)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên, hy vọng sách sớm được xuất bản để phục vụ bạn đọc tra cứu tìm hiểu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong nhiều thế kỷ qua.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá