Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Kẻ sĩ Thăng Long
Thứ hai, 15/08/2011 12:59
Tác giả: Nhà thơ Bằng Việt (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung

- Thăng Long - Hà Nội là vùng đất là trung tâm của nền văn minh sông Hồng. Tại vùng đất địa linh nhân kiệt này đã hình thành một tầng lớp, một lớp người có phẩm cách, khí tiết và cách ứng xử đặc trưng riêng: kẻ sỹ. Kẻ sỹ Thăng Long đã được tôn vinh từ bao đời nay, là biểu tượng về trí tuệ cho nền văn hiến Thăng Long, đã được minh chứng qua nhiều giai đoạn lịch sử. Công trình lần đầu tiên soi rọi toàn bộ ưu điểm, đặc thù và những biểu hiện được minh hoạ cụ thể qua các giai thoại và truyện kể sinh động về tầng lớp trí thức này.

- Công trình là một cuốn biên khảo có chủ kiến và có minh chứng khoa học, đầy đủ, hệ thống để độc giả có thể hiểu sâu hơn về giá trị tinh thần của trí thức Thăng Long, từ đó có thể đặt vấn đề tiếp thu và phát huy thế mạnh đó của trí thức Thủ đô trong thời kỳ mới. 

Bình luận

* PGS.TS. Trần Ngọc Vương (Bình luận bản thảo)

1.- Tôi không biết rõ lắm về quá trình hình thành đề tài và các công đoạn trước đây (trao đổi, nghiệm thu thông qua đề cương chi tiết, sự tham gia của các tác giả và các cộng tác viên, thời gian cụ thể cho việc biên soạn, dự kiến số lượng trang bản thảo, kinh phí …). Nhận lời tham gia nhận xét bản thảo cuốn sách này vào thời điểm đã qua đợt kỷ niệm nghìn năm Thăng Long hơn nửa năm rồi, nghĩa là cảm xúc lễ lạt cũng đã trôi qua rồi, có cái dễ mà cũng có cái khó. Đọc ngót ba trăm bốn mươi trang bản thảo, dấy lên trong tôi những ấn tượng và xúc cảm trái chiều. Bối rối không biết viết nhận xét như thế nào. Những ý kiến trình bày tiếp theo đây đề nghị được coi như kết quả của một sự “đọc vô tư” nhưng rất có thể cũng là “chưa am tường sự lý”.

2.- Bàn lại đôi chút về đề tài, thể loại sách và những thách thức đối với tác giả công trình:

Để bàn lại chuyện này, tôi có đọc lại bản Đề cương chi tiết mà NXB gửi kèm, biên bản góp ý - nghiệm thu đề cương chi tiết đó. Đề tài cuốn sách được xác định không muộn, Ban Giám đốc tâm đắc và ủng hộ, tất cả các thành viên nghiệm thu đề cương cũng vậy. Ấy nhưng điều tôi phân vân lớn nhất nằm ngay chính “thể loại” của cuốn sách. Nếu là một đề tài khoa học, thì đương nhiên, phần “cảm”, dù sao mặc lòng, phải bị hạn chế tối đa, còn nếu là một tùy bút, thì cuốn sách phải đạt tới sự chiêm nghiệm sâu sắc, những phát hiện đột khởi hoặc một cảm hứng chủ đạo được duy trì “nhất khí quán hạ”.

Tôi có niềm tin rằng tác giả cuốn sách đã không thực sự hình dung về những khó khăn, thách thức mà mình sẽ bắt gặp một khi “vào cuộc”. Cứ như biên bản nghiệm thu đề cương chi tiết cho thấy, thì phần lớn các thành viên Hội đồng đều xác định rằng đây là một “đề tài khoa học”. Đích cuối cùng mà tác giả phải đạt tới là đưa lại cho độc giả những hiểu biết cơ bản, toàn diện, có hệ thống và nhất là chỉ ra những đặc điểm đích thực làm nên cái gọi là “cốt cách kẻ sĩ Thăng Long”. Bằng vào kết quả cuối cùng thể hiện qua bản thảo đang nghiệm thu ở đây, tôi e rằng tác giả chưa đáp ứng được mục tiêu đó.

3.- Trừ phần mở và phần kết, cuốn sách theo dự kiến được bố cục thành ba chương. Trong sản phẩm, ta nhận được 5 phần có đánh thứ tự bằng chữ số La Mã rành mạch. Vậy là bố cục lại, hay những phần nào đó là nằm trong một chương nào đó? Tác giả đặt titre cho các mục, nhưng không đặt tên cho các phần, thành thử rất khó “quy kết”. Ba chương, bốn chương hay năm chương, đều “không sao”, nhưng ít ra nên có lời “phi lộ” ở đâu đó?

4.- Thăng Long là một địa danh, dù đặc biệt đến đâu chăng nữa cũng không thể trở nên phiếm định hoặc vô định. Trước khi trở thành thủ phủ, rồi thành kinh đô, Thăng Long cũng từng là một địa phương bình thường như nhiều địa phương khác. Kể từ thời điểm được Lý Công Uẩn chọn làm “nơi thượng sư của đế vương muôn đời”, Thăng Long mới từng bước từng bước khẳng định vị trí đặc biệt, thậm chí có thể nói là “độc nhất vô nhị” giữa các địa phương trong cả nước. Trong khoảng trên dưới một thế kỷ, từ thời điểm Lê Chiêu Thống chạy hẳn khỏi kinh đô, cho tới tận lúc người Pháp đặt phủ Toàn quyền Đông Dương, Thăng Long mất đi phần nào tầm quan trọng vốn đã kiến tạo được  trước đó. Nhưng kể từ thời điểm Hà Nội trở thành nơi đặt phủ Toàn quyền, thì địa danh này trên thực tế đã phục hồi lại vị thế từng có (là địa phương đặc biệt và quan trọng nhất nước ấy). Trong hơn một ngàn năm, Thăng Long có nhiều phen biến đổi về diên cách. Lần biến đổi lớn nhất về diên cách địa lý lại chính là gần đây nhất, chỉ mới vài ba năm. Tuy nhiên, một khi tác giả xác định mốc dừng lại về thời gian của sự khảo sát là Cách mạng tháng Tám 1945, thì tác giả hoàn toàn có quyền (hay từ một góc nhìn khác, lại là “không được phép”) không bàn về Thăng Long như là Hà Nội mới!

Tác giả, vì vậy, cần bàn về một địa phương Thăng Long cụ thể, với sự minh định rõ ràng về các chiều kích không - thời gian.

Tôi không thấy có sự giới thuyết này.

“Kẻ sĩ”, - dù tác giả công trình có tin tưởng rằng nội hàm của từ này không đồng nhất với nội hàm của bất kỳ một từ - khái niệm nào như “trí thức”, “trí giả”, “sĩ phu”…- nhưng nếu đưa ra để bàn như một từ đang trên đường “khái niệm hóa” thì nhất thiết phải có thao tác đi dần tới chỗ một định nghĩa. Mà định nghĩa, có nghĩa là đi tìm “nghĩa khu biệt”. Thao tác bình tán, cảm nhận không thay thế được thao tác này.

Kẻ sĩ Thăng Long” xuất hiện từ bao giờ, đó là một câu hỏi quan trọng đã được đặt ra để trả lời. Nhưng do không minh định nội hàm “kẻ sĩ”, nên câu trả lời trở nên mơ hồ, lúng túng. Thà là tìm câu trả lời cho câu hỏi “tầng lớp trí thức Thăng Long”, câu trả lời lại còn dễ tìm thấy hơn! “Kẻ sĩ” là loại hình nhân cách hay là nhóm xã hội? Chính đây là một câu hỏi có ý nghĩa cốt tử. Chỉ sau khi làm rõ điều đó, mới có thể tiếp tục bàn sâu hơn được về thành phần, kết cấu nội tại, đường ranh giới giữa “kẻ sĩ Thăng Long” với kẻ sĩ của Tứ trấn, với kẻ sĩ “vùng sâu vùng xa”…

Về mặt từ nguyên, cùng sự biến đổi lịch sử của từ “kẻ”, có lẽ cần có một sự khảo chứng nghiêm túc và rốt ráo hơn nữa.

Dù hình dung theo cách nào đi nữa, thì “kẻ sĩ Bắc Hà” hay “sĩ phu Bắc Hà” phải thuộc “vòng ngoài”, thuộc “hệ thống mẹ”, đương nhiên không thể lấy đặc điểm chỉ của một “hệ thống con” mà suy rộng ra. Ngược lại, không có cơ sở để cho rằng “hệ thống mẹ” có đặc trưng gì thì “hệ thống con” cũng chuyển tải đặc trưng ấy.

Tôi khó “nhặt” ra trong công trình này một danh sách những đại diện điển hình cho “kẻ sĩ Thăng Long”. Tác giả gắn mác “Thăng Long” cho quá nhiều người, một số khá đông đảo được tác giả bàn đến rất sâu lại không thể nào coi là “kẻ sĩ Thăng Long” được. Nguyễn Công Trứ là một ví dụ.

Nhưng có một giai đoạn “kẻ sĩ Thăng Long” thực sự đã làm nên một phong trào, một biến cố lịch sử, đó là Đông Kinh nghĩa thục, thì không hiểu sao tác giả không bàn tới.

5.- Kết luận cuối cùng phụ thuộc vào ý kiến chung của cả Hội đồng nghiệm thu. Về phần mình, tôi coi quan trọng nhất là góp với tác giả một số điều tôi coi là thiết cốt. Trong văn bản được NXB chuyển tới, tôi có ghi chú rất nhiều ý kiến và đề nghị cụ thể, xin chuyển  lại cho tác giả tham khảo.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá